Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Đằng sau dòng chữ « Bản của tác giả gửi »

Đằng sau dòng chữ « Bản của tác giả gửi »

- Kiến Văn — published 10/02/2015 17:25, cập nhật lần cuối 10/02/2015 18:51
Biên tập và « biên tập »


Cùng bạn đọc


Đằng sau dòng chữ
« Bản của tác giả gửi »


Kiến Văn



Số báo Xuân khá phong phú này có một số bài của những cây bút quen thuộc, dưới bài có ghi « bài này của/do tác giả gửi » hoặc « toàn văn do tác giả gửi Diễn Đàn » (ghi chú này cũng thường xuất hiện dưới những bài chúng tôi thường xuyên đăng trên trang chính).

Nhân dịp xuân về, xin có đôi lời với độc giả và bầu bạn về chuyện văn bản, vì nó liên quan tới nhiều vấn đề : tình hình các văn bản tán phát trên mạng internet, chủ trương của Ban biên tập Diễn Đàn và chính sách kiểm duyệt (cụ thể là chuyện « biên tập ») ở Việt Nam.



Tình trạng tam sao thất bản trên mạng



Ai dùng máy tính cũng biết « cắt/dán ». Với các mạng xã hội, một bài được công bố sẽ được nhanh chóng « nhân bản », nhiều khi vô tình, đôi khi cố ý, không đề rõ nguồn. Ngày xưa, có nạn tam sao thất bản, sao chép đến lần thứ ba, thì mất bản chính. Bây giờ, phải hiểu chứ « thất » là bảy, hoặc bảy nghìn, bảy vạn... Cuối cùng, đọc một văn bản, dù có tên tác giả ở dưới, ta cũng không thể biết văn bản ấy có phải là nguyên tác, hay đã bị thêm thắt, cắt xén tuỳ tiện.


Chủ trương của Diễn Đàn


Trước tình trạng nguy hiểm ấy, chúng tôi chủ trương :


  • khi nhận được bài viết của độc giả hay cộng tác viên, bao giờ chúng tôi cùng hỏi tác giả đã gửi cho nơi nào khác chưa ?


  • lệ thường, chúng tôi không đăng lại một bài đã đăng nơi khác, nhưng sẵn sàng giới thiệu bài ấy (thí dụ qua mục Thấy Trên Mạng) để độc giả có thể nối kết (bấm vào địa chỉ URL của bài viết để đọc thẳng nguyên bản).


  • biệt lệ : khi bài ấy có tầm quan trọng đặc biệt, chúng tôi đăng ở trang chính, và chua rõ : « bản của tác giả gửi », để bảo đảm với độc giả là bản đăng trên Diễn Đàn thật sự là nguyên tác (nó có thể khác với một văn bản đã xuất hiện nơi khác, dưới đây sẽ trở lại vấn đề này)


  • tương tự, Diễn Đàn vẫn « mạn phép » đăng lại một bài viết hay văn kiện đã công bố trên một mạng khác ; và ghi rõ xuất xứ bài viết, để bạn đọc có thể kiểm tra (trong tình hình « nhân bản » phổ biến, nơi này đăng mà không nói rõ nguồn, chúng tôi cố gắng tìm bản gốc, trong phạm vị có thể).


Nạn « biên tập »


Chữ « biên tập » xin để trong ngoặc kép. Bình thường, một toà soạn có nhiệm vụ biên tập văn bản nhận được, sửa lỗi chính tả, nói rõ xuất xứ những lời trích dẫn hay tên tài liệu mà tác giả nói tới. Họ cũng có thể bàn lại với tác giả về những sự kiện thiếu chính xác, những ý kiến không « phù hợp », nhưng đạo lý của « nghề báo » là bản cuối cùng được công bố phải có sự chuẩn y của tác giả, tờ báo không có quyền viện cớ để đăng một văn bản mà không hỏi ý kiến trước.


Về phần Diễn Đàn, chúng tôi luôn luôn cố gắng tuân thủ những nguyên tắc tối thiểu nói trên. Chúng tôi chỉ dành « quyền » sửa lỗi chính tả, ngữ pháp mà không hỏi ý kiến tác giả ; còn mọi thay đổi khác về văn bản, đều phải có sự chuẩn y của tác giả (trừ một vài trường hợp cá biệt, tác giả đã cho phép ban biên tập « tiền trảm hậu tấu »).


Nguyên tắc đạo lý tối thiểu về báo chí như vừa trình bày, rất tiếc nhiều tờ báo, đặc biệt là báo chí chính thống (kể cả những tờ được coi là mạnh dạn, cởi mở, và thực sự đã tỏ ra là mạnh dạn, cởi mở) không tuân thủ. Nhiều bài viết đã bị cắt đầu cắt đuôi, sửa đổi những đoạn, những câu « nhạy cảm » mà không hề thông báo cho tác giả. Vì thế, nhiều tác giả sau đó đã gửi toàn văn bài viết cho Diễn Đàn, nhưng thường đề nghị Diễn Đàn chỉ chua thêm « một phiên bản bài nay đã đăng trên báo X, báo Y », không nói rõ những đoạn nào, chỗ nào đã bị « hốt cắt đục ».


Ai theo dõi tình trạng báo chí chính thống ở Việt Nam đều biết rằng quyết định « biên tập » kiểu đó đều có một nguyên do : sự kềm kẹp của Ban tuyên giáo trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Biên tập viên đã làm công việc kiểm duyệt vì nghĩ rằng nếu không, bài báo sẽ không được tổng biên tập cho qua, hoặc nếu qua, thì tờ báo (trước hết là tổng biên tập và biên tập viên) sẽ bị trừng phạt. Thế lưỡng nan mà người biên tập viên bị kẹt trong đó là : bài báo không qua được (hay qua thì sẽ mất việc) hay là cắt xén, thay đổi cho nó qua, ít nhất cũng chuyên chở được một đôi điều hữu ích. Không nói thì bạn đọc cũng thấy thái độ của chúng tôi : thông cảm với thế kẹt của đồng nghiệp trong nước. Song điều chúng tôi không thể thông cảm, nói cho đúng hơn : không thể chấp nhận, là sự tuỳ tiện của tờ báo, không hỏi ý kiến của tác giả. Trong thời đại internet, mọi lý do kiểu « không có thời gian » đều vô căn cứ.


Một vài bạn biên tập viên không những thông cảm mà còn tán thành việc tác giả gửi đăng toàn văn bài viết trên một mang khác. Chỉ xin « anh / chị đừng nói bản chúng tôi đăng đã bị « biên tập », như thế chúng tôi mất mặt quá ».


Nói chuyện « mất mặt » sợ không trúng vấn đề. Dù rằng trong xã hội truyền thống Việt Nam, cái  « sĩ diện » thường trở thành yếu tố quyết định.


Nếu phải nói tới cái « mặt », thì phải chỉ rõ cái bản mặt của Ban tuyên giáo trung ương, người « tổng biên tập » duy nhất của 800 tờ báo Việt Nam có môn bài « hợp pháp ». Cái « mặt » ấy mất đi sớm ngày nào thì đỡ khổ cho dân ta ngày ấy.


Kiến Văn







Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us