Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Khắc phục những chồng chéo giữa đảng và nhà nước ?

Khắc phục những chồng chéo giữa đảng và nhà nước ?

- Hoà Vân — published 04/02/2007 21:33, cập nhật lần cuối 13/03/2007 21:45
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt cho hội nghị Trung ương 4 đảng Cộng sản Việt Nam là sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tổ chức các ban đảng và các cơ quan nhà nước, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan đảng và nhà nước. Nhưng sắp xếp, tổ chức trên cơ sở nào ?

Khắc phục tình trạng chồng chéo giữa Đảng và Nhà nước ?

       

Theo tổng bí thư Nông Đức Mạnh trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN (khóa X), một trong những nhiệm vụ quan trọng của hội nghị là thảo luận và quyết định một số vấn đề về sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tổ chức các ban đảng và các cơ quan nhà nước, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ... hầu tạo ra "cơ chế vận hành thông suốt trong mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ".

Ngoài ra, hội nghị - họp trong 10 ngày, từ 15 đến 24.1.2007- cũng đã nghe báo cáo và thảo luận về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thảo luận và cho ý kiến về "đề án chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", về "phương hướng bầu cử và chuẩn bị nhân sự Quốc hội khoá XII, và về một số vấn đề khác như lệ thường.

Về việc gia nhập WTO, thông báo của hội nghị nhắc lại nhiều lần những thách thức lớn phải nỗ lực vượt qua mới phát huy được tác dụng của cơ hội này, và nhấn mạnh "quan điểm chỉ đạo của đảng" đối với hội nhập kinh tế quốc tế là "giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ..., giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của đảng...".  Quan điểm đó hẳn đã được thể hiện trong nghị quyết của hội nghị " về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới", nhưng cho tới nay (1.2), hai tuần sau khi hội nghị bế mạc, nghị quyết chưa được công bố, và cũng chưa có nhà lãnh đạo nào hé lộ với báo chí về những nét chính của nó. Liệu có phải, như giả thuyết của Carl Thayer, nhà phân tích chính trị thuộc Học viện quốc phòng Úc, đưa ra trong bài trả lời phỏng vấn của BBC ngày 24.1, việc nhắc lại các cụm từ "giữ vững độc lập, chủ quyền..."  khi hội nghị trung ương bàn về vấn đề gia nhập WTO này là "phản ánh quan ngại lớn trong đảng đối với việc mở cửa hội nhập kinh tế, bị xem là quá nhanh" ? 

Còn về cái gọi là "Đề án chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", hi vọng rằng nó cũng sẽ sớm được công bố để bàn dân thiên hạ biết ban chấp hành trung ương đã được báo cáo những dữ liệu nào, tính toán ra sao để có thể công bố chỉ tiêu phấn đấu " đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP, 55-60 % kim ngạch xuất khẩu của cả nước". Cụ thể đến thế, hoài bão đến thế, nhưng khi được báo Tiền Phong (ngày 16.1.2007) hỏi "Chiến lược" sẽ tập trung vào những lĩnh vực kinh tế biển nào thì ông Bùi Xuân Thắng, trưởng phòng Tổng hợp, viện Chiến lược phát triển, bộ Kế hoạch và đầu tư, thư ký Đề án, lại chỉ có thể nói rất chung chung : " Trước mắt, sẽ tập trung vào khai thác những ngành kinh tế đang có thế mạnh như khai thác chế biến dầu khí, du lịch biển, kinh tế hành hải, khai thác hải sản...". Tiếc rằng nhà báo không hỏi tiếp ông Thắng để biết tỉ trọng hiện nay của những ngành kinh tế biển đó trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân là bao nhiêu, rồi những ngành sắp tới sẽ xây dựng là gì, cần bao nhiêu vốn đầu tư, lấy vốn đó ở đâu, sự chuyển dịch kinh tế - vốn, lao động - từ các ngành nghề khác sang kinh tế biển (góp phần vào thay đổi tỉ trọng nói trên, trừ phi phải hiểu là các ngành kinh tế khác vẫn phát triển như hiện nay, còn kinh tế biển sẽ phát triển với tốc độ cao hơn nữa...) sẽ diễn ra như thế nào, theo lịch trình dự kiến ra sao v.v. và v.v. Từ nay đến năm 2020 còn 13 năm, nếu kể cả năm 2020 thì là 14, các tác giả của Đề án có nhớ rằng chỉ riêng một dự án nhà máy dầu Dung Quất kéo dài đã hơn 10 năm nay, chưa góp được một xu nhỏ vào GDP hay vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước? 

Chắc chẳng có gì để bình thêm về một đề án chưa được công bố (hay chưa hoàn thành ?) với những chỉ tiêu nhiều phần hoang tưởng như thế. Và xin  trở về vấn đề nêu trên tựa bài, mà tổng bí thư đã trình bày như một nhiệm vụ quan trọng của hội nghị trung ương 4.

Đọc trong Thông báo của hội nghị, người ta được biết : 

"Việc đổi mới, kiện toàn tổ chức các cơ quan đảng và cơ quan nhà nước phải phù hợp với đặc điểm của hệ thống chính trị của nước ta do một đảng duy nhất lãnh đạo; với đặc điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; khắc phục tình trạng quan liêu, trùng lặp, chồng chéo chức năng,nhiệm vụ; làm cho bộ máy tinh gọn, đồng bộ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng mọi mặt đội ngũ cán bộ, công chức."

Trên cơ sở đó, một số quyết định về tổ chức được đưa ra, trong đó có thể kể (việc đánh số thứ tự các điểm sau là của người viết bài) :

1/ Các ban của Trung ương Đảng sẽ tổ chức lại thành 6 cơ quan; đảng bộ các cơ quan Trung ương tổ chức thành 2 đảng bộ khối; lập ban cán sự đảng, đảng đoàn ở các cơ quan nhà nước và các đoàn thể theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, chủ yếu ở các cơ quan hành pháp, tư pháp và đoàn thể... ;

2/ Chuyển các doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần hiện có thuộc các cơ quan Đảng, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội sang các cơ quan nhà nước quản lý từ năm 2007 ;

3/ Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, hoàn thiện cơ chế bầu cử nhằm nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội; tăng hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách; phát huy tốt hơn vai trò của đại biểu và đoàn đại biểu Quốc hội; tổ chức lại một số ủy ban của Quốc hội; nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

Trong khi đó  phương án cụ thể về tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XII sẽ được thảo luận và quyết định tại Hội nghị Trung ương 5 sắp tới. 

Điểm 3/ nói trên đã được "cụ thể hoá" bằng chỉ thị số 09-CT/TW , ngày 26.1.2007 của bộ chính trị về "lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khoá XII (dự tính sẽ diễn ra trong tháng 5 năm nay). Diễn Đàn sẽ có bài riêng sau về vấn đề này.  

Điểm 2/ đáp ứng phần nào cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO là thực hiện qui chế đối xử quốc gia, bình đẳng, không phân biệt đối với mọi doanh nghiệp. Một phần tích cực, vì ít ra, nó chính thức xoá bỏ hệ thống các doanh nghiệp thuộc đảng và quân đội, những doanh nghiệp trước nay hoàn toàn được vận hành trong bóng tối của những đặc quyền (về đất đai, vốn liếng, thuế má...) mà xã hội không thể kiểm tra, kiểm soát được.  Tuy nhiên, vấn đề "bãi bỏ cơ chế bộ chủ quản", một đòi hỏi được nhiều giới, cả doanh nhân và quan chức, công khai đề cập trên các phương tiện truyền thông vài năm gần đây, vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức từ ban chấp hành trung ương. 

Về điểm 1/, hai thông tin thấy được trên báo chí trong nước cho tới nay là trên Tiền Phong, trong một bài phỏng vấn cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu ngày 19.1 (giữa khi hội nghị đang họp), và trên Tuổi Trẻ ngày 25.1, một ngày sau khi hội nghị kết thúc, theo một "nguồn tin" của tờ báo. Hai thông tin tương đồng này cho biết, sáu cơ quan còn lại của Trung ương đảng gồm :  ban Tổ chức T.Ư, uỷ ban Kiểm tra T.Ư, ban Tuyên giáo T.Ư (trên cơ sở ban Khoa giáo T.Ư và ban Tư tưởng văn hóa T.Ư hiện nay), ban Dân vận T.Ư, ban Đối ngoại T.Ư và Văn phòng T.Ư.

Các ban Bảo vệ chính trị nội bộ, Cán sự Đảng ngoài nước, Kinh tế T.Ư, Nội chính T.Ư, Tài chính quản trị không còn nữa ("hoặc giải thể, hoặc sáp nhập vào những cơ quan có nhiệm vụ gần như nhau", theo cách nói của ông Phiêu). Lộ trình sắp xếp, thu gọn này được Ban chấp hành T.Ư giao cho Bộ Chính trị xây dựng thực hiện.

Rõ ràng, đó chỉ là những sắp xếp có tính bếp núc nội bộ của bộ máy đảng, không chứa đựng một tư duy đổi mới "phương thức lãnh đạo" nào, như nhiều người đã tỏ ý mong mỏi trong các đợt "góp ý với đại hội X" một năm trước (mà báo chí trong nước đã đăng tải rộng rãi hồi đó). Càng không đụng chạm gì tới điều mà một cán bộ cao cấp, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên phó trưởng ban Tổ chức trung ương đảng, đã công khai nói trên mặt báo VietNamNet ngay hôm khai mạc hội nghị :

"Cái cơ bản là đổi mới hệ thống chính trị, phương thức lãnh đạo của Đảng, phân rõ Đảng làm gì, Nhà nước, Quốc hội làm gì, mối quan hệ giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp sao cho có một cơ chế rõ ràng."

Phải nói ngay, từ vài tuần trước đại hội X, Diễn Đàn đã nhận định (xem bài của Hải Vân, trang 1 số 161, tháng 4.2006) rất chính xác là vấn đề "cải cách hệ thống chính trị" sẽ không được đưa vào chương trình nghị sự của đại hội. Thế nhưng, tại sao cả hai bài nói của ông Nông Đức Mạnh (khai mạc và bế mạc hội nghị trung ương 4) và thông báo của hội nghị đều phải khẳng định lại (nhiều lần, kể cả khi nói về hội nhập kinh tế) cái "hệ thống chính trị" do đảng lãnh đạo ấy, như sợ rằng nếu không thì rất có thể nó dễ dàng bị gió cuốn đi ? Tại sao phải nhấn mạnh việc lập ban cán sự đảng, đảng đoàn ở các cơ quan nhà nước và các đoàn thể... phải diễn ra "chủ yếu ở các cơ quan hành pháp, tư pháp và đoàn thể" ? Đối tượng chót thì dễ hiểu rồi. Ai đời Hội văn nghệ mà không trao nổi giải thưởng cho đồng chí chủ tịch, Công đoàn mà không kiểm soát nổi các cuộc đình công... Nhưng không lẽ có hiện tượng những cơ quan hành pháp, lập pháp vuột khỏi tầm kiểm soát của đảng ? Ông bộ trưởng thương mại đã báo cáo không chính xác diễn tiến các cuộc thương thảo gia nhập WTO, khiến cho bộ chính trị bị hớ khi đồng ý ký kết ? Các toà án đã quá "nặng tay" khi xử một đôi vụ tham nhũng ?  

Nhưng làm sao khắc phục được "tình trạng chòng chéo giữa đảng và nhà nước" trong một hệ thống chính trị chỉ thừa nhận một chính đảng, với nhiều nhóm lợi ích gắn chặt với các vị trí "chốt" của đảng ấy, ở mỗi cấp chính quyền ? Ông Carl Thayer nhận thấy có một mối "quan ngại lớn trong đảng đối với việc mở cửa hội nhập kinh tế, bị xem là quá nhanh".  Quá nhanh cho nền kinh tế, hay quá bất lợi cho một số người, một số nhóm mà vị trí xã hội và kinh tế (trong nghĩa thu nhập) quẩn quanh trong các hoạt động của các tổ chức đảng, bỗng dưng thấy mình đang bị lấn lướt bởi cả những "phó thường dân" và những "đồng chí" đang hoạt động ở guồng máy nhà nước ? Cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân, như đại hội X đề ra, là một biện pháp tích cực góp phần giải quyết mối tâm tư ấy, nhưng có đủ để ngăn cản bộ phận năng động và trong sạch nhất trong đảng nhận ra cái bế tắc riêng của bản thân hay gia đình mình là nằm trong một bế tắc chung, lớn hơn của cái thể chế hiện hành ?

Phải chăng, điều ông Nguyễn Đình Hương công khai nói ra trên mặt báo kia, ngày càng nhiều đảng viên khác ở mọi cấp đang nói lên ở những nơi họ công tác, sinh hoạt, khiến cho đa số trong hội nghị trung ương 4 này thấy cần đưa ra cái khẳng định "bất biến" kia ? Một sự bất biến nếu được áp dụng chặt chẽ có thể thấy trước sẽ chẳng cho phép giải quyết một cách cơ bản một vấn nạn lớn nào của đất nước, nạn tham nhũng, tình trạng giáo dục xuống cấp, sự gian dối tràn lan trong xã hội... Ngày 9.2 tới đây, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đối thoại trực tiếp với dân qua 4 tờ báo mạng (website của báo Cộng sản, website của chính phủ, VietNamNet và Tuổi Trẻ online). Ông Dũng sẽ lèo lái ra sao giữa những đòi hỏi đổi thay của xã hội, mà ông đã tỏ ra thông hiểu và đồng tình qua hơn 200 ngày đứng đầu chính phủ, với cái nghị quyết không thay đổi kia của ban chấp hành trung ương đảng, mà ông là một trong những người lãnh đạo chủ chốt ?

Nhà toán học Ý Enrico Bombieri (huy chương Fields năm 1974) có lần nói ra ý này : Khi loay hoay, cố gắng mãi mà sự việc vẫn cứ rối rắm, phức tạp quá, người ta hoàn toàn có lý để tạm nghỉ, và tự vấn "hay ta đã không đặt ra câu hỏi đúng huyệt của vấn đề ?" (nên đã tìm cách giải quyết nó bằng những giải pháp không thể mang lại hiệu quả mong muốn). 

Vấn đề phải giải quyết nhiều khi đơn giản hơn ta nghĩ rất nhiều. Ở đây, phải chăng chỉ là : hay ta nên xem lại điều 4 của Hiến pháp ?
     

Hoà Vân

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss