Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Đàn áp báo chí

Đàn áp báo chí

- P.Q. — published 04/11/2006 15:43, cập nhật lần cuối 13/03/2007 23:03
Đóng cửa 4 tờ báo, phạt tiền nhiều tờ khác, và rút thẻ báo chí của nhà báo là những biện pháp mới đây của chính quyền. Vì họ vi phạm "luật báo chí" hay là, chiều hôm trước của hội nghị APEC, chính quyền muốn khoá miệng báo chí ?


Tháng 10 đen của báo chí

Phong Quang


Tháng 10.2006 quả là tháng 10 đen của báo chí Việt Nam. Bốn tờ báo đã bị đình bản (có thời hạn hay vô thời hạn), tám tờ khác bị phạt tiền, một số nhà báo bị rút thẻ. Đó là mặt công khai. Kín đáo hơn là những lệnh miệng cấm đoán báo chí nói tới một số đề tài.

Vì sao bốn tờ báo bị đóng cửa ? Theo văn bản chính thức (do thứ trưởng Bộ văn hoá và thông tin Đỗ Quý Doãn kí ngày 21-10) thì tạp chí Kinh doanh và Sản phẩm (do Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam làm chủ quản) bị đình bản vì "không thực hiện đúng mục đích, tôn chỉ đã ghi trong giấy phép, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội". Theo nguồn tin "ngoài luồng" thì tạp chí này đã đăng một loạt bài "mách nước cho cánh đàn ông lão luyện hơn trong chuyện chăn gối" (BBC). Nhưng dường như đây chỉ là cái lá nho che đậy quyết định đình bản ba tờ báo khác : Công Lý của Toà án Nhân dân Tối cao, Thời Đại, cơ quan của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, và cuối cũng là tạp chí Thế Giới, phụ san của tuần báo Quốc Tế do Bộ ngoại giao làm chủ quản. Lí do Cục báo chí Bộ văn hoá và thông tin viện dẫn để đóng cửa Thế Giới là tờ báo này được cấp giấy phép để "thông tin về quan hệ đối ngoại" mà lại "đưa ra những thông tin vô ích" (AFP). "Thông tin vô ích" đối với Bộ văn hoá và thông tin là những lá thư bạn đọc phê phán vụ "tiền polymer" mà người trách nhiệm chủ chốt là ông Lê Đức Thuý, uỷ viên trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, thống đốc Ngân hàng nhà nước. Vụ "tiền polymer" cũng chính là lí do dẫn tới quyết định đình bản Công LýThời Đại : theo các quan chức Bộ văn hoá, hai tờ báo này tiếp tục đưa tin về vụ "tiền polymer" sau khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra chỉ thị cho báo chí "ngừng" nói về đề tài này. 

Polymer là một loại chất dẻo mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dùng để in tiền mới, nhanh chóng thay thế loại tiền in trên giấy "cotton" vẫn được lưu hành cho đến nay. Trong những tháng qua, báo chí đã phê phán khá mạnh mẽ vì việc in ấn chất lượng kém, giá thành lại quá cáo. Nghiêm trọng hơn, ông Lê Đức Thuý, thống đốc NHNH, lại có con trai là Lê Đức Minh làm việc ở công ti đã trúng thầu in loại tiền polymer. Đây không phải là xì-căng-đan duy nhất có liên quan tới ông Thuý : sau khi báo chí phanh phui, ông Thuý đã phải "xin trả" ngôi nhà 6, Lý Thái Tổ của Ngân hàng mà ông đang được mua với giá rẻ. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước còn đang bị điều tra về ít nhất 6 vụ việc khác mà ông Thuý bị tố cáo là có dính líu.

Như đã nói trên, song song với quyết định đình chỉ 3 tờ báo, Bộ VHTT "đang tiếp tục xem xét để có các hình thức xử lí nghiêm khắc đối với các cơ quan báo chí và các cá nhân có liên quan trong việc cho đăng tin, bài có nội dung sai phạm" (tin VNN), trước mắt là các báo : Nhà Báo và Công Luận, Sàigòn Tiếp Thị, Người Lao Động, Tuổi Trẻ, Thanh NiênAn Ninh Thủ Đô. Các hình thức đó là : phạt tiền các báo và rút thẻ báo chí của một số phóng viên và kí giả.

Các quyết định nói trên đã gây xao xuyến trong giới báo chí. Một số nhà báo đã tính đến kí kiến nghị, hai tờ Công LýThời Đại tính khiếu kiện trước toà án hành chính.

Điều cần nhấn mạnh là lí do nhà cầm quyền nêu ra ("an ninh tiền tệ quốc gia") để cấm báo chí đưa tin về vụ "tiền polymer" không đứng vững : chính bản thân những yếu kém (nếu có của tiền giấy này) mới làm suy yếu "an ninh tiền tệ", và những cấm đoán được hiểu như là bao che lẫn nhau mới càng làm cho dư luận không tin vào ý muốn của chính phủ trong việc đấu tranh chống tham nhũng và trộm cắp của công.

Bằng chứng là trong cuộc họp "giao ban" cuối tháng 10, các quan chức của Ban tư tưởng và văn hoá trung ương ĐCSVN và của Bộ văn hoá thông tin đã ra lệnh cho tổng biên tập các báo rằng "từ nay cho đến khi APEC diễn ra" (trung tuần tháng 11.2006), các báo không được "đưa thông tin nhiều" về các vấn đề bức xúc trong xã hội, đặc biệtlà "các vụ tự tử, giết người kiểu xã hội đen", và, có ý nghĩa hơn nữa : "không thông tin gì thêm" về việc "hoá giá một số nhà biệt thực, công vụ".

Cấm không cho nói tới tham nhũng, phải chăng đó là biện pháp "chủ đạo" mà chính quyền thi hành để... chống tham nhũng ?

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us