Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Đọc Việt Nam từ 2011

Đọc Việt Nam từ 2011

- Hải Vân — published 01/12/2011 00:00, cập nhật lần cuối 20/01/2012 14:07

Đọc sách


Trần Văn Thọ


Việt Nam từ năm 2011


Hải Vân



Trong các sách viết về kinh tế Việt Nam và xuất bản ở trong nước năm 2011, đáng chú ý nhất có lẽ là Việt Nam từ năm 2011 của Trần Văn Thọ, giáo sư trường đại học Waseda ở Tokyo, Nhật Bản, uỷ viên Hội đồng tư vấn kinh tế của nhiều thủ tướng Nhật Bản, đồng thời là thành viên Tổ tư vấn cải cách kinh tế và hành chính của thủ tướng Võ Văn Kiệt (1993-1997) và cộng tác viên Ban nghiên cứu của thủ tướng Phan Văn Khải (1998-2004). Do Tri Thức xuất bản, ấn phẩm mới này của Trần Văn Thọ tập hợp những bài viết trên báo và tạp chí tiếng Việt trong thời gian mười năm qua - 46 văn bản đa dạng, không chỉ thuần kinh tế mà còn bàn về giáo dục, văn hóa, xã hội, thời sự… -, tất cả đều thể hiện những suy nghĩ mang tính chiến lược của tác giả về sự phát triển kinh tế của Việt Nam, được soi sáng bởi kinh nghiệm của những nước Đông Á đã đi trước : Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, những nước ASEAN (xem lời tựa và mục lục trên Diễn Đàn : http://www.diendan.org/Doc-sach/viet-nam-tu-nam-2011/).


Tiểu tựa « Vượt lên sự nghiệt ngã của thời gian » của quyển sách nói lên vấn đề bao trùm làm tác giả trăn trở bấy lâu nay : đối với Việt Nam, dòng chảy thời gian vô cùng nghiệt ngã bởi, cho đến nay, nó biểu hiện ra thành một sự « tụt hậu » của nước ta so với các nước cùng khu vực trên nhiều lãnh vực. Mà sự tụt lùi tương đối này không thể viện cớ hậu quả của cuộc chiến tranh kết thúc năm 1975, tức là đã hơn 35 năm ; cũng không thể viện lẽ tác hại của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung mà Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã từ bỏ năm 1986, tức là đã 25 năm. Tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến sự tụt hậu đối với Trung Quốc bởi tác động trực tiếp của nó trên bình diện chiến lược : so với « cải cách mở cửa » của Trung Quốc năm 1979, công cuộc « đổi mới » của Việt Nam khởi động chậm hơn 8 năm, khi ấy mức phát triển của nước láng giềng phía Bắc không hơn ta nhiều, thu nhập đầu người ở Trung Quốc cao hơn Việt Nam độ 30 % (1984) ; vậy mà hai mười lăm năm sau, Trung Quốc bỏ xa Việt Nam, chênh lệch về thu nhập đầu người giữa hai nước là gấp 3,3 lần (2009). Vấn đề là, trong những điều kiện chính tri - xã hội hiện nay, không có gì cho thấy xu thế này đang được đảo ngược và Việt Nam bắt đầu rút ngắn khoảng cách phát triển với những nước chung quanh.

Tất nhiên, so với thời kỳ trước đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã tăng tổng sản lượng trong nước (GDP) và kim ngạch xuất khẩu với tỷ suất bình quân tương đối cao suốt hai thập niên. Song, nếu xét cơ cấu sản xuất và xuất khẩu thì không có chuyển dịch lên bậc thang cao hơn : Việt Nam vẫn là một nước sản xuất và xuất khẩu nguyên nhiên liệu, nông lâm thuỷ sản và hàng công nghiệp dùng lao động đơn giản, tức là vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị. Điều này biểu hiện rõ nét trong mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc mà Trần Văn Thọ đánh giá là quan hệ kinh tế mang tính chất Bắc – Nam, tương tự như là giữa một nước phát triển và một nước chậm phát triển : Việt Nam xuất chủ yếu những sản phẩm thô hay sơ chế như nguyên liệu và nông sản (hàng công nghiệp chỉ có 12%) và nhập chủ yếu từ Trung Quốc những sản phẩm công nghiệp (75%), đặc biệt là sản phẩm trung gian, linh kiện và máy móc ; nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu đến 4 lần (chưa tính mậu dịch biên giới) và, năm 2009, nhập siêu trong mậu dịch với Trung Quốc chiếm đến 90 % tổng nhập siêu của Việt Nam. Đến năm 2015, cùng lúc với sự bãi bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan đối với hàng công nghiệp trong Khu mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), các hàng công nghiệp của Trung Quốc, theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), cũng sẽ vào Việt Nam mà không còn phải chịu thuế nữa. Nguy cơ trông thấy là cơ cấu công nghiệp hiện tại của Việt Nam sẽ bị cố định hóa, không thể chuyển dịch lên những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Tác giá gọi đó là « bẫy của trào lưu mậu dịch tự do » mà các nước đi sau thường sa vào.

Vượt ngưỡng 1000 USD về GDP đầu người từ năm 2008, Việt Nam hiện được xếp vào nhóm các nước thu nhập trung bình thấp, trong khi Trung Quốc vừa đạt ngưỡng 4000 USD của các nước thu nhập trung bình cao, còn Hàn Quốc thì từ năm 1996 đã bước qua ngưỡng 12000 USD của các nước thu nhập cao. Câu hỏi đặt ra cho Việt Nam là khả năng tiếp tục tăng trưởng để đạt mức thu nhập trung bình cao trong vòng hai mươi năm tới [1], và phát triển vững bền để trở thành nước có thu nhập cao trong thời gian hai mươi năm sau đó. Hay là, tương tự như Philippines, nước ta sẽ vướng vào « bẫy của nước thu nhập trung bình », nghĩa là, sau thời kỳ tăng trưởng nhanh ban đầu, nền kinh tế sẽ có xu hướng dậm chân tại chỗ, trì trệ lâu dài, mất nhiều thập kỷ vẫn không trở thành nước phát triển. Theo đánh giá của Trần Văn Thọ, « khả năng Việt Nam sa vào bẫy thu nhập trung bình rất cao », bởi các tiền đề của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế lên những sản phẩm có hàm lượng kỹ năng cao, hiện nay, hầu như không có. Tác giả đặc biệt nhấn mạnh trên « khí khái, bản lĩnh của nhà lãnh đạo (chính trị), năng lực và đạo đức của quan chức, tinh thần khởi nghiệp và đạo đức kinh doanh của lãnh đạo doanh nghiệp và nỗ lực học tập của xã hội ». Tiền đề này, tất nhiến, có thể được tạo dựng, song nó đòi hỏi một cuộc cải cách toàn diện, những thể chế chính trị và xã hội mới mà, đến nay, ngay ở Trung Quốc, đảng cầm quyền vẫn chưa mạnh dạn dấn thân vào.

Ở Việt Nam, sự thiếu khí khái và bản lĩnh chính trị đã từng làm cho nước ta bỏ mất nhiều thời cơ. Trần Văn Thọ nhắc đến thời cơ đặc biệt thuận lợi của nửa đầu thập niên 1990, cụ thể từ năm 1993 (Võ Văn Kiệt lên đứng đầu chính phủ) : ở trong nước, những cải cách ban đầu cởi trói cho nền kinh tế tư doanh đã làm cho sản xuất và xuất khẩu bung ra ; từ nước ngoài, bên cạnh nguồn vốn vay ưu đãi ODA của các chính phủ, nguồn đầu tư trực tiếp FDI của các doanh nghiệp đã được khai thông ; riêng trong khu vực, sau khi đồng Yen lên giá, công nghiệp hàng xuất khẩu của Nhật Bản di chuyển ồ ạt cơ sở sản xuất đến các nước Đông Á khác. Nhưng vào thời điểm đó, ban lãnh đạo ĐCSVN chia rẽ nhau trên bài học cần rút ra từ sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa và nguy cơ mà Việt Nam phải đối mặt : đặt « nguy cơ chệch hướng » lên trên hết, khuynh hướng « bảo thủ » (với tổng bí thư Đỗ Mười và chủ tịch nước Lê Đức Anh) đã kìm hãm trao lưu đổi mới, giới hạn sự phát triển của khu vực phi quốc doanh nhân danh vai trò chủ đạo của khu vực quốc doanh ; cho rằng « nguy cơ tụt hậu » mới là vấn đề đáng lo nhất, khuynh hướng « đổi mới » (với thủ tướng Võ Văn Kiệt) chủ trương cải cách mạnh mẽ hơn và toàn diện hơn, vươn ra thế giới bên ngoài để tồn tại và phát triển, song không làm nghiêng được cán cân lực lượng trong nội bộ[2]. Kết cục, dòng chảy FDI Nhật Bản đã đổ sang Trung Quốc, Việt Nam hầu như đứng bên lề của quỹ đạo phát triển và phân công ở Đông Á, và sự tụt hậu ngày càng xa của nước ta đã bắt đầu từ đó : « Bỏ mất thời cơ 17 năm trước, Việt Nam đã mất đi cơ hội phát triển ngang hàng với nhiều tỉnh ở ven biển Trung Quốc để bây giờ phải ở vị thế của một nước chậm phát triển so với họ » - Trần Văn Thọ rút kết luận.

Xuất bản đầu năm 2011 vào thời điểm ĐCSVN họp đại hội XI và công bố « Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 », Việt Nam từ 2011 đã làm điều mà văn bản của đảng không làm, tức là đặt tất cả các vấn đề và suy nghĩ, xét mọi mục tiêu và chính sách phát triển của Việt Nam trong mối tương quan chiến lược với các nước Đông Á, trước hết là Trung Quốc. Có thể nói rằng, sau Việt Nam từ 2011, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách kinh tế không thể tiếp tục bàn luận về chiến lược của Việt Nam mà không tính đến mối quan hệ phi đối xứng với Trung Quốc, bao gồm cả, ở cấp vi mô, những doanh nghiệp của nước láng giếng lớn đang lũng đoạn một số hoạt động kinh tế ở nước ta.


Hải Vân


[1] Hình như tác giả viết nhầm khi cho rằng nền kinh tế Việt Nam « đến khoảng năm 2020 có lẽ sẽ đạt mức thu nhập bình quân cao » (trang 85), bởi với thời gian 10 năm (2011-2020) và tỷ suất tăng 7 % (giả thuyết cao) thì GDP đầu người nhân đôi chứ không thể gần 4 lần.

[2] Tư liệu hầu duy nhất, cho đến nay, về cuộc đấu tranh nội bộ này là Bức thư ngày 9.8.1995 của ông Võ Văn Kiệt gửi bộ chính trị (trước đại hội 8 của đảng) do Diễn Đàn công bố trong số báo tháng 1.1996. Năm 2005, trong bản Đóng góp ý kiến và báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn hai mươi năm đổi mới (trước đại hội 10 của đảng), ông có phân tích thêm sự phục hồi của tư duy « tả khuynh » từ sau năm 1989 (xem Diễn Đàn số 155, tháng 10 2005, bài giới thiệu của P.Q.).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss