Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Chưa đi chưa biết Đồ Sơn

Chưa đi chưa biết Đồ Sơn

- Người Quan Sát — published 13/10/2006 16:28, cập nhật lần cuối 13/03/2007 23:18
Bài viết về "Hội nghị lý luận văn học phần II" mà Diễn Đàn vừa nhận được từ một người tham dự. Chúng tôi cũng nối mạng với một vài bài đáng chú ý mà tác giả đề cập tới.

     
     
CHƯA ĐI CHƯA BIẾT ĐỒ SƠN…
     


(Vài ghi nhận cá nhân về Hội nghị Lý luận Phê bình Văn học lần II của Hội Nhà văn Việt Nam1 tổ chức )

Người Quan Sát


Ai chưa biết câu "ca dao tân thời" này thì chưa biết kỹ về nước Việt Nam ngày nay2. Nhưng thời sự hơn nữa, như bài phát biểu đầu tiên gây sôi nổi hội nghị của nhà phê bình Ngô Thảo đã chỉ ra để hoan nghênh sáng kiến của Hội Nhà văn Việt Nam khi chọn địa điểm này làm nơi cho giới văn chương nước nhà bàn thảo việc "Phát huy thành tựu đổi mới văn học, phấn đấu có thêm tác phẩm chất lượng cao", Đồ Sơn đang là tiêu điểm của dư luận xã hội về vụ chia chác đất đai bất minh dính dáng đến các cấp cao nhất của thành phố Hải Phòng. Ông Ngô Thảo còn tiếp tục khéo léo nhắc nhở hội nghị về bối cảnh xã hội của cuộc bàn thảo văn chương khi ông "vui miệng" đề nghị: các nhà văn nên từ chối tiệc chiêu đãi kết thúc của Thành ủy Hải Phòng, vui lòng chỉ ăn "cơm nắm muối vừng" (cho nó bản sắc dân tộc"?) để dành tiền ủng hộ đồng bào miền Trung vừa chịu cơn bão số 6, ông còn đề nghị nên đề cao anh Nguyễn Khoa Điềm, "một Nguyễn Trãi của thời đại chúng ta", người vừa từ quan để trở về sống trong mái nhà tranh giản dị ở quê hương (thoạt nghe, không hiểu ông nói thật hay nỏi "móc", nhưng đến cuối hội nghị, sau hàng loạt ý kiến về "tự do sáng tác" và những vụ thu hồi sách thời gian gần đây thì có thể hiểu ra thâm ý của ông)

Đó là phát biểu đầu tiên được chú ý sau một loạt tham luận không mấy hấp dẫn người nghe. Rõ ràng là những vấn đề đưa ra quá rộng, quá tản mác, quá lý thuyết, không đánh trúng sự quan tâm thực sự của giới cầm bút hoặc không có gì mới đã làm cho những người tham dự bỏ ra ngoài hội trường khá nhiều. Mặc dù vậy nhiều người ghi nhận những ý kiến thẳng thắn, đúng đắn trong một số tham luận được đọc ngày đầu tiên (4.10.2006). Tham luận của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân điểm lại bản chất của phê bình văn học Việt Nam trong thời hiện đại, chỉ rõ tính chất "quyền uy" và "xu phụ" trong thời trước đổi mới đã biên tướng thành tính "đánh thuê" trong thời kinh tế thị trường (nhưng luôn được định hướng!). Đáng lưu ý là ý kiến chỉ trích khá mạnh này đã không có phản hồi trong hội nghị, có thể vì diễn giả đọc lướt không ai kịp chú tâm, có thể là ông vạch đúng quá đi mất không ai nói vào đâu được, chỉ có ông Tổng thư ký Hội Nhà văn khi tổng kết hội nghị thì có phản bác rằng "nhận định như thế là không thoả đáng" trong thực tế phê bình hiện nay. Tham luận của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nêu bật điểm yếu của lý luận văn học Việt Nam từ trước tới nay là chỉ có một "cánh cửa hẹp" để nhìn ra thế giới, từ cánh cửa Trung Hoa, đến cánh cửa Pháp, rồi cánh cửa Liên Xô, và ông kêu gọi mở rộng cửa để tiếp thu những kiến thức mới của nhân loại. Tham luận của nhà nghiên cứu Văn Giá nêu những hạn chế của các nhà văn trẻ khi sử dụng yếu tố "sex" trong tác phẩm…

Hội nghị lại nóng lên lần thứ hai khi nhà văn Bùi Bình Thi đăng đàn. Nói "vo" bằng một giọng rất "bạo lực", ông chỉ trích các nhà văn trẻ sính dùng tiếng nước ngoài (và dùng sai), và đặc biệt cho là nhà văn Việt Nam bây giờ có quá đủ tự do, cả tự do công kích xỉ vả nhau lẫn tự do sáng tác, đến mức được phép in những quyển sách "trụy lạc" như Bóng Đè của Đỗ Hoàng Diệu. Ông sẽ còn tự tin phán xét nhiều điều nữa nếu không bị liên tiếp mời "xuống đi" từ cuối hội trường.

Ngày thứ hai của hội nghị (5 tháng 10), trừ ý kiến lạc dòng không mấy ai chú ý của nhà văn Vũ Hạnh khi ông mỉa mai "những người viết ca ngợi Mỹ hôm nay được mời ăn tiệc ở Sứ quán Mỹ" và "hầu hết sách in trước 1975 ở Sài Gòn đã được in lại", thì không khí trở nên nóng bỏng vì một đề tài khá tập trung: tự do sáng tác.

Thật ra, ngay từ bản tham luận mở màn của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh 3 và tham luận của nhà văn Hoàng Quốc Hải, vấn đề tự do tư tưởng, tự do sáng tác đã được nêu lên như một điều kiện tất yếu của sáng tác văn học bất kỳ bao giờ và ở đâu, song có lẽ nó đã trở thành đề tài sôi nổi sau khi có những ý kiến trái chiều của Bùi Bình Thi (ông cho rằng nhà văn VN đã "quá đủ tự do rồi") và của nhà nghiên cứu Phạm Quang Trung (ông nhẵc nhở tự do phải đi đôi với trách nhiệm công dấn).

Nhà thơ Hoàng Hưng lên diễn đàn 4 mở dầu bằng việc phản bác Bùi Bình Thi: "Đúng là nhà văn chúng ta đã quá đủ tự do nói xấu, xỉ vả nhau như đã thể hiện ngay trên diễn đàn này khi có người công khai mạt sát một nhà văn trẻ… nhưng quyền tự do sáng tác thì đã có đủ chưa?". Để trả lời, ông dẫn ý của nhà văn Nguyễn Quang Sáng: "Không có tự do tư tưởng thì làm gì có tác phẩm hay?" và ý của một nhân vật tên tuổi ngành tin học: "Không có tự do thông tin thì làm sao có kinh tế tri thức?" 5. Sau đó ông tập trung phân tích sâu sự hạn chế quyền tự do phổ biến tác phẩm qua những vụ việc tiêu biểu gần đây của các nhà xuất bản, và đặc biệt là của các cấp quyền lực bên trên. Ông nêu bật "ba cái bất" (bất minh, bất lực và bất lợi) của cơ chế kiểm duyệt hiện hành, thân phận "công dân hạng hai" của giới cầm bút (so với các giới khác được hưởng quyền tự do kinh doanh, tự do làm việc mà pháp luật bảo hộ) và đòi "nghiêm cấm mọi hành vi kiểm duyệt trá hình phản hiến pháp", đòi "luật hoá" việc can thiệp vào quyền phổ biến tác phẩm (gợi ý lập các "toà án văn chương" để quyết định thu hồi hay không một tác phẩm bị coi là "có vấn đề").

Tham luận của Hoàng Hưng lập tức được hưởng ứng bởi nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Với tư cách một tác giả có sách bị thu hồi 6 ông yêu cầu Hội Nhà văn mở hội thảo thẩm định "Chuyên kể năm 2000" xem nó có "vi phạm điều 2 chương 2 của Luật Xuất bản như đã được nêu trong quyết định thu hồi sách của Bộ Văn hoá Thông tin hay không?". Và theo đề nghị của ông, hội nghị đã vỗ tay hoan nghênh "các ông, các bà làm công việc xuất bản đã dũng cảm cho in những tác phẩm được bạn đọc đón nhận".

Tiếp ngay đó là nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi. Ông phản bác các ý kiến của Bùi Bình Thi, Phạm Quang Trung, khẳng định "những gì nhà văn nói lên là những cái thực sự đang thíêu, đó là quyền tự do sáng tác". Ông dẫn chứng bằng những tác phẩm của Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Văn Cao… hàng vài chục năm mới được ra đời và đã được thừa nhận, thế mà có người như Hoàng Hưng đã phải đi tù 39 tháng chỉ vì muốn công bố sớm (tập thơ "Về Kinh Bắc" của Hoàng Cầm). Ông nhắc lại và phát triển yêu cầu "dân chủ" trong hoạt động văn học mà trước đó nhà văn Hoàng Quốc Hải có đề cập. Ông còn táo bạo đề nghị hãy thôi khẩu hiệu "Văn học phục vụ chính trị" và sửa đổi câu nói của nhà văn Liên Xô Cholokhov: "Tôi viết theo chỉ thị của trái tim. mà trái tim tôi thụôc về Đảng" thành "… trái tim tôi thuộc về nhân dân" (Vì Đảng chỉ là đầy tớ của dân, mà đầy tớ này lắm khi cũng sai lầm đáo để).

Phát biểu sau đó, nhà nghiên cứu Từ Sơn 7 cũng thừa nhận thiết chế văn hoá của Việt Nam hiện nay còn hạn chế tự do sáng tác và ông gợi ý lập các nhóm sáng tác có nhà xuất bản riêng (ông cho rằng nếu bây giờ chưa có thì 5, 10 năm nữa sẽ phải có).

Không ai phản bác nhũng ý kiến "pro tự do" trên, trừ nhà phê bình Nguyễn Hoà 8 tỏ ra dè dặt khi cho rằng tự do chưa chắc đã tốt cho sáng tác bằng một sự hạn chế nào đó. Điều thú vị là ông dẫn ra ý kiến của nhà nghiên cứu hải ngoại Nguyễn Hưng Quốc: (đại ý)" Ở bên này chúng tôi hoàn toàn tự do, thì lại thấy trống rỗng" (!!!).

Rõ ràng là chủ đề "tự do sáng tác" vô hình trung đã trở thành tiêu điểm của hội nghị Đồ Sơn (ngoài ý muốn của Ban tổ chức?). Song ông Hữu Thỉnh, Tổng thư ký Hội Nhà Văn, đã tỏ ra rất "cao thủ" khi phát biểu tổng kết hội nghị. Ông rất hồ hởi thông báo với mọi người rằng "những ý kiến về tự do sáng tác, về dân chủ của các anh Hoàng Hưng, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Huệ Chi… rất là đúng với nghị quyết Đại hội Đảng lần X!" Ông phân tích, ở nghị quyết Đại hội IX chỉ nói "tôn trọng quyền tự do sáng tác", còn trong nghị quyết lần này nói "bảo đảm quyền tự do sáng tác", tức là còn mạnh hơn. Tất nhiên theo đúng công thức, ông cũng khẳng định các nhà văn phải sử dụng quyền tự do sáng tác ấy để phục vụ tổ quốc và nhân dân. Ông cũng thanh minh về vai trò bảo vệ các nhà văn của Hội ông. Ông thú nhận "nhà văn Việt Nam xương không cứng lắm đâu", nhưng khoe cũng đã góp phần bảo vệ nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư trước sự đe doạ của lãnh đạo tỉnh Cà Mâu khi tác phẩm "Cánh đồng bất tận" của cô ra mắt.


Hội nghị Đồ Sơn được báo chí trong nước chú ý khá nhiều. Nhanh nhất là phản ứng của mạng VietnamNet, nhưng hai bài của mạng này chứng tỏ sự thiếu hiểu biết và thiếu thiện chí rõ ràng. Khác hẳn với những bài tường thuật khá trung thực sau đó của nhiều tờ báo như Quân đội Nhân dân, Tiền Phong, Lao Động, Thời Đại… Báo Tiền Phong gọi đây là một sự kiện văn học của năm 2006.

Liệu chúng ta có quyền hy vọng đây là những tín hiệu đầu tiên của một tinh thần cởi mở, dân chủ trong đời sống văn hoá nước nhà, vốn luôn luôn đi chậm hơn kinh tế, xã hội trong nhịp độ "đổi mới"?


Người Quan Sát

         


1 Mặc dầu trong giấy mời đại biểu cũng như trên bảng treo ở hội trường có ghi những cơ quan đồng tổ chức là Bộ Văn hoá Thông tin, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội NHà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng, song thực sự chỉ Hội Nhà văn là chịu trách nhiệm về nội dung hội nghị.

2 Một "phiên bản" của câu ca dao này như sau: "Chưa đi chưa biết Đồ Sơn/ Đi rồi mới biết không hơn đồ nhà/ Đồ nhà bằng cái lá đa/ Đò Sơn bằng… cái bàn là Liên Xô"

3 Nguyên Phó ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Đảng

4 Theo Hoàng Hưng cho biết, ông chỉ nhận được lời mời tham dự hội nghị vào phút chót, và cũng không nghĩ rằng bài tham luận mang tiêu đề khá "nóng" của ông: "Tự do sáng tạo & sự diều chỉnh cũa xã hội" lại được chọn để đọc trong số 61 bản đăng ký.

5 Đây là những câu nói trả lời như lý do từ chối phỏng vấn mà Hoàng Hưng đề nghị hai vị này

6 Tiểu thuyết "Chuyên kể năm 2000" của ông bị thu hồi và nghiền thành bột ngay sau khi in ra.

7 Nguyên Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Đảng

8 Quan chức của báo Nhân Dân, cơ quan của Đảng Cộng Sản Việt Nam

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss