Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Đại sứ Nguyễn Trung trả lời phỏng vấn

Đại sứ Nguyễn Trung trả lời phỏng vấn

- Nguyễn Trung — published 02/10/2007 08:55, cập nhật lần cuối 03/10/2007 13:22
nhân dịp Việt Nam vào Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc


Hậu thuẫn của toàn dân
và của công luận thế giới

Nguyễn Trung


1. Theo nhìn nhận của ông, Việt Nam sẽ thu được lợi ích gì cho dân tộc và cho mỗi người dân bình thường khi tham gia vào HĐBA Liên Hợp Quốc?

Vâng, tôi cũng hỏi mình như vậy, nhưng xin gợi một hướng suy nghĩ khác: Quyền và nghĩa vụ. Cái lợi với ý nghĩa tốt đẹp nhất gắn liền và chỉ có được với thực hiện đầy đủ nhất quyền và nghĩa vụ. Có thể nói thô thiển như sau: Liên Hiệp Quốc là thể chế chung toàn cầu cao nhất đối với mọi quốc gia trên thế giới, nơi chăm lo các mối quan hệ và xử lý những vấn đề  chung toàn cầu cũng như những vấn đề giữa các quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc (HĐBALHQ) là tổ chức của Liên Hiệp Quốc có đặc trách đối với những vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh của thế giới – hai vấn đề trọng đại nhất của đời sống cộng đông quốc tế. Trên thực tế HĐBALHQ cũng là tổ chức có nhiều quyền lực nhất trong LHQ (thường chỉ sau Đại hội đồng LHQ). Theo Hiến Chương, HĐBALHQ có 5 ủy viên thường trực là Trung Quốc, Pháp, Liên Bang Nga, Anh, Mỹ, có quyền phủ quyết; và 10 thành viên không thường trực với nhiệm kỳ 2 năm do Đại hội đồng LHQ thường niên bầu ra; kỳ này Việt Nam ứng cử và dự kiến sẽ được bầu làm ủy viên không thường trực của HĐBALHQ khóa 2008-2009. Là thành viên không thường trực của HĐBALHQ, Việt Nam có quyền và nghĩa vụ tham gia trực tiếp vào những công việc của Hội đồng. Thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình góp phần vào giữ gìn hòa bình và an ninh của thế giới sẽ có lợi chung cho cộng đồng quốc tế, mà như thế cũng là có lợi riêng cho nước ta. Hơn thế nữa, qua thực hiện tốt chức năng thành viên như vậy, uy tín quốc gia sẽ được nâng cao và được cộng đồng thế giới nhìn nhận là đối tác tin cạy. Vậy xin nhắc lại, cái lợi với nghĩa đẹp nhất gắn liền và chỉ có được với thực hiện đày đủ quyền và nghĩa vụ.

Mọi người chờ đợi, vào trung tuần tháng 10, Việt Nam sẽ trở thành uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (khoá 2008-2009). Nhân dịp này ông Nguyễn Trung, nguyên đại sứ VN tại Thái Lan, trả lời phỏng vấn của VietNamNet. Diễn Đàn xin đăng lại toàn văn những phát biểu của Nguyễn Trung trước khi bài phỏng vấn bị "biên tập".

2.  Lợi ích quốc gia được hiểu là: an ninh, phát triển và ảnh hưởng. Vậy trong trường hợp tham gia HĐBA, lợi ích quốc gia của Việt Nam như thế nào ?

Tham gia HĐBA, bằng cách chăm lo chung các vấn đề của hòa bình và an ninh trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới, Việt Nam có điều kiện nâng cao uy tín và ảnh hưởng của mình. Đương nhiên nước ta cũng có điều kiện trực tiếp hơn chăm lo đến những vấn đề có liên quan đến hòa bình và an ninh của quốc gia mình, có thể lên tiếng kịp thời, trực tiếp ngay trong HĐBA hoặc trong các sinh hoạt khác của LHQ khi nước ta thấy cần phải làm như vậy. Nói riêng trong khu vực nước ta đang sống, hàng ngày có rất nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến hòa bình và an ninh giữa các quốc gia trong vùng, trong đó có những vấn đề liên quan trực tiếp đến những lợi ích căn bản của nước ta – từ hợp tác, buôn bán, đầu tư, đến những vấn đề an ninh khu vực, những tranh chấp song phương hoặc đa phương… Tiếng nói của ta với tư cách thành viên HĐBA ắt có trọng lượng hơn trước; đương nhiên đó phải là tiếng nói hợp với công lý và xu thế tiến bộ của nhân loại.

3. Trên thực tế, nhiều nước nhỏ khi tham gia HĐBA đã không phát huy được vai trò của mình, ngược lại, phải chịu sức ép từ các nước lớn. Vậy Việt Nam phải làm gì và có thể làm gì để không rơi vào tình trạng đó ?

Cuộc sống thường vẫn bị chi phối bởi quy luật thép: Mạnh được yếu thua, khôn sống dại chết. Sống thì phải chấp nhận sống với quy luật này và đừng nên chờ đợi vào sự hảo tâm hay lòng thương hại nào. Không có bản lĩnh sống với quy luật này thì cũng xứng đáng bị nó khuất phục. Điều quan trọng là ngày nay, sang thế kỷ 21, mạnh và yếu, khôn và dại khác với thế kỷ 20 nhiều lắm. Thế kỷ 21 còn đang được coi là sẽ trở thành thế kỷ của châu Á; mạnh và yếu, khôn và dại.., nước ta phải nhìn vào xu thế này mà xác định, mà tiên liệu, mà lựa chọn quyết định. Việt Nam là một nền kinh tế đang lên trong một châu Á đang đòi hỏi sự phát triển năng động, nếu sự phát triển của nước ta đáp ứng được đòi hỏi chung này của châu lục, cái yếu của ta sẽ bớt yếu hoặc trở thành mạnh – ví dụ Việt Nam đang được coi là một đối tác nhiều tiềm năng, thị trường Việt Nam đang có nhiều sức hấp dẫn. Nhưng nếu Việt Nam là một đối tác không đáp ứng đòi hỏi hợp tác này của châu Lục, chắc chắn nước ta sẽ bị gạt sang bên lề. Vậy mạnh và yếu ở đây không phải là hiểu theo cách so sánh các đại lượng tuyệt đối, mà cần được nhìn nhận từ góc độ làm chủ được xu thế phát triển. Hơn nữa, thế giới không chỉ có châu Á, vậy nước ta còn phải tìm cách đi mạnh mẽ với xu thế chung của cả thế giới.

4. Việt Nam có điều kiện thuận lợi nào để thực hiện nghĩa vụ của một thành viên HĐBA ?

ngtrung

Nguyễn Trung, hè 2006
Hội thảo Berkeley (Diễn Đàn)

Thẳng thắn mà nói chúng ta vẫn còn là một nước nghèo, song nước ta có nhiều thuận lợi lớn riêng so với nhiều quốc gia khác để thực hiện nghĩa vụ thành viên HĐBA của mình. Trong con mắt cộng đồng quốc tế, Việt Nam được coi là người đấu tranh kiên cường cho độc lập và cho hòa bình, không chịu khuất phục trước cường quyền, là nước có tiếng nói độc lập tự chủ về nhiều vấn đề quan trọng trên thế giới. Tự bản thân nước ta không có và không mưu cầu những tham vọng phương hại cho bất kỳ quốc gia nào. Đấy là những thuận lợi lớn. Nước ta đã từng có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết những vấn đề của hòa bình và an ninh trên thế giới và trong khu vực có liên quan đến nước ta; bản thân nước ta hiện nay tự mình cũng có một vai trò được đánh giá cao đối với hòa bình và an ninh trong khu vực. Đấy là những yếu tố nên phát huy. Ngày nay với nghĩa vụ là thành viên HĐBA trách nhiệm của nước ta càng lớn. Cuộc sống cũng có một nguyên lý khác nữa: Có cho thì mới có nhận. Nước ta có dấn thân vì hòa bình và an ninh của thế giới, thì mới được thế giới nể trọng, ủng hộ. Nói một cách khác, tôn trọng lẽ phải và dấn thân cho xu thế tiến bộ, không sợ các nước lớn, không sợ cái nghèo của mình, không giữ lập trường ba phải chung chung, có bản lĩnh phát huy vị thế của nước ta phục vụ cho hòa bình và an ninh, đó là cách tốt nhất để nước ta làm tốt nghĩa vụ quốc gia thành viên HĐBA. Đấy cũng là cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia chính đáng của mình.

5. Ý nghĩa của việc tham gia HĐBA đối với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam như thế nào ?

Trách nhiệm tham gia xử lý các vấn đề của hòa bình và an ninh trên thế giới chắc chắn sẽ mang lại cho nước ta nhiều kinh nghiệm và trau giồi bản lĩnh cần thiết của nước ta cho quá trình hội nhập. Cuộc sống thế giới hàng ngày nảy sinh không biết bao nhiêu vấn đề mới phải cọ sát, phải xử lý, muốn thế nước ta cũng phải tự mình nâng mình lên trên mọi phương diện để bắt kịp - đây mới thực sự là vấn đề gian khổ nhất. Không phải là thành viên HĐBA nước ta cũng phải đối mặt thường xuyên với những thách thức như thế, nay trở thành thành viên, lại càng như vậy. Nhìn theo khía cạnh này hai năm tới còn là một “khóa học” rất quan trọng đối với đất nước trong quá trình hội nhập ngày càng sâu vào quá trình toàn cầu hóa.

6. Việt Nam cần lưu ý gì khi tham gia HĐBA ?

Chắc chắn sẽ có không ít những vấn đề gay cấn của hòa bình và an ninh trên thế giới đòi hỏi Việt Nam phải có trí tuệ đưa ra quan điểm đúng, phải có bản lĩnh vượt qua sức ép của bất kỳ ai hoặc của bất kỳ hoàn cảnh nào để nói lên tiếng nói đúng – lấy một số ví dụ: Vấn đề chống khủng bố, vấn đề tranh chấp lãnh thổ, vấn đề chiến tranh sắc tộc, vấn đề vũ khí hạt nhân, vân vân... Trí tuệ và bản lĩnh là không thể thiếu được! Diễn văn vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp ĐGĐLHQ đã nói lên rất rõ quan điểm, lập trường và bản lĩnh của nước ta.

7. Gánh nặng của HĐBA sẽ đè lên vai các nhà ngoại giao. Theo ông, các nhà ngoại giao Việt Nam đã được chuẩn bị sẵn sàng hay chưa? Liệu họ có đáp ứng được yêu cầu của công việc? Và Việt Nam cần chuẩn bị gì thêm cho các nhà ngoại giao Việt Nam ?

Cả đời người gắn bó với ngành ngoại giao, tôi hiểu sức nặng của những câu hỏi này. Tôi chỉ xin nói ngắn: Đất nước cần trí tuệ và bản lĩnh trên mặt trận này, đấy cũng là đòi hỏi khắt khe nhất đối với người cán bộ ngoại giao ngày nay của đất nước.

8. Theo ông, ứng cử cho vị trí trong HĐBA LHQ vào thời điểm này với Việt Nam có phải là quá muộn khi các nước trong khu vực của chúng ta đã vào nhiều lần? Liệu trong lịch sử, Việt Nam đã bao giờ bỏ lỡ cơ hội để tham gia vào vị trí quan trọng này ?  

Không có chuyện muộn mằn ở đây. Thời cơ bây giờ mới đến. Cờ đã đến tay, tôi nghĩ cả nước phải cố đồng tâm nhất trí vươn lên phất cao, làm tất cả để có đồng tâm nhất trí cao – sức mạnh đích thực của nước ta – để phất cao. Tạo ra sự hậu thuẫn của toàn dân, tập hợp được công luận thế giới về phía mình, cả thế giới sẽ hậu thuẫn mạnh mẽ nước ta với tư cách mới trong LHQ./.

NGUỒN :  Mục Kinh tế trên mạng Viet-Studies của Trần Hữu Dũng


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss