Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Chuyện sóng biển dâng

Chuyện sóng biển dâng

- Tương Lai — published 15/12/2007 00:02, cập nhật lần cuối 15/12/2007 10:06


CHUYỆN SÓNG BIỂN DÂNG


Tương Lai


Cách đây hai tuần, trước thềm của Hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra từ 3 đến 14.12.2007 tại Bali (Indonesia), báo cáo của UNDP về Phát triển con người nhấn mạnh : biến đổi khí hậu làm xói mòn thành tựu của Việt Nam : “ Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu khi mực nước biển dâng ”. Báo cáo cho rằng, mức độ nguy hiểm của biến đổi khí hậu tuỳ vào việc nó gây nguy hiểm cho ai và ở đâu. “ Viễn cảnh biến đổi khí hậu làm tăng mực nước biển có thể được người dân London hoặc vùng hạ Manhattan bình thản đón nhận do họ có hệ thống đê bao kiên cố, nhưng đối với những nơi như Bangladesh, đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam, hoàn toàn có cơ sở cho rằng đây là mối hiểm hoạ đáng lo ngại ”.

Hiểm hoạ môi trường đang đánh thức lương tri của con người, Hội nghị Bali chưa kết thúc, song sức ép của dư luận đã khiến cho những siêu cường như Mỹ và hai nước có nền kinh tế trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ đang cản trở việc đàm phán hiệp định mới rất lúng túng. Tờ Spiegel trích nguồn tin từ Nhà Trắng cho rằng Mỹ đang tìm cách thiết lập liên mình với Trung Quốc và Ấn Độ để bác bỏ việc đưa ra các quy định về bắt buộc giảm khí thải. Cần lưu ý rằng, quả đất nóng dần lên, băng tan chắc chắn làm mực nước biển dâng cao hơn bình thường. Cứ mỗi mét nước biển dâng trên toàn cầu sẽ gây thiệt hại 950 tỉ USD, đe doạ trực tiếp cuộc sống của 145 triệu người. Là một bán đảo, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp hiểm hoạ này. Một câu hỏi được đặt ra : biển đem lại ân huệ, hay biển đưa đến tai hoạ. Ở đây không có chuyện hai chọn một. Ở đây là bản lĩnh của cả một dân tộc từng đứng trước biển trong suột cả chiều dài lịch sử.

Thành công của con người thường là kết quả chống trả với sự thách thức ”, luận điểm ấy của Arnold Toynbee, nhà sử học lớn nhất thế kỷ XX, có thể giúp giải đáp câu hỏi trên. “ Có cứng mới đứng được đầu gió ”, mà là gió đại dương tràn qua Biển Đông, biển rộng đến 3.447.000 km2, một biển phụ đứng vào hàng thứ ba trên thế giới, bao bọc Việt Nam về cả ba phía với hai vịnh lớn là vịnh Bắc bộ và vịnh Thái Lan. Chiểu theo công ước quốc tế về luật biển (1982, 1994), Việt Nam có chủ quyền trên một diện tích khoảng 1.000.000 km2. Những điểm ở đường cơ sở nằm xa bờ nhất là Hòn Nhạn thuộc quần đảo Thổ Chu (cách khoảng 80 hải lý), Hòn Hải thuộc nhóm đảo Phú Quý (cách trên 70 hải lý), còn điểm gần nhất là mũi Đại Lãnh thuộc tỉnh Khánh Hòa, ngay trên bờ biển, khách du lịch sau một đoạn đường đèo thở dốc có thể ghé nằm phơi gió biển và dầm chân vào nước biển sát cạnh đường.

Nhà khoa học địa lý hàng đầu của Việt Nam, Lê Bá Thảo nhắn gửi rằng : “ Con mắt và trái tim chúng ta vì vậy sẽ không chỉ dừng lại ở đường bờ biển thường được biểu diễn bằng một nét vẽ mảnh trên bản đồ : những phần đất nổi và đất nằm dưới mặt biển mà chúng ta có trách nhiệm xây dựng, khai thác và bảo vệ, rộng lớn hơn nhiều...”*. Vùng kinh tế biển rộng 200 hải lý thường tương ứng với thềm lục địa ở đáy biển nối dài bờ biển ra đến độ sâu 200m. Các đảo và quần đảo của Tổ quốc nối liền với đất liền thông qua thềm lục địa, gần nhất là các đảo của vịnh Hạ Long, xa nhất là các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…

Trong cái nhìn địa-chính trị, Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí đặc biệt của nó nhưng cũng chính vị trí ấy là cội nguồn của nạn xâm lược mà dân tộc này phải đối phó. Người ta không thể kìm được ý đồ biến mảnh đất đứng ở ngả tư giao lưu quốc tế này thành thuộc địa hoặc chí ít thì cũng buộc phải nằm trong vùng ảnh hưởng của kẻ mạnh. Chẳng thế mà, thường xuyên cảnh giác và nghiêm cẩn canh giữ biển trời của Tổ Quốc là mối lo hàng đầu của ông cha ta. Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ Thực lục, Quyển III, Kỷ Nhà Lê chép lời dụ của Lê Thánh Tông “ với bọn thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy rằng : “ Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tất đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di ”.

Từ thời kỳ cổ đại, ở khu vực mà ngày nay chúng ta gọi là Đông Nam Á này, được các nhà hàng hải và các thương nhân mô tả như là một vùng đất cực kỳ giàu có. Nhà văn và nhà khoa học cổ La Mã Plinius (23-79 sau CN) viết rằng “ đất ở đấy là đất vàng đất bạc ” ! Việt Nam là một bộ phận của bán đảo truyền thuyết đó. Di chỉ Óc Eo cho thấy dấu vết của những thương nhân các nước từng đến bán đảo này. Các thuyền buôn Trung Hoa cổ đại, từ Java (Indonesia) và Mã Lai cũng đã đến đây từ Biển Đông. Từ thuở ấy cho đến Hiến chương của khối ASEAN vừa mới công bố cuối tháng 11.2007 vừa rồi, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của khối đoàn kết Đông Nam Á như một thực thể có tiếng nói có ý nghĩa trong đời sống quốc tế. Từ Trà Cổ Móng Cái cho đến Đất Mũi Cà Mau nơi “ ngón chân cái của tổ quốc chưa khô bùn vạn dặm ”, nơi đất bồi ra phía tây mỗi năm khoảng 60-80m, biển bồi đắp, biển vỗ về. Nhưng rồi biển cũng lại thường xuyên gầm thét, giận dữ trút tai hoạ lên con người.

Từ cái ao nhà chật hẹp tù túng, vứt bỏ thói quen trì trệ bảo thủ “ dù trong dù đục ao nhà đã quen ” để vươn ra biển là con đường của phát triển, mở ra một chân trời mới, thoát ra khỏi thân phận “ trứng nằm dưới đá ”. Đi về phía biển, có can trường lướt sóng ra khơi phải là cảm hứng Việt Nam, để từ đó tìm ra một giải pháp đi tới cho Việt Nam, một giải pháp Việt Nam. “ Biển sóng, biển sóng… Bao năm chờ đợi sóng gần ta…”**. Đúng là đã bao năm chờ đợi. Đi về phía biển là đi tìm một chân trời. Lịch sử đã từng ghi nhận bản lĩnh mở đường, đi về phương Nam của Nguyễn Hoàng. Không có bản lĩnh mở đường đó thì cũng không thể có giang sơn gấm vóc liền một dải của Tổ Quốc ta hôm nay. Chỉ trong vòng 150 năm, kể từ ngày Chúa Tiên đặt chân lên dải Hoành Sơn để xuôi về phương Nam, đã hình thành nên diện mạo của hình thể đất nước như ngày nay, hiên ngang đứng trước biển, chống trả mọi thách thức. Thách thức từ biển, từ trời và thách thức từ người, mà xem ra cũng khó nói là thách thức nào là đáng sợ hơn. Chỉ có thể khái quát một sự thật, thách thức từ biển, từ trời thì bạo liệt, từ người thì nham hiểm, đều khó lường cả. Biết rất rõ điều ấy, song “ sóng cả không ngả tay chèo ”, con thuyền Việt Nam đã và đang lướt sóng ra khơi.

Kiến thức địa lý dạy cho các học trò Việt Nam biết rằng, Biển Đông có hai loại sóng : sóng gió và sóng lừng. Chế độ sóng phụ thuộc vào hai mùa gió, vào đặc tính của vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan, và đặc biệt phụ thuộc vào ảnh hưởng của bão. Mùa đông, hướng sóng chủ yếu là đông bắc, có khi là bắc và đông, mùa hè sóng gió lại có hướng tây nam. Sóng lừng được hình thành cùng với sóng gió, thường xuất hiện khi gió chuyển hướng hoặc giảm tốc độ. Vậy là, muốn có bản lĩnh cưỡi sóng ra khơi, phải có kiến thức, có kinh nghiệm. Thế còn kiến thức lịch sử ?

Môn sử học chắc không thể không nói bọn cướp nước thường đến từ biển. Lịch sử tồn tại và phát triển của một Việt Nam đất không rộng, người không đông, song đã từng ba lần đánh tan tác đế quốc Nguyên-Mông ở thế kỷ XIII, vốn là đế chế từng kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài từ bờ Thái Bình Dương đến bên kia Hắc Hải chưa từng có trong lịch sử ! Thắng một kẻ thù vốn xây nên đế chế trên lưng ngựa, nhưng lại bị đòn quyết chiến chiến lược của Trần Hưng Đạo từ biển. Hai bại tướng, kẻ chết kẻ bị bắt sống là Toa Đô và Ô Mã Nhi đều vỡ trận trong cơn sóng lừng ! Vào buổi ấy, Việt Nam đơn thương, độc mã. Rồi vẫn phải đơn độc chống lại cuộc xâm lược của thực dân Pháp đến từ biển từ thế kỷ XIX. Tàu Catinat kéo vào Đà nẵng ngày 16.9.1856, rồi mười ngày sau đã nổ súng bắn phá uy hiếp, ngang ngược kéo quân lên khoá tất cả các đại bác quân ta bố trí trên bờ trước khi nhổ neo. Tàu Capricieuse đến sau đó gần một tháng, nhưng phải sau khi liên quân Pháp Anh đánh xong Quảng Châu của Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải ký điều ước Thiên Tân (27.6.1858) thì ngày 31.8.1858 mới nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng. Sang thế kỷ XX, Đà Nẵng lại là căn cứ hải quân lớn nhất của đế quốc Mỹ để tiến hành cuộc chiến dẫn đến kết cục thảm bại năm 1975.

Điều khác nhau cơ bản là trong cuộc chiến chống lại xâm lược từ biển trong thế kỷ XX, Việt Nam không còn đơn độc nữa. Biển Việt Nam dậy sóng, không chỉ sóng gió và sóng lừng, mà còn là làn sóng phẫn nộ của nhân dân yêu chuộng công lý và hòa bình trên thế giới, trong đó, gần gũi nhất là nhân dân Trung Quốc “ núi liền núi, sông liền sông, chung một Biển Đông ” lời ca không bao giờ dứt. “ Biển sóng biển sóng đừng xô tôi. Đừng xô tôi ngã dưới chân người !...Biển sóng biển sóng đừng xô tôi. Đừng xô tôi ngã giữa tim người…Biển sóng biển sóng đừng âm u. Đừng nuôi trong ấy trái tim thù ” **. Lời ca này cũng không bao giờ dứt ! Biển đe doạ, gầm gừ trong cơn giận dữ tai ngược, nhưng muôn đời biển là nguồn sống bất tận, niềm hy vọng bất tận. Cho nên, phải thanh toán dứt khoát tâm lý sợ biển, sợ say sóng, ra đến sát mép nước Thái Bình Dương rồi mà vẫn lững thững quay về cái ao nhà chật hẹp, tù đọng. Sự bạc nhược ươn hèn không dám đối đầu với sóng, không có can trường cưỡi lên sóng dữ để đi tới sẽ dìm chết những khát vọng, nhất là khát vọng và niềm tin của tuổi trẻ.

Đừng quên rằng, hơn mười thế kỷ trước đây, sự can trường đó đã thể hiện trong câu nói của Bà Triệu, năm Mậu Thìn (248) tự xưng là Nhụy Kiều Tướng quân, cưỡi voi ra trận với khí phách “ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá kình ở bể đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi cong lưng để làm tì thiếp người ta ” !** Phải khơi dây bài học lịch sử để truyến sức mạnh cho sự nghiệp phát triển và hội nhập hôm nay. Việt Nam phải đến với thế giới từ khí phách đó. Kẻ nào làm nhụt khí phách đó sẽ bị lịch sử lên án. Phải làm cho cảm hứng đại dương đẩy lùi tâm thế lục địa. “ Những dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi. Con sông là thuyền. Mây xa là buồm. Không hẹn mà đến. Không chờ mà đi ” ** .

Một chiến lược biển ở tầm nhìn xa, rất xa là đòi hỏi mãnh liệt của đất nước trên con đường đi tới một chân trời mới. Và rồi Hội nghị Trung ương 4 đã ra nghị quyết về chiến lược biển : “ Có một chiến lược biển đúng đắn chính là cơ sở và điều kiện để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của biển đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ”.

Một chân trời mới đã ló dạng, chỉ cần có bản lĩnh cưỡi lên sóng dữ để đi tới.



NGUỒN : Đàm luận sáng thứ hai,  Báo Người đại biểu nhân dân, ngày10.12.2007.



________________________

* Lê Bá Thảo : Thiên nhiên Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội 1990. tr.8

** Trịnh Công Sơn. “Sóng về đâu”, “Bốn mùa thay lá

*** Trần Trọng Kim : Việt Nam Sử lược, Quyển I. NXNB tp HCM. 2000, tr.49


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss