Bán đấu giá tranh Hàm Nghi
Ngày 22.9.2023 ở Khách sạn Drouot
Bán đấu giá
tranh Hàm Nghi
Lối mòn dọc theo dòng sông (tranh Hàm Nghị)
14g chiều thứ sáu 22 tháng 9 tới đây, tại khách sạn Drouot (9 Rue Drouot, 75009 Paris), sẽ có cuộc đấu giá nhiều tác phẩm hội họa Việt Nam, trong đó có 19 bức tranh của Hàm Nghi.
Trong
hai ngày trước đó, công chúng có thể tới xem triển lãm các tác phẩm này
tại Khách sạn Drouot : thứ tư 20.9 (từ 11g đến 18g), thứ năm 21.9 (từ
11g đến 20g)
Bộ tranh này được công ti Lynda Trouvé (9
Cité de Trévise, 75009 Paris) đưa ra đấu giá, được sự ủy nhiệm của hậu duệ
ông Henri Aubé. Henri Aubé nguyên là trung tá bộ binh Pháp đã kết bạn
với cựu hoàng Hàm Nghi trong thập niên 1910 ở thành phố Vichy (Pháp)
khi hai người tới đây trị liệu nước khoáng. Theo nhà nghiên cứu
Amandine Dabat (hậu duệ đời thứ năm của Hàm Nghi, tác giả luận án tiến
sĩ về cuộc đời và nghệ thuật của Hàm Nghi), người đã được công ti Lynda
Trouvé nhờ thẩm định, 19 tác phẩm này hầu hết là những bức phác thảo,
những tác phẩm chưa hoàn chỉnh mà tác giả đã ký tặng người bạn.
Đây không phải là lần đầu tiên, tranh
của Hàm Nghi được đưa ra bán đấu giá. Năm 2010, bức tranh Chiều tà đã được
đem bán ở Khách sạn Drouot, với giá 8 800 EUR (giá rao ban đầu là 1 000
EUR). Người mua là bác sĩ Gérard
Chapuis, gốc Việt, ở Marseille. Những năm sau đó, hai họa phẩm khác
cũng đã được rao bán trên thị trường nghệ thuật (thông tin của Amandine
Dabat).
Hàm Nghi ở Alger (1926, ảnh tư liệu của
gia đình)
Tác phẩm hội họa và điêu khắc của Hàm Nghi đã được triển lãm hai lần ở Paris (năm 1904 ở Viện bảo tàng Guimet, năm 1928 tại một phòng tranh tư nhân). Cuộc triển lãm lớn đầu tiên đã được tổ chức mùa hè 2022 tại Viện bảo tàng Nghệ thuật Á Châu, Nice, với 150 hiện vật (một số hình ảnh và tác phẩm sau đó đã được trưng bày ở Huế đầu năm 2023).
Hội họa và điêu khắc đã trở thành đam mê của Hàm Nghi từ khi theo học Marius Raynaud và Auguste Rodin. Tranh của ông theo trường phái ấn tượng và Nabis, hầu hết dành cho thiên nhiên với muôn ngàn sắc thái : “ Biết làm sao ! Tôi cảm thấy mùa này thiên nhiên quá sức đẹp (...). Tôi dành hết thời gian (...) để nhìn ngắm với tất cả sự ngưỡng mộ không mệt mỏi (...) thiên nhiên là người bạn thực sự của tôi. Không thể nào cưỡng lại, tôi đành cầm lấy cây cọ và khung vải ” ; “ tôi đọc trong tranh của tôi những thăng trầm của những ý nghĩ đau buồn, những niềm vui và muôn nghìn sắc thái ” (trích dẫn theo A. Dabat).
Kiến Văn
Các thao tác trên Tài liệu