Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Vườn nổi INLE

Vườn nổi INLE

- Nguyễn Ngọc Giao published 08/09/2013 17:25, cập nhật lần cuối 08/09/2013 17:25
Ký sự Myanmar (3)


Ký sự Myanmar (3)


Vườn nổi Inle


Nguyễn Ngọc Giao



Tôi không chọn viết về  ba cố đô Yangon, Bagan và Mandalay với những chùa tháp huy hoàng tráng lệ, mà xin giới thiệu vùng hồ Inle (còn viết là Inlay, đọc là "in lê"). Không phải vì Inle không có chùa. Tất nhiên chùa ở đây không nhiều và lớn bằng ba nơi kia, nhưng đi thuyền "đuôi tôm" 20 km từ nam chí bắc, nhìn khắp chân trời, đâu đâu cũng thấy tháp vàng mọc lên. Inle có ngôi chùa Phaung Daw Oo nổi tiếng với năm pho tượng Phật đã biến dạng, mỗi tượng Phật ngồi trên tòa sen đã biến mất dưới những lớp vàng lá mà Phật tử dát lên thành một quả cầu vàng đặt trên một quả cầu vàng lớn hơn (Phật tử đây là đàn ông : đàn bà không được lại gần tượng Phật, muốn dát vàng, phải nhờ đàn ông -- Bao giờ Aung San Suu Kyi hoàn thành được cuộc cách mạng dân chủ ở ngôi chùa này ?). Riêng tôi rất thích ngôi chùa kiêm tu viện Nga Phe Chaung (Chùa Mèo Nhảy) : mái tôn sét rỉ cần được tân trang, nhưng tất cả rường cột, sàn nhà đều làm bằng gỗ tếch, bước vào chùa, nhìn từ gian này sang gian kia, bỗng tìm lại được bầu không khí thân thiện, bình dị của ngôi chùa Việt Nam. Vài ngôi tượng Phật ngồi trên ngai thờ, thoáng nụ cười Quan Âm, hiền hòa, khoan dung, khác hẳn nụ cười bí ẩn ảnh hưởng Ấn Độ...

tuongvang
     Những pho tượng Phật biến mất dưới những lá vàng ròng           
(chùa Phaung Daw Oo, Inle)
chuameo
Những chú mèo  ở chùa Nga Phe Chaung

Tôi chọn Inle vì cảnh quan vùng hồ, vì đặc tính con người ở đây và sự độc đáo của môi trường sinh thái.

Inle là hồ nước ngọt lớn thứ nhì của Myanmar, diện tích 120 km vuông (lớn gấp 24 lần Hồ Tây, 18 lần Hồ Ba Bể), dài 20 km, bề rộng lớn nhất 10 km, ở độ cao 800 mét, mực nước sâu 2,5 m (mùa khô) - 10 m (mùa mưa). Nằm giữa một lòng chảo, chung quanh là núi, hồ Inle ở ngang vĩ tuyến với Hải Phòng, nhưng có khí hậu của Đà Lạt.

nonxanh

Dễ hiểu là vùng này đã trở thành nơi cung cấp nhiều loại rau quả, hoa lá cho cả nước Miến Điện : cà chua, cà tím, hoa cúc, đậu Hà Lan... Ngoài chợ, những rau quả xanh tươi mời mọc khách, như từ những trang Thạch Lam bước ra. Nhưng điều độc đáo của Inle là : những sản phẩm ấy không hái từ những thửa vườn quanh hồ, mà từ những luống vườn nổi hiện nay chiếm một phần ba mặt hồ. Người chủ của những vườn nổi đó là dân tộc Intha (nghĩa là : những đứa con của hồ nước).

Theo các nguồn sử liệu, tộc người Intha tới đây vào khoảng thế kỉ XII : hồ Inle nằm chính giữa bang Shan, đất đai từ ven hồ đến chân núi đã có người ở và canh tác cả rồi. Thế là những đứa con của hồ nước đã sáng tạo từ lòng mẹ một lối canh tác có một không hai trên thế giới : họ vớt rong rêu từ đáy hồ, hòa trộn với những đám bèo lục bình bồng bềnh trên mặt nước, sắp xếp thành những luống vườn nổi, đổ đất lên đó, rồi gieo trồng. Từng luống vườn thẳng hàng, cố định nhờ những cọc tre đóng dọc theo bờ luống, cố định nhưng lên xuống theo mực nước. Bằng những con thuyền đáy phẳng, người Intha đi từng luống này sang luống kia, chăm sóc thửa vườn của mình. 

vuonnoi

Người Intha còn là những ngư dân. Phải nói tới dáng đứng Intha độc đáo : một chân đứng thẳng trên mạn thuyền, một chân khua mái chèo, hai tay đơm cá. Thế đứng thẳng cho phép ngư dân thấy rõ luồng cá và tránh cho thuyền khỏi mắc kẹt vào những đám rong rêu. Hồ Inle có khoảng mười loại cá nước ngọt, trong đó có giống cá chép nổi tiếng.

zangdung

Ngoài nghề vườn, nghề cá nghề tôm, dân tộc Intha còn làm nhiều nghề thủ công khác : cuốn thuốc lá, dệt (sống chung một nghề với phụ nữ Padaung, với vòng cổ dài ngoằng), nữ trang bằng bạc, bằng đồng...

padaung

Độc đáo nhất trong những nghề  thủ công của người Intha là dệt tơ sen. Không biết dân ca Intha có bài quan họ Đào tơ sen ngó nào chăng, nhưng phải tới Inle, chúng tôi mới thấy những sợi tơ kéo ra từ cọng sen, được bàn tay khéo léo của người phụ nữ Intha se thành những sợi tơ dài, rồi được quay thành từng cuộn, trước khi chuyển sang khung cửi. Một chiếc khăn quàng cổ làm bằng tơ sen 100 % là thành quả của 120 giờ lao động, 8000 cọng sen..., với giá bán tương xứng : 80 USD. Một cái áo sơ mi dệt bằng tơ sen : 360 USD. Sự thật, sản phẩm chính của tơ sen Inle là những tấm áo quý giá khoác lên những pho tượng Phật ở chùa Shwepadon ở Yangon, hay ở những ngôi chùa nổi tiếng ở Mandalay... (người Intha, cũng như người Shan và dân tộc Miến đa số, đều theo đạo Phật). Bây giờ, Myanmar mở cửa. Bên cạnh công ti Total nhắm khai thác dầu khí (kể cả dưới thời độc tài quân sự), bây giờ có cả những công ti thời trang cao cấp. Nghe đâu Isabel Marant đang nhăm nhe độc chiếm món tơ sen này. Cuộc chạy đua giữa niềm tin Phật giáo và hơi đồng đô la bắt đầu trên đất nước Vạn Tháp. 

tosen
8000 cọng sen, 120 giờ lao động để dệt một cái khăn quàng cổ 100% tơ sen


Chúng tôi rời Inle bay về Yangon với những tình cảm lẫn lộn, khâm phục và hi vọng đan xen với lo lắng, ưu tư. Vùng hồ Inle, các dân tộc Shan, Intha, Padaung... sẽ đối mặt ra sao với làn sóng du khách đang tràn tới đây ? Sách vở, báo chí đã bắt đầu báo động về nạn ô nhiễm : từ Inle (nghĩa là Bốn Làng), nay quanh hồ đã có hai mươi làng, nước thải đều đổ vào hồ (nghe nói chỉ có vài khách sạn sang trọng là có thiết bị xử lý nước thải), bèo lục bình bắt đầu xâm lấn mặt hồ. Nhưng phải nói suốt một ngày đi thuyền dọc ngang hồ Inle, tôi thấy nước hồ còn trong xanh, và chỉ thấy có một vỏ chai plastic nổi bồng bềnh. Unesco đã phát động một phong trào tẩy chay "du lịch sở thú", lôi kéo du khách tới những cửa hàng dệt với những phụ nữ đeo vòng cổ cao vút. Bản thân phụ nữ Padaung trẻ cũng có phong trào bỏ đeo vòng cổ, nhưng phụ nữ đứng tuổi không dễ từ bỏ một tập quán lâu đời. Vườn nổi Inle cho đến nay cung cấp rau quả sạch, phân bón tự nhiên. Với sức ép của tăng trưởng kinh tế, liệu Inle có cưỡng lại làn sóng "phân bón", "thuộc trừ sâu", "thuốc bảo quản" tràn ngập từ Vân Nam, qua Mandalay, tràn xuống đây ?

tanhoc
tanhocve
Hồ Inle giờ tan học

Rồi cuộc sống hiền hòa giữa các dân tộc, liệu sẽ được duy trì, hay sẽ nổ bùng trong những cuộc xung đột sắc tộc thực ra chưa hề chấm dứt ? Bên kia dãy núi, tình trạng thiếu an ninh vẫn âm ỉ, những "mặt trận giải phóng" tiếp tục hoạt động, dính với nạn ma túy. Trong dân tộc đa số -- người Miến -- xem ra sự kỳ thị các dân tộc thiểu số vẫn tiềm tàng. Vấn đề không đơn giản : dưới thời thực dân Anh, sau khi "tách" Miến Điện khỏi "đế chế Ấn Độ" (vào giữa thập niên 1930, với mục đích không giấu giếm là ngăn chặn ảnh hưởng của phong trào Gandhi), nhà cầm quyền Anh đã thành lập một "quân đội bản xứ", nhưng đa số lại là bính lính thuộc các dân tộc thiểu số. Chính sách chia để trị của Sư tử Anh đã được nâng thành nghệ thuật. Chủ trương bình đẳng dân tộc của Aung San khi Miến Điện giành được độc lập vẫn còn ở mức lí thuyết. Nước Myanmar từng bước từ bỏ chế độ quân phiệt, tiến lên nền dân chủ, sẽ thực hiện được chủ trương tốt đẹp đó không ? Bản lĩnh của Aung San Suu Kyi trong mấy chục năm qua cho phép chúng ta hy vọng. Một niềm hy vọng chen lẫn lo âu. Lo âu khi thấy bà "The Lady" (Aung San Suu Kyi) im lặng kéo dài trước vụ những nhóm Phật tử cực đoan tàn sát người Hồi giáothuộc dân tộc Rohingya, không những ở vùng biên giới Bangla Desh, mà ngay ở trung tâm thành phố Yangon.

7.9.2013

Nguyễn Ngọc Giao


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss