BI, ĐỪNG SỢ tham gia LHP Cannes 2010
Phim truyện dài đầu tay của Phan Đăng Di
BI, ĐỪNG SỢ
dự thi Semaine de la critique
tại LHP Cannes 2010

Ngày 19.4.2010, ban tổ chức chương trình "Tuần lễ của phê bình" Liên hoan điện ảnh Cannes 2010 đã công bố danh sách 7 phim dự giải, trong đó có phim của đạo diễn Việt Nam Phan Đăng Di : BI, ĐỪNG SỢ !. Danh sách tuyển chọn năm nay có hai đặc điểm. Một là tất cả 7 phim đều là phim đầu tay. Hai là sự hiện diện nổi bật của châu Á, với 3 phim trên 7. Hai phim Á Châu kia là BEDEVILLED của JANG Cheol So (Hàn Quốc) và SANDCASTLE của Boo Junfeng (Singapore). Bốn phim còn lại là ARMADILLO của Janus Metz (Đan Mạch), BELLE EPINE của Rebecca Zlotowski (Pháp), THE MYTH OF THE AMERICAN SLEEPOVER của David Robert Mitchell (Hoa Kì) và SOUND OF NOISE của Ola Simonsson & Johannes Stjärne Nilsson (Thụy Điển).

Phan Đăng Di (sinh năm 1976) là tác giả hai cuốn phim ngắn SEN và KHI TÔI HAI MƯƠI, đồng thời là tác giả kịch bản phim CHƠI VƠI (của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) và BI, ĐỪNG SỢ ! Các phim ngắn và kịch bản ấy đã được giới điện ảnh rất chú ý tại các liên hoan phim Clermond-Ferrand, Pusan và Cannes. Từ đó, BI, ĐỪNG SỢ ! đã được sự đầu tư của Arte (Đài truyền hình Pháp-Đức) và Cinefondation. Phim đã được quay trong nửa cuối năm 2009, do hai hãng BHD và Sud Est sản xuất. Tháng 3 năm nay, đạo diễn Phan Đăng Di sang Pháp để làm hậu kì (âm thanh và phụ đề).
Theo Võ Thâm (báo Sài gòn Giải phóng) ngày 4.10.2009, « Bi, đừng sợ! là câu chuyện về một gia đình ở Hà Nội dưới cái nhìn của một đứa trẻ 6 tuổi tên Bi. Ông nội và bố Bi đều bị cuốn theo những đam mê và dục vọng mà không biết điều đó làm tổn thương đến những người phụ nữ trong gia đình. Trong khi các nhân vật nam “ngây thơ và bất trắc” thì những người đàn bà nhẫn nhịn và biết dừng lại đúng lúc để đưa cuộc sống trở về trạng thái cân bằng. “Rất khó nói về thông điệp của phim. Tôi chỉ muốn cho thấy một hiện thực của cuộc sống”, Di tâm sự.
« Ý tưởng khởi nguồn cho các kịch bản của Phan Đăng Di thường bắt nguồn từ những hình ảnh gây cho anh nhiều xúc cảm. Đôi khi chỉ đơn giản là một hình ảnh làm anh thích thú và “đủ mạnh để nghĩ ra một câu chuyện có thể triển khai thành bộ phim”. Với Bi, đừng sợ! là hình ảnh đứa trẻ dùng những phiến nước đá để giữ những chiếc lá... Từ đó, anh khai thác mối quan hệ giữa các nhân vật với những khối nước đá. Với ông nội Bi, nước đá là chất để làm tê đi vùng đau trên cơ thể. Với cô của Bi, nó là thứ để kiềm chế lòng dục gây nên bởi mối tình vụng trộm. Với bố Bi, nó chỉ để giải khát. Nhưng với Bi, đó là cả một thế giới đầy bí mật, nơi nó nghĩ là nó có thể ướp tươi tất cả mọi thứ trên đời, từ những chiếc lá nó tìm được đến cả cơ thể của ông nội sau khi chết…
« “Đây không phải phim thiếu nhi mà nhân vật
trung tâm xuyên suốt phim là đứa trẻ để nói vấn đề gia đình theo mắt
nhìn của trẻ con”, Phan Đăng Di cho biết. Theo anh, bộ phim không hướng
vào những vấn đề to tát hay hy vọng đem đến sự thay đổi nào đó mà chỉ
mong được người xem chia sẻ. “Làm sao xem phim để người ta thấy
mình trong đó”, Di nói.»
H.D.
Các thao tác trên Tài liệu