Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Chúng ta là Mẹ Nấm

Chúng ta là Mẹ Nấm

- K.V. — published 29/06/2017 21:45, cập nhật lần cuối 30/06/2017 23:21


Chúng ta là Mẹ Nấm



Mẹ Nấm

menam2

Đó là đầu đề bài thơ của Thái Bá Tân sáng tác khi được tin "Mẹ Nấm" Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt giam vì những trang viết trên mạng xã hội FaceBook phản đối vụ Formosa :

Chúng ta là Mẹ Nấm,
Chúng ta là Ba Sàm.
Vì chúng ta đơn giản
Đều là người Việt Nam.

Mẹ Nấm đã bị bắt,
Không hề chống phá ai.
Như chúng ta, Mẹ Nấm
Lên tiếng vì tương lai,

Vì non sông, đất nước.
Vì ô nhiễm môi trường.
Vì một xã hội mới
Biết sống bằng yêu thương.

Người ta bắt Mẹ Nấm
Tức là bắt chúng ta,
Những người biết trăn trở
Vì tương lai nước nhà.

Không có chuyện phản động,
Lại càng không Việt Tân.
Hãy thả ngay Mẹ Nấm.
Hãy thả ngay Nhân Dân.

Bài thơ càng nóng bỏng tính thời sự ngày hôm nay, 29.6.2017, khi toà án Nha Trang tuyên án mười năm tù.

Đây là tường thuật phiên toà bỉ ổi này (trên trang mạng Dân Làm Báo) :

Tường thuật phiên xét xử sơ thẩm Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Xem thêm : bản tin của đài BBC.

Nếu muốn tóm tắt phiên toà này, chỉ cần chép lại lời phát biểu cuối cùng của Mẹ Nấm mà nhiều trang mạng đã đăng lại :

"Con xin cảm ơn mẹ và các con, các luật sư đã cố gắng bảo vệ cho tôi. Mỗi người chỉ có một cuộc đời nhưng dù được làm lại con vẫn sẽ làm như vậy và con tin mẹ và các con sẽ không bao giờ phải hối hận mà sẽ tự hào vì con. Tôi mong muốn xây dựng một xã hội và đất nước tốt đẹp. Một quốc gia chỉ tự cường khi nó luôn gắn liền với nền tảng một xã hội mà người dân có tự do và hạnh phúc. Người dân chỉ có tự do và hạnh phúc khi có tự do ngôn luận và quyền tự do biểu đạt những điều mình mong muốn. Tôi mong rằng mọi người sẽ lên tiếng và đấu tranh, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình để xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn."


gia đình mẹ nấm

Bạn đọc muốn tìm hiểu khía cạnh pháp lý của bản án, và nguồn gốc của tội trạng "tuyên truyền chống nhà nước", cái lá nho mà các chế độ toàn trị sử dụng để đàn áp quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, có thể đọc bài của tác giả Quỳnh Vi trên tạp chí Luật Khoa :

Pháp quyền XHCN : Không yêu, chớ dại nói lời cay đắng

Trước và ngay sau bản án, trên mạng FaceBook đã xuất hiện rất nhiều phản ứng. Dưới đây, chúng tôi xin đơn cử một vài phát biểu :

* của nhà toán học Huỳnh Mùi :

NGUYỄN NGỌC NHƯ QUỲNH là một người có lý tưởng, là một người yêu nước chống lại bọn Formosa đã làm cho biển chết, chống lại những kẻ tiếp tay với Formosa, ...

Hôm nay chị phải ra trước vành móng ngựa. Chị đã bị tuyên án tù 10 năm.

Tù đày là tiếng nói của đấu tranh vì lẽ phải.


* Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu liên tưởng tới một hoa hậu mà vụ án chiếm trang nhất của báo chí nhà nước :

Với tôi, mẹ Nấm Như Quỳnh đẹp hơn hoa hậu Trương Hồ Phương Nga.

10 năm tù trước mặt. Chưa được gặp thân nhân. Thậm chí không có băng vệ sinh, quần áo lót để mặc trong tù.

Các anh đâu, các chị đâu? Những cái miệng luôn nói về lòng nhân đạo, về lẽ phải đâu rồi?

Sự im lặng lên ngôi. Lồng ngực đen sì sợ hãi.


*  Nhà sử học, nhà văn Nguyễn Thị Hậu cũng so sánh cô hoa hậu được tại ngoại hầu tra với blogger Mẹ Nấm và bà mẹ của chị :

Cũng sau phiên toà nhưng có một người mẹ được ôm con gái về trong vòng tay còn hai người mẹ khác thậm chí không biết bao giờ mới được nhìn thấy con mình !

* Nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang:

Người ta không cần dân chúng phải yêu nhà cầm quyền, chỉ cần dân chúng đừng yêu nước và đừng yêu thương nhau, và tốt nhất là hãy nhìn vào mức án 10 năm đó mà sợ hãi hoặc tuyệt vọng, chán nản.

Nhưng, có ai sợ hãi, tuyệt vọng, chán nản không?

Có gì phải sợ, tuyệt vọng, buồn hay chán. Nếu chúng ta nhìn vào những việc Quỳnh đã làm, chúng ta sẽ chỉ thấy nổi lên một điều thôi: Tình yêu của Quỳnh dành cho đất nước và con người Việt Nam.

* Nhà báo Huy Đức :

Dẫu biết rằng, một khi chúng ta vẫn còn sống trong một không gian chính trị chưa có tự do ngôn luận, tự do biểu đạt... (những gì Mẹ Nấm muốn thực thi), thì con đường tìm kiếm công lý không thể chờ đợi từ một vài phiên tòa. Nhưng, tôi vẫn phải nói rằng, sử dụng án tù với một người phụ nữ đấu tranh ôn hòa chỉ là cách ứng xử của những chính quyền sợ hãi.

Xin để bạn đọc lướt trên mạng để tiếp tục chia sẻ những suy nghĩ và phản ứng của nhiều người khác. Và vào mạng Change.org để ký kiến nghị đòi trả tự do cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Kiến Văn

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us