Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Chứng từ của một gia đình Việt Nam ở Canada qua cơn đại dịch Covid-19

Chứng từ của một gia đình Việt Nam ở Canada qua cơn đại dịch Covid-19

- D. Đ. — published 11/05/2020 16:20, cập nhật lần cuối 11/05/2020 20:39


Thư Montréal


 


Chứng từ của một gia đình Việt Nam ở Canada

qua cơn đại dịch Covid-19



Anh chị Đ. và T. sinh sống ở Montréal (Canada), có hai con trai, T.L. (36 tuổi) và D.A. (33 tuổi).

Tháng 3.2020, D.A. được sở gửi sang Ý làm việc ; trở về không có dấu hiệu gì đặc biệt, nhưng vài ngày sau, anh lớn T.L. có dấu hiệu cúm, và thử dương tính Corona. Anh T. cũng vậy. T.L., rồi anh Đ., vào bệnh viện. Cũng dương tính, D.A. nhưng đã qua cơn sốt, ở nhà với mẹ, bình thường. Anh Đ. Bị khá nặng, hai tuần sau mới ra viện. T.L. bị nặng nhất, 6 tuần, nay còn đang khó khăn hồi phục.

Theo đề nghị của Diễn Đàn, anh Đ. và chị T. đã vui lòng chia sẻ với bạn đọc những đoạn thư mà anh chị đã gửi cho bạn bè :


Thư số 1

Chị T. (Montréal) gửi cho một chị bạn (Paris)


Như Chị biết đấy, nhà chúng em 4 người thì 3 người đàn ông « có duyên » với Cô-Vít, may mắn là em không hề gì (chắc cái Cô Vít này nó sợ em chăng ?). Cháu thứ hai của tụi em (D.A.) đi Ý về (đi công việc của hãng) ít lâu thì có triệu chứng, nhưng do cũng đã biết và đề phòng trước, qua 3-4 ngày sốt (không ho) và tự cách ly, nên chỉ sau chừng một tuần là cháu dần hồi phục (đến nay đã được hơn một tháng rồi). Cháu thứ nhất (T. L.) bị nặng hơn cả, vì nó có một vài bệnh nền (cholestérol và tiểu đường hơi cao) nên cái Cô-Vít nó rất « thích »! Vào nhà thương, cháu phải nhờ máy trợ thở (ventilator - rất nguy hiểm đối với những ai thể lực yếu, như các bậc cao niên). Ít lâu sau, trong nhà thương, họ lại phát hiện thận của cháu bị infection, nên phải qua máy lọc. Trong khoảng thời gian một tháng, cháu nằm trong trạng thái coma. Hàng ngày, dù trong nhà thương hay đã về nhà, em đều điện thoại nhà thương để hỏi thăm tình trạng sức khỏe của cháu. Rất may, sau đó cháu qua được thời gian « khốc liệt », tỉnh lại và dần dần hồi phục sức khoẻ. Tuần sau cùng ở bệnh viện, cháu đã liên lạc đươc với tụi em, lúc đầu qua mạng internet, sau đó trực tiếp qua điên thoại tay. Bây giờ cháu đã về nhà được 4 ngày rồi, nhưng mỗi tuần 3 lần sẽ phải trở lại nhà thương để lọc máu. Mỗi ngày bây giờ cháu tập « thể dục » bằng cách đi đi lại lại, lên xuống cầu thang trong nhà ...


Thư số 2

Anh Đ. (Montréal) gửi bạn bè (Canada và những nước khác)

Các A/C và các bạn thân mến,


Tôi đã được nhà thương cho về nhà sau hơn 2 tuần điều trị triệt để covid-19. Họ cho về vì đã qua 2 lần thử âm tính với covid-19. Có nghĩa là bây giờ cơ thể của mình đã có đủ kháng thể và không lây lan bệnh qua người khác. Anh Th. ơi ! Vậy là mình đã lập được tuyến phòng thủ số 1 rồi, phải không anh ?

Tuy nhiên, vì cơ thể còn yếu nên còn phải dưỡng bệnh thêm khoảng 2 tuần lễ nữa. Điều này cũng có nghĩa là mình còn phải cẩn thận để không nhiễm covid-19 thêm một lần nữa.


Các A/C thân mến,

Thời gian tôi còn nằm trong bệnh viện, có nhiều A/C đã điện thoại vào, hỏi thăm và động viên ân cần. Điều này làm tôi thấy xúc động và càng trân quý tình bạn (người ta hay nói : họ hàng xa không bằng láng giềng gần). Có A/C cứ luôn hỏi thăm và sẵn sàng mang đến nhà cho T. những gì mà T. cần ...


Các A/C biết không ? Hai tuần lễ điều trị trong nhà thương, mình như sống trong địa ngục (người thì lúc nóng, lúc lạnh, lúc mê sảng, có khi ngủ không được, đôi khi phải xin thêm thuốc ngủ, vì ngoài bị bệnh tật hành hạ, lại luôn nghĩ đến T. L., cũng nằm cách mình không xa, trong một hoàn cảnh và điều kiện vô cùng cực khổ và khốc liệt !!!


Sau khoảng 1 tuần (thời gian dài đằng đẵng, không còn biết ngày hay đêm, đôi khi y tá họ hỏi tôi có biết hôm nay là ngày mấy, tháng mấy hay không, có lẽ để xem bộ não của mình vẫn bình thường ?)... Sau khoảng 1 tuần thì thấy khá hơn, đỡ sốt, nhưng thở thì vẫn thấy rất khó, lúc nào cũng như thiếu oxy trong phổi, chưa đến nỗi phải dùng đến máy trợ thở, nhưng họ cho 2 ống plastique vô lỗ mũi để thêm oxy vào phổi, nhất là vào ban đêm. Thử tưởng tượng mỗi lần muốn đi toilet, phải gỡ dây nhợ lòng thòng khỏi mũi, xong lại phải đeo vào !


Thêm 1 chuyện nữa : người bệnh thì khẩu vị và khứu giác đều thay đổi, đồ ăn thì lạt thếch (lại là đồ ăn Tây, cho bệnh nhân) nên tôi cứ bỏ bữa mấy ngày liền, không có gì trong bụng ! Sau cùng bác sĩ và y tá phải dùng 2 ống plastique, luồn vào 2 lỗ mũi, dùng bàn tay đo ướm chừng khoảng cách giữa lỗ mũi và dạ dày. Một lần làm như vậy, phải làm khá nhanh, nên gây ra đau đớn và khó chịu vô cùng. Xui một cái, là sau 2 ngày, hai cái ống trong dạ dày tôi bị nhiễm trùng, nên phải rút ra, làm lại. Phải mất gần 1 tuần thì mọi việc mới có vẻ ổn, tức là đồ ăn vẫn chuyền qua 2 cái ống vô bụng, nên giờ bác sĩ và y tá quyết định rút 2 ống dẫn đồ ăn, để xem ăn uống trở lại như thế nào. Kể từ bây giờ, mỗi ngày tôi ăn được khoảng 2 muỗng cháo (vẫn thấy lạt thếch, nên đã có lần tôi điện thoại về nhà, nói với T. là giờ này chỉ thèm nửa tô mì gói, thêm rau thì không biết có ăn được không, nhưng nếu thêm được 1 quả trứng gà, chắc là tuyệt cú mèo !

Cho đến khi làm xong 2 cái tests (âm tính) thì bác sĩ cho về.


Phải nói là đội ngũ bác sĩ, y tá, phụ y tá, phụ việc v.v... rất tận tụy, cởi mở, không sợ nhọc nhằn, dơ bẩn, không kể giờ giấc ngày hay đêm (tất nhiên họ đã chia ca), hy sinh bản thân (bị lây nhiễm covid dễ dàng), không những cho mình, mà còn cho cả người gia đình mình. Cảm phục và cảm động ! Phải nói thêm là các dụng cụ y tế, từ những cái thật nhỏ, cho đến những máy móc đắt tiền, nhà thương Charles-Lemoyne được trang bị khá đầy đủ, nếu so sánh với các nơi khác trên thế giới, thậm chí kể cả Mỹ.


             Chúc các A/C luôn mạnh khỏe & bình an.

             Xin cám ơn T., bà xã tôi.


             Đ.


PS : TL bây giờ đang đươc điều trị traitement intensif trong Charles-Lemoyne. Như vậy TL đã ở trong nhà thương hơn 1 tháng rồi, luôn trong trạng thái coma, phải dùng máy trợ tim và trợ thở. Có lần, thận của nó lại bị nhiễm nữa ! Thật tội nghiệp. Anh tưởng tượng : người thì nằm đó như một cái xác ... vô thức.

Cũng may, vài ngày trở lại đây, phổi của nó đã hoạt động lại được 20-30 %, và đôi khi nó có tỉnh lại được chút ít, nghe nói nó có tìm cái cell phone, nhưng không nói được, mà chỉ liên lạc qua viber (thấy hình ảnh) với DA và T, rất ngắn, rất nhanh . Nó đưa tay lên miệng, ý nói là không nói được, rồi đặt tay trên ngực ! Nghe mà muốn khóc òa lên luôn !


Thư thứ 3

Của anh chị Đ.&T. gửi bạn bè


Các A/C thân mến,


Chiều qua, T.L. liên lạc về nhà, báo tin là bác sĩ phụ trách bảo cháu có thể về nhà được rồi. Trước tin báo này, chúng tôi thật ngỡ ngàng, không tin vào tai của mình nữa, bởi vì quá bất ngờ ! Hàng ngày, ngoài những khi nói chuyện qua hangouts hoặc viber hay qua điện thoại, tuy là nghe thấy T.L. nói chuyện, có lúc nghe rõ, có lúc lại nghe như nó bị mệt, nên nghĩ là T.L. còn phải nằm thêm trong bệnh viện vài tuần nữa, không ngờ cháu khỏe lại mau, ngay các bác sĩ, y tá ... cũng ngạc nhiên.


Phải cám ơn Trời Phật đã thương gia đình chúng tôi, quả thật như một phép lạ, và có lẽ cũng là do tấm lòng thương yêu, những lời nguyện cầu và hồi hướng chân thành của các A/C. (Và không bao giờ quên ơn các bác sĩ và tất cả các nhân viên y tế trong bệnh viện đã ngày đêm ra vào chăm sóc cháu, không quản ngại những rủi ro nguy hiểm)


Hàng ngày, cháu chịu khó đi bộ (chủ yếu là trong phòng) nhiều lần, làm một số động tác thể dục đơn giản, không gắng sức lắm, nên cũng đã giúp cháu rất nhiều.


Và ... chiều nay (lại đúng 30-tháng 4-2020), tôi đã đi đón cháu từ b/v về nhà. Cháu đi lại tương đối vững, không cần phải dìu. Về nhà, thay đồ, tắm rửa xong, ăn chiều (bằng phần ăn của tôi), bây giờ đang nói chuyên râm ran với D.A. (cũng hơn 1 tiếng đồng hồ rồi), có lẽ do hai anh em cả tháng nay không gặp, nên bây giờ nói đủ thứ chuyện. Nghe anh em nói chuyện với nhau, tụi này thấy rất vui và hạnh phúc.


Mến chúc các A/C và người thân luôn được an lành.


Đ. & T. 


Diễn Đàn xin cảm ơn anh chị Đ.&T. đã chia sẻ trải nghiệm. Mừng gia đình anh đã qua khỏi đại dịch và chúc T.L. sớm hoàn toàn bình phục.

Diễn Đàn


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us