Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Kiến nghị Chủ tịch Nước ra chỉ thị...

Kiến nghị Chủ tịch Nước ra chỉ thị...

- Diễn Đàn — published 02/11/2012 14:10, cập nhật lần cuối 02/11/2012 18:43
... trả tự do ngay cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên

Giới thiệu


Kiến nghị Chủ tịch Nước ra chỉ thị
trả tự do ngay cho sinh viên
Nguyễn Phương Uyên (*)


NPU

Vụ sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị công an bắt cóc ngày 14.10.2012 về "tội" rải truyền đơn chống Trung Quốc, rồi mười ngày sau mới chịu thừa nhận (xem các bản tin mà Diễn Đàn đã giới thiệu tại đây, đâyđây), cũng như các vụ bắt giam và kết án rất nặng các thanh niên yêu nước khác, hay vụ "mới đây thôi, người viết các bài hát nói lên nỗi phẫn nộ trước việc Trung Quốc gây hấn tại Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông đã bị quy tội là chống nhà nước", "có phải là đã làm xấu gương mặt của đất nước trước thế giới không?".

Câu hỏi được đặt ra với ông Trương Tấn Sang trong một Kiến Nghị gửi Chủ tịch Nước mà nhiều trí thức, nhân sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước vừa công bố hôm nay, 2.11.2012, sau khi đã được truyền đi lấy chữ ký trong hai ngày qua. Câu hỏi khiến người ta nhớ lại ý kiến của giáo sư Ngô Bảo Châu về việc "làm mất thể diện quốc gia" trong vụ án Cù Huy Hà Vũ, và câu kết nổi tiếng của ông trong bài viết ngắn "Về sự sợ hãi" nhân vụ án đó: "Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ." Phải chăng việc bắt cóc một người sinh viên 20 tuổi chỉ phạm "tội" duy nhất là công khai biểu lộ lòng yêu nước của mình, sau nhiều vụ việc khác tương tự, đã tác động tới nhà toán học như một giọt nước làm trào ly, khiến ông chấp nhận ký vào Kiến nghị, dù ông đã ngưng phát biểu công khai về những vấn đề chính trị từ sau bài viết nói trên - kéo theo những nhũng nhiễu quá mức cho tác giả của nó?

Sau khi đã thể hiện sự ủng hộ cho đề nghị chính đáng của các bạn sinh viên cùng trường với Nguyễn Phương Uyên trong "đơn cầu cứu khẩn cấp gửi Chủ tịch Nước để xin can thiệp giúp cho Nguyễn Phương Uyên sớm trở về với gia đình, với trường lớp và thầy cô", các tác giả Kiến nghị xác định vị trí của mình ("Trong chúng tôi cũng có những người đã từng đứng trên bục giảng và hiểu được tâm trạng của tuổi trẻ. Có những người từng là tù Côn Đảo trước 1975") để nhấn mạnh sự đồng cảm với "hành động biểu tỏ khí phách của tuổi trẻ" của Phương Uyên, và đặt thẳng vấn đề thái độ của người lãnh đạo nhà nước đối với hành vi yêu nước đó:

Chẳng phải Chủ tịch Nước, trong các cuộc tiếp xúc cử tri vừa rồi cũng đã nói đến những bức xúc của dân về vấn đề Biển Đông và nhấn mạnh rằng “chủ quyền đất nước là thiêng liêng, chúng tôi không bao giờ lơi lỏng vấn đề này”, đó sao? Khi cháu Phương Uyên cũng như nhiều thanh niên cùng trang lứa với cháu thực hiện ý nguyện đó bằng hành vi cụ thể của mình chứ không bằng những lời nói suông, thì chúng ta phải động viên, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho họ hành động, nếu cần thì đối thoại với họ chứ sao lại dung dưỡng cho sự trấn áp thô bạo nhằm khủng bố và triệt tiêu những tư tưởng và hành vi yêu nước của tuổi trẻ?

Chẳng lẽ bao nhiêu xương máu của nhiều thế hệ Việt Nam đổ ra để rồi đất nước sẽ lại phải chứng kiến những sự kiện Quách Thị Trang, Trần Văn Ơn mới với những hành vi trấn áp bạo tàn mới theo kiểu phát xít hóa đời sống xã hội?

Các tác giả Kiến nghị cũng nhắc lại yêu cầu đã được nêu lên trong các Thư ngỏ, Kiến nghị của trí thức trong nước gửi lên các vị lãnh đạo trong năm nay : “chấm dứt các hành động trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước”, đặc biệt là chấm dứt hành động đàn áp, khủng bố những thanh niên yêu nước đã dám dấn thân vào các hành động cứu nước một cách cụ thể, trong sáng và mạnh mẽ

Kiến nghị viết tiếp:

Trước mắt, chúng tôi đề nghị Chủ tịch Nước đòi cơ quan có trách nhiệm phải công khai giải thích về việc bắt giam cháu Nguyễn Phương Uyên một cách tùy tiện, trái pháp luật. Cũng đã từng có những vụ bắt bớ không theo đúng quy định của pháp luật mà vụ này là thô bạo và trắng trợn nhất, gây phẫn nộ trong công luận trên cả nước và thế giới. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Chủ tịch có chỉ thị cụ thể cho việc xử lý có tình, có lý đối với hành vi yêu nước của một cô gái 20 tuổi đã dám biểu tỏ bằng hành động cụ thể tinh thần dân tộc và lòng căm thù quân xâm lược cho dù hành động đó có bị quy kết vào bất cứ tội trạng nào.

(...)

Vì những lý do đã trình bày ở trên, chúng tôi đề nghị Chủ tịch Nước, với trọng trách của mình, chỉ thị cho các cơ quan có trách nhiệm trả tự do ngay cho cháu Nguyễn Phương Uyên để cháu nhanh chóng trở lại nhà trường, tiếp tục nhiệm vụ học tập như mong muốn của các bạn cháu trong thư gửi Chủ tịch Nước...

Cho rằng "bạo lực và trấn áp không thể nào là phương thuốc chữa trị những yếu kém của tình hình đất nước hiện nay" các tác giả cũng đề nghị Chủ tịch Nước xem xét, rà soát lại những bản án đã xử rất nặng những người yêu nước biểu tỏ sự bất đồng chính kiến bằng tư tưởng mà không có hành vi bạo động nào nguy hại đến lợi ích quốc gia như người ta đã quy kết. Những bản án đó chính là sự phá hoại uy tín của Nhà nước, bôi xấu hình ảnh của Việt Nam trước thế giới hơn bất cứ hành động phá hoại nào mà công an đang ra sức truy lùng và đàn áp.

Kiến nghị chấm dứt với khẳng định mạnh mẽ:

Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật và nói lên sự thật đau xót đó để có những quyết sách an dân khi lòng dân đang phẫn nộ, đặc biệt là thế hệ trẻ, chứ không thể bằng biện pháp "phát xít hóa" đã từng là giải pháp bế tắc mà lịch sử đã cho thấy đó là cách giải khát bằng thuốc độc!

Kiến nghị mang chữ ký của 157 người. Ngoài Ngô Bảo Châu, như đã nói, người ta thấy có giáo sư Hoàng Tuỵ (đứng đầu danh sách), nhiều vị nguyên thành viên viện IDS như các ông Trần Việt Phương, Trần Đức Nguyên, Nguyễn Quang A, Nguyên Ngọc, Nguyễn Trung, Tương Lai, Chu Hảo, Lê Đăng Doanh, Phạm Duy Hiển..., ba người chủ trì trang Bauxite Việt Nam (các ông Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng), nhóm cựu sinh viên tranh đấu ở Sài Gòn trước 1975 như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Hạ Đình Nguyên, Cao Lập, André Menras Hồ Cương Quyết... và nhiều nhân vật tên tuổi khác, như Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, TS Hà Sĩ Phu, TS Tô Văn Trường, cụ Lê Hiền Đức, các nhà văn, nhà thơ Bùi Ngọc Tấn, Tạ Duy Anh, Hoàng Hưng, Thanh Thảo, Bùi Minh Quốc, nhạc sĩ Tuấn Khanh, các nhà báo Tống Văn Công, Huy Đức và nhiều blogger đã tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc mấy năm gần đây. Ngoài nước, có các giáo sư Trần Văn Thọ, Phạm Xuân Yêm, Nguyễn Đăng Hưng, cựu chuyên viên Liên hiệp quốc Vũ Quang Việt v.v.


Diễn Đàn


(*) Những câu, đoạn in nghiêng trong bài là trích từ Kiến nghị. Bạn đọc có thể xem toàn văn Kiến nghị và danh sách người ký trên trang mạng Bauxite Việt Nam, hoặc hạ tải các tệp dưới đây.


Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss