B như Ba mươi, B như Bản lĩnh
B như Ba mươi, B như Bản lĩnh
Nguyễn Hữu Động
Cuối tháng 9, tôi có dịp ghé Paris và
cũng như bao lần trước, đây cũng là dịp cùng các anh Giao và Tường ra
quán vừa lai rai vừa ăn mày quá khứ. Lần này tôi chưa kịp nâng cốc
Tường nói ngay : “ Năm nay là
30 năm Diễn Đàn, ai cũng biết mày lười nhưng phải viết gì cho báo nhé.”
Không hiểu sao tự nhiên cốc vang nhạt như cốc nước lã...
Tôi rời Pháp lúc các anh còn làm báo Đoàn Kết. Năm ấy chưa có Glasnost
và Petroiska ; bức tường Berlin chưa trở thành gạch vụn, những viên
gạch sau trở thành những tặng phẩm trong nhiều giới hoạt động cho dân
chủ trên thế giới. Khi còn ở Thái Lan, tôi vẫn nhận được Đoàn Kết và
cũng được tin về những cuộc tranh luận chung quanh tờ báo cũng như
chung quanh bức Tâm thư. Những năm ấy, phải thú thật là tôi không suy
nghĩ về những cuôc tranh cãi này vì công việc chính của tôi là chuẩn bị
cho nhà những điều kiện tối thiểu để hoàn thành chính sách đổi
mới, đại loại như thu thập kinh nghiệm về luật đầu tư vốn bên
ngoài, chính sách thuế, chính sách đào tạo cán bộ kinh tế không trong
khuôn của viện hàn lâm liên xô vv.
Phải nói rõ là tôi không bao giờ tham gia vào những cuộc thảo luận mà
chỉ góp nhặt thông tin để ở nhà nghiên cứu.
Có lần gặp anh Trần Phương, anh bảo : “ Cậu đúng là khôn. Tuy ai cũng biết là một
nền kinh tế thị trường không có thuế không sống được, nhưng ở cái nước
Việt Nam này cậu cũng nhớ là một trong những khẩu hiệu cách mạng là
chống sưu cao thuế nặng. Nói đến thuế là rất nhạy cảm. Bọn tớ nhức đầu
về những cuộc thảo luận này rồi, cậu không vơ lấy vào mình là khôn đấy.”
Điều anh không nói nhưng chắc anh không quên là dù sao tôi vẫn được xem
như là dân bên ngoài.
Kể lại chuyện này chỉ là một thí dụ nhỏ về những khó khăn trong
công cuộc đổi mới từ nhiều góc độ khác nhau. Khi Diễn Đàn ra đời trong
những điều kiện anh Giao đã kể, tôi cũng không ngạc nhiên lắm. Ở trong
nước, mọi cuộc tranh luận sẽ sớm đụng vào thực tế kinh tế và xã hội. Và
sẽ tạm thời kết thúc ở đấy. Tuy vậy ai dám khẳng định là không còn
những và nhiều người tiếp tục lên án ông Gorbachev là con ngựa thành
Troie của Liên xô...
Ở Pháp cũng có thể là cuộc tranh cãi nặng nề hơn nhiều vì chủ yếu dựa
vào ý thức hệ và vì không có hoặc có nhưng ít, sức ép của thực tế
ấy. Và có lẽ vì vậy mà nó mau chóng đưa đến những rạn nứt khó hàn
gắn.
Năm Diễn Đàn ra đời cũng là năm tôi chuyển nghề trong ban thư ký Liên
Hợp Quốc. Từ kinh tế tôi xoay sang làm quan sát viên bầu cử và
quan sát viên trong một số phái đoàn hòa bình. Tuy gọi là quan sát viên
nhưng công việc chính của chúng tôi là bắc cầu giữa hai bên.
Trong mọi cuộc nội chiến, bên nào cũng tự cho mình độc quyền chân lý
cho đến khi phải thừa nhận là vũ khí không phải là con đường đi đến hoà
bình. Và càng không phải con đường để tôn trọng một xã hội đa dạng
trong đó mọi người đều có quyền, có lợi và tất cả quyền lợi đó đều,
trong giới hạn của luật pháp, chính đáng. Và lúc ấy họ mới
nhờ những người như chúng tôi tạo điều kiện cho họ đối thoại với
nhau.
Làm một nhịp cầu giữa hai bên đòi hỏi ở
chúng tôi hai đức tính mà bà Hannah Arendt coi là những đóng góp quí
nhất của giới học giả cho xã hội, đó là không thiên vị và không vụ lợi (tiếng Pháp: impartialité et désintéressement"). Và Arendt cũng
nhấn mạnh, đây không phải là thờ ơ mà ngược lại. Nhớ câu hát Trịnh Công
Sơn : “ Cuộc đời đó có bao lâu mà
hững hờ ”.
Những năm ở Trung Mỹ hay ở Châu Phi, tôi hoàn toàn mất liên lạc
với Diễn Đàn cho đến khi Diễn Đàn vào mạng. Từ đó đến nay, hàng ngày
tôi vào lap top để đọc DĐ để theo dõi tin trong nước cũng để hiểu thêm
những tâm tư của những bạn bè xa mà gần.
Một điều tôi ý thức được khi ngồi viết mấy dòng này là tôi chưa từng có
phản ứng loại đồng ý hay không đồng ý với DĐ. Có những bài tôi
thích, có những bài tôi ít thích hơn, nhưng nói cho cùng mọi bài đều
phản ảnh tính đa dạng của cộng đồng tôi, đều thể hiện tính nghiêm túc
của các anh, chị trong ban biên tập.
Trong ba mươi năm qua, kinh nghiệm sống đương nhiên làm tôi thay đổi.
Và dĩ nhiên những suy nghĩ của ban biên tập cũng những cộng tác viên
cũng đổi thay. Nhưng thay gì thì thay, không có lúc nào DĐ thờ ơ với
tình hình trong nước và luôn thể hiện những đức tính bà Arendt đề
cao. Bản lĩnh của tờ báo theo tôi, chính là ở đấy.
Mừng Diễn Đàn.
Nguyễn Hữu Động
Các thao tác trên Tài liệu