Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Vấn đề Chính Thống và thời điểm 1945

Vấn đề Chính Thống và thời điểm 1945

- Hà Dương Dực — published 08/02/2010 20:05, cập nhật lần cuối 08/02/2010 20:25
...Chính thống không phải truyền thống, họ nhà vua không nhất thiết tượng trưng cho chính thống, không thể dựa vào thành tích quá khứ để đòi hỏi nhân dân phải công nhận tính cách chính thống. Một triều đại, hay một chế độ chỉ chính thống khi nó lo cho dân, khi được lòng dân, nếu nó không làm đủ bổn phận đó thì người dân có quyền nổi lên đánh đuổi nó...


Vấn đề Chính Thống
và thời điểm 1945



Hà Dương Dực



Làm sao định được tính cách chính thống của nhà cầm quyền?

Và làm sao thay thế một chính quyền bằng phương pháp hòa bình?

Nước Mỹ đã trả lời cả hai câu hỏi đó từ ngày họ lập quốc, trên hai trăm năm nay, đó là tự do bỏ phiếu (điều nầy đi liền với đa đảng, tự do thông tin... ) để chọn lựa nhà cầm quyền và cho những người nầy một thời hạn nhất định là hai nhiệm kỳ mỗi nhiệm kỳ bốn năm. Trên hai trăm năm nay luật bầu cử của nước Mỹ đã thay đổi nhiều, đương nhiên vẫn còn nhiều tranh cãi và thay đổi, nhưng nhờ căn bản là dân có tự do chọn lựa nhà lãnh đạo mà nước Mỹ và các nước theo phương pháp này đã có ổn định chính trị lâu dài và phát triển nhanh chóng.

Khi tranh cử để mong được bầu làm nhà lãnh đạo các ứng cử viên thường phải dựa vào tài thuyết phục quần chúng, hấp lực cá nhân (charisma), và dĩ nhiên phải nêu rõ chính sách, đường lối đại cương sẽ áp dụng cho quốc gia nếu như được đắc cử. Và để bảo đảm tư cách cũng như khả năng điều hành guồng máy hành chánh, ứng cử viên phải do một tổ chức giới thiệu: đó thông thường gọi là đảng chính trị.

Với hoà ước Patenôtre năm 1884, nhà Nguyễn đã chính thức thừa nhận quyền bảo hộ của thực dân Pháp. Không ai đặt vấn đề chính thống của một chế độ thuộc địa. Nhưng trước đó, dưới ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, chế độ quân chủ ở nước ta không phải là chế độ chuyên chế không có giới hạn, nó có các tiêu chí để định thế nào là chính thống và làm sao giúp vị vua gìn giữ chính thống cũng như làm sao thay Vua đã không còn giữ được chính thống. Các tiêu chí đó đã không hề bị phản đối trong nhiều trăm năm lịch sử, mà nói vắn tắt là:

1/ Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. (Mạnh Tử)

2/ Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. ( Nguyển Trãi)

3/ Quân, Sư, Phụ. (Khổng Tử)

4/ Đánh đuổi một vua tàn bạo thì cũng như đuổi một kẻ thất phu.
     (Mạnh Tử nói với Tề Tuyên Vương trong sách Lương Huệ Vương hạ thiên)

Hai câu đầu rõ ràng hai ngài đã nêu rõ bổn phận của người lo việc chính trị, lo việc điều hành đất nước, đó chính là lo cho dân ấm no, hạnh phúc. Chính quyền nào lo cho dân như vậy thì tính cách chính thống được dân công nhận, và với VN thì phải thêm việc lo lắng gìn giữ Độc lập, Thống nhất. Khi được đa số dân công nhận thì thái độ của dân chúng là sẵn sàng tuân theo lề luật của quốc gia, hợp tác chân thành với chính quyền. Quốc gia nhờ đó có đời sống ổn định, hạnh phúc và dễ dàng trong việc đối ngoại (Gìn giữ Độc lập). Dân Việt Nam ngày xưa sống dưới chế độ quân chủ nhưng theo tinh thần Nho giáo, vẫn không hề bị coi rẻ nếu không nói là còn được quý mến, yêu thương, ít nhất là trong các triều đại có vua anh minh (đầu thời Lý, Trần, Lê, dân VN đã được sống như vậy).

Nếu gặp vị vua không anh minh thì ta có câu thứ ba. Khổng Tử đặt thứ bậc “Quân, Sư, Phụ”, đó là mức an toàn : sau Vua quan thì tới bậc Thầy rồi mới tới thứ dân thì hiển nhiên là giáo sư thời quân chủ ở TQ hay VN đã được coi như một tầng lớp trung gian giữa vua và dân (nên nhớ thời xưa đơn vị nhỏ nhất trong xã hội là gia đình, không có vấn đề cá nhân, và trong gia đình thì người Bố là chính).

Khổng Tử không nói: “Quân Tướng Phụ”hay “Quân Tăng Phụ”, mà là “Quân Sư Phụ”. Các vị giáo sư làm trung gian sẽ giúp cho người dân hiểu nhà cầm quyền hơn cũng như giúp nhà cầm quyền biết rõ hơn ước vọng của người dân, giới trung gian đó cũng có bổn phận can gián nhà cầm quyền.

Đó có nhẽ là mức an toàn cần thiết trong xã hội theo chế độ quân chủ khi cả Khổng Tử và Nguyễn Trãi đều không biết và không thể chỉ ra cách thức hòa bình để thay đổi một triều đại đã đóng xong vai trò lịch sử. Việt Nam có hai ví dụ điển hình là Thầy Chu Văn An, khi can gián không được thì về ở ẩn và thầy Cao Bá Quát can không được thì chống đối bằng vũ lực.

*

Khi mức an toàn không còn hữu hiệu thì Khổng Tử và đồ đệ của người mới nói tới giải pháp võ lực: coi việc đánh đuổi một hôn quân là chính đáng thì quan niệm về chính thống và vấn đề thay đổi đã rõ ràng (Tru bạo quốc chi quân nhược tru độc phu (giết ông vua bạo ngược cũng như giết kẻ thất phu độc ác), Tuân Tử).

Con vua không nhất thiết tượng trưng cho chính thống, không thể dựa vào thành tích quá khứ để đòi hỏi nhân dân phải công nhận tính cách chính thống. Một triều đại, hay một chế độ chỉ chính thống khi nó lo cho dân, khi được lòng dân, nếu nó không làm đủ bổn phận đó thì người dân có quyền nổi lên đánh đuổi nó.

Dĩ nhiên đó không phải là phương pháp tốt đẹp nhất và ngày nay thì không thể áp dụng được nữa, nhưng dầu sao thì những tiêu chí đó đã giúp TQ và VN rất nhiều trong lịch sử.

Trong khung cảnh đó ta thấy ngay tính cách đối với quần chúng mà các nhà bình luận tây phương gọi tính cách hấp lực cá nhân (charisma), không hề có trong chính trị VN. Dân ngày xưa không được nhìn long nhan, nói gì tới sức hấp dẫn. Họ cũng hay nói tới hai chữ Chính Thống và Truyền Thống trong xã hội Á Đông mà không hiểu rằng thực ra chính thống trong xã hội ta có tính cách hiện tại, không bao giờ có nghĩa quá khứ. Chính thống trong xã hội Á Đông, Việt Nam có nghĩa là: Chính Quyền phải lo cho an sinh của nhân dân, chấm hết. Còn làm theo truyền thống là làm theo tổ tiên, lo cho dân an sinh. Về phương diện chính trị hai chữ truyền thống và chính thống có ý nghĩa rất giống nhau nếu không muốn nói là một (truyền thống có hơi nặng về vấn đề văn hóa hơn).

Ngày nay rất nhiều nước theo phương pháp Âu Mỹ: một nhà nước chỉ được gọi là chính thống khi người dân được tự do kén chọn nhà cầm quyền qua phổ thông đầu phiếu, và đương nhiên nhà cầm quyền đã được lựa chọn như vậy có tính cách chính thống, trong thời gian được lựa chọn. Vì vậy ở những nước có bầu cử tự do để nhân dân chọn nhà cầm quyền thì người ta không hay ít dùng đến danh từ chính thống nữa.

Với VN muốn rõ ràng vấn đề chính thống chúng ta phải đi lại từ 1945 và áp dụng các tiêu chí đã được dùng trong lịch sử.

*

Khi Pháp xâm chiếm nước ta, bắt vị vua cuối cùng phản kháng lại chúng là vua Duy Tân và đưa đi đầy thì nhà Nguyễn do vua Gia Long lập nên đã chấm dứt. Các vị vua bù nhìn do Pháp lập lên sau đó để làm công cụ cho việc đô hộ ta rõ ràng là không có tính cách truyền thống cũng như chính thống.

Vì vậy khi được Nhật giao cho độc lập, vì lợi ích của họ, thì Bảo Đại không thể tự cho là chính thống mà phải tỏ ra xứng đáng là chính thống. Thái độ khoan hồng nhất đối với Bảo Đại là cho phép ông ta tạo dựng chính thống tức là phải lo cho dân ấm no hạnh phúc. Bảo Đại có làm việc đó không? Dĩ nhiên lo hạnh phúc cho dân là công việc lâu dài, nhưng lo ấm no cho dân thì là công việc cần kíp. Cuối năm 1944 báo chí đã nói tới nguy cơ có nạn đói, đầu năm 1945 người ta bắt đầu chết đói, ngày 17 tháng ba 1945 Bảo Đại ra chiếu số 1 tuyên bố Độc Lập, không hề nói tới nạn đói. Ngày 17 tháng tư mới có chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, trong chiếu giao cho Trần Trọng Kim lập chính phủ cũng không hề nói tới bổn phận cấp bách là cứu đói (còn kém cả một phụ nữ : Bà Tư Hồng, người độc nhất chở gạo trong nam ra cứu đói). Một tháng vô chính phủ, một tháng Bảo Đại chơi tenít, trong khi dân chết đói nằm đầy đường (ở Thái Bình, Nam Định, nhất là tại phủ Ninh Giang...) ; trong khi đó Hồ Chí Minh cho đồng chí đi cướp kho thóc để phân phát cho dân. Nếu khẩu hiệu của Hồ Chí Minh là: Cướp chính quyền để “diệt giặc đói và giặc dốt” thì quả thật vào thời điểm đó không còn có thể có khẩu hiệu nào hay hơn, đúng hơn, hợp lòng dân hơn.

Cướp chính quyền tháng 8/1945 Hồ Chí Minh đã xây dựng tính cách chính thống của chính quyền đúng theo văn hóa và lịch sử: cướp quyền, truất phế vị vua bù nhìn không lo cho dân; hơn nữa còn cố gắng giải quyết hai vấn đề quan trọng sống chết của dân tộc hồi đó : giặc đói và giặc dốt. HCM còn không muốn con cháu sau này phải dùng tới phương pháp cổ truyền đó nữa; HCM muốn nước tân tiến, muốn hội nhập vào thế giới văn minh, (ngay từ ngày đó) trong đó ý dân là ý trời; nên ông lo tổ chức bầu cử tự do, có hiến pháp tôn trong tự do căn bản của dân và tôn trọng đa đảng (mặc dầu hiến pháp 1946 không nhắc tới đảng phái chính trị nhưng Quốc Hội khóa 1 bao gồm nhiều thành viên của nhiều đảng chính trị thời đó).

HCM mời nhiều người có chuyên môn tài giỏi ở Pháp về, và dùng rất nhiều người tài giỏi trong nước, HCM mời cụ Huỳnh Thúc Kháng làm phó, Bảo Đại làm cố vấn. HCM còn hội đàm với Ngô Đình Diệm....

Đối nội khi đã vạch con đường đúng đắn đó rồi thì về đối ngoại HCM cố gắng tạo dựng một VN Độc Lập Tự Do bằng thân thiện với Trung Hoa, hứa hẹn giao thương với Mỹ, nhún nhường với Pháp.

Hồ Chí Minh sinh đã phùng thời !!! nhưng Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đều đã ra người thiên cổ. Và một cây làm chẳng nên non !!!

*

Sau đó HCM và dân VN phải trải qua trên 30 năm chiến tranh tranh tàn khốc mà lý do chính là ý đồ xâm lăng, chia cắt, và gây áp lực của các cường quốc Anh, Pháp, Mỹ và Trung Hoa. Trên 30 năm chiến tranh đó đã gây ra rất nhiều đau thương và thù hận mà phía hậu duệ của HCM có trách nhiệm không nhỏ, điều quan trọng hơn cả là nó làm kiệt quệ nguyên khí quốc gia.

Nay nước VN đã có hòa bình trên 30 năm, năm 2010 là ngàn năm Thăng Long. Chỉ còn mong Anh Linh Thần Tháp Rùa tỏa sáng để đám con cháu biết đường học tập HCM!

Trước hết phải nêu rõ tình trạng trầm trọng của các tệ đoan hiện tại. Phải gọi chúng là “Giặc” và phải xử lý chúng vừa cứng vừa mềm, vừa theo đúng pháp luật vừa theo đúng văn hóa cổ truyền, như Giặc Tham Nhũng, Giặc “huênh hoang” – huênh hoang với bằng cấp giả hiệu, với chiến công trong mộng, với đau khổ tự kỷ...

Và quan trọng hơn cả là học tập và thực thi theo đúng tinh thần của HCM ngày ban hành hiến pháp 1946. Bảo đảm các quyền tự do căn bản của nhân dân và sinh hoạt đa đảng trong quốc hội. Không có đảng nào được quyền đứng trên pháp luật hay ý dân.


Hà Dương Dực

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss