Blogger Hồng Lê Thọ được tại ngoại, đã về nhà
Tiếp
theo Bọ Lập,
Blogger Hồng Lê Thọ cũng được tại ngoại
Một ngày sau nhà văn Nguyễn Quang Lập, blogger Hồng Lê Thọ đã được tại ngoại điều tra. Theo các nguồn tin từ Việt Nam thời báo và BBC tiếng Việt, anh đã được công an thả ra vào 10g sáng ngày thứ tư 11.2 và đã tự lấy taxi về nhà, gia đình không hề được báo trước. Chị Nga, vợ anh Thọ đã xác nhận với VNTB và BBC thông tin này. Anh Thọ bị công an "bắt khẩn cấp theo điều 258 Luật hình sự". Diễn Đàn đã viết bài, đưa nhiều thông tin về anh ngay sau đó, trong đó có vài dòng tiểu sử, cho biết những hoạt động của anh từ thời còn là sinh viên ở Nhật cho tới khi về nước vào những năm 1980 và sau đó. Xin trích vài dòng nhắc lại "lý do" anh bị công an "chiếu tướng" :
Anh lập blog Người lót gạch (đã bị khoá) và bắt đầu có những bài viết về thời sự Việt Nam từ những năm cuối thập kỉ 2000, nhưng nói chung vẫn lặng lẽ làm việc hơn là ồn ào phát biểu ý kiến của mình. Bạn đọc Diễn Đàn đã biết tới anh qua một số bài viết như các bài phân tích sắc sảo về chính sách của Trung Quốc « Lý lẽ và âm mưu bành trướng của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán », « Chủ quyền thuộc ngã » (giới thiệu trong mục Thấy trên mạng một bài viết đăng trên trang Ba Sàm), hoặc những bài ký sự liên quan tới những con người mà anh quen biết từ khi du học ở Nhật, như « Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh », « Chuyện về anh Vĩnh Sính » v.v. Anh cũng đã tham gia viết chung với một nhóm bạn bè một « Đề án cải cách giáo dục Việt Nam », trong đó anh phụ trách phần viết về giáo dục dạy nghề.
Trên bản tin đã dẫn của
Việt Nam Thời báo,
nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết,
sáng nay, ngay khi biết tin, ông liền tìm cách tìm gặp và hỏi thăm GS
Hồng Lê Thọ, nhưng đã bị bên an ninh canh giữ chặt chẽ.
Theo ông, việc hỏi thăm các blogger sau khi bị thả hoàn toàn không đơn giản, khi phía công an luôn tìm cách tăng cường giám sát.
"Tôi sau đó tìm cách bắt xe buýt, và đi tới nhà riêng của Bọ Lập tại Thảo Điền (Quận 2) để hỏi thăm tình hình, nhưng vừa đến nơi thì gặp ngay một tiểu đội canh giữ, bao gồm có sắc phục lẫn không sắc phục", ông nói tiếp.
Việc liên tiếp cho hai nhân vật nổi danh trên thế giới mạng, bị bắt vì những lý do chính trị (điều 258), được tại ngoại điều tra, có nhiều khả năng là một kiểu tín hiệu mà nhà cầm quyền đưa ra thế giới trong khung cảnh các cuộc đàm phán với châu Âu (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU) hay với Mỹ (TPP) hơn là một thay đổi thái độ ứng xử với người dân trong hướng tôn trọng hơn các quyền tự do của họ - như khi lời tuyên bố của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Berlin ngày 15.10.2014 : “Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người. Việt Nam không phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế này”.
Dù sao, đó là một hành động tích cực của công an TP HCM. Công an Hà Nội còn đợi gì mà không noi gương các đồng nghiệp phía Nam, để trả tự do cho blogger Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) và người cộng tác viên của anh, bà Nguyễn Thị Minh Thuý, bị bắt đã hơn 9 tháng. Công an Đà Nẵng đợi gì mà không thả tự do hoàn toàn cho blogger Trương Duy Nhất, người đã "trả" gần hết hai năm tù giam mà anh bị kết án, khi đã bị bắt từ tháng 5.2013. Còn nữa, các nhà báo tự do Tạ Thị Phong Tần và Phan Thanh Hải, blogger Nguyễn Ngọc Già v.v. Cách duy nhất để ông Dũng thuyết phục các đối tác Âu - Mỹ về tính chân thực trong lời tuyên bố của ông ở Berlin là giải quyết hết những trường hợp tương tự, tuyên bố vô hiệu hoá các điều 258, 88, 79 của Luật hình sự (trước khi đưa ra Quốc hội thay đổi bộ Luật này).
Hoà Vân
Các thao tác trên Tài liệu