Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Chiến tranh !

Chiến tranh !

- Huy Đức — published 07/12/2007 16:20, cập nhật lần cuối 13/12/2007 11:43

Chiến Tranh !

Huy Đức



Đêm qua, có ít nhất hai tờ báo, trong đó có tờ Tuổi Trẻ, phải lột những bài viết về vụ Trung Quốc hợp thức hoá việc thôn tính Hoàng Sa. Sáng, có nhà báo trẻ ví sự kiện này với vụ bé Bảo Trân bị cô giáo lấy băng keo dán miệng. Khóc. Vẫn biết là người Trung Quốc sẽ “ chơi ” như vậy mà không kìm được nhục. Mấy tháng trước, Đại sứ cũng đã bị dựng dậy lúc nửa đêm để nghe Bộ Ngoại giao họ “mắng” khi báo chí ta, nói với nhân dân ta, rằng ở Mỹ, ở Châu Âu, người ta phát hiện ra những chất có hại cho sức khoẻ trong thực phẩm và đồ chơi Trung Quốc.

Trong entry Có Lẽ Cụ Chủ Tịch Không Biết tôi đã phân tích tính “ lợi bất cập hại ” khi “ nhà nước hóa tiếng nói của nhân dân ”. Họ biết là hàng tuần chúng ta có giao ban (*), có định hướng, có xử lý báo chí.

Mấy ngày nay tôi có trao đổi email với một người bạn Trung Quốc, một nhà báo nữ. Cô ấy học với tôi ở Maryland. Hồi đó, biết tôi đã từng là một sỹ quan quân đội, cô ấy hỏi : “ San, anh đã từng giết thằng Mỹ nào chưa ? ” Tôi nói, không phải đùa : “ Sorry Jin, khi tôi đi lính, không còn Mỹ, chỉ còn Trung Quốc ”.

Tôi xung phong vào bộ đội sau ngày 17-2- 1979, khi “ Tiếng súng đã vang trên bầu trời Biên giới ”. Năm ấy tôi 17 tuổi và đang học lớp 10. Tôi nhớ như in máu đã chảy trong tôi như thế nào và ngay giờ đây máu vẫn chảy như thế mỗi khi nghe “Tiếng súng …”. Tôi biết, tôi sẽ trở lại quân ngũ nếu chiến tranh lại xảy ra như 29 năm trước. Tôi cũng không thể ngăn cản con trai tôi, nếu khi cháu lớn, người Trung Quốc lại xâm chiếm đất nước tôi.

Nhưng, tôi đã biết Chiến Tranh sau những năm tháng ở Biên giới phía Bắc, những năm tháng ở Campuchia.

Ông Nguyễn Trung, nguyên đại sứ Việt Nam tại Thái Lan kể, có một nhà lãnh đạo ta khi tiếp kiến Quốc Vương Thái nói rằng : “Chúng tôi tự hào vì đã đánh thắng ba đế quốc to”. Đức Vua điềm đạm nói : “ Chúng tôi thì lại tự hào vì không phải đánh nhau với đế quốc to nào cả ”. Chắc nhiều bạn nghiên cứu lịch sử Thái cận đại và hiện đại sẽ thấy họ đã khôn ngoan như thế nào để tránh chiến tranh trong những tình huống tưởng như không thể nào tránh được. “ Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh, bên nào thắng thì nhân dân cũng bại ”, thơ Nguyễn Duy.

Tôi vừa đọc xong cuốn sách mới nhất của Đề đốc Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa Hồ Văn Kỳ Thoại. Ông Thoại là cháu nội của nhà văn Hồ Biểu Chánh, là vị tướng đã ra lệnh nổ súng trong cuộc “ tử chiến ” Hoàng Sa hồi năm 1974. “ Lịch sử sẽ đánh giá quyết định đó ”. Năm 2005, khi ở Mỹ, tôi đã giúp một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao lập danh sách những liệt sỹ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận chiến này. Tôi không biết Bộ Ngoại giao đã làm gì với danh sách mà tôi đã từng cung cấp, nhưng ngay từ khi ấy, tôi đã đề nghị quan chức này, hãy thuyết phục để Nhà nước khắc bia lưu danh những người anh hùng đó.

Theo những gì mà những người lính Hải quân Sài Gòn kể thì khi đó họ đã phải chiến đấu hết sức đơn độc. Trung Quốc đã lựa chọn một thời điểm mà người Mỹ không thể can thiệp, cho dù Hạm Đội 7 vẫn ở ngoài Biển Đông.

Tôi không bao giờ xét lại quyết định của mình năm tôi 17 tuổi. Năm đó, tại Sài Gòn này, có những người lính đang bị hắt hủi, đang bị coi là “ Ngụy ” vẫn sẵn sàng, nếu được chính quyền chấp nhận, sẽ tòng quân. Nhưng những gì dẫn đến “ cuộc chiến tranh 17-2 ” thì, cho tới ngày nay, tôi vẫn tiếc.

Sau khi Jimmy Carter trở thành Tổng thống, người Mỹ đã định “ bình thường hoá ” quan hệ với Việt Nam. Năm 1977, Việt Nam khó có thể lấy được chiếc ghế mà Sài Gòn đã ngồi ở Liên Hợp Quốc nếu như không có sự ủng hộ của người Mỹ. Khi ấy, ASEAN cũng đã chìa bàn tay ra nhưng chúng ta đã thật kiêu ngạo để không nắm lấy. Nếu khi đó, chúng ta đã là thành viên ASEAN, đã có quan hệ ngoại giao với Mỹ, chắc chắn, chúng ta sẽ xử lý xung đột ở Campuchia theo cách khác và người Trung Quốc không thể nào dám để cho cuộc chiến Biên giới xảy ra.

Cũng có những sự lật lọng cay đắng khiến cho các nhà lãnh đạo lúc đó không thể không “ cảnh giác cao độ ” với Bắc Kinh. Ngay trong ngày 1-5-1975, Khmer Đỏ, kẻ mà 14 ngày trước đó, nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam sẽ không thể nào nắm quyền ở Phnom Penh, đã giết những người dân Việt Nam sống ở vùng Tây Nam Biên giới. Cuộc chiến tranh Tây Nam sau đó do chế độ Pol Pot, với sự cố vấn của người Trung Quốc tiến hành, đã làm cho mối quan hệ Việt –Trung trở nên nghiêm trọng.

Cùng lúc ấy, bên trong, chính sách “ cải tạo tư sản ” đã đưa hàng trăm nghìn người Hoa ra khỏi thành phố. Tiếp đó là “ nạn kiều ”. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể, năm 1978 ông ra Quảng Ninh và thấy nhiều vùng ở đây vắng ngắt. Hàng vạn người Hoa đã sinh sống nhiều đời ở Việt Nam, chỉ biết tiếng Việt Nam, đã phải ngơ ngác, ngậm ngùi “ trở về ” Trung Quốc.

Năm 1977, người Mỹ chủ động đàm phán với Việt Nam nhưng chỉ vì khoản “ bồi thường chiến tranh ” mà chính quyền đã bỏ lỡ mất cơ hội. Sang năm 1978, Trung Quốc phát tín hiệu rồi “ hù ” Mỹ : “ Việt Nam là Cuba ở phương Đông ”. Người Mỹ bỏ cuộc ở Việt Nam, bắt tay với người Trung Quốc.

Đúng lúc ấy, 3-11-1978, Việt Nam lựa chọn đường lối ngoại giao “ nhất biên đảo ” (**), ký Hiệp định, dựa hẳn vào Liên Xô. Ngày 7-1-1979, Việt Nam đưa quân vào Campuchia. Cuộc chiến tranh mà giờ đây Thế giới biết là đã cứu được biết bao người dân Campuchia, khi đó bị coi là “ xâm lược ”. Ngày 28-1-1979, Đặng Tiểu Bình đến Washington gặp Jimmy Carter, thuyết phục Carter nhìn nhận sự “ bất an ” của Thế giới khi Việt Nam bắt tay với Liên Xô. Trong chuyến đi đó, người Mỹ đã đọc được thông điệp về một cuộc chiến mà Đặng sẽ gây ra cho người Việt.

Người Mỹ đã để cho Đặng “ dạy cho Việt Nam một bài học ” và thật đắng cay, khi chiến tranh Biên giới nổ ra, “ đồng minh duy nhất ” của chúng ta là Liên Xô đã “ án binh bất động ”, cho dù, ở biên giới Trung Quốc khi ấy, Liên Xô có tới 54 sư đoàn.

Tôi sẽ viết về cuộc chiến tranh này trong một entry khác. Nhưng tôi muốn nói với các bạn rằng, số phận đã bắt tôi phải chứng kiến thêm một điều cay đắng nữa. Năm 1984, khi đã tốt nghiệp sĩ quan và một chương trình đào tạo chuyên gia quân sự, tôi được điều tới Campuchia. Nơi mà hàng chục nghìn đồng đội tôi đã chết. Nơi mà bạn tôi, đại uý Long, chỉ trong một năm phải đánh tới 68 trận, và trong những ngày anh mất tích, mẹ anh phải chạy đôn chạy đáo dò hỏi tin con thì được trả lời rằng, ngày ấy, tháng ấy, trên chiến trường ấy, có 3 đại úy tên Long chết !

Thế rồi năm 1991, khi đã là nhà báo, tôi được cử trở lại Phnom Penh để đưa tin về cuộc trở về của Quốc vương Sihanuk. Khi còn là một chuyên gia quân sự, tôi biết, ông Hun Sen đã nhiều lần nói về đại sứ Việt Nam Ngô Điền : “ Đây là người thầy vĩ đại của tôi ”. Trong những ngày của tháng 11 năm 1991, tôi chứng kiến ông Ngô Điền gần như đã bị Hun Sen “ trục xuất ” khỏi Phnom Penh, trước khi Hun Sen lên đường sang Bắc Kinh ruớc Sihanuk. Sau bao nhiêu năm làm đại sứ, làm người thầy dạy từng chút cho Hunsen, ông Ngô Điền phải “ về ” không có một quan chức Campuchia nào đưa tiễn. Nhân viên sứ quán và những người Khmer Krom nấu ăn cho sứ quán, sáng hôm ấy, đã phải vận sarông ra đưa tiễn ông để tôi chụp mấy tấm hình (***).

Không nên trách Hun Sen, ông ấy phải vì quyền lợi của người dân ông ấy. Chỉ thấy xót xa, khi chúng ta thì đổ máu còn người Trung Quốc thì luôn có mặt đúng lúc. Họ đã hậu thuẫn cho chế độ Pol Pot, rồi hôm ấy, cả Hun Sen và Sihanuk, nạn nhân của Pol Pot, lại từ nhà họ trở về giữa tiếng reo hò của “nhân dân”.

Cũng năm đó, Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc thì vẫn được coi là kẻ thù. Chúng ta lần đầu tiên có được độc lập thực sự khi không nằm ở trong một “phe” nào cả. Tại thời điểm ấy, nếu lựa chọn thứ tự ưu tiên đúng, “ bình thường hoá ” quan hệ với Mỹ trước, “tư thế” trong đàm phán giữa chúng ta và Trung Quốc sẽ khác.

Cho dù có bị đô hộ hàng nghìn năm rồi thì chúng ta vẫn phải “ quét sạch bóng quân xâm lược ”. Nhưng, tránh khỏi phải bị xâm lăng vẫn là điều tốt nhất. Lịch sử ông cha ta đã làm điều đó. Nhưng cũng phải thấy, ông cha ta ngày xưa đối xử với người Trung Quốc không khó như bây giờ. Tôi vừa đọc một cuốn sách do nhà xuất bản của Đại học Tứ Xuyên xuất bản. Họ chửi rất thậm tệ chúng ta. Báo chí họ, trừ tờ Nhân Dân nhật báo, vẫn chửi Việt Nam ngay cả khi các nhà lãnh đạo Việt Nam đang ở “ thăm Trung Quốc ”. Nhưng khi dân ta, báo chí ta lên tiếng họ lại nhắc nhở dựa trên “ tình anh em, đồng chí ”. Im!

                                               7.12.2007

Huy Đức

PS: 

Đại sứ Nguyễn Trung vừa gửi thư đính chính: vị lãnh đạo người Thái đề cập trong bài là Thủ tướng, như đã sửa, chứ không phải là Đức Vua, như tôi ghi nhầm mấy ngày qua. Xin lỗi ông Đại sứ và các bạn. Cám ơn ông Nguyễn Trung đã giúp phát hiện sai sót này.

Chú thích của Diễn Đàn :

(*)  Hàng tuần, vào sáng thứ ba, tổng biên tập các báo phải tới Bộ 4T họp "giao ban", thực chất là nghe chỉ thị của Ban tuyên giáo trung ương Đảng và bộ tuyên truyền. Tại những buổi "giao ban" như vậy, họ được "đề nghị" viết cái này, cấm viết cái kia. Chẳng hạn khi Bush nói bây về chiến tranh Việt-Mĩ thì phải "lên tiếng", nhưng không được gọi tên, mà chỉ viết "người đứng đầu Nhà Trắng". Cấm thì cấm đủ thứ chổi cùn rế rách : không được nói đến chuyện vợ chồng Sarkozy bỏ nhau, dịch tả thì phải gọi là “dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm trong đó có nguyên nhân từ vi khuẩn tả” (Ối giời ôi, hãy tưởng tượng ông Hồng Vinh đang làm việc với ông Lê Gì Hợp, à quên, với "người đứng đầu Bộ Thông tin Truyền thông" bỗng đứng dậy ôm quần bỏ đi, ông 4T nhất định giữ lại : "Đồng chí đi họp giao ban thì đợi tôi đi cùng". "Không tôi phải đi... tôi bị...a...dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm trong đó có nguyên nhân từ vi khuẩn tả". Bảo đảm là ông Hồng Vinh chưa kịp nói hết câu đã "huấn thị" tại chỗ rồi !!!).

(**) Nhất biên đảo : ngả về một bên.

(***) : Về quan hệ Việt-Mĩ năm 1978 cũng như quan hệ Việt-Khmer-Trung Quốc năm 1991, bạn đọc có thể tham khảo Hồi kí Trần Quang Cơ

 

NGUỒN : Blog "Osin" của nhà báo Huy Đức

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Dấu Ấn Ký Ức: Trí thức Việt trên đất Pháp 18/05/2024 13:00 - 19:00 — Trung tâm văn hoá Việt Nam tại Pháp (Centre Culturel du Vietnam en France), 19 rue Albert, Paris 75013
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Rencontre avec Alain Ruscio 28/05/2024 18:00 - 20:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville - 79 rue Nationale, Paris 13e
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss