Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Chuẩn bị Quốc hội khoá XII

Chuẩn bị Quốc hội khoá XII

- Hoà Vân — published 08/03/2007 16:45, cập nhật lần cuối 13/03/2007 21:40
"Dân chưa bầu, người ta đã nhìn thấy dáng dấp của Quốc hội khoá XII rồi"

     
Chuẩn bị Quốc hội XII
   



Tình hình chính trị Việt Nam liệu có thể có bước "đổi mới" quan trọng với cuộc bầu cử Quốc hội khoá XII, ngày 20.5 tới đây ? Ít ra, đó là một trong vài mục tiêu được công bố trong hội nghị trung ương IV tháng 1 vừa qua. Thế nhưng, người theo dõi báo chí trong nước vẫn chỉ thấy một không khí chuẩn bị cuộc bầu cử hết sức trầm trầm (một từ bình dân hơn : "tà tà"). Tà tà, cũng dễ hiểu. Ai còn có thể háo hức đi làm nhiệm vụ công dân khi chỉ là để "bỏ phiếu" cho những người đã được đảng "cơ cấu" sẵn ra làm "nghị sĩ"? Cái háo hức chỉ có được một lần, với cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, năm 1946, rồi với thời gian cứ chìm dần trong chế độ "đảng cử, dân bầu" được phát minh từ khi hoà bình lập lại ở miền bắc năm 1954, rồi sau đó, trên cả nước sau 1975. Tới mức mà trong một bài trả lời phỏng vấn của báo Người đại biểu nhân dân gần đây, nhà sử học Dương Trung Quốc, một trong số hiếm hoi người ngoài đảng của Quốc hội khoá XI, đã phải thốt lên "Quốc hội hiện nay đang phấn đấu theo kịp... ngày xưa".

" Bình đẳng giới, phổ thông đầu phiếu, bình đẳng về thân phận, chính kiến, sắc tộc, tôn giáo, chấp nhận đa nguyên bao gồm các đảng phái trong Mặt trận Việt Minh và tự tin nhượng bộ cho cả một số yêu sách tham gia Quốc hội và Chính phủ của các đảng phái đối nghịch nhằm đạt tới sự mở rộng tối đa khối đại đoàn kết dân tộc và tin vào chính sức mạnh của đại đoàn kết sẽ thải loại những thế lực phản bội lợi ích dân tộc...".

Đó là vài "tiêu chí của các nền dân chủ đương thời" mà cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 đã thực hiện được, theo ông Dương Trung Quốc. Quyền tự ứng cử rộng rãi, thể hiện chẳng hạn như ở Hà Nội, có 70 ứng cử viên cho 6 ghế đại biểu, là một tiêu chí khác, theo ông.

Toàn những chuyện đã biến đi dưới chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa, thậm chí còn trở thành cấm kỵ (như "đa nguyên, đa đảng" mà, nếu như không phải trong một bài viết về một sự kiện lịch sử, chắc chẳng có tờ báo nào dám đăng tải!).

Thế nên, cũng dễ hiểu, các báo chỉ bắt đầu ồn lên từ một tuần nay, sau khi có kết quả về "hội nghị hiệp thương lần thứ nhất" giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) về "cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khoá XII". 

Từ khoá là "cơ cấu". Cũng không khác bao nhiêu so với nghĩa vật lý của nó : trong một đơn vị vật liệu, bao nhiêu phần trăm là chất A, bao nhiêu là B... Ở đây, UBTVQH như một nhà khoa học nhiều kinh nghiệm pha chế, đã "cơ cấu" chính xác đến từng đơn vị một cuộc "bầu cử" chưa xảy ra. Chẳng hạn, các ban, ngành trung ương có 169 ĐB, trong đó các cơ quan thông tấn, báo chí 4, gồm 1 của đài Truyền hình VN, 1 của đài Tiếng nói VN, 1 của Thông tấn xã VN và 1 của báo Nhân Dân. Các nhà báo ngoài 4 cơ quan trên xin tự nguyện không ra ứng cử, dĩ nhiên rồi. Mà 4 cơ quan được tuyển cũng không cần cử nhiều đại diện ra ứng cử để được trúng. 1. Một là một, thế thôi. Nếu cần, đã có những "quân xanh" (một "ứng cử viên" vô danh trong cùng đơn vị bầu cử, để dân "lựa chọn") lót đường để anh "trúng cử". Cho nên, một đại biểu QH khoá IX, bà Nguyễn Thị Anh Nhân mới nói với báo VietNamNet (2.3.2007) rằng "Vào QH là do cơ cấu, do chọn lựa thế nào đó chứ đâu có quyền tự quyết định" (bản thân bà đã trúng cử trong danh sách được "cơ cấu" cho Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội).

Những từ khoá vắng mặt : "tự ứng cử", "tranh cử"..., hiển nhiên cũng phù hợp với chuyện cơ cấu nói trên. Trả lời báo chí, ông Trương Quang Được, đương kim phó chủ tịch QH cho rằng "Việt Nam khác với một số nước. Ứng cử viên báo cáo trước dân chứ không tranh luận với ứng cử viên khác", và "Ở Việt Nam không có chuyện như thế (tự lập diễn đàn hoặc tổ chức các buổi họp báo giới thiệu về mình) bởi tất cả công dân đều ở trong mặt trận, trong một tổ chức nào đó. Mặt trận Tổ quốc không hạn chế (sic) anh tiếp xúc cử tri, nên nếu anh đăng ký thì Mặt trận sẵn sàng đáp ứng" (VnExpress 1.3.2007). Ông Được không cần nhắc lại câu nói nổi tiếng của nhà văn Hoàng Ngọc Hiến, "cái nước mình nó thế", nhưng người ta vẫn hiểu, đã có những "cử tri chuyên trách" (cụm từ tuyệt diệu này đã thành phổ biến trong nước, thật khó truy tìm ra ai là người đã sáng tác ra nó) mà phường, xã nào cũng có danh sách sẵn để "không hạn chế" tiếp xúc với những người được quyền ra ứng cử (xin xem phản ứng của những cử tri không chuyên trách, chẳng hạn trên VietNamNet 1.3.2007).

Ông Được cũng hoàn toàn có lý khi nói rằng, vì "chúng ta chưa biết có bao nhiêu người tự ứng cử..., do đó không thể dành một con số cụ thể cho người tự ứng cử". Ông chỉ quên không nói rằng, sau khi làm mọi thủ tục để ứng cử, người ra ứng cử chỉ được đưa vào danh sách ứng cử viên (của đơn vị bầu cử) nếu được Mặt trận giới thiệu. Để bổ sung, ông Trần Ngọc Nhẫn, trưởng ban "Dân chủ - pháp luật" của Mặt trận trung ương đã nói rõ : Đảng đoàn của Uỷ ban trung ương Mặt trận vừa có hướng dẫn về việc lựa chọn giới thiệu người ứng cử đại biểu QH, theo đó có 6 đối tượng sẽ không được giới thiệu. Đứng đầu danh sách là những người "cơ hội chính trị, tham vọng cá nhân, lợi dụng dân chủ để gây rối, làm những việc trái với Hiến pháp và pháp luật". Với những tội danh mơ hồ kiểu ấy (không cần phải có một cơ quan pháp lý, một toà án nào tuyên án cả, và cũng không có điều luật nào trong các đạo luật dân sự, hình sự... quy định thế nào là "cơ hội chính trị, tham vọng cá nhân"), 5 năm trước Mặt trận đã loại được khoảng 80% số tự ứng cử QH khoá IX (trên tổng số gần 70 người, cuối cùng chỉ còn 13 người được đưa vào danh sách ứng cử viên, và 2 người trúng cử).

Kết quả, nếu như không có gì thay đổi từ nay đến ngày công bố danh sách chính thức những ứng cử viên "đủ tiêu chuẩn" (khoảng 20.4), như ông Trần Quốc Thuận, phó chủ nhiệm Văn phòng QH, tuyên bố trên báo Tuổi Trẻ Cuối tuần (3.3.2007) : "dân chưa bầu, mới hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, người ta đã nhìn thấy dáng dấp của QH khoá XII rồi".

Một dáng dấp chắc sẽ chẳng khác bao nhiêu với QH khoá XI, với hàng trăm người "đại biểu" suốt nhiệm kỳ không có ý kiến gì về những vấn đề quốc kế dân sinh được đặt ra trên bàn hội nghị của các kỳ họp. Không có ý kiến, nhưng vẫn ngồi đấy, để gật đầu đồng ý, như những đứa con ngoan, cha mẹ đặt đâu...

Báo chí trong nước còn dành nhiều chỗ cho các tiếng nói đòi nâng tỉ lệ đại biểu ngoài đảng lên so với 10 % được "cơ cấu"  hiện nay, đòi nâng số đại biểu "chuyên trách" (không kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác) v.v. Mặt khác, nhiều bài bình luận, ý kiến người dân  nhấn mạnh đến phẩm chất và trí tuệ cần thiết đối với các đại biểu QH. Đó là tiêu chí cần thiết nhất, theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên phó ban Tổ chức trung ương, trong buổi bàn tròn với bạn đọc VietNamNet ngày 27.2, đánh giá được nhiều bạn đọc của tờ báo đồng tình. Nhưng, cũng theo ông Hương, tiêu chí này chỉ có thể đáp ứng nếu thực thi dân chủ, Dân chủ là "phép lạ diệu kỳ nhất", theo ông.

Từ khoá ở đây xin được nhấn mạnh : nếu. Bao giờ cho đến ngày xưa... ?


H.V.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us