Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Thử bàn về triết lý giáo dục

Thử bàn về triết lý giáo dục

- Trần Hữu Quang — published 25/02/2008 20:46, cập nhật lần cuối 25/02/2008 20:46
Đã đến lúc chúng ta cần đặt ra câu hỏi : ai là chủ thể của hoạt động giảng dạy ? Chắc chắn ai cũng thấy rằng không phải là bộ giáo dục hay các sở giáo dục, mà chính là thầy giáo, là nhà trường.


Thử bàn về triết lý giáo dục


Trần Hữu Quang


Lâu nay, khi bàn về giáo dục, một số người hay nhắc tới vấn đề "triết lý giáo dục", nhưng hình như ít có ai đào sâu vào câu chuyện này. Bài này thử nêu ra một vài ý tưởng phác thảo, mong góp phần vào cuộc thảo luận chung.

Thế nào là triết lý giáo dục ? Đó là hệ thống những tư tưởng và quan niệm chi phối toàn bộ hoạt động của một bộ máy giáo dục nào đó. Thực ra, suy cho cùng, triết lý giáo dục của một xã hội phụ thuộc vào nền triết lý xã hội của xã hội ấy, hay nói rõ hơn, phụ thuộc vào quan niệm triết lý về phương thức tổ chức và quản lý các định chế xã hội.

Xã hội Việt Nam ngày nay tuy đã tiến hành công cuộc đổi mới hơn 20 năm qua, nhưng ngoài lĩnh vực kinh tế là lĩnh vực đã tương đối "đổi mới tư duy" (điển hình là chấp nhận cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tức là trao trả lại chức năng kinh doanh cho xã hội dân sự), còn lại phần lớn các lĩnh vực khác đều vẫn còn ít nhiều nằm trong não trạng và cơ chế của thời bao cấp. Hay nói cách khác, vẫn còn bị thống trị bởi quan niệm triết lý về sự độc tôn của nhà nước, cho rằng nhà nước phải bao trùm lên tất cả, làm tất cả, nhất nhất cái gì cũng phụ thuộc vào nhà nước. Lĩnh vực giáo dục là một trong những lĩnh vực điển hình của tình trạng này.

Đã đến lúc chúng ta cần đặt ra câu hỏi : ai là chủ thể của hoạt động giảng dạy ? Chắc chắn ai cũng thấy rằng không phải là bộ giáo dục hay các sở giáo dục, mà chính là thầy giáo, là nhà trường. Chức năng của nhà nước là cai trị quốc gia, là quản lý nhà nước về mặt giáo dục, chứ không phải là đi dạy học, và lại càng không thể can dự trực tiếp vào việc dạy học như in sách giáo khoa, ra đề thi, tổ chức thi hay cấp bằng một cách tréo ngoe như hiện nay, bởi lẽ đây là những phần việc thuộc về chức trách của nhà trường và nhà giáo. Chính quan niệm "nhà nước hóa" này đã ảnh hưởng nặng nề tới mối quan hệ "cấp trên/cấp dưới" giữa ban giám hiệu với sở và bộ giáo dục, thậm chí kể cả mối quan hệ giữa giáo viên với ban giám hiệu.

Chính vì thế, cần xác lập lại quan niệm cho rằng nhà trường là một tổ chức thuộc về định chế giáo dục, có vị thế độc lập với các tổ chức thuộc về định chế chính trị (như quốc hội, chính phủ, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân...). Sự độc lập này, tất nhiên là tương đối, có nghĩa là nhà trường không phải là "cấp dưới" (hiểu theo nghĩa hành chính) và càng không phải là "công cụ" của các cơ quan quản lý nhà nước. Có như vậy, nhà trường mới có thể thực sự tiến hành việc giảng dạy theo đúng chức trách của mình.

Quan niệm về vị trí của định chế giáo dục như vừa nói trên có liên quan trực tiếp tới sứ mệnh của giáo dục và triết lý về giáo dục. Đã đành ai cũng đồng ý rằng nhiệm vụ của nhà trường nói chung là đào tạo ra những con người có ích cho xã hội, phục vụ xã hội, nhưng đừng quên rằng sứ mệnh cốt lõi của giáo dục là dạy làm người, sau đó mới dạy các kiến thức, kỹ năng, nghề nghiệp... Nói cách khác, sứ mệnh của giáo dục không phải là đào tạo ra những công cụ cho xã hội, mà là đào tạo ra những con người chủ thể của xã hội. Hiểu như vậy, ngay mối quan hệ giữa người thầy và người trò cũng không còn là một quan hệ quyền lực thầy-trò, mà là một quan hệ đồng hành, hướng dẫn, gợi mở...

Nếu xét về mặt tổ chức, định chế giáo dục Việt Nam đang bị căn bệnh "nhà nước hóa", thì xét về mặt triết lý, theo chúng tôi, nền triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay đang bị nhiễm nặng nề hai căn bệnh : giáo điều và thực dụng.

Theo xu hướng giáo điều, giáo dục là nhồi nhét kiến thức (hậu quả là chỉ biết học thuộc lòng, đọc-chép...), là áp đặt một cách thô thiển những quan điểm chính trị vào trong nội dung các môn học (bệnh "chính trị hóa"), là dạy dỗ những điều luôn được coi là chắc chắn, là chân lý, mà không để cho học trò dám đặt câu hỏi. Trong khi đó, đáng lý giáo dục không phải chỉ là dạy cái gì chúng ta đã biết, mà quan trọng hơn, nhất là trong thời buổi ngày nay, còn là dạy cách đi tìm cái mà chúng ta chưa biết, dạy cách suy nghĩ, cách hoài nghi, cách đặt câu hỏi. Trong tiếng Việt, theo GS Tôn Thất Nguyễn Thiêm, có một chữ rất hay là "học hỏi". Học mà không biết hỏi thì chưa phải là học, vì hỏi cũng là một quá trình học. Chúng ta có thể định nghĩa "học" là một quá trình bao gồm ba yếu tố : học, hỏi, và suy nghĩ. Học mà không suy nghĩ thì chưa phải là học ; nhưng đồng thời, có suy nghĩ mà không học thì cũng nguy ! Lối tư duy giáo điều thường không chấp nhận việc suy nghĩ độc lập, và không bao giờ dung thứ cho những ai dám nói khác.

Căn bệnh thứ hai : xu hướng thực dụng trong giáo dục thực ra phản ánh xu hướng này trong đời sống xã hội, khi mà người ta lúc nào cũng chỉ chú ý tới con người kinh tế (homo oeconomicus), lúc nào cũng chỉ nhằm cái gì có lợi (về mặt kinh tế và vật chất) mà thôi. Vì bị nhiễm xu hướng thực dụng này, nên nền đạo đức xã hội bị xáo trộn : vì chỉ chăm bẳm vào mục đích nên rút cục đi đến chỗ coi mọi phương tiện đều tốt, miễn là đạt mục đích, thậm chí với bất cứ giá nào. Từ đó mới xuất hiện những điều kỳ quái như coi việc làm giàu là "lý tưởng sống" của thanh niên, ao ước được làm giám đốc, được trở nên nổi tiếng, đạt kỷ lục quốc tế... trong khi đáng lý phải coi những thứ đó chỉ là những hệ quả có thể có của việc học tập chăm chỉ và lao động cần cù, mà đây mới thực sự là những giá trị cần được đề cao. Chính đấy cũng là nền tảng triết lý sâu xa của căn bệnh thành tích trong giáo dục và của biết bao tệ nạn như chạy điểm, mua bằng cấp, thi cử gian dối, "ngồi nhầm lớp"...

Để có thể xây dựng một nền triết lý giáo dục đúng đắn, lành mạnh, theo thiển ý chúng tôi, trước hết cần làm sao khắc phục được hai căn bệnh nói trên, và đồng thời xác lập được tinh thần khai minhtinh thần nhân bản trong giáo dục, vì óc giáo điều đối lập với óc khai minh, còn óc thực dụng thì đối lập với óc nhân bản.


TPHCM, ngày 17-2-2008

T.H.Q.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss