Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Chạy trường

Chạy trường

- Hoà Vân — published 09/09/2006 15:09, cập nhật lần cuối 13/03/2007 23:28
Chuyện cũ, không phải chỉ có ở VN, nhưng đang trở thành thời sự "nóng" vì nhiều lý do mà ở nơi khác không có !

     
Nhân vụ « chạy trường »

     

« Chạy trường » có thể là một thuật ngữ mới, nhưng vấn đề thì hoàn toàn không. Nó xảy ra ở những nước có chế độ giáo dục công là chính, kèm theo là chính sách « ở đâu học đấy », bắt buộc cha mẹ học sinh phải gửi con em tới trường học của khu vực mình ở, trong khi chất lượng và danh tiếng các trường thì không bằng nhau...

Pháp chẳng hạn là một nước có chế độ và chính sách đó. Vậy phụ huynh có con em trong tuổi đi học (tiểu và trung học thôi, đại học thì tình hình có khác), nhưng lại ở một khu trường học không tốt (tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa!) thì xoay xở thế nào ? Vẫn ở Pháp, chuyện « phong bì » cho thầy hiệu trưởng có thể coi như rất ít khả năng xảy ra, nhưng chuyện « chạy » một địa chỉ trong khu có trường tốt (mượn địa chỉ bà con, bè bạn v.v.) người viết bài này đã từng thấy. Vài trường hợp ở một trường, chẳng ai lấy thế làm to chuyện... Vậy tại sao ở ta lại thành chuyện lớn ?

Câu trả lời là... những phong bì chứa đồng đô la, hoặc những « thư tay » không kém phần nặng ký ! Và tất nhiên, cái cơ chế nuôi dưỡng và dung túng cho những phi vụ trao và nhận phong bì ấy. Vụ đổ bể đường dây chạy trường ở trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn, quận 3 Thành phố HCM (xem hồ sơ của báo Thanh Niên trên địa chỉ http://www2.thanhnien.com.vn/News/Event.aspx?EventID=963 , ngoài vụ Lê Quý Đôn còn có nhiều vụ khác !), một phần do một số giáo viên và phụ huynh học sinh đã tìm cách chứng minh được (ghi âm, ghi hình) sự việc một giáo viên thân cận của hiệu trưởng nhận tiền để xếp chỗ học cho một học sinh « trái tuyến ». Nhưng nếu không có không khí « nói không với tiêu cực » mà ông bộ trưởng giáo dục mới đang cố tạo nên – từ khi báo chí và dư luận đã được dấy động từ hành động dũng cảm tố cáo tiêu cực trong thi cử của thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Tây, tháng 6 vừa qua (xem Diễn Đàn số 164) -, liệu những tố cáo của họ có mang lại được kết quả nào ? Trong một loạt 3 bài viết « Làm gì để chấm dứt nạn chạy trường ? » (xem bài số 1 ở địa chỉ http://www.sggp.org.vn/thoisu/2006/8/59100/, ), tác giả đã xác nhận « “Chạy trường” từ lâu đã trở thành nỗi nhức nhối của ngành GD-ĐT, nỗi bức xúc của những thầy cô chân chính và làm xói mòn lòng tin của xã hội », và trích lời nói của ông trưởng phòng giáo dục quận 11 tại TP HCM cho biết « Hành trình chạy trường kéo dài từ tháng 5 cho đến gần ngày khai giảng khiến phụ huynh bơ phờ mà nhà trường cũng mệt mỏi không kém ». Trong vụ trường Lê Quý Đôn, bà hiệu trưởng (kiêm bí thư đảng uỷ) sau nhiều ngày « vẫn yên vị » dù bị báo chí công khai tố cáo trách nhiệm với chứng cớ khá rõ ràng, cuối cùng đã bị « đình chỉ công tác » trong khi chờ đợi điều tra. Quyết định này cũng chỉ được lấy sau khi chính bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phải tham dự một buổi làm việc giữa Hội đồng nhân dân, và Uỷ ban nhân dân TP.HCM với ngành giáo dục và các ban ngành, đoàn thể liên quan (ngày 11.9) để giải quyết vụ việc. Trước đó, ông Huỳnh Công Minh, giám đốc sở GD-ĐT thành phố vẫn « làm ngơ » dù dư luận đòi hỏi, và dù chính ông đã lấy một quyết định tương tự với ông hiệu trưởng trường trung học Gò Vấp mấy ngày trước ! Tại sao có sự phân biệt đối xử ấy ? Và liệu bộ trưởng Nhân có đủ quyền lực để giải đáp câu hỏi, và giải quyết những tất khuất đằng sau nó ? Báo chí trong nước cũng chưa có bài điều tra đi sâu hơn. Trong một vài câu chuyện trao đổi với những người thân là giáo viên ở Hà Nội, một người bạn của người viết được biết, « giá » của một chức hiệu trưởng của một trường trung học ở trung tâm thủ đô là khoảng 100 triệu đồng (hơn 6000 đô la), của một giáo viên chủ nhiệm là khoảng 30 triệu. « Giá » khác nhau ở chỗ mỗi vị trí có những quota khác nhau để nhận học sinh trái tuyến, không đủ điểm thi mà vẫn vào được trường... Chúng tôi đưa những con số này với sự dè dặt thường lệ, nhưng bản chất của thông tin thì... có lẽ không có sự khác biệt bao nhiêu giữa thủ đô hành chính và thủ đô kinh tế, nhưng chắc phải cần thêm thời gian và tác động của xã hội mới mong có được một câu trả lời khẳng định hơn !

Điểm sáng hiển nhiên của những ngày khai giảng, như bạn đọc hẳn đã nhận thấy, là lần đầu tiên từ rất nhiều năm nay, một số vụ việc mà người ta cố che đậy, đang dần dần bị bộc lộ trước công luận, dù trước đó dư luận đã râm ran nhiều nhưng chẳng ai đưa được ra những tố cáo cụ thể, hoặc có khi có bằng chứng cụ thể đấy nhưng cũng không thuyết phục được các tổng biên tập đưa lên mặt báo.

Tất nhiên, « chống tiêu cực »không thể được coi là biện pháp cơ bản để vực dậy một nền giáo dục đã bị tha hoá nặng vì rất nhiều lý do sâu xa hơn. Tình trạng học vẹt, dối trá tràn lan trong thi cử, bằng cấp, suy thoái đạo đức ở lớp trẻ và ở cả nhiều người thấy, không thể được giải quyết bằng việc đưa ra toà một vài cá nhân vi phạm luật pháp. Thay đổi ngay từ triết lý giáo dục là một đòi hỏi ngày càng được nhiều người nói công khai trên mặt báo. Dù sao, trong khi chờ đợi, không thể không ghi nhận những tác động tích cực mà tân bộ trưởng đang tạo ra với những cố gắng của mình.

Hoà Vân



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us