Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Bộ Giáo Dục Đào Tạo và các Đại Học "phạm quy"

Bộ Giáo Dục Đào Tạo và các Đại Học "phạm quy"

- Tiến Dũng, Trà Bang, Đào Tuấn, Thanh Tùng — published 08/08/2010 10:08, cập nhật lần cuối 08/08/2010 12:14
Ngày càng có nhiều bằng chứng về các cấp lãnh đạo CP chỉ thích loại cán bộ cấp dưới biết xoay xở cống nạp thật nhiều cho mình hơn là loại cán bộ có tài đức, bản lĩnh, thật tâm muốn góp phần đưa đất nước tiến lên. Hai câu chuyện dưới đây ở Bộ GD & ĐT đủ lý giải tất cả mọi bê bối khác ở bất kỳ Bộ ngành nào hiện nay


Bộ Giáo Dục Đào Tạo và
các Đại Học "phạm quy"




Diễn Đàn : chúng tôi đăng lại nguyên văn dưới đây (trừ phần đã đăng trong Diễn Đàn tháng 4.2010, được thay bằng đường dẫn) hai bài trong mạng Bauxite VietNam chung quanh sự kiện Thứ trưởng bộ GD & ĐT Nguyễn Thị Nghĩa ra quyết định đình chỉ tuyển sinh của trường ĐH Công nghệ Đông Á và trường ĐH Phan Châu Trinh. Thiết tưởng các thông tin và bình luận của Bauxite VN đã đủ để mỗi bạn đọc có đánh giá của mình. Chúng tôi chỉ xin thêm vài ý : Thứ nhất, tình cờ chuyện này xảy ra cùng lúc với đe doạ "đao to búa lớn" của phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội trước các phương tiện truyền thông tố cáo hai năm rõ mười việc ĐH này "liên doanh" với cái gọi là "đại học" Irvine. Thứ hai, những điều này cho thấy càng ngày cuộc sống càng phơi bày rõ những lúc nhúc – cái sự lúc nhúc mà nói nghiêm chỉnh thì phải gọi là "những cơ chế tham nhũng" – trong cái "giỏ cua" cấp cao của bộ GD & ĐT; và khi cái sa đoạ của quyền lực bị lộ liễu, nó lại tự lộ ra những hành xử sa đoạ hơn. Và thứ ba, đây cũng là một thí dụ đấu tranh nhiều vẻ, có khi đáng ngạc nhiên, giữa "cuộc sống vẫn lừng lững đi tới" (Nguyên Ngọc) với một cơ chế đang tự phân hoá, thậm chí có bộ phận thoái hoá. Xin tham khảo thêm thông tin và bình luận trên báo Lao Động ngày 07.08.2010 : Một quyết định mang tính trừng phạt?

Mong ông bộ trưởng giáo dục mới nhận ra những hiện tượng phủ định sáng tạo có phần bi hài nhưng cũng có phần lạc quan này, và nhận ra những quan chức liên quan, dưới quyền ông, đang đóng vai trò nào.

08.08.2010


 

Hai đại học đầu tiên
bị tạm ngừng tuyển sinh?!



Đăng bởi bvnpost on 07/08/2010


Tiến Dũng – Trà Bang



Ngày càng có nhiều bằng chứng về các cấp lãnh đạo CP chỉ thích loại cán bộ cấp dưới biết xoay xở cống nạp thật nhiều cho mình hơn là loại cán bộ có tài đức, bản lĩnh, thật tâm muốn góp phần đưa đất nước tiến lên. Hai câu chuyện dưới đây ở Bộ GD & ĐT đủ lý giải tất cả mọi bê bối khác ở bất kỳ Bộ ngành nào hiện nay. Chừng nào chưa diệt tận gốc những con sâu cỡ bự ngồi tít trên cao thì mỗi bước chuyển động ỳ ạch của đất nước vẫn kèm theo một cái giá không sao tưởng tượng nổi và hết Vinashin này sụm sẽ lại có Vinashin khác sụm theo đố có cách gì tránh khỏi. Xin mời bạn đọc đọc bài này cùng với hai phụ lục soi sáng cho nó và sau đó đọc tiếp bài “Sự thật về việc tháo chạy của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa” tại Trường đại học Phan Châu Trinh ở Hội An kế theo bài này.

Bauxite Việt Nam



"Đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT quyết định tạm ngừng tuyển sinh đối với trường đại học, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, siết chặt kỷ cương của ngành" (Tiến Dũng – Trà Bang – Vnexpress)

Nhưng đó là 2 ĐH nào? Và lý do thực sự là gì? Có thực là do trường đào tạo kém chất lượng ko? Hãy xem đó là 2 trường ĐH nào:
1. ĐH Công nghệ Đông Á (Xin xem hai bài báo đính kèm trong mục Về ĐH Đông Á bên dưới): Là ĐH mà HĐQT đang tố cáo các quan chức của Bộ GD ĐT nhận hối lộ.
2. ĐH Phan Châu Trinh – ĐH có Chủ  tịch HĐQT là nhà văn Nguyên Ngọc. – Người nhiều lần lên tiếng chỉ trích các chủ trương sai trái của Nhà nước về Tây Nguyên, về dự án bauxite.

Hai đại học đầu tiên bị tạm ngừng tuyển sinh

Ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã ký quyết định tạm ngừng tuyển sinh năm 2010 đối với ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh) và ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) do nhiều vi phạm.

Ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa vừa ký quyết định tạm ngừng tuyển sinh năm 2010 đối với ĐH Công nghệ Đông Á. Lý do bị tạm ngừng tuyển sinh là vì trường vi phạm Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học tư thục.

Theo đó, trường được thành lập từ cuối năm 2008 theo quyết định của Thủ tướng, hơn một tháng sau Hội đồng quản trị của trường được Bộ GD&ĐT công nhận. Năm 2009, trường bắt đầu tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được Quy chế tổ chức và hoạt động. Hội đồng quản trị mất đoàn kết, ảnh hưởng đến uy tín của ngành, địa phương và nhà trường.

hinh-phu-huynh

Phụ huynh, học sinh vẫn là những người thiệt thòi nhất khi lỡ theo học những trường đại học kém chất lượng. Ảnh: Hoàng Hà.

Tháng 5 vừa qua, ĐH Công nghệ Đông Á đã khởi công xây dựng 2 khối nhà đầu tiên tại làng đại học ở thành phố Bắc Ninh phục vụ 4.000 sinh viên. Các ngành học của trường gồm: Kinh tế, Ngoại ngữ, Công nghệ thông tin, Kiến trúc, Cơ khí và các khóa liên kết với các trường đại học tại Pháp, Mỹ, Australia…

Năm 2009 – 2010, trường tuyển sinh khóa đầu tiên với 500 sinh viên cho 3 ngành Kế toán, Tài chính Ngân hàng và Quản trị kinh doanh. Năm nay, trường được giao 1.400 chỉ tiêu ĐH, CĐ; hơn 1.000 chỉ tiêu vừa học vừa làm, liên thông; và 700 chỉ tiêu TCCN.

Cùng ngày, Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với lãnh đạo ĐH Phan Châu Trinh, có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Hội An. Phó thanh tra Phạm Ngọc Trúc đã đọc quyết định tạm ngừng tuyển sinh đối với ĐH Phan Châu Trinh trong năm học này.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2007, ĐH Phan Châu Trinh đã tuyển sinh khi chưa được sự đồng ý của Bộ, có nhiều sai sót trong khâu ra đề, chấm thi, xét tuyển; tự ý tăng điểm giãn cách giữa các khu vực ưu tiên không đúng quy định; một số ngành xét tuyển thí sinh không đúng khối thi vào học. Sau hơn 2 năm thành lập, Hiện trường chưa có Hội đồng cổ đông, không họp Hội đồng quản trị, chưa có Ban kiểm soát…

Để đảm bảo chất lượng đào tạo đối với khóa tuyển sinh năm 2007 của ĐH Phan Châu Trinh, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn tới ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng đề nghị hỗ trợ giảng viên, tài liệu học tập, điều kiện vật chất phục vụ thí nghiệm thực hành, hướng dẫn luận văn, thi tốt nghiệp và đánh giá tốt nghiệp cho sinh viên trường này.

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Minh Cả cho rằng, những vấn đề riêng tư nội bộ của trường cần sớm giải quyết dứt điểm, các thành viên trong Hội đồng quản trị của trường cần nhóm họp và tìm cách tháo gỡ những vướng mắc.

Trong khi đó, đại diện ĐH Phan Châu Trinh đã lên tiếng phản đối và trả lại quyết định cho đoàn công tác của Bộ, đồng thời đề nghị được làm việc gặp trực tiếp Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

Đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT quyết định tạm ngừng tuyển sinh đối với trường đại học, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, siết chặt kỷ cương của ngành.

TD – TB

Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/Giao-duc/2010/08/3BA1EE0F/


Phụ lục 1:

Trải thảm đỏ cho Việt kiều như thế này sao!


Đào Tuấn


Những lời hứa, những cam kết của các bậc nguyên thủ khi kêu gọi kiều bào về nước có ý nghĩa gì khi những kiều bào tâm huyết nhất trở về quê hương lại bị hành hạ, bị làm khó, bị đối xử bất công bằng những hành động phi đạo lý và bất chấp pháp luật của một số quan chức cấp dưới!” – Ông Đoàn Minh Tuấn, một Việt kiều 74 tuổi, một nhà giáo vừa có một bức tâm thư gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Vũ Luận phản ánh “những bất công mà những Việt kiều, với tư cách là những nhà đầu tư, nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của đất nước đang phải gánh chịu”.

Ông Đoàn Minh Tuấn, Việt kiều định cư tại Pháp, từng là bộ đội thời kỳ chống Pháp, từng giảng dạy ở một số trường đại học của Việt Nam. Năm 2007, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ đối với Việt kiều, ông về nước cùng với GS TS Hoàng Kỳ, người đã soạn những cuốn sách đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, PGS TS Nguyễn Văn Gia, GS TS Nguyễn Văn Hữu và nhiều bạn bè trong ngành giáo dục cùng nhau xây dựng Trường Đại học Công nghệ Đông Á.

Theo trình bày của ông Tuấn, năm 2008, sau khi vị Chủ tịch HĐQT đầu tiên, GS VS Vũ Tuyên Hoàng qua đời, HĐQT đã bầu ông Phạm Ngọc Thăng làm Chủ tịch HĐQT. Ông Tuấn tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT.

Tuy nhiên, ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Thăng đã kéo bè cánh, gây mất đoàn kết nghiêm trọng trong nội bộ và đặc biệt là vấn đề tài chính hoàn toàn được giữ kín với những biểu hiện hết sức bất minh. Trong suốt một năm đó, ông Thăng tìm mọi cách để Quy chế tổ chức và hoạt động của trường không được thông qua, 4 đại hội cổ đông “chỉ toàn là câu chuyện cãi vã, đấu đá, thậm chí không ra nổi một văn bản, một nghị quyết nào”.

Trước những biểu hiện bất minh trong chi tiêu tài chính, các cổ đông sáng lập trường đã tổ chức đại hội vào ngày 20-12-2009. Tại đại hội này, ông Phạm Ngọc Thăng đã bị các cổ đông chiếm 92,43% cổ phần của Trường dự họp bỏ phiếu miễn nhiệm. HĐQT sau đó, với 7/10 phiếu thuận cũng đã đề nghị Bộ GD và ĐT cách chức Chủ tịch HĐQT của ông Thăng. Tuy nhiên, trong một động thái hoàn toàn bất ngờ, Bộ GD và ĐT đã không chấp nhận việc miễn nhiệm vì cho rằng Đại hội cổ đông họp không hợp lệ. Trong khi ông Tuấn và HĐQT cho rằng họ đã thực hiện đúng theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục”, ban hành kèm theo quyết định 61/2009/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ.

Chúng tôi thiết nghĩ ông Phạm Ngọc Thăng là do HĐQT chúng tôi bầu và quyền miễn nhiệm là thuộc HĐQT của Đại học Công nghệ Đông Á, đại diện cho 92,43% cổ phần đồng ý, chứ không phải thuộc Bộ GD và ĐT. Việc Bộ cho rằng đại hội của chúng tôi không hợp lệ là cưỡng từ đoạt lý, thậm chí, là xâm phạm vào công việc không thuộc thẩm quyền, chuyên môn của quý Bộ. Những bất thường của Bộ GT và ĐT còn ở chỗ trong khi bác tính hợp pháp của Đại hội cổ đông thì họ lại không hề có ý kiến về tính hợp pháp của cuộc họp HĐQT mà theo đó, 7/10 thành viên đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ HĐQT đối với ông Phạm Ngọc Thăng. Sự việc đã được Bộ GD và ĐT đẩy đi xa hơn nữa khi hai ngày trước đại hội cổ đông của trường chúng tôi dự định tổ chức vào hôm 14-5-2010, Bộ GD và ĐT ra một quyết định kỳ cục là cấm họp. Bộ biết rằng đại hội sẽ ra nghị quyết bất lợi cho ông Thăng? Và Bộ quyết bảo vệ ông Thăng một cách bất chấp pháp luật?” – Ông Tuấn viết trong thư.

Theo ông Tuấn, sự việc quá mù ra mưa khi Bộ GD và ĐT thành lập tổ thanh tra để cắt chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí đe dọa trình Chính phủ giải tán ĐH Công nghệ Đông Á.

Sau khi bãi miễn chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Thăng, HĐQT trường ĐH Công nghệ Đông Á đã quyết định mời cơ quan thanh tra về để kiểm tra, một cách độc lập, toàn bộ các hoạt động tài chính của trường. Kết quả kiểm tra sau đó đã lộ sáng những sự thật kinh hoàng: Không có quy định chế độ chi tiêu. Không có định mức tài chính, kế hoạch tài chính. 13 tỷ đồng đã được chi tiêu hàng năm mà không có quyết toán, không tổ chức phê duyệt. 650 triệu đã được chi thêm cho Ban quản lý Dự án…

HĐQT, Ban Giám hiệu và đặc biệt kiều bào Đoàn Minh Tuấn đã sửng sốt trước những khoản chi quá bất minh, quá bí hiểm. Theo báo cáo của thanh tra có tới 1,4 tỷ đã được chi cho việc… tư vấn thành lập trường (trong khi theo quy định, chi phí tư vấn nhiều nhất chỉ 5 triệu đồng). Bảng kê chi tiền cho thấy người nhận rất nhiều là quan chức của Bộ GT và ĐT. Vô lý đến mức chỉ một buổi họp thẩm định của Bộ GD và ĐT, ông Thăng đã quyết chi tới gần 80 triệu đồng, trong đó một Vụ trưởng được kê trong danh sách đã nhận tới 20 triệu đồng, chỉ cho một buổi họp.

Theo những chứng từ, bảng kê còn lưu lại, Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Thăng đã chi tới 1,8 tỷ để quà cáp, biếu xén cho quan chức của đủ các ban ngành, nhiều nhất đương nhiên vẫn là Bộ GD và ĐT.

Những khoản quà cáp, biếu xén, phong bì này có thể gọi khác hơn chăng ngoài việc gọi chúng là những khoản hối lộ? Và phải chăng đây chính là lý do mà Bộ GD và ĐT cố gắng bảo vệ bằng được ông Thăng, dù họ bảo vệ bằng những việc làm của họ là vi phạm pháp luật?” – Ông Tuấn, thay mặt HĐQT viết trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD và ĐT.

Phát biểu với kiều bào đêm 23 tháng chạp Kỷ Sửu vừa rồi, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ trân trọng mọi sự đóng góp của kiều bào, coi đồng bào ta ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Chính ngài Thủ tướng, trong buổi gặp gỡ kiều bào tại Texas năm 2008 cũng đã cam kết trách nhiệm với kiều bào.

Nhưng những lời hứa, những cam kết của các bậc nguyên thủ có ý nghĩa gì khi những kiều bào tâm huyết nhất trở về quê hương lại bị hành hạ, bị làm khó, bị đối xử bất công bằng những hành động phi đạo lý và bất chấp pháp luật của một số quan chức cấp dưới?!”.

PS: Thư ông Tuấn gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận còn có đoạn: Chúng tôi được biết ngài là cháu đời thứ tư của Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm – vị Tam khôi cuối cùng có tên trong văn bia Văn Miếu, được chép trong sách Bách khoa toàn thư. Ngay sau khi nhậm chức Bộ trưởng, ngài đã về quê hương Đôn Thư kính cáo với tổ tiên dòng họ Vũ Phạm – Phạm Vũ. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự chí công vô tư của ngài cũng như kính ngưỡng cụ Vũ Phạm Hàm với những giai thoại còn truyền trong sử sách. Tuanddk bình rằng: Đúng là một cụ “Việt kiều hồi hộp”, ngây thơ đến tội nghiệp.

Bài tới sẽ là những nhân vật có tên trong danh sách nhận tiền với những cá mập còn cao cấp hơn cả Bộ trưởng

Địa chỉ ông Đoàn Minh Tuấn dành cho những đồng nghiệp quan tâm đến vụ việc:

Tel: 0902218446

Email: doanminhtuan1937@yahoo.com

Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=3021&prev=3051&next=3005

 

Phụ lục 2:

Về việc tố cáo rồi thanh tra
Đại học Phan Châu Trinh: Thư kháng nghị
của Trường Đại học Phan Châu Trinh




(bài đăng trên BVN ngày 05/04/2010)



BVN nhận được Thư kháng nghị dưới đây vào ngày hôm qua 3-4-2010, đang phân công Biên tập viên viết Lời đề dẫn trước khi đăng thì đã thấy lá thư xuất hiện trên các mạng Viet-studiesDiễn đàn. Đồng cảm với các bạn đồng nghiệp trong cách nhìn nhận vấn đề này nó là một bằng chứng soi tỏ thêm tình trạng thoái hóa nghiêm trọng của giáo dục Việt Nam hiện nay, dưới sự thao túng của những kẻ lấy đồng tiền làm mục đích mà bất kỳ những ai từng “sống chung với lũ” đều không khỏi đau lòng và chán nản – chúng tôi xin đăng lại Lời giới thiệu của Diễn đàn và lá thư của các ông Phan Ngọc Thu và Nguyên Ngọc.

Bauxite Việt Nam

 

 

 

Sự thật về việc tháo chạy của
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa



Đăng bởi bvnpost on 07/08/2010


Thanh Tùng



nguyenngocTừ lâu rồi, nhiều người đã được biết những tin tức về việc Trần Văn Chính – thực chất là hai anh em nhà Trần Văn Chính – quyết tâm chiếm lấy bằng được Trường Đại học Phan Châu Trinh. Một anh Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Giáo dục & Đào tạo về hưu, khiếp! Tiền đâu mà lắm thế! Anh ta góp cổ phần, rồi đang định lấn chiếm toàn bộ ngôi trường Phan Châu Trinh – một cơ sở giáo dục quyết tâm không mở trường tư thục để sinh lời, mà chỉ một lòng một dạ mở mang dân trí và chấn hưng dân khí.

Bài “tường thuật” sinh động dưới đây cho thấy mấy con bạch tuộc ở cái Bộ Giáo dục & Đào tạo đã thò râu và vòi đi xa như thế nào. Nhưng thời thế đã đổi thay! Đừng nghĩ cứ như những năm 1960, cứ giơ cái Ban Cán sự ra, thì ai ai cũng sợ và ai đó thì muốn làm gì cứ làm. Người ta quên mất là ngay khi nền dân chủ còn bị bóp nghẹt, thì những con người thông minh và trung thực vẫn biết dùng cái đối sách tuyệt vời Tây họ gọi là tit for tat còn Ta thì gọi là ăn miếng trả miếng – và còn hơn Tây nữa, ấy là biết trả miếng theo phương thức tương kế tựu kế. Nói cho dễ hiểu là anh có Ban cán sự thì “bọn choa” đây cũng có Ban cán sự chớ sao?

Đầu nhứng năm 1980, nhà giáo dục Hồ Ngọc Đại – giải thưởng Giáo dục Phan Châu Trinh 2009 – chủ trương giỡ ra làm lại từ đầu. Đến nay, có lẽ lời hô hào quá hiền hòa đó cần thay đổi, vứt đi làm lại từ đầu để thay bằng một cái khác hoàn toàn khác, có lẽ là điều hợp lý nhất.

Trong khi chờ đợi, có ai ở quý Bộ đứng ra cãi lại bài tường thuật này không đây? Chẳng lẽ chỉ là giá áo túi cơm thôi à? Không có ai đủ tài năng và dũng khí đứng ra bảo vệ đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa ư?

Phạm Toàn

 

 

1. Đoàn công tác của Bộ Giáo dục & Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu vào làm việc tại Trường Đại học Phan Châu Trinh ngày 5/8/2010 được bắt đầu lúc 8 giờ 15 phút. Phóng viên các báo Tuổi trẻ, Giáo dục thời đại, Người lao động… chuẩn bị máy quay, ghi âm sẵn sàng.

Ngay sau lời mở đầu của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu không đối thoại mà chỉ thực hiện ba bốn nội dung của chương trình nghị sự, bà lấy lý do Bộ còn làm việc với Đại học Đà Nẵng lúc 9h 30 nên cuộc họp chỉ có thể diễn ra trong vòng một giờ. Lập tức ông Nguyên Ngọc Chủ tịch Hội đồng Quản trị lên tiếng phê phán lối làm việc vô trách nhiệm này của bà Thứ trưởng: Tôi vô cùng kinh ngạc khi chứng kiến một đoàn công tác mười người đầy đủ các ban bệ của Bộ do một Thứ trưởng dẫn đầu vào làm việc với Trường, để giải quyết một việc lớn, âm ỉ dư luận từ mấy năm qua, mà lại không cho đối thoại và chỉ làm trong một giờ đồng hồ! Làm như vậy thì làm làm gì cho tốn thời gian tiền bạc của dân, bà không biết xót những đồng tiền này à?

Ông Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng nói huỵch toẹt “Bà thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và mười thành viên của đoàn công tác Bộ Giáo dục & Đào tạo đang tất bật, tận tụy, chăm chỉ, cặm cụi làm theo kịch bản của Trần Văn Chính, một cán bộ lãnh đạo của Bộ đang bị nhà trường tố cáo tham nhũng, hối lộ. Trần Văn Chính là một cán bộ của Bộ có tham gia cổ đông, luôn có thái độ chống đối phá phách ngăn cản Chủ tịch Hội đồng quản trị bằng việc đút lót cho những kẻ biến chất ở cơ quan Bộ. Âm mưu của Trần Văn Chính đó là quyết loại trừ cho được Hiệu trưởng nhà trường, quyết phá không cho tuyển sinh, quyết quy kết bằng được những điều mà Trần Văn Chính đã mớm trong kết luận thanh tra 108…

Nhưng điều trớ trêu là trong Quyết định của bà Nghĩa lại không có câu: “Quyết định này thay thế cho Quyết định đã ban hành trước đây” (Tháng 3/2010 Thứ trưởng Phạm Vũ Luận nay là Bộ trưởng đã ký quyết định cho phép nhà trường được tuyển 650 chỉ tiêu đi học cao đẳng vào các ngành)

Và Chủ tịch HĐQT Nguyên Ngọc đã tuyên bố trả lại cái quyết định tạm dừng tuyển sinh đại học năm 2010 mà bà Nghĩa đã ký trái với quy định hành chính này.

2. Nhưng chưa hết, trước đó đoàn công tác của bà Thứ trưởng đã có buổi làm việc với đông đủ bá quan văn võ của thành phố Hội An để truyền đạt mệnh lệnh của Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục & Đào tạo về loại trừ ông Phan Ngọc Thu ra khỏi chức vụ Hiệu trưởng nhà trường theo đúng kịch bản của Trần Văn Chính..

Bí thư Thành ủy Hội An đã chỉ thẳng vào mặt bà Thứ trưởng: Không phải tôi đem 5 thường vụ và lãnh đạo các đoàn thể đến đây ngồi họp để làm cảnh cho cái trò truyền đạt này của chị nhé! Chúng tôi đến đây là để bàn bạc với chị chứ không phải để ngồi nghe chị lệnh! Làm Thứ trưởng như chị đừng tưởng ngon, tôi đây cũng thừa sức làm.

Ông mắng tiếp: Ông Thu là Bí thư chi bộ nhà trường, là đảng viên do địa phương tôi quản lý, tại sao không ai bàn bạc trước với tôi chuyện này. Ban cán sự đảng của Bộ Giáo dục là cái gì? Là cái gì đó thì tôi cũng không cần biết, tôi không quan tâm, nhưng muốn can thiệp vào tổ chức trực thuộc của tôi, vào đảng viên của tôi, thậm chí muốn hiểu định nghĩa sai phạm nghiêm trọng là như thế nào thì phải vào đây mà làm việc. Chị là cái gì, chị là Thứ trưởng thôi chứ chị to hơn đảng à! Tôi sẽ báo cáo ra Ban bí thư trung ương đảng chuyện này chứ tôi không để yên đâu, đừng có quen thói cửa quyền đứng trên luật pháp!

3. Bị bẽ mặt, Thứ trưởng cùng bầu đoàn thê tử luống cuống rời phòng họp văn phòng Thành ủy. Tay Thư ký đoàn vội đi riêng gặp vị Bí thư này để xin ý kiến giải quyết, vì quyết định sa thải đã mang đi rồi mà không công bố thì biết ăn nói làm sao với Bộ trưởng đây.

Vị Bí thư Thành ủy nói ngay:

Các anh phải biết lường trước cách ứng xử của Trường đại học Phan Châu Trinh nếu đưa ra công bố quyết định này:

Thứ nhất, Trường sẽ nói: bà Thứ trưởng hiện đang là bị đơn của nhà trường kiện lên Thanh tra Chính phủ vì tội cùng Phó thanh tra Bộ Phạm Ngọc Trúc tiếp tay, bao che cho các hành vi vô đạo đức, trái pháp luật của nhóm tố cáo nhà trường, nên bà không có tư cách gì để đứng ra công bố quyết định. Nếu nhà trường tuyên bố như vậy với bà Nghĩa, các anh sẽ làm gì, chịu trận với nhau cả lũ chứ gì!

Thứ hai, Quyết định 61 quy định nhiệm vụ của HĐQT là bầu Hiệu trưởng, bây giờ anh muốn phế truất thì ít nhất cũng phải có ý kiến của HĐQT đề nghị đã chứ, anh tùy tiện làm ngang xương trái luật mà được à. Nếu bà Nghĩa cứ công bố Quyết định, ông Nguyên Ngọc sẽ lôi ngay điều 14 của Quyết định 61 về quyền của Chủ tịch HĐQT, để lập tức trình bổ nhiệm ngay chính… ông Thu, thế thì các anh nói sao, các anh chỉ bẽ mặt thôi chứ sao, vì họ làm đúng luật, Quyết định Thủ tướng cho phép vậy mà, đúng không!

Thứ ba, cái này là ứng xử của tôi chứ không phải của trường, như tôi đã nói hồi nãy, cái trường này là niềm tự hào của nhân dân Quảng Nam, của nhân dân Hội An chúng tôi, tôi phải bảo vệ đến cùng, Hiệu trưởng là đảng viên của tôi, tôi cũng bảo vệ đến cùng. Các anh quy cái chữ sai phạm nghiêm trọng vào để có cớ áp vào điều luật để xử ông Thu thì đó là quyền của các anh, đối với tôi và rất nhiều người khác việc tuyển sinh năm đó của ông Thu là rất nhân văn, rất hợp đạo lý tình người mà Bộ phải rút kinh nghiệm sâu sắc, đừng nên đứng trên sự vô cảm và xơ cứng để quy kết sự việc.

Có thể sự bảo vệ đến cùng đó cũng sẽ có cái giá của nó. Vì thế, nếu ngày mai bà Thứ trưởng công bố quyết định miễn nhiệm ông Thu, tôi sẽ lập tức cho thu hồi ngay miếng đất này. Thu hồi ngay lập tức! Tôi thu hồi vì đã hết hạn cho nhà trường mượn. Còn 1500 sinh viên kia thì bà Thứ trưởng tự đi mà giải quyết, muốn giải quyết phân phối về trường nào thì tùy bà, chúng tôi không cần biết!

Đó là chưa tính đến tình huống các anh sẽ bị khóa trái cổng lại không cho về. Nhà trường sẽ nhốt Thứ trưởng lại để sinh viên kéo đến hỏi chuyện. Tôi không dọa đâu vì chuyện này nó đã xảy ra ở Điện Bàn mấy tháng trước rồi. Tôi cẩn thận dặn các anh vậy để các anh tính.

Chết khiếp vì sự phản ứng quá mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương và nhà trường, ngay đêm mồng 4/8/2010 bà Thứ trưởng vội vã xin gấp ý kiến chỉ đạo cấp trên và đã phải rút lại quyết định sa thải ông Phan Ngọc Thu, chỉ công bố vội vã cái quyết định không cho tuyển sinh, nhưng rồi cũng bị Nguyên Ngọc nhờ chị đưa về cho Bộ trưởng, chứ cũng chẳng thèm cầm xem.

Không cho ai phát biểu thêm, Thứ trưởng cùng bầu đoàn thê tử vội vã ra xe… chuồn gấp! Toàn bộ thời gian chuẩn bị công phu từ mấy tháng trước, nào là thông báo cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thông báo cho HĐQT nhà trường, mail qua fax lại… vì sự thành công của môt chuyến công cán, cuối cùng vì quá khiếp sợ, bà Thứ trưởng chỉ làm việc ở trường hết có 56 phút và không thể nào hoàn thành được kịch bản của Trần Văn Chính đã soạn ra!

TT

(Đà Nẵng)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss