Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / APEC, PNTR

APEC, PNTR

- Zidol — published 09/09/2006 15:09, cập nhật lần cuối 13/03/2007 22:53
"Tuần lễ cấp cao" của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu tại Hà Nội từ hôm thứ hai 13.11. Nhân dịp này, 5 nguyên thủ trong số 21 nước thành viên sẽ kết hợp với thăm song phương nước chủ nhà. Hi vọng đánh dấu chuyến đi của tổng thống Bush bằng một cú mở màn đẹp mắt, tuy chưa tắt ngấm, nhưng hơi bị lạnh với gáo nước "PNTR" mà các hạ nghị sĩ đảng Dân chủ vừa giội xuống...

     
Tuần lễ cấp cao APEC

    

Liệu chuyến thăm chính thức Việt Nam của tổng thống Mỹ George Bush, kết hợp với việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Hà Nội có bị mây mù che phủ do cuộc bỏ phiếu 4 ngày trước đó của Hạ viện Mỹ, bác bỏ luật bình thường hoá thương mại với Việt Nam (gọi tắt là quy chế PNTR) ? Câu hỏi không thể không đặt ra, dù rằng, nếu được đưa ra dưới hình thức một dự luật bình thường thì đa số tương đối là đủ để luật được thông qua : hôm 13.11, số phiếu thuận là 228, hơn 10 phiếu so với yêu cầu "quá bán" nhưng lại không đủ đa số tuyệt đối (2/3 thuận). Điều bất ngờ đối với Nhà Trắng là số hạ nghị sĩ dân chủ bỏ phiếu chống (94) cao hơn số thuận (90) mặc dù trước đó sự vận động cho PNTR diễn ra khá thuận lợi để họ đề nghị phương thức bỏ phiếu nhanh (rush) - không qua tranh luận, nhưng đòi hỏi đa số tuyệt đối. Ông Bush cũng đủ tự tin để rút Việt Nam ra khỏi danh sách "những quốc gia bị quan tâm đặc biệt về tôn giáo" (cùng ngày 13.11),  vì lý do “VN đã có những cải thiện quan trọng trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo”, mà không ngại phản ứng của nhiều hạ nghị sĩ  Dân chủ hay đưa vấn đề này lên bàn nghị sự.  Các nghị sĩ Cộng hoà dự tính đưa trở lại dự luật PNTR trong hình thức bình thường ngày mai (15.11), nhưng lúc đó, cuộc tranh luận lại có thể kéo dài với những chất vấn về "tự do tôn giáo", "nhân quyền" ... 

« Tuần lễ cấp cao APEC », theo cách gọi của báo chí trong nước, đã bắt đầu ngày 12/11 với Hội nghị các quan chức cấp cao APEC (CSOM) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Hà Nội.

Các quan chức (cấp thứ trưởng ngoại giao, kinh tế, thương mại...) có nhiệm vụ chuẩn bị các văn kiện sẽ được trình lên hội nghị liên tịch các bộ trưởng ngoại giao – kinh tế của 21 nước thành viên APEC, sẽ họp vào hai ngày 15-16.11, trước khi Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 14 diễn ra trong hai ngày cuối tuần 18-19.11. Cải cách APEC, mở rộng hợp tác về du lịch và văn hóa, phòng chống thiên tai, bệnh dịch, chống khủng bố, xây dựng khu vực thương mại tự do song phương và khu vực Châu Á – Thái bình Dương... là những vấn đề được thảo luận trong CSOM.

Trong cuộc họp báo ngày 13.11 sau hội nghị, ông Lê Công Phụng, thứ trưởng thường trực bộ Ngoại giao, thông báo :  “Nhiều kết quả quan trọng của Năm APEC 2006 đã được các quan chức cấp cao APEC thống nhất để đệ trình lên các vị bộ trưởng và lãnh đạo cấp cao xem xét thông qua”.

Một trong những vấn đề nổi trội được thảo luận là sáng kiến mà APEC dự định sẽ đưa ra nhằm sớm nối lại « Vòng đàm phán Doha » của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang bị ngưng trệ và có nguy cơ đổ vỡ . Các thành viên CSOM đã nhất trí cao về việc các nhà lãnh đạo APEC trong HN cấp cao ngày 18-19 tới sẽ ra Tuyên bố riêng về Vòng Doha.

Tuyên bố đặc biệt này, với những biện pháp và khuyến nghị cụ thể, sẽ thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các thành viên APEC nhằm sớm nối lại Vòng đàm phán Doha. Tuy nhiên, ông Phụng cho hay, chi tiết về các biện pháp chỉ được tiết lộ sau ngày 19, khi các nhà lãnh đạo thành viên nền kinh tế APEC thông qua. Liên quan tới vấn đề này, Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy cũng sẽ đến Hà Nội trong tuần (từ 14 đến 16/11) theo lời mời của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC .

Theo Ban Thư ký APEC, ngoài hội nghị CSOM, hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế và hội nghị thượng đỉnh APEC, còn có các hội nghị quan trọng khác diễn ra trong tuần APEC như : hội nghị Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC lần thứ 4 ; Diễn đàn Xúc tiến Thương mại và Đầu tư với Việt Nam (ngày 16.11) ; hội nghị thượng đỉnh các tổng giám đốc doanh nghiệp APEC (17-19.11) ; đối thoại giữa các nhà lãnh đạo và Hội đồng tư vấn Kinh doanh APEC (ngày 18.11).

Trong tuần còn có 5 cuộc viếng thăm chính thức Việt Nam của các nguyên thủ 5 quốc gia gồm: tổng Bí thư, chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào(15-17.11) ; tổng thống Chile bà Michelle Bachelet Jeria (17-18.11) ; thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (19-20.11) ; tổng thống Mỹ George W.Bush vừa thăm song phương vừa dự Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo kinh tế APEC-14 từ ngày 17 đến 20.11 ; và tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin ngày 20.11.

Đến ngày 12.11 đã có hơn 1.300 lãnh đạo các tập đoàn lớn như hãng chế tạo máy bay Boeing, tập đoàn tài chính Mỹ CitiGroup, hãng phần mềm máy tính Microsoft,  hãng chế tạo xe hơi GM, hãng máy tính IBM, Ngân hàng HSBC, tập đoàn tài chính VISA, các Cty bưu chính phát chuyển nhanh DHL, Fedex, hãng chế tạo xe hơi Nhật Bản Toyota, hãng điện tử Canon, tập đoàn Gas Prom, 2 hãng truyền thông giải trí Time Warnner và AsiaInc…
     

16/21 nền kinh tế APEC đầu tư vào VN với 41,7 tỷ USD

Theo cục Đầu tư nước ngoài (bộ KH&ĐT), hiện có 16/21 nền kinh tế thành viên APEC đầu tư vào VN với 5.681 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký trên 41,7 tỷ USD, chiếm trên 73 % tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Trong số này, dẫn đầu là Ðài Loan với 1.542 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 8,04 tỷ USD, chiếm 27 % số dự án và 19,3 % tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Singapore với 447 dự án, tổng vốn đầu tư 8,03 tỷ USD ; Nhật Bản có 723 dự án, tổng vốn đầu tư 7,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Nhật Bản đứng đầu trong số các nhà đầu tư tại Việt Nam về vốn đầu tư thực hiện với trên 4,7 tỷ USD đã được giải ngân.

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam khoảng 2 tỷ USD, tuy nhiên, nếu tính cả nguồn vốn đầu tư thông qua nước thứ ba thì tổng vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết Hiệp định thương mại song phương từ cuối năm 2001 nên đã thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư trực tiếp của các công ty Hoa Kỳ vào Việt Nam.


   

Ban tổ chức tuần lễ cấp cao APEC cho biết đã có khoảng 1.200 phóng viên quốc tế và 500 phóng viên trong nước đã đăng ký đưa tin về tuần lễ cấp cao APEC 2006.

Đông đảo nhất là phóng viên Nhật Bản với khoảng gần 400 người, tiếp đến là Mỹ khoảng 300, sau đó là Nga và Trung Quốc, mỗi đoàn khoảng 100 người.

(H.V., theo tin các báo Tuổi Trẻ, Tiền Phong, VN Net v.v. - và hãng thông tấn AP)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us