Chịu thua dân ư, chịu sao thấu !
Mênh mông thế sự số 21
CHỊU THUA DÂN Ư, CHỊU SAO THẤU !
Tương Lai
Nhưng đó là chuyện nhãn tiền.
Chiều 8.11.2017 dân Đồng Tâm tổ chức cuộc họp trực tuyến phản bác lại lời của Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an Hà Nội phát biểu trước Quốc Hội hôm 7.11.2011:
“Khi cơ quan điều tra tiến hành bắt giữ ông Lê Đình Kình, gia đình nhà ông Lê Đình Kình đã xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co và đã xảy ra cái việc ông Lê Đình Kình bị gãy chân…Không có vấn đề gì liên quan đến quá trình lực lượng thực thi nhiệm vụ đánh gây thương tích ông Kình. Ở đây hoàn toàn trong quá trình giằng co giữa lực lượng thực thi nhiệm vụ, và gia đình ông Kình đã xông vào cản trở cơ quan điều tra, dẫn đến việc đáng tiếc như vậy". Đài BBC đưa ngay tin này và tường thuật tỉ mỉ như sau:
“Ông Kình cho biết hôm 15/4 các cán bộ yêu cầu cụ ra chỉ mốc giới ở khu đất tranh chấp với chính quyền, tuy nhiên cán bộ sau đó yêu cầu người dân ra về, chỉ còn lại vài người trong đó có hai ông Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Vệ và bà Hoàng Thị Thăng. Theo lời ông Kình, một cán bộ đã nổ súng bắn chỉ thiên và ngay sau đó ông bị một cán bộ "đá văng" làm gãy xương đùi. "Hai cảnh sát cơ động, mỗi người khiêng tay và chân tôi, quăng lên xe như một con thú," ông Kình giữ nguyên cáo buộc từng tuyên bố suốt nhiều tháng qua. "Lúc đó chỉ có con tôi là Lê Đình Công đã bị bắt trước cả tôi, còn lại thì ở nhà. Không có chuyện gia đình giằng co làm gẫy chân tôi. Vì vậy lời nói của ông Đào Thanh Hải là không đúng. Công an Hà Nội vừa đá bóng, vừa thổi kèn và vu khống cho vợ con tôi," ông Kình nói. Hai ông Hiểu và Vệ và bà Thăng cũng xuất hiện trong video phát trực tuyến trên Facebook xác nhận lại lời tường thuật của cụ Kình.
Ông Hiểu nói: "Hôm đó tôi đi cuối hàng, đang đi thì nghe phát súng, tôi ngẩng lên thì thấy Trần Thanh Tùng, phó giám đốc công an huyện đá cụ Kình ngã, cặp đựng tài liệu của cụ văng lên. Họ cũng bắt tôi, nhưng khi đẩy đến gần xe thì tôi giằng ra và bỏ chạy được."
Trong bài phát biểu trước Quốc Hội, Phó giám đốc Công an Hà Nội nói thanh tra đã "kiểm tra rất kỹ toàn bộ quy trình công tác...của lực lượng công an TP Hà Nội". Nhưng trong clip, ông Lê Đình Công, con trai cụ Kình phản bác thông tin này: "Kể từ khi bố tôi bị đánh, chuyển từ bệnh viện về, không có một cán bộ công an nào đến điều tra, thanh tra về việc bố tôi bị đánh gãy chân như thế nào!" ông Công nói…"Chúng tôi mong muốn đại biểu Quốc hội, Dương Trung Quốc và các đại biểu khác tiếp tục chất vấn ông Đào Thanh Hải về tuyên bố của người dân trong cuộc họp ngày hôm nay," ông Công đề nghị.
Tại Quốc hội hôm 7/11, sau phát biểu của đại biểu Đào Thanh Hải, đại biểu Dương Trung Quốc nói:"Tốt nhất là các đồng chí phải công khai nói sự việc ấy để người dân bình luận xem ông già 82 tuổi có thể tự gãy chân không? Ở đây ngay cả quy định về người cao tuổi chúng ta cũng không tuân thủ".
Báo Tuổi Trẻ ngày 8.11.2017 ở trang 4 đăng nguyên văn phát biểu của hai ông nghị Đào Thanh Hải và Dương Trung Quốc như nội dung trên bên cạnh dòng tít “Nảy Lửa” đăng mục “Quan sát Nghị trường”!
Mà e là cũng “nảy lửa” thật vì dân gian vẫn ghi nhận rằng “Miệng nhà quan có gang có thép mà”, đương nhiên là chớ đưa cái vế ngỗ ngược rất chi là chuẩn nhưng không được “tao nhã” lắm tiếp theo vào giữa chốn thâm nghiêm này e khí bất tiện. Thì chỉ mấy câu hài hước hiền lành của Bút Bi vừa đưa lên TuoiTre Online được quãng 30 phút thì bị gỡ xuống ngay do cái tít cũng như nội dung nhạy cảm:
“Cụ Kình tự rụng răng, thề luôn”: Kết luận của Công an Hà Nội về vụ cụ Kình – Đồng Tâm gãy chân là do… không bị ai đánh cả, khiến nhiều người không thuận. Tui thì không bức xúc vì thấy có hai khả năng xảy ra: Một là, rất có thể, sai sót do bệnh viện. Cụ Kình gãy răng nhưng chỉ định bó bột… háng. (tham khảo vụ chỉ định bệnh nhân nam khâu âm đạo) và vô cùng nhiều khả năng răng cụ tự rụng. Hai là, cụ tự đập chân (mông) vào… đất. (tham khảo vụ đập mặt vào giày và vụ đập mặt vào tay). Cái này vật chứng là đất vẫn còn y nguyên. Còn nói cụ bị đánh là không có lý, truyền thống và đạo lý của người Việt Nam không ai đánh cụ già 82 tuổi cả! Thề luôn”. Phải gỡ xuống thôi, để dân chúng nó đọc sao đặng! Đương nhiên không phải do tòa báo thấy “rét” mà tự gỡ. Chắc là ngòi Bút Bi động đến thiên tào, nơi chốn thâm cung bí sử đang nát óc về sự kiện Đồng Tâm, thì cái ông nghị họ Đào của Hà Nội lai nhanh nhảu đoản dùng diễn đàn quốc hội gỡ tội cho cái chuyện mà ông nghị họ Dương của Đồng Nai [nhưng lạị đã đươc chọn về Đồng Tâm để cùng ký vào bản Cam Kết của ông Chủ tịch Hà Nội] nói toạc ra: “xảy ra hơn nửa năm rồi, phải chăng đó là cách làm của cơ quan công an Hà Nội, làm cho chúng ta nhớ lại câu chuyện “vung tay trúng vào má” đánh vào người khác. Tôi thấy việc đó không nên biện bạch…” [Tuổi Trẻ 8.11.2017, trang 4 dòng thứ nhất].
Phải gỡ bài báo dám nói lên cái sự thật nhức nhối chưa sao tìm được lối thoát. Những gì đã làm thì quá ê chệ rồi. Đâu phải tên “xưng xuất” là “thằng bán tơ” làm nên “tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây” ở xã Đồng Tâm, mà toàn là chức sắc có đeo lon trên vai gây ra. Nay ông đại tá lại khơi ra ngay tại diễn đàn Quốc hôi, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, trước mặt các ông nghị, bà nghị thì làm sao mà không to chuyện cơ chứ! Đã trót thì phải trét thôi chứ sao giờ? Trót phơi ra tại diễn đàn Quốc Hội để bị những người nông dân Đồng Tâm quật lại, vạch trần sự gian dối, ăn không nói có, thì phải tìm cách gỡ chứ. Nhưng gỡ cách nào? Mà đòn quật lại của người dân lại quá kịp thời một cách bất ngờ.
Ngay lập tức, một cuộc họp dân được triệu tập và bác bỏ những điều vu vạ đáng xấu hổ kia, nội dung được truyền đi cho công luận trong và ngoài nước biết qua sử dụng “Live Stream”. Có khi chính những vị lão nông trong cuộc họp dân này cũng không biết được rõ tính năng “Live Stream" của Facebook lại có sức mạnh diệu kỳ đưa sự thật đến với mọi người, làm cho công lý không thể bị bạo quyền dùng thủ đoạn ngu dân che lấp. Trong cuộc đối đầu này, sức mạnh chính nghĩa thuộc về họ. Sức mạnh ấy được nâng lên ở cấp số nhân với công nghệ kỹ thuật số. Cuộc tiếp sức cho thắng lợi của người nông dân Đồng Tâm thật ngoạn mục. Một giai đoạn mới đang mở ra, so với sự kiện Thái Bình năm 1997, sự kiên Tiên Lãng năm 2012, “Sự kiện Đồng Tâm” là một đột biến về chất!
Không làm cho ra nhẽ thì để thua dân Đồng Tâm sao? Họ lại cả gan triệu tập cuộc họp cấp tốc ngay sau khi ông đại tá Phó Giám đốc Công An Hà Nội phát biểu chỉ một ngày để quyết liệt phản bác ý của ông đại tá. Lý lẽ của họ lại rất dung dị mộc mạc, có lý có tình, giàu sức thuyết phục. Vì họ là người trong cuộc, chính họ là nhân chứng. Khi toàn bộ nội dung cuộc họp được chuyển trực tiếp ngay lên mạng, loan đi cả nước và cả thế giới [thì chẳng phải là BBC ngay sau đó đã đưa tin cấp tập đó sao?] thì lý lẽ và lập luận của họ khó có thể phản bác. Vì chính họ là sự thật. Chẳng phải là Voltaire, nhà Khai sáng Pháp từng cảnh báo “Rất nguy hiểm khi đứng về những vấn đề mà chính quyền hiện tại cho là sai", còn J.J Rousseaux thì lưu ý rằng “Sự giả dối có vô vàn biến thể, nhưng sự thật chỉ có một thể tồn tại duy nhất”. Người dân Đồng Tâm đã cho thấy cái “thể tồn tại duy nhất” ấy. Đây chính là một tiếng sấm giữa trời quang.
Nhưng đã trót đã đưa ra trước Diễn đàn Quốc hội thì phải dấn tới thôi. Thì đây, để “bắt giò” lập luận của ông nghị họ Dương, các nhà quảng cáo thuốc loãng xương có thể cung cấp cho ông nghị họ Đào bằng chứng về người già như cụ Kình có thể trượt ngã gãy xương là chuyện có thể. Quảng cáo thuốc hay thực phẩm chức năng chống loãng xương, gãy xương cho người cao tuổi hiếm gì, đầy rẫy trên mạng! Các bạn đồng nghiệp có thể ngay lập tức truy tìm chứng cứ giúp ông nghị họ Đào thoát hiểm. Mà có lẽ giải pháp hay nhất là mượn xe riêng của ông Chủ tịch Hà Nội, người đã tế nhị và ân cần tặng xe lăn cho cụ Kình, để đưa cụ vào bệnh viện làm xét nghiệm chứng loãng xương rồi ghi thật đậm là rất nặng, chạm vào đất cũng có thể gãy mà tay Bút Bi nọ đã gợi ra “Cái này vật chứng là đất vẫn còn y nguyên”. Tháp tùng chuyến đi làm xét nghiệm này của Kình nên có hai người, một là chị Nhung con gái cụ Kình người đã trực tiếp trả lời qua điện thoại với Ông chủ tịch Hà Nội khi ông hỏi “nếu tôi về xã thì dân Đồng tâm có bắt tôi không” thì chị đã rành rọt trả lời là “dứt khoát không”, người thứ hai là chị Nguyễn Thị Lan, bí thư đảng ủy xã Đồng tâm vừa bị khai trừ vì dứt khoát không chịu ký đất Đồng Sênh là đất quốc phòng. Hài người phụ nữ chân yếu tay mềm thì chắc không thể “xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co để lại có thể xảy ra cái việc cụ Kình bị gãy chân lần nữa”! Rồi đưa kết quả xét nghiệm đó trình cho Quốc hội và ông nghị Dương Trung Quốc. Thế là nhất cử lưỡng tiện, sao không làm ngay nhỉ, mà cứ để phải thua dân?
Còn nhớ đã có lần ông nghị Lê Thanh Vân đã phấn khích dõng dạc nói những lời rất hiếm được nghe tại chốn thâm nghiêm này vốn chỉ thấm nhuần mệnh đề “ý Đảng hợp lòng dân” mà rằng: “Nếu cần phải thua dân thì rất nên thua và chỉ có bậc đại trượng phu làm được điều đó"!
Nhưng tìm đâu ra bậc trượng phu bây giờ nhỉ? Ông nghị Lê, ông nghị Đào, ông nghị Dương chăng? Trả lời câu hỏi này e phạm tội bất kính. Trong một “mênh mông thế sự” mới đây người viết bài này đã ví ý tưởng cực kỳ tuyệt vời của ông nghị Vân, ủy viên thường trực UB Tài chính Ngân sách của QH, như gợi lại hình bóng xa xưa về triết gia Diogène thành Sinope thắp đèn giữa ban ngày để đi tìm “một con người”. Nhưng huyền sử đó thì cách nay cả hai ngàn năm trước Công nguyên mất rồi. Tuy thế, một ý tưởng đẹp như thế được ném ra giữa diễn đàn quốc hội trong thế kỷ XXI này thật là đáng quý, nó như một chỉ báo tốt đẹp cho một bước chuyển đổi nhọc nhằn nhưng không thể không chuyển, khi không muốn biến nơi này thành nơi diễn những vở kịch soạn sẵn nhàm chán và cũ mèm. Chỉ đáng tiếc là trong cuộc tranh luận “nảy lửa” này chưa thấy ông nghị Lê Như Vân tiếp tục triển khai ý tưởng tuyệt vời nói trên, may ra xuất hiện được vài cái bóng “trượng phu” để cứu nguy cho sự rệu rã, lung lay của quyền lưc chăng, biết đâu đấy.
Nhưng xem ra những toan tính rối bời thể hiện trong các hành xử như gà mắc tóc về sự kiện Đồng Tâm cho thấy người ta khó mà chấp nhận “chịu thua dân”. Không chịu thua dân, nhưng trăm phương nghìn kế, từ lật lọng xóa cam kết, nhân danh pháp luật đang nắm trong tay để triệu tập hăm dọa bỏ tù, dân Đồng Tâm không một chút nao núng, cộng đồng của họ càng cố kết hơn trên tinh thần “quyết tử để quyết sinh, giữ đất, giữ người, đòi công lý cho dân”. Sự kiện ngày 8.11.2017 tại xã Đồng Tâm chẳng phải là minh chứng sống động diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi” đấy thôi.
Rõ ràng là, như vừa nói ở trên, trong bối cảnh của những thành tựu đang nhân lên theo cấp số nhân của công nghệ thông tin, ý thức của người dân không còn tự nhốt trong cái lồng quyền lực của chế độ toàn trị phản dân chủ nữa. Họ đang tự trang bị cho mình sức mạnh mới, một “sức mạnh mềm” với tính công phạt chưa từng có. Khi cùng một ngày 8.11.2017, qua truyền tin trực tuyến ngay tại cuộc họp của dân tại xã Đồng Tâm cả nước biết rõ ai lật lọng, gian dối. Không chỉ trong nước mà thế giới cũng biết. Vậy thì cái loa tuyên truyền lừa mị, bịp bợm của hàng nửa thế kỷ đã rỉ sét, méo mó vẫn đang mở hết công suất chỉ càng phô ra sự thảm hại, bế tắc! Cho dù muốn học quan thầy, Luật An ninh mạng của Việt Nam có sao chép luật an ninh mạng của Tàu thì cũng chỉ có thể hù dọa được những người yếu bóng vía!
Thôi thì đã trót thì phải trét, để gỡ cái thế tiến thoái lưỡng nan này e phải nhân hoàng đế Tập đến dự APEC và thăm Hà Nôi, cụ Tổng nhà mình thử hỏi kế để thoát ra khỏi cái xương đang mắc cứng trong họng “khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào” xem liệu trong cẩm nang “Đảng trị Nước” của ngài có mẹo nào hay chăng. Có lẽ cái này thiết thực hơn nhiều việc nhai lại những “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan" thời Giang Trạch Dân khơi ra đã iu thôi và bốc mùi lên rồi. Và nếu hoàng đế Tập từ chối mở cẩm nang, thì thử vời đến ông Trump thử xem sao.
Ông Tổng thống Mỹ vừa hào sảng giục giã trong diễn văn “Tự do mãi mãi” để khẳng định rắng “Đó chính là những cảm xúc bỏng cháy trong trái tim mọi nhà ái quốc và mọi dân tộc. Chủ nhà Việt Nam hiểu được cảm xúc này không chỉ từ 200 năm trước mà từ 2.000 năm. Đó là vào năm 40 sau CN khi Hai Bà Trưng thức tỉnh tinh thần của người dân trên đất nước này. Đó cũng là lần đầu tiên người dân Việt Nam đứng lên đòi độc lập và phẩm giá của mình. Ngày hôm nay, những nhà yêu nước và anh hùng trong lịch sử của chúng ta giữ câu trả lời đó cho câu hỏi lớn về tương lai và thời đại của chúng ta. Họ nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta là ai và sứ mệnh của chúng ta là gì”.
Những gì chúng ta đã biết về ông Donald Trump đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo khi nghe những lời tốt đẹp đó. Song chí ít thì nó cũng đang khơi dậy khát vọng của dân tộc ta: “tự do và phẩm giá con người trong một nước độc lập”, một nền độc lập được xây đắp nên bằng núi xương, sông máu của nhiều thế hệ Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ thế lực xâm lược ngoại bang nào, đặc biệt là của đế chế phương Bắc.
Sự kiện Đồng Tâm, nhìn từ bất cứ chiều cạnh nào cũng thể hiện khát vọng cháy bỏng đó. Các vị lãnh đạo đang trong niềm hứng khởi trước những lời lẽ ngoại giao có cánh về thành tích của nước chủ nhà đăng cai APEC hãy thử một lần tôn trọng khát vọng đó của người dân Đồng Tâm thử xem sao? Không phải tất cả những vị đương quyền, nhưng chí ít cũng có những trái tim biết rung động trước nỗi khổ của dân, những bộ óc biết nghĩ xa hơn một tí về thời cuộc và xu thế mới, để dám thua dân một lần xem sao. Khó đấy.
Nhưng là cách duy nhất để tìm ra giải pháp đúng nhằm thoát khỏi tình thế bế tắc hiện nay.
Tương Lai
Các thao tác trên Tài liệu