Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Cờ Mặt trận trên đỉnh Tháp chóp nhà thờ Notre Dame

Cờ Mặt trận trên đỉnh Tháp chóp nhà thờ Notre Dame

- Kiến Văn — published 24/04/2019 18:35, cập nhật lần cuối 24/04/2019 23:38
Ai đã treo lá cờ lên đỉnh tháp ? Điều tra của bản báo phóng viên


Cách đây 50 năm ở Paris



Cờ Mặt trận trên đỉnh
Tháp chóp nhà thờ Notre Dame



Kiến Văn



afp

Suốt buổi sáng ngày 19-1-1969, lá cờ xanh đỏ sao vàng của Mặt trận Dân tộc
Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã phất phới bay trên ngọn tháp chóp cao 96 mét
của nhà thờ Notre-Dame de Paris
(AFP).

Hình ảnh Nhà thờ lớn Notre-Dame de Paris cháy rực buổi chiều ngày thứ hai 15 tháng 4-2019, nhất là hình ảnh tháp chóp đổ gục ít phút sau 20g khiến thế giới bàng hoàng và xúc động. Hai tháp chuông mặt tiền, câú trúc cơ bản của thánh đường và hầu hết toàn bộ tranh tượng, cửa kính màu đã được đội cứu hoả bảo vệ sau nhiều giờ chiến đấu, nhưng vòm mái và tháp chóp đã thiêu rụi. Notre-Dame được khởi công xây dựng từ năm 1160 (thời Lý Anh Tông ở Việt Nam), gần 200 năm mới hoàn thành, được coi là công trình đồ sộ và tiêu biểu nhất của nghệ thuật kiến trúc gô-tích. Tháp chóp "trẻ" hơn toà nhà, được kiến trúc sư Viollet-Leduc thiết kế và xây dựng vào nửa cuối thế kỷ 19, nặng 750 tấn (500 tấn gỗ sồi và 250 tấn chì) cao 96 m (tính từ mặt đất), cao hơn hẳn hai tháp chuông mặt tiền (69m), với kết cấu thanh thoát, hướng thượng, trung thành với quan niệm gô-tích, hoà hợp với tổng thể và trở nên một thành tố không thể thiếu trong hình ảnh giáo dân và du khách bốn phương (13 triệu mỗi năm) ghi nhớ trong ký ức về "Đức Bà Paris" (tuy nó chưa có trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Victor Hugo, viết mấy chục năm trước đó).

Trong dịp này, nhiều hãng thông tấn và giới truyền thông quốc tế đã điểm lại lịch sử Notre-Dame, lịch sử tháp chóp, và nhắc lại một sự kiện liên quan tới lịch sử Việt Nam : buổi sáng ngày chủ nhật 19 tháng 1 năm 1969, lá cờ xanh đỏ sao vàng của Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã bay phất phới trên đỉnh tháp chóp – lịch sử hiện đại có những sự trùng phùng lạ kỳ : cùng ngày 19.1.1969, ở thủ đô Tiệp khắc, Jan Palach đã từ trần, ba ngày sau khi anh tự thiêu ở quảng trường Venceslas, để phản đối sự can thiệp của Liên Xô.

Hình ảnh lá cờ MTDTGPMNVN trên đỉnh nhà thờ Notre Dame nay còn lưu trữ trên mạng : trong cuốn phim Nous vengerons nos pères (phút 30:20) của Florence Johsua và Bernard Boespflug, cũng như chương trình thời sự của đài truyền hình Pháp LCI tối 19.4.2019 (phút 19:30).

Ai đã treo cờ lên đỉnh tháp ? Trong mấy chục năm, giới truyền thông quốc tế nói "không biết". Chỉ biết, cảnh sát Pháp loay hoay cả buổi sáng mà không hạ được lá cờ : họ không leo lên được vì cái thang đưa từ mái lên lòng tháp đã bị "thủ phạm" cưa mất rồi. Cuối cùng, họ phải điều động máy bay trực thăng, thòng dây đưa một cảnh sát viên xuống đỉnh tháp mới gỡ được.

  CA1   CA2

Đưa tin theo AP ngày 16.1.19, báo Tuổi Trẻ vẫn đặt câu hỏi "Ai?". Nhưng ngày 18.4.19, đạo diễn Việt Linh đã vén màn bí mật trong bài Ai đã treo cờ Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Đức Bà Paris? : "Gặp nhau sau hỏa hoạn, người đồng nghiệp Pháp của chồng tôi, giáo sư kinh tế đã nghỉ hưu và trước đây có hoạt động trong phong trào Đệ tứ ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, cho biết người kéo cờ Mặt trận lên chóp nhọn nhà thờ Notre Dame khi đó là một chuyên gia leo núi thuộc nhóm Đệ tứ người Thụy Sĩ".

Chúng tôi đã liên hệ với những người bạn Pháp, trong đó có hai người ở cấp lãnh đạo nhóm LCR (trốt kít Pháp) và nhà kinh tế học mà Việt Linh viện dẫn ở đoạn trên. Theo chứng từ của các bạn này, và căn cứ vào lời kể của Alain Cyroulnik (trong đoạn phim Nous vengerons nos pères kể trên) cũng như của nhà điện ảnh Roland Goupil trên đài LCI (xem trên), có thể khẳng định rằng :

* người treo cờ là một nhà thể thao leo núi, thành viên của tổ chức trốt kít Thuỵ Sĩ, Ligue marxiste révolutionnaire (LMR, Liên đoàn mác-xít cách mạng), bí danh là Marcus (thời đó, và ngay bây giờ, những đảng viên "đệ tứ" thường giấu tên, gọi nhau bằng bí danh).

* để lập nên thành tích này, Marcus đã có sự hỗ trợ của một vài bạn Pháp, trong đó có Romain Goupil, thành viên ban trật tự của tổ chức JCR (Goupil khẳng định chính anh ta là người cưa thang gỗ sau khi Marcus leo xuống).

Trước đó hay sau đó, lá cờ Mặt trận cũng đã từng bay trên Tháp Eiffel, và cả mặt tiền Nhà thờ Notre-Dame, nhưng sự kiện ngày 19-1-1969 nổi bật với tiếng vang của nó, nhất là do bối cảnh của thời điểm đó.

Thật vậy, lá cờ sao vàng tung bay trên bầu trời Paris một ngày trước khi Richard Nixon bước vào Nhà Trắng sau khi thắng cử tổng thống (tháng 11.1968) và sáu ngay trước phiên họp đầu tiên của Hội nghị Paris về Việt Nam với sự tham gia của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (do ông Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn). Sự tham gia của Mặt trận trong quá trình lập lại hoà bình – điều hiển nhiên và thiết yếu đối với công luận thế giới – đã gặp sự chống đối của phái đoàn Mỹ trong thời gian gặp gỡ tay đôi (từ tháng 5 đến tháng 10-68) giữa hai phái đoàn Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Công hoà. Vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống, phía Hoà Kỳ chấp nhận Mặt trận như một bên trong bốn bên đàm phán (tất nhiên còn cò kè với câu chuyện hình dáng cái bàn hội nghị !), thì đến phiên chính quyền Việt Nam cộng hoà khăng khăng từ chối. Ngày nay, người ta biết rằng chính Nixon đã "đi đêm" với Nguyễn Văn Thiệu, xúi chính quyền Sài Gòn cưỡng lại, để giành phần thắng trước Hubert Humphrey (phó tổng thống của Lyndon Johnson) với khẩu hiệu mị dân "hoà bình trong danh dự". Nên khi Nixon bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, Hội nghị Paris mới chính thức bắt đầu (bốn năm sau, với Hiệp định Paris sắp được ký kết, người ta lại chứng kiến kịch bản cương quyết chống lại của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, và lần này, bị thầy trò Nixon-Kissinger dẹp loạn).

Ngày 25-1-1969, khi đoàn xe của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng tiến tới Hội trường Kléber, với lá cờ xanh đỏ sao vàng gắn trên đầu xe, hai bên đường đại lộ Kléber cũng rợp cờ VNDCCH và MTDTGP của kiều bào và bạn bè Pháp. Trên màn hình TV thế giới, ngọn cờ của Mặt trận đã trở thành quen thuộc : trước đó 6 ngày, nó đã phất phới bay trên đỉnh tháp Notre-Dame de Paris.

Kiến Văn


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss