Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Báo Thế giới Tiếp thị bị đình bản 3 tháng

Báo Thế giới Tiếp thị bị đình bản 3 tháng

- Tuấn Khanh & Người hóng chuyện — published 14/05/2016 21:22, cập nhật lần cuối 14/05/2016 21:22

Hai bài báo khiến báo
Thế giới tiếp thị
bị đình bản 3 tháng


LTS. Từ nhiều năm nay, mỗi năm cứ vào cuối tháng 4, để chuẩn bị cho Ngày báo chí quốc tế Liên hiệp quốc (3 tháng 5), tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) lại công bố một báo cáo về tình trạng tôn trọng tự do báo chí trên toàn thế giới, và Việt Nam vẫn thường xuyên được « vinh dự » xếp vào… cuối bảng. Như năm nay, có 180 nước được xếp hạng thì Việt Nam xếp thứ 175, hân hạnh đứng trước ông bạn láng giềng khổng lồ (Trung Quốc, thứ 176) và các nước nổi danh "tôn trọng dân chủ, nhân quyền" : Syria (177), Turkmenistan (178), Bắc Triều Tiên (179) và Eritrea (180).

Trong chiều ngược lại thì lâu lâu một lần, các cơ quan ngôn luận chính thống của đảng ta (Báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân…) lại có bài phản kháng « những luận điệu thù địch » ấy, và đề cao « thực tiễn sinh động về tự do báo chí ở Việt Nam », luôn luôn kèm theo những con số đáng tự hào : hơn 800 cơ quan báo chí, hàng nghìn ấn phẩm, gần 20.000 nhà báo v.v.

« Thực tiễn sinh động » ấy vừa được soi sáng một cách không thể thuyết phục hơn trong tuần qua : khối năng lượng khổng lồ của hơn 800 cơ quan báo chí đó đủ sức làm hấp lực biến các cuộc biểu tình vì môi trường nhân vụ cá chết hàng loạt ở bờ biển miêng Trung thành một lỗ đen thông tin chưa từng có tiền lệ trong làng báo quốc tế. Không một dòng tin trên báo giấy, không một trang mạng chính thống nào rò rỉ dù chỉ là một bit thông tin biểu tình nào. Người ta chỉ có thể quan sát thấy các vụ biểu tình ấy từ bên ngoài vũ-trụ-thông-tin-Việt-Nam !

Cho nên, nếu kẻ nào muốn vượt ra khỏi lỗ đen thông tin ấy thì bộ máy tuyên giáo (cụ thể là qua ông tân bộ trưởng bộ 4T Trương Minh Tuấn) phải lập tức giương cao nanh vuốt. Đó là trường hợp hai bài báo vừa khiến tờ Thế giới Tiếp thị phải « xin tự đình bản » ba tháng. Hai bài báo phạm tội dĩ nhiên đã bị gỡ bỏ trên mạng – lỗ đen thông tin mà !, nhưng may thay, như mọi người đều biết, lỗ đen này chỉ là một phần rất nhỏ của « vũ trụ thông tin », dù các nhà tuyên giáo có ảo tưởng đến đâu. Người ta có thể dễ dàng tìm thấy chúng nơi khác. Dù sao, để phòng ngừa các bàn tay lông lá của « an ninh văn hoá », chúng tôi xin đăng lại chúng dưới đây. Việc đánh giá là phần của bạn đọc, nhưng bạn nào đọc xong, tự hỏi tại sao báo bị đình bản về các bài này thì xin trở lại cái bảng xếp hạng trên kia của RSF.



Nhân dân mãi là người đến sau


Tuấn Khanh


Tháng 4/2016, cá chết trắng dọc bờ biển Hà Tĩnh cho đến tận Thừa Thiên Huế. Suốt 3 tuần lễ dân chúng hoang mang, người đi biển chết đứng chết ngồi. Báo chí tố cáo Formosa - Khu Công nghiệp Vũng Áng do người Đài Loan - Trung Quốc đầu tư làm chủ là nơi gây ra tai họa. Thế nhưng, nhiều ngày sau khi thảm kịch lan tràn, ngày 22/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới có một cuộc họp với chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, nhưng lại là họp kín, không cho báo chí tham dự. Đoàn công tác của Bộ này nói “luật không cho phép báo chí tham dự (?)”, nhưng đồng thời cũng nhắc là “đây là công tác kiểm tra định kỳ” nên không có gì để báo chí vào xem.

Có nhìn thấy những bầy cá nằm chết vật vã, tràn trên bờ biển bởi các loại thuốc cực độc, mới thấy kinh hoàng. Các loại chất đầu độc biển cả đó, đều nằm trong số 45 loại hóa chất độc hại do Formosa được phép nhập về. Người hay cá cũng đều có thể là nạn nhân trong một thời gian ngắn với các loại hóa chất này. Nhưng mỉa mai là kết quả điều tra tìm thấy, thì do các chuyên gia về độc học mà báo chí tự mời phân tích và công bố, còn đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì ngoài chuyện ngăn không cho báo chí vào lấy tin tìm hiểu, chỉ đưa ra những kết luận mơ hồ.

Người ta không biết rồi cuộc họp đó giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền Hà Tĩnh, khu tự trị Formosa đó sẽ công bố điều gì với báo chí. Ung dung với sức mạnh về tiền bạc và thế lực kiểu Chaebol, chủ đường ống chất thải độc có thể sẽ đưa ra những bản kết luận nhòe nhoẹt với trách nhiệm không thuộc về ai. Bất chấp nguồn tài nguyên biển hàng trăm cây số của Việt Nam bị hủy diệt, môi trường sống của hàng triệu con người bị đảo lộn, đe dọa.

Người dân Việt Nam thường là người biết sau, chỉ vỡ lẽ khi hiểm nguy kề sát bên mình. Không ai ngờ rằng đường ống xả chất độc từ Formosa, là chính là hệ thống được Bộ Tài nguyên và Môi trường ký giấy cho phép và xác định là luôn kiểm tra, nhận thấy mẫu nước thải “đủ chuẩn”. Đường ống đó chạy dài ra vịnh Sơn Dương, ống có đường kính 1,2m, chiều dài 1,3km, nằm cách mặt biển 12m. Nhân dân chỉ biết về đường ống chất thải đó - ngày đêm đổ vào nguồn nước, nguồn đánh bắt của họ - ngay sau khi cá tôm vật vã, ngoi ngóp chết ngập bờ. Mọi thứ diễn ra như chuyện đã rồi.

Nhân dân chỉ được biết sau, chỉ biết khi phải oan uổng gánh chịu hậu quả, một cách ngơ ngác. Kể từ năm 1989, khi Trung Quốc khởi dựng đập Tam Hiệp (Three Gorges Dam) cho đến nay, hàng chục đập nước ngăn dòng Mekong khác đã trở thành một loại vũ khí sinh thái trấn áp toàn bộ vùng Đông Dương, Thái Lan, Miến Điện. Thế nhưng người dân Việt Nam cũng chỉ nhận được những tin tức hết sức lạc quan và hời hợt của Ủy Ban Mekong Việt Nam. Và rồi khi khô hạn đến, đất đai chết, ruộng đồng chết… người dân mới bàng hoàng nhận ra mình đang ở tình cảnh gì, bị bỏ rơi thế nào.

Bà Phạm Thị Loan, Ủy viên Ủy ban tài chính và ngân sách Quốc hội tiết lộ cho biết có đến 90% các dự án tổng thầu EPC ở Việt Nam là do Trung Quốc nắm giữ, kể các các ngành quan trọng như dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim. Có đến 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện các dự án hàng trọng điểm quốc gia. Rồi nhân dân chỉ là người biết sau cùng, khi đường ống Sông Đà vỡ đến lần thứ 17, do nhà thầu Xinxing, Trung Quốc đảm nhiệm. Dự kiến, hơn 200.000 dân cư sẽ là nạn nhân trực tiếp.

Nhân dân chỉ được biết sau cùng, khi nghe tin dữ rằng mỗi người đang mang trên lưng món nợ công lịch sử, với 30 triệu đồng/người. Có những gia đình người Việt suốt cuộc đời cắm mặt làm, không đủ ăn, nay giật mình nghe tin mình cũng phải gánh nợ công cho Nhà nước. Kể cả hai đứa bé chết chìm ở Krông Pắk, tỉnh Đắc Lắc, nghèo đến mức phải chôn chung một hòm cũng không thoát khỏi. Nhân dân mãi mãi là người đến sau trong con đường đến ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc. Họ được gọi tên để biết mình cùng chịu trách nhiệm vì Nhà nước khai thác bauxite cho Trung Quốc, ở Nhân Cơ lỗ đến 3000 tỷ đồng trong 6 năm mà vẫn cố làm. Người dân được thông báo muộn màng rằng hàng trăm ngàn tỉ đồng mà họ đóng cho quỹ bảo hiểm xã hội đã bị tự tiện mang đi cho vay, mất trắng cả ngàn tỉ nhưng không ai chịu trách nhiệm. Trong khi đó, một công nhân chưa đủ tiền đóng bảo hiểm xã hội, thì bị răn đe là sẽ mang đi xử lý hình sự.

Nhân dân mãi mãi là người đến sau. Và đến chỉ để nhận biết sự thiệt hại hay tai ương đang rót xuống đầu mình, xuống gia đình mình. Họ cũng chỉ biết sau cùng, rằng những nhân vật cấp cao như Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền thì vượt lên trên, thoát khỏi mọi thứ với nhà cao cửa rộng xênh xang.

Như những con cá chết oan ức trên bờ biển, chỉ biết sau cùng rằng đại dương không còn là nhà, mà chỉ còn đầy độc dược, những người dân Việt Nam cũng chỉ biết được phần đen đủi nhất được gieo về phía mình, dù chung quanh đầy lâu đài và dự án vĩ đại, như đang phát triển cho ai khác.

Nếu như có một thiên đường để đến, có lẽ người dân Việt nhỏ bé như móng tay chúng ta, mãi cũng chỉ là người đến sau. Và đường đi đến đó, chẳng thong dong gì, mà có thể thông qua những ống dẫn chất thải như của Formosa.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Nguồn : blog của tác giả



Lời than thở của các loài cá


Người hóng chuyện



Con cá Lú (Tên khoa học là Parapercis sexfasciata). Nguồn: internet

Các loại cá Thu, Ngừ, Chình, Trích, Nục, Liệt, Đối, Phèn, Chỉ Vàng… diễu hành từng đoàn, kêu la rân trời trong vô vọng.

Hơn tháng trôi qua, kể từ ngày những con cá đầu tiên chết nổi lềnh bềnh trên mặt biển, lũ cá vẫn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì đang và sẽ xảy ra.

Thông tin vô cùng nhiễu loạn.

Lúc thì “do tác động của các độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển và tảo nở hoa, gọi là hiện tượng thuỷ triều đỏ”.

Rồi “Kết quả quan trắc nước biển đạt tiêu chuẩn”.

Đặc biệt, sau khi các ông bụng bự xuống tắm để chứng minh biển sạch mà cá vẫn chết dạt vào bờ, loài cá càng hoang mang.

Kinh hãi nhất là dự báo nước biển bị ô nhiễm kim loại nặng, cá chết trước, người ăn cá tích tụ dần chất độc vào người, sẽ từ từ chết sau…

Loài cá cứ bơi vòng vòng, vòng vòng. Trong khi chờ cái chết tới, chúng tranh thủ thở than.

Cá Chim nói:

– Ôi ước gì mình bay được như chim để thoát khỏi vùng biển chết chóc này.

Cá Đao nghe vậy, chém gió một phát:

– Cậu không thấy chim cũng ngủm, xác phơi đầy đảo chim à?

– Cá Đuối rên hừ hừ: “Ôi, tui đuối quá rồi. Có ai cứu với?”

Đàn cá Bạc Má khóc rống lên:

– Hu hu, chắc thế hệ sau chúng tớ bị đổi thành cá Bạc Phước!

Các loại cá Thu, Ngừ, Chình, Trích, Nục, Liệt, Đối, Phèn, Chỉ Vàng… diễu hành từng đoàn, kêu la rân trời trong vô vọng. Bỗng, có tiếng tuyên bố:

– Chúng ta quyết liệt, khẩn trương, trong thời gian sớm nhất tìm ra thủ phạm gây ô nhiễm môi trường, có biện pháp khắc phục triệt để, ổn định đời sống loài cá, tránh gây hoang mang trong xã hội, kẻo thế lực thù địch trong và ngoài biển lợi dụng kích động.

Lũ cá nhìn quanh, tìm xem ai vừa nói rồi cá Đối la to:

– Thôi đi ông Sạo! Ông nói nữa, tụi tui đổi s thành x, kêu ông là Cá Xạo đó nha.

Cá Mập, Bạch Tuộc vẫn thấy nhởn nhơ. Đàn cá còn lại cứ bơi, bơi, ngày càng lo lắng:

– Cứ như vầy hoài, chắc dân tộc cá chúng ta trở thành cá Lú (tên khoa học: Parapercis sexfasciata) hết quá!

Người hóng chuyện

Nguồn: Anh Ba Sàm

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us