Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Cuộc nói chuyện với chú “lính chì”

Cuộc nói chuyện với chú “lính chì”

- Hạ Đình Nguyên — published 28/02/2016 19:21, cập nhật lần cuối 28/02/2016 19:21
Sáng nay, thứ bảy ngày 27 tháng 2, tôi mặc áo quần tử tế đi uống cà phê theo cái hẹn với bạn.


Cuộc nói chuyện với chú “lính chì”


Hạ Đình Nguyên


Sáng nay, thứ bảy ngày 27 tháng 2, tôi mặc áo quần tử tế đi uống cà phê theo cái hẹn với bạn. Nhân vật chính mà tôi muốn gặp là một người bạn chưa quen. Anh ấy là tác giả một bộ sách đồ sộ về Phật học gởi tặng tôi, khoảng 2500 trang. Tôi muốn gặp để cảm ơn, đồng thời bày tỏ đôi điều mình còn thắc mắc.

Ra ngõ, đã thấy có sẵ n từ lúc nào hai chàng “lính chì” canh cửa. Tôi vô tư cho xe chạy chậm đều như thường lệ. Được 300 mét thì hai lính chì rượt xe theo, ép sát và chận đầu xe.

Tôi dừng lại, nghiêng sang hỏi hai anh:

– Thế hôm nay là ngày gì vậy, và có chuyện gì thế ? Họ không trả lời.

– Thế tại sao các anh lại chận xe ? Họ im lặng.

Tôi lại hỏi :

– Thế các sếp của anh là ai ? Không trả lời.

Tôi xuống xe và nói về nội dung và địa điểm mà tôi muốn đến. Nếu các anh sẵn sàng, tôi mời hai anh cùng đi, cùng tham gia hoặc nghe ngóng câu chuyện. Một anh lấy điện thoại ra bấm. Họ xin ý kiến gì đấy. Tôi không biết họ nhận được câu trả lời ra sao, mà sau đó anh ta im lặng. Lại có một vài anh nữa trong nhóm ghé đến, nhìn sâu vào tôi và nói nhỏ vào tai nhau, rồi lạng đi.

Tôi nói tiếp :

– Các anh làm việc phải hiểu rõ hành động của mình là hợp pháp, hợp lẽ phải hay không chứ ? Các anh chỉ hành động theo “lệnh trên”, lệnh bảo giết người là các anh giết người mà không cần thắc mắc gì sao ? Người hành động phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, còn người ra lệnh trong bóng tối, không có chứng tích thì không bị luật pháp truy cứu, nhưng chính các anh… Người lãnh đạo tối cao của các anh là người có lý luận, sao các anh chẳng nói một lời nào…?


Hai anh không biểu cảm một điều gì trên vẻ mặt để tôi có thể hiểu được. Tôi không nói thêm, lại nhớ về tác phẩm “anh lính chì” của Andersen. Không nhớ rõ là câu chuyện trong tác phẩm ấy có nội dung gì, tôi chỉ còn một khái niệm mơ hồ, là cái vệt chì đen cứ thế mà nguệch ngoạc trên trang giấy trắng do cái bàn tay nào đó điều khiển.

Sau một hồi chuyện trò vô tích sự, chán quá, tôi quay lại nói với hai anh :

– Thôi, tôi quay về nhà đây, để “nghỉ ngơi cho khỏe” theo lời khuyên “ở trên”. Cái vụ nghỉ ngơi cho khỏe là lời của ngành công an, thay cho quyền đi lại của công dân, ý là thế. Chẳng phải là ngành Y tế, mà chính là ngành Công an đã rất quan tâm đến sức khỏe của nhân dân theo cách nầy, và , đến thế là cùng. Cũng là nói theo từ ngữ nổi tiếng và bao trùm cả thể chế của ông TBT Nguyễn Phú Trọng : “Dân chủ đến thế là cùng”.

lc


Về nhà, tôi điện hỏi một người bạn, hôm nay là ngày gì. Ông bạn trả lời là “ngày Dân oan”. À, ra thế ! Tôi nghĩ, dân oan là những người đang bị cướp đất, họ chọn ngày nầy làm ngày kỷ niệm. Họ nói rằng Nhà nước cướp đất của họ thông qua các dự án của các tập đoàn lợi ích có luật pháp vạch đường và che chở. Tôi chưa bị cướp đất nên tôi chỉ “đứng nhìn” và cảm thông, nhưng nay thì tôi bị “cướp đường”, tôi cũng đã trở thành một loại “dân oan” nữa rồi. Đường sá nói chung là thuộc về xã hội, nhưng ngành công an muốn cho ai đi thì cho, không muốn cho ai đi thì đến cửa nhà mà ngăn, hoặc chận xe giữa đường, nhân danh “sức khỏe”. Theo cái cách tréo ngoe nầy, dân oan chắc sẽ ngày càng nhiều, ngành công an sẽ phải tăng cường thêm, càng đông, càng mạnh…, càng thể hiện cái dân chủ gấp vạn lần như cái máy ghi âm vô tri.

Thế mới biết, dân chủ thấp thì là dân chủ. Dân chủ cao, triệt để gấp vạn lần thì đồng nghĩa với độc tài. Cuối cùng thì hai từ nầy là đồng nghĩa với nhau, độc tài chính là dân chủ, theo cách hiểu rất đặc thù có tên là xã hội chủ nghĩa. Nó có một ý nghĩa riêng, một quan niệm riêng, một khung trời riêng, một thế giới riêng, không nhất thiết phải được đồng thuận hay sự chia sẻ của cộng đồng, hay sự thừa nhận nào đó của nhân loại. Nó kiên định là hoàn toàn thuộc về thế lực cầm quyền, nhân danh hết thảy mọi thứ chân lý.

Từ ngữ dân chủ đã bị đảo chính.

Lý luận trở thành một đại họa.

Đại họa ấy bao trùm cả người lý luận, dù họ thuộc Trung, Nam hay chính là người Bắc.

Cũng may, hai anh công an sáng nay không lý luận. Đố ai mà biết trong bụng hai anh ta nghĩ gì ! Cái im lặng chấp hành cũng đáng sợ thật, là sự đồng tình hay nín nhịn cho qua một cây cầu đau khổ của lệnh trên ? Như người tiểu thương hằng ngày tích lũy từng tí tư bản để gây nên “đại họa” cho nhân loại (theo lời Mác nói), họ hằng ngày đi khêu gợi và tích cóp sự bất bình trong nhân dân, nhưng không biết để làm gì !


Ở nhà được một lúc thì bầy cháu ngoại ùa về, chúng chạy lụn vụn đầy sân. Mẹ nó kể : thằng bé Tin (21 tháng) gọi PA, tên con bé (22 tháng rưỡi). Con bé PA quay lại tát chằng bé một bạt tay. Tin khóc, sau lại tiếp tục gọi PA lần nữa. Con bé quay lại tát thằng bé thêm một tát nữa. Chuyện chỉ có thế.

Mới hay, cái tính bắt nạt hình như là có sẵn trong động vật. May mà xã hội loài người có sự giáo dục. Nhưng chẳng may có một loại giáo dục theo một tà thuyết nào đó thì bắt nạt sẽ là thành một hệ thống tai họa. Lý luận của tà thuyết sẽ chắp cánh cho một loại bệnh tâm lý ấy, thành một loại bạo lực rộng lớn hơn, uy lực sẽ bành trướng theo hệ thống.


Tôi nói với mẹ nó, sau nầy lớn lên không khéo nó đi theo các chú ở ngoài cổng.


Trên đây, với tôi chỉ là chuyện linh tinh buồn cười của một ngày thứ bảy, nhưng với một tổ chức thì quả thật, đó là một chuyện xấu xí và vô bổ, không làm cho điều gì tốt hơn. Có ai lưu tâm để xem lại cách hành xử của mình ?

Hạ Đình Nguyên



NGUỒN :  FB Suong Quynh 28.2.1016

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us