Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Chuyện của Suel

Chuyện của Suel

- Nguyễn Tường Bách — published 27/01/2019 12:00, cập nhật lần cuối 27/01/2019 17:43

Chuyện của Suel


Nguyễn Tường Bách



Suel Jones là một ông già người Mỹ tốt bụng. Sinh năm 1943, ông già râu bạc mang kính bôn ba nhiều nơi trên thế giới, từ Mỹ đến châu Âu, để gây Quỹ cho Hội „Cựu chiến binh vì hòa bình“ và tìm mọi cách giúp đỡ cho „Làng Hữu nghị“ Việt Nam, trong đó nuôi dưỡng nhiều nạn nhân chất độc màu da cam.


Chết đi sống lại


Năm ấy, 1968 chàng thanh niên Suel Jones trong đoàn quân viễn chinh Mỹ đến Việt Nam. Anh được chuyển ngay đến Quảng Trị, tham gia trận chiến trong binh đoàn pháo binh. Chỉ ba tuần sau, anh bị bắn hạ, không chết nhưng bị loại khỏi vòng chiến gần Cửa Việt. Sau sáu tuần, dù chưa hoàn toàn bình phục, anh lại gia nhập đội quân, tiếp tục chiến đấu.

May mắn cho đời anh, năm 1969 Suel được đưa ra khỏi trận chiến và đi thẳng về Mỹ. Suel kể lại, khi máy bay lăn bánh trên phi đạo chuẩn bị cất cánh, một sự yên lặng nghẹt thở bao trùm cả chuyến bay chứa đầy binh sĩ Thủy quân lục chiến. Rồi khi bánh xe rời phi đạo, tất cả reo lên với niềm vui thoát nạn được về với „đời sống bình thường“ tại Mỹ, họ nghĩ mãi mãi sẽ không trở lại Việt Nam.

Các cựu chiến binh đó hưởng cuộc sống „bình thường“ hay không thì chúng ta đã biết qua các báo cáo đáng tin cậy. Nhưng có người vẫn trở lại Việt Nam, trong số đó có Suel Jones. Năm 1998, Suel trở lại để xem đất nước này đã „xanh tươi và bình phục“ lại chưa. Trên một con đường tại Sài gòn, Suel gặp một người Việt Nam trạc cùng tuổi. Ông ta hỏi Suel đến Việt Nam lần đầu chăng. Suel trả lời thành thực rằng mình đã ở đây năm 1968. „Thế thì hồi đó ông là kẻ thù?“, „Đúng vậy, hồi đó chúng ta là kẻ thù“, Suel trả lời. Người đàn ông thân mật choàng vai Suel „Chào mừng ông đến Việt Nam“. Trong khoảnh khắc đó, Suel biết quá trình „bình phục“ đã bắt đầu. Sau ba mươi năm cảm nhận của Suel đã thay đổi biết bao so với chuyến bay ngày trước.

Suel

Về sau Suel đến Hà Nội, tìm đến làng Hữu nghị, một cơ sở do George Mizo thành lập, ông này cũng là một cựu chiến binh Mỹ. Tại đây Suel biết rõ thêm tác hại của chất độc màu da cam, ảnh hưởng của nó trong cuộc chiến và trong các thế hệ sau. Suel động tâm mãnh liệt, ông dành hầu hết thời gian từ 1998 đến nay để quyên góp, giúp đỡ cho nạn nhân người Việt, trong khuôn khổ của Làng Hữu nghị và Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình mà Suel là Chủ tịch trong Chi hội Việt Nam. Suel Jones vẫn thường nói, ông sinh ra hai lần trong đời, một lần do cha mẹ sinh ra, lần kia chết đi sống lại vào một ngày trong năm 1968, ngày quyết định ý nghĩa cuộc đời ông hôm nay.

Ngày nay Suel tuổi khá cao nhưng sức khỏe còn tốt và hoạt động tích cực. Ông đi Việt Nam và châu Âu thường xuyên để vận động cho các chương trình nhân đạo. Báo chí Việt Nam biết rõ về ông, ngày nay ta còn có thể đọc một bài phỏng vấn thực hiện trong năm 2015. Suel còn viết sách, xuất bản cuốn „Meeting the Enemy – A Marine goes Home” (Gặp lại kẻ thù – Một Thủy quân lục chiến trở về nhà), kể lại đời mình, về lần chết đi sống lại, về sự dối trá trên thế giới và quá trình đi tìm sự thực. Qua cuốn sách, ta thấy Suel không những có một trái tim nhân hậu mà trong ông còn chứa một tâm hồn minh triết của những người từng trải nghiệm sâu xa cái sống cái chết cũng như sự phù phiếm của ngôn từ và khẩu hiệu.

Sự biến đổi trong đời của cựu chiến binh Mỹ như Suel Jones không phải quá hiếm. Bên cạnh phần lớn số phận của nhiều người chẳng may sa vào nghiện ngập và trầm cảm, ta thấy cũng có người đi lên từ đáy sâu của bạo lực để trở thành mẫu mực của lòng hòa giải và vị tha. Họ đã trở về chiến trường năm xưa để ngẫm nghĩ lại đời mình và làm một cái gì đó cho những con người mà mình đã gieo tang tóc. Thậm chí có những nhân vật khi giã từ chiến chinh đã trở thành chính trị gia hàng đầu và đem ảnh hưởng của mình để hàn gắn quan hệ của hai dân tộc mà điển hình là cựu ngoại trưởng John Kerry hay cố Thượng nghị sĩ John McCain.


Giữa gạch ngói tan hoang…


Thế nhưng đời Suel Jones còn một số nét riêng ít người biết. Ông nhớ lại năm 1968: „Năm đó, trong một ngôi chùa nhỏ tại Cam Lộ Quảng Trị, giữa đống gạch ngói tan hoang, tôi thấy một bức tượng Phật“. Tượng ngồi „vững vàng, thanh tịnh“, xung quanh toàn đổ nát. Ngay thời điểm đó chàng thanh niên 25 tuổi nhận ra chiến tranh đã „biến thành bình địa tất cả những gì tại Việt Nam, con người, mọi truyền thống cổ xưa“. Ông còn nhận thêm một nụ cười an nhiên của Phật, điều mà mấy mươi năm sau ông vẫn còn nhớ.

Bốn mươi năm sau, cựu chiến binh Thủy quân lục chiến nọ có về thăm lại ngôi chùa ở Cam Lộ hay không thì ta không rõ, nhưng ông đến Quảng Nam Đà Nẵng, không xa Quảng Trị bao nhiêu. Tại Ngũ Hành Sơn ông thấy lại một tượng Phật tương tự như thuở xưa. Ông bắt gặp lại Đức Phật mỉm một nụ cười an nhiên, thanh tịnh. Tượng Phật tạc bằng đá cẩm thạch trắng toát. Ông bỗng nhớ lại năm xưa, năm mà ông xem mình được sinh lại lần thứ hai. Tượng vẫn như ngày đó, nụ cười của Ngài năm xưa vẫn không thay đổi trong tâm của một người đàn ông dày dặn, đã trải qua quá nhiều nghịch cảnh. Ông cảm nhận trong tâm một „lòng biết ơn“ xưa nay không hề có, cảm ơn Phật „đã đến trong đời mình“, như ông nói.

Thế là Suel Jones chi ra một số tiền khoảng 500 đôla để thỉnh tượng. Ông chi thêm gấp đôi số tiền đó để rước tượng về nhà của ông tại Mỹ. Ông có một căn nhà nhỏ tại Anchorage. Ít người biết Anchorage ở đâu trên đất Hoa Kỳ, ngay cả người Mỹ.

Anchorage là thành phố lớn nhất của tiểu bang Alaska. Bang Alaska nằm cực bắc của châu Mỹ, khá gần bắc cực, quanh năm tuyết phủ. Do tầng địa chất đặc biệt, Alaska rất dễ bị động đất và trận động đất lớn nhất xưa nay tại Mỹ xảy ra năm 1964 tại đây. Vì quá lạnh và hay bị động đất, Alaska chỉ là một vùng đất rộng người thưa, ít ai muốn đến. Anchorage là thành phố lớn nhất và chiếm hết 40% dân số Alaska mà cũng chỉ 300.000 dân. Suel có một căn nhà nhỏ ở đó và định rước Phật về nhà. Ông dự định an vị Phật ngoài vườn, nhìn ngắm sườn núi đầy băng vạn niên. Nhưng dường như Phật „biết“ dự định này không ổn, Ngài tính khác. Thực tế là tượng đá cẩm thạch không chịu nổi băng giá mùa đông, vì cẩm thạch là loại đá thấm nước, vào mùa đông nước trong tượng sẽ đông cứng, nở ra và làm hỏng tượng.

Lúc tượng đến Alaska, Suel thân hành đi đón và lái chiếc Pickup mà người Mỹ hay đi, chạy vòng nhiều ngày. Ở đâu, từ trạm xăng đến đèn xanh đèn đỏ, người ta cũng chú ý đến tượng và nhiều người đến thăm hỏi, ngắm nhìn, nhất là họ hỏi ông tại sao đem tượng Phật đến xứ Alaska này. Suel không biết trả lời ra sao. Cuối cùng ông thấy phải khoe với hai người bạn chủ quán cà phê Side Street Espresso, nơi ông hay lui tới trong hai mươi năm qua. Bà chủ quán Deb Seaton thấy tượng, xúc động muốn khóc, „Tượng sao mà đẹp quá“.


đến Alaska lạnh giá


Suel Jones bỗng nhiên nghĩ lại. Chắc ông không thể để tượng hiu quạnh tại vườn mình. Mỗi năm ông đi làm thiện nguyện tại Việt Nam hơn 6 tháng. Ông lại nghĩ thêm mình còn cần tiền cho việc cứu trợ. Thế nên ông đồng ý với đề nghị của hai bạn chủ quán cà phê, để tượng trong quán cho tới lúc có ai đến thỉnh lại.

Nhưng làm sao khiêng một bức tượng cao một mét, nặng 700 pounds, gần 320kg, xuống xe Pickup mui trần đây? Trước đó thì có cần cẩu nâng giúp ông, nhưng nay dù thêm vài ba cánh tay giúp đỡ, cả nhóm vẫn không sao đưa tượng xuống xe, vào quán. Đúng lúc đó thì có hai tay đi xe mô tô phân khối lớn phóng qua. Xe đã qua rồi nhưng hai tay lái thoáng thấy bức tượng kỳ lạ, liền quay lại để xem. Nghe cần đưa tượng xuống xe vào nhà, hai người đàn ông lực lưỡng mặc áo da này liền xăng tay áo. Suel Jones kể lại, „hầu như hai người tự làm hết, không cần ai giúp“.

Hai năm trôi qua như thế, tiệm cà-phê ngày càng đông. Khách đến thường hay vuốt ve nếp y của tượng, họ đặt thêm đèn, choàng thêm vòng hoa và ngắm nhìn Phật mỉm cười an bình. Hỏi Suel tại sao khách yêu mến tượng Phật, Suel cho là do cuộc sống ngày càng bất trắc, ai cũng hoang mang lo ngại, „họ cần một cái gì cho một cảm tưởng bình an tĩnh lặng“. Chủ quán George Gee thì thấy tượng dường như có một „nguồn năng lực riêng“ và luôn giúp ông khi ông cần ý tưởng, ông vốn là họa sĩ bên cạnh công việc điều hành quán. George còn nói, ông tin là tượng có một „năng lực huyền bí“, năng lực đã làm hai anh hùng xa lộ quay đầu để thỉnh tượng xuống xe vào nhà và đưa tượng đi nửa vòng trái đất đến vùng đất hẻo lánh này.


Phat


Khoảng tháng 6 năm 2011 khách hàng cà-phê kháo nhau đã có người muốn thỉnh tượng đi nơi khác, họ luyến tiếc không còn ngắm Phật lâu hơn được nữa. Thế nhưng hai tuần sau đó, một khách hàng đến quán uống cà-phê như mọi lần. Khi trả tiền, ông lấy thêm 3000 đô-la, nhờ chủ quán George Gee đưa lại cho Suel, với điều kiện tượng tiếp tục an vị, không đi đâu cả. Suel đồng ý và mang tiền về miền Trung Việt Nam cứu trợ.

Thế nên Phật vẫn an trú tại quán Side Street Espresso tại số 412 đường G Street Anchorage, quán được Tripadvisor khen là một trong những nơi đáng đến. Ngài mỉm cười giữa hàng trăm hàng ngàn vật dụng và đồ trang trí tế nhuyễn của một quán cà-phê đông khách. Nói như trong kinh sách, Ngài hiện lên giữa “sum la vạn tượng” và trong số khách vãng lai xô bồ, ai có duyên với Ngài sẽ nhìn đến và thấy lòng an lạc.


Phật nơi xứ tuyết


Câu chuyện của Ngài đến với Alaska được một nữ ký giả chuyên viết ký sự duyên dáng tên là Julia O'Malley ghi lại và đăng trên báo Anchorage Daily News năm 2011. Bà trò chuyện lâu với Suel Jones và sau đó viết bài tựa đề “From another world, a deity moves to G Street” (Từ một thế giới khác một vị thần linh đến ngụ tại đường G Street). Thế là nơi đất Alaska hẻo lánh người ta biết đến chuyện một vị Buddha ngồi mỉm cười trong quán cà-phê.

Nhân duyên vận hành đúng như luật duyên khởi. Không bao lâu sau bài báo của Julia O'Malley ra mắt, có một độc giả thích thú với bài báo và đến uống cà-phê chiêm ngưỡng tượng Phật. Người đó tên là Rudy Wittshirk thấy câu chuyện hay nhưng cần phải chỉnh lại một chữ trong bài báo. Rudy Wittshirk lại viết một bài đăng báo Anchorage, kể lại câu chuyện của Suel Jones và đề nghị phải sửa từ “thần linh” (deity) của O'Malley. Ông vô cùng quí trọng Phật nhưng nói Phật không phải là thần linh, đạo Phật không thừa nhận có Thượng Đế. “Người Mỹ chúng ta” hay nói về Thượng Đế với năng lực siêu nhiên, Phật “chỉ là” một người hướng đạo, một vị Thầy tâm linh. Lạ thay, tại Alaska hẻo lánh mà có người hiểu đạo Phật chuẩn xác như vậy. Cũng với tâm hóm hỉnh, Wittshirk cho rằng Phật cũng thừa biết đời sau sẽ hiểu sai và tôn ngài lên hàng Thượng đế, nhưng Ngài sẽ mỉm cười thôi. Cuối cùng Wittshirk trao đổi với O'Malley và cả hai tạm đổi từ deity thành icon (biểu tượng). Nhưng cả hai cũng thấy từ này chưa nói lên “ý nghĩa tối hậu của Phật”.

“Ý nghĩa tối hậu của Phật”? Mấy ai trong chúng ta có được tri kiến này. Phật là Thượng Đế toàn năng hay con người có sống có chết? Sự thực nằm ngoài ngôn từ mà câu hỏi chỉ được nêu lên bằng ngôn từ, có lẽ trong Alaska quanh năm tuyết phủ có người đã biết đến nghịch lý đó.

Thế nhưng không phải ai đến với Phật cũng vì những câu hỏi sâu xa của phạm vi bản thể luận. Suel Jones đến với Ngài vì cảm nhận sự bình an trong bức tượng, một cảm nhận tưởng như nhẹ nhàng nhưng chấn động hơn cả một cái nhìn bản thể. Suel Jones rước Ngài từ đầu bên kia của thế giới cũng chỉ vì một sự động tâm đó, xuất phát từ một thời diểm mà ông gọi là “chết đi sống lại”. Còn Phật, hẳn Ngài vui lòng đổi vị trí với ông già tốt bụng, đổi một Quảng Nam quanh năm nóng cháy để đến một Alaska đầy băng giá và động đất. Giữa quán cà-phê đông người Ngài vẫn mỉm cười an lạc cũng như giữa ngôi chùa đổ nát vì chiến cuộc. Phật ví như một nguồn an lạc và minh triết trên đời, thầm lặng tỏa ánh sáng cho những ai hữu duyên.

Alaska không hoàn toàn thiếu duyên với Ngài. Năm 2016 ngôi chùa Phật giáo đầu tiên được khánh thành tại Anchorage, sau đó xuất hiện thêm Trung Tâm Phật giáo Buddhist Center. Lần lượt nhiều trung tâm Thiền được thành lập như Anchorage Zen Community hay Snow Buddha-Mindfullness Meditation.

Snow Buddha? Phật không ngại phải ngồi trong băng tuyết, động đất cũng không nốt. Gần đây nhất, ngày 1.12.2018 một trận động đất với cường độ 7.0 lại xảy ra tại Anchorage. Chính phủ Mỹ lên kế hoạch cứu trợ mọi trận động đất với cường độ này. May thay không ai bị thương tích, hẳn George Gee lại nói nhờ “năng lực huyền bí” của Phật. Còn Phật, chắc Ngài vẫn mỉm cười an lạc.


N. T. B.

5.12.2018


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss