Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Chiến sĩ quốc tế – Giữa những quê hương

Chiến sĩ quốc tế – Giữa những quê hương

- Thanh Nguyễn — published 28/05/2020 00:15, cập nhật lần cuối 28/05/2020 00:15



Chiến sĩ quốc tế – Giữa những quê hương


Thanh Nguyễn



Sau những đắn đo khá lâu, tôi tự thấy sẽ không có cái tựa nào phù hợp hơn với bài viết này bằng cái tựa của chính bộ phim đã chiếu trên chuyên mục VTV đặc biệt của Đài truyền hình Việt Nam ngày 15.5: Giữa những quê hương (có thể xem tại đây). Dù còn những nhận định khác nhau, như đã và sẽ có đối với các tác phẩm báo chí, nghệ thuật, thì điều khó phủ nhận là bộ phim này đã thực sự tạo được xúc động với số đông những người xem có sự trải nghiệm về một Việt Nam thăng trầm.



Trong một thời lượng vỏn vẹn 53 phút, bộ phim cố gắng chuyển tải câu chuyện về ba người chiến sĩ quốc tế từng gắn bó máu thịt với Việt Nam trong suốt 20 năm, tất cả đều đã trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình: Đức - Pháp và Hy Lạp từ hơn 50 năm trước. Người mất, người còn. Người hạnh phúc trong bình yên cùng gia đình, người cô đơn và nổi chìm trong sóng gió. Nhưng, tất cả những chiến sĩ quốc tế, “những người Việt Nam đặc biệt”, “những người Việt Nam mới” ấy, như Hồ Chí Minh từng gọi họ, đều giống nhau ở sự thủy chung lạ lùng với Việt Nam và dù hoàn cảnh nào cũng không chút phai mờ tình yêu với Việt Nam và Hồ Chí Minh.

Có một câu hỏi mà phóng viên Trần Thu Hiền cùng nhóm làm phim Ban Truyền hình Đối ngoại của VTV thường đặt ra cho nhau từ khi nhen nhóm ý tưởng cho đến khi đi thực hiện bộ phim Giữa những quê   vì sao những người trí thức trong đội quân lính lê dương đến từ các nước Âu – Phi lại trở thành  Việt Minh và có nhiều thiện cảm đến thế với Việt Minh? Và chỉ khi quá khứ hiện ra trong từng trang tư liệu ở Việt Nam và ở nước ngoài, chỉ khi vượt qua biên giới nhiều quốc gia để gặp gỡ những nhân chứng sống của bộ phim thì nhóm làm phim mới tin là mình đã có câu trả lời qua từng câu chuyện họ kể. 


NVL
Ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam


Đó là Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, đến nay còn sống tỉnh táo ở tuổi 92 tại Hy Lạp, người nước ngoài đầu tiên và duy nhất cho đến nay được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.


Ông Lập kể trong phim : “ Năm 1946 chúng tôi được kêu gọi “Đến Đông Dương để bảo vệ tự do”. Ngày 2.2.1946, khi đặt chân lần đầu đến Sài Gòn, tôi được quen biết vợ của một sĩ quan Pháp người Việt tên là Ly Ly. Chính bà đã giác ngộ cho tôi hiểu Việt Minh là những người yêu nước mình, muốn giải phóng quê hương mình chứ không phải như người ta đã mô tả. Về sau tôi mới biết bà ấy là một điệp viên của Việt Minh.


Sau đó, nhận thức của tôi về Việt Minh khác hẳn. Trong một lần chứng kiến lính Pháp đánh đập dã man trẻ con Việt Nam, tôi ngăn cản không được nên đã nổ súng vào họ. Tất nhiên là tôi bị bắt bỏ tù và đã cùng nhiều người vượt ngục… Tôi đã dần hiểu tự do không phải như những gì tôi được giáo huấn trước khi đến đây. Rồi, tôi quyết định đi về phía Việt Minh, chọn cho mình con đường tự do trong tư cách một chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình ”.


CS
Ông Erwin Borchers Nguyễn Chiến Sĩ


Đó là Erwin Borchers, một trí thức người Đức đến Việt Nam trong đội quân lính lê dương vì tin vào cái lẽ “đi bảo vệ hòa bình và giải phóng con người”. Nhưng rồi, từ thực tế nước Việt Nam và người Việt Nam đang bị người khác đến xâm chiếm, nhận thức trẻ trung, nhạy bén của Erwin Borchers về bản chất cuộc chiến đang diễn ra tại Đông Dương, tại Việt Nam đã nhanh chóng thay đổi.

Ông tổ chức nhóm phản chiến trong lính lê dương và tự nguyện gia nhập hàng ngũ Việt Minh trong vai trò của người làm công tác địch vận. Nhà văn hóa Hữu Ngọc – người từng làm Trưởng ban giáo dục tù binh – hàng binh Âu – Phi trong kháng chiến chống Pháp, biết rõ Erwin Borchers những năm tháng cùng làm địch vận ấy cho biết : “ Erwin là một trí thức lê dương được các vị lãnh đạo, đặc biệt là Hồ Chí Minh yêu quý, tín nhiệm vì sự chân thành và trí tuệ. Cái tên Việt – Nguyễn Chiến Sĩ của Erwin là do các vị lãnh đạo Việt Minh đặt cho đấy ”. Với Erwin, “ Tự nguyện trở thành một chiến sĩ hòa bình trong đội ngũ những người Việt Nam yêu nước là sự lựa chọn con người, không có biên giới, không có quốc tịch nào ràng buộc được ”.


GB
Georges Boudarel (1926 – 2003) là một học giả người Pháp. Ảnh: TL




Đó là Georges Boudarel – một giáo sư triết học được chính phủ Pháp điều động sang dạy ở trường Marie Curie (Sài Gòn) trước năm 1950.

Nhà sử học Pháp Alain Russio kể trong phim : “ Là giáo sư triết học trẻ tuổi, Boudarel luôn quan tâm đến vấn đề nhân văn nên ông đã nhanh chóng gia nhập nhóm “Văn hóa Mác xít” do ông Nguyễn Thọ Chân, một lãnh đạo trong Thành ủy Sài Gòn phụ trách (về sau ông Chân từng làm bộ trưởng và đại sứ Việt Nam tại Liên Xô cũ). Nhận thấy ở Boudarel một tình yêu rất tự nhiên với cuộc đấu tranh của người yêu nước Việt Nam vì giải phóng đất nước, vì tự do, năm 1950 Nguyễn Thọ Chân đã tổ chức cho Boudarel vào chiến khu, làm việc trong chương trình phát thanh Pháp-Á.

Từ đây Boudarel đã ra chiến khu Việt Bắc, tham gia công tác ở Cục địch vận cùng với Hữu Ngọc và Erwin Borchers, tham gia những công việc vận động binh lính Pháp bỏ ngũ về với Việt Minh. Ông cũng cùng với Hữu Ngọc, Erwin Borchers làm việc cho các tờ báo binh vận bằng tiếng Pháp và tiếng Đức những năm trước chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sau hòa bình năm 1954, cả Kostas Nguyễn Văn Lập, Erwin Nguyễn Chiến Sĩ và Georges Boudarel Đại Đồng còn ở lại Hà Nội làm việc cho đến giữa những năm sáu mươi mới trở lại quê nhà Hy Lạp, CHDC Đức và Pháp. Erwin tiếp tục làm cầu nối giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Đức để giúp đỡ các gia đình cựu binh lê dương người Đức, để củng cố tình hữu nghị giữa hai nước. Ông cũng được vinh dự nhiều lần làm phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kostas Nguyễn Văn Lập trở thành thủ lĩnh, là chỗ dựa tinh thần lớn lao của cộng đồng người Việt Nam tại Hy Lạp. Những người vợ của Kostas Lập và Erwin Nguyễn Chiến Sĩ đều là người Việt Nam và các con của họ đều có tên Việt bên cạnh tên Đức và tên Hy Lạp. Bà Nguyễn Hoàng Giang, con gái Erwin Nguyễn Chiến Sĩ đã nói về cha mình trong bộ phim Giữa những quê hương rằng : “Cuộc đời cha tôi là những mảnh ghép và mảnh ghép đẹp nhất là những năm tháng cha tôi sống và làm việc tại Việt Nam”. Còn Kosts Bạch Tuyết, con gái của Kostas Nguyễn Văn Lập thì xúc động kể : “Cha tôi đã cho chúng tôi tình yêu Việt Nam, yêu tiếng nói của mẹ. Ông đã viết ra giấy dặn các con: ông đã bàn với mẹ chúng tôi, khi ông chết hãy chôn ông ở Việt Nam”.

Georges Boudarel trở về Pháp với không ít gian truân nhưng ông cũng đã luôn chọn cho mình những công việc mà theo ông có ích nhất cho Việt Nam : vừa làm giáo sư sử học của Đại học Paris 7, vừa dịch nhiều sách Việt Nam ra tiếng Pháp, trong đó có cuốn Đại thắng mùa xuân dịch cùng giáo sư toán Nguyễn Ngọc Giao.

Bị oan khuất, bị bệnh và chết trong cô đơn những năm cuối đời, Boudarel đã may mắn được bạn bè thực hiện di nguyện cả đời mình “được trải một phần tro xác mình hòa vào đất và nước Việt Nam” nơi ông đã cả đời yêu thương, không một lần trách móc. Nguyễn Ngọc Giao đã thay mặt bạn bè của Boudarel giữ phần tro cốt của Bouda tại nhà mình ở Paris suốt 17 năm và đã cùng vợ thực hiện di nguyện cuối cùng của Bouda vào đầu mùa xuân 2020 mà hình ảnh trong bộ phim chỉ thể hiện được một góc nhỏ.


gt
Vợ chồng nhà báo Nguyễn Ngọc Giao trong giờ phút chia tay Georges Boudarel –
người bạn chí thiết của Việt Nam, người bạn gần gũi của ông bà,
người đã được ông bà gìn giữ di cốt suốt 17 năm trong nhà tại Paris
để chờ ngày hoàn thành ước nguyện trở lại Việt Nam của Buda.
Tro cốt của Georges Boudarel đã hoà vào sông nước Việt Nam.
Ảnh: Nguyễn Hồ


Phim Giữa những quê hương đã khép lại nhưng câu chuyện về “những người Việt Nam mới” tuy không sinh ra tại Việt Nam nhưng đã dành cho xứ sở này một tình yêu hết sức đặc biệt vẫn còn ám ảnh người xem. Họ – những con người đặc biệt đáng yêu ấy là kết quả của nền tảng nhân văn vốn có trong con người, nhưng phải chăng cũng là kết quả của một chính sách dân vận rất đặc biệt mà trong bộ phim có nhắc tới : “Không đánh mà thắng là nhờ địch vận. Mời những người tiến bộ, giác ngộ trong hàng ngũ địch để vận động chính những đồng ngũ của họ, đó là một trò chơi với lửa mà chỉ Hồ Chí Minh mới dám làm” (nhà văn hóa Hữu Ngọc).

Trong thư gửi cho những người trong trại hàng binh Âu – Phi, Hồ Chí Minh đã viết : “Chính phủ Việt Nam, nhân dân Việt Nam không bao giờ coi các bạn là kẻ thù. Mong các bạn yên tâm và chia sẻ với những khó khăn sinh hoạt do điều kiện kháng chiến. Trong khi chờ đợi điều chắc chắn sẽ có là ngày các bạn được trả tự do, mong các bạn hãy giữ sức khỏe và giữ kỷ luật” (Kostas Nguyễn Văn Lập).

Có một nhân vật trong phim mà tôi muốn mượn câu chuyện của ông để kết thúc bài viết này về “những người lính Việt Minh da trắng”. Đó là Đại tá Bernard Grué, cựu tù binh Đông Dương, người chưa từng bao giờ đồng ý trả lời phỏng vấn bất kỳ phóng viên nào trước đó, kể cả phóng viên Pháp vì những nghi ngại chưa thể giải tỏa. Vậy mà khi tiếp xúc gần đây nhất với đoàn làm phim ông đã chia sẻ những ký ức không thể quên về trận chiến ở Thất Khê Cao Bằng, về cuộc gặp bất ngờ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi bị bắt, về điều kiện sinh hoạt tại trại tù binh sĩ quan số 1 nơi ông được ở an toàn trong nhà dân, sống và lao động cùng người dân địa phương...

Bức thư ông gửi cho đoàn phim có đoạn rất chân thành : “ Tôi rất vui được gặp các bạn và chia sẻ chân thành với các bạn một phần ký ức không thể nào quên của tôi tại Việt Nam. Các bạn thuộc thế hệ trẻ, không phải trải qua cuộc chiến tranh vô ích mà người Pháp đã gây ra ở Việt Nam. Điều cần thiết bây giờ là xây dựng và phát triển quan hệ hòa bình và hữu nghị giữa hai đất nước. Một phần của tôi đã ở lại Việt Nam. Điều này có nghĩa là chúng ta rất gần nhau trong quá trình hòa giải này ”...

Thanh Nguyễn

NGUỒN : Người Đô Thị, ngày 27.5.2020


Bài liên quan :


    Bouda, tạm biệt !

    Di cốt nhà sử học Boudarel hòa vào sông nước Việt Nam

    Ước nguyện mùa Xuân




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss