Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Đào tạo về giới tại các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh : từ dự án thí điểm đến phát triển bền vững

Đào tạo về giới tại các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh : từ dự án thí điểm đến phát triển bền vững

- Thái Thị Ngọc Dư — published 03/07/2023 08:00, cập nhật lần cuối 02/07/2023 20:25
Tham luận tại Hội thảo “Phụ nữ Việt Nam : sáng tạo và dấn thân”


Đào tạo về giới tại các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh :
từ dự án thí điểm đến phát triển bền vững


Thái Thị Ngọc Dư



ND


Bài trình bày của chúng tôi nêu lại bối cảnh thành lập ngành đào tạo phụ nữ học và giới trong trường đại học và diễn tiến của nó với tư cách là một ngành đào tạo đại học. Bài trình bày này giới hạn vào trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh.


Sự ra đời của một dự án thí điểm :
chương trình đào tạo về giới tại Đại học Mở Thành Phố Hồ Chí Minh.

Vào cuối những năm 1980, đã bộc lộ xu hướng mở cửa trong giáo dục, khởi đầu là giáo dục đại học.

Theo giáo sư Cao Văn Phường, người sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Mở tại Thành phố Hồ Chí Minh thì đây là một dự án thí điểm của giáo dục đại học, được thành lập ngày 15 tháng mười năm 1990, vào giai đoạn đầu của thời kỳ Đổi Mới, với hai thử nghiệm là tự chủ đại học và mở rộng đại học cho người học.

Tự chủ đại học không chỉ là tự chủ về tài chính mà hiệu trưởng còn có quyền thiết lập các ngành đào tạo, dựa trên nhu cầu của xã hội và của người học. Nhờ vậy mà Khoa Đông Nam Á học rồi Khoa Phụ Nữ học đã được thiết lập tại Đại học Mở tuần tự các năm 1991 và 1992. Đây là chương trình đào tạo đại học đầu tiên trong lĩnh vực phụ nữ và giới tại Việt Nam. Trong những năm 1980 đã có hai trung tâm nghiên cứu về phụ nữ ở Hà Nội nhưng phụ nữ học chưa hiện diện tại đại học như một ngành đào tạo.

Hồi ký của giáo sư  Cao Văn Phường, Đã từng có một đại học mở như vậy, đã đề cập đến hoàn cảnh đưa đến sáng kiến lập ngành phụ nữ học của ông : « Năm 1988, ở Cần Thơ tôi nhận được một cuốn kỷ yếu Đại học Hawai – Hoa Kỳ do GS. Robert gửi tặng. Trong các chương trình đào tạo của Đại học Hawaii có chương trình đào tạo ngành Phụ nữ học (Woman Study). Rất thích thú với chương trình này, khi đã ở Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đề nghị với PGS. Nguyễn Quốc Lộc và TS. Đinh Quang Kim nghiên cứu. TS. Kim đã rất sốt sắng đề nghị Viện mở ngay ngành Phụ nữ học ».

Tháng ba năm 1992, giáo sư Phường đã tiếp tôi tại Đại học Mờ và đề nghị tôi phụ trách khoa Phụ nữ học. Tôi đã dự đoán những thách thức lớn, nhưng tôi cũng ý thức rằng đây sẽ là một thử nghiệm hiếm có : cơ hội hòa nhập ngành phụ nữ học vào giáo dục đại học, và bằng cách đó, các lĩnh vực đào tạo về khoa học xã hội sẽ được mở rộng thêm. Việc đưa ngành đào tạo về phụ nữ và giới vào đại học sẽ tạo thuận lợi cho việc nâng cao nhận thức về những thiệt thòi của phụ nữ và những bất bình đẳng mà phụ nữ phải gánh chịu. Đào tạo về phụ nữ học là một yếu tố quan trọng của phát triển bền vững và tầm quan trọng của nó càng tăng trong bối cảnh của Đổi Mới (chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường).

Trước năm 1992, Trung tâm nghiên cứu về phụ nữ (một chi nhánh của trung tâm ở Hà Nội) tại Viện Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức một hội thảo và một lớp đào tạo về các vấn đề của phụ nữ và về bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Khóa học do giáo sư Mariam Darce Frenier của Đại học Minnesota phụ trách, và nhờ đó mà chúng tôi, những giảng viên đại học, đã được soi sáng về khái niệm giới. Chúng tôi cũng được biết rằng phụ nữ học được giảng dạy tại nhiều đại học ở Hoa Kỳ.

Tin tưởng sâu sắc vào ý nghĩa và lợi ích của đào tạo và nghiên cứu về phụ nữ và nữ quyền, tôi đã nhận lời đề nghị của giáo sư Phường về phụ trách khoa Phụ nữ học.

Chúng tôi bắt đầu tuyển sinh viên ngay từ tháng 10/ 1992. Từ đó, sinh viên được tuyển đều đặn hàng năm.

Nhưng phải chờ đến năm 1996, khi khóa đầu tiên của khoa Phụ nữ học sắp kết thúc khóa học 4 năm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chính thức công nhận chương trình đào tạo phụ nữ học và chấp nhận cấp bằng cử nhân cho sinh viên. Mặc dù chương trình đào tạo được công nhận, nhưng phụ nữ học phải được nhập vào một văn bằng cử nhân Xã hội học (lúc đó Đại học Mở chưa có chương trình đào tạo cử nhân xã hội học), với lý do là ngành phụ nữ học chưa có mã số đào tạo tại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sinh viên nhận bằng cử nhân Xã hội học và được ghi chú thêm « Chuyên ngành Phụ nữ học » và sau này đổi thành « Giới và phát triển » cho phù hợp với xu thế phát triển.

Điều quan trọng là đào tạo về phụ nữ học và về giới đã được đưa vào đại học như là một ngành học. Mặc dù các ý kiến còn khác nhau, việc thiết lập ngành phụ nữ học tại Đại học Mở đã có sự hưởng ứng của các đại học khác.


Phương hướng đào tạo của chương trình Phụ nữ học tại trường Đại học Mở

-   Chương trình nhấn mạnh việc truyền đạt cho sinh viên kiến thức về tình trạng phụ nữ tại các nước đang phát triển và tại Việt Nam. Chương trình đào tạo hướng đến một mục tiêu chính là phát triển xã hội và bình đẳng nam-nữ, do đó các môn học thiên về các khía cạnh xã hội và sức khỏe  hơn là các vấn đề kinh tế.

-   Trong viễn cảnh nghiên cứu giới và phát triển, chiều kích giới không tách rời những vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng và phát triển bền vững. Chương trình đào tạo bao gồm những nội dung về phương pháp tiếp cận xã hội, phân tích giới, các phương pháp nghiên cứu các nhóm dân cư gặp khó khăn trong đó có phụ nữ và trẻ em.

-   Kết nối những nội dung lý thuyết với thực hành để tăng cường năng lực nghề nghiệp cho sinh viên cũng là một nội dung chính của chương trình đào tạo. Một tỷ lệ quan trọng của thời lượng học được dành cho các môn học và thực hành công tác xã hội, phát triển cộng đồng, tâm lý học ứng dụng. Nội dung đào tạo tích hợp này giúp cho sinh viên học được phương pháp tiếp cận liên ngành và đạt được những  khả năng nghề nghiệp cần thiết.

-   Chương trình đào tạo về phụ nữ và về giới gồm những chủ đề sau : nhập môn khoa học về giới và phân tích giới, phụ nữ và lịch sử, phụ nữ và văn học, phụ nữ và sức khỏe, tâm lý lứa tuổi, phụ nữ và việc làm. Ta thấy nổi bật tính chất liên ngành của đào tạo về giới, nó kết hợp chặt chẽ với xã hội học và công tác xã hội, nó cũng tích hợp các ngành khác như tâm lý học, lịch sử, luật, kinh tế, văn học.


Giảng viên của chương trình

Cũng như tại các đại học ở nước ngoài, thế hệ các giảng viên đầu tiên đến từ nhiều ngành đào tạo về khoa học xã hội và về sức khỏe. Họ (giảng viên nữ và nam) là các nhà xã hội học, sử học, địa lý, văn học, luật học, tâm lý học, công tác xã hội, bác sĩ… Trong quá trình thực hành chuyên môn nghề nghiệp, họ đã có nhận thức về những vấn đề bất bình đẳng mà nữ giới phải chịu và họ mong muốn hướng đến bình đẳng giữa nữ giới và nam giới. Nhiều giảng viên đã ủng hộ các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ Nữ. Như vậy, đã tồn tại nơi các giảng viên và trí thức nói chung một thiên hướng và hiểu biết để tham gia vào các chương trình hướng đến bình đẳng giới.


Sinh viên tham gia chương trình

Trước tiên, phần lớn sinh viên là những người đã làm việc, đa số là nữ giới, nhưng cũng có nam sinh viên ngay từ khóa đầu tiên. Tham gia chương trình học có các nữ, nam tu sĩ, Thiên Chúa giáo và Phật giáo, các cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ, những người làm việc trong các dự án phát triển cộng đồng, và cả những sinh viên trẻ. Phải kể đến một yếu tố thuận lợi, đó là việc ghi danh tự do, không qua một kỳ thi tuyển đại học như các trường đại học lúc bấy giờ, đã giúp những người đã có bằng tú tài được theo học đại học. Nhất là đối với các cán bộ của hội Liên hiệp Phụ nữ, một văn bằng cử nhân là bắt buộc để họ có thể thăng tiến trong nghề nghiệp.


Kết quả của hoạt động đào tạo trong mười năm đầu

45 sinh viên khóa đầu tiên đã được Khoa Phụ nữ học tuyển vào tháng mười năm 1992. Từ đó, sinh viên được tuyển đều đặn hàng năm. Số sinh viên có biến động theo năm, có năm số tuyển vào lên đến 250 sinh viên, nhưng trung bình là từ 80 đến 100 sinh viên mỗi năm. Từ năm 1996 đến năm 2002, hàng năm có khoảng 60 sinh viên nhận bằng cử nhân Xã hội học, chuyên ngành Giới và phát triển. Phần lớn những sinh viên này đã tìm được việc làm trong lĩnh vực xã hội. Có hơn 20 sinh viên tốt nghiệp cử nhân đã nhận được học bổng theo học các chương trình thạc sĩ tại nước ngoài (Philippines, Thái Lan, Hà Lan). Một số đã lấy bằng thạc sĩ về giới và trở về làm việc tại Việt Nam.

Hợp tác với Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Khoa Phụ Nữ học đã đào tạo và cấp bằng cử nhân cho 150 cán bộ Hội Liên Hiệp Phụ Nữ. Phần lớn trong số họ đều xác nhận là chương trình đào tạo đã đáp ứng tốt cho các nhu cầu tăng cường năng lực của họ. Một số còn được thăng chức vụ trong sự nghiệp chính trị - xã hội của mình.

Khoa Phụ Nữ học đã soạn và in ấn một loạt các bài giảng, theo phương châm một môn học có ít nhất một tập bài giảng, và một số công trình nghiên cứu về phụ nữ và trẻ em để cung cấp tài liệu học tập cho sinh viên.


Trở ngại và khó khăn đối với sự phát triển bền vững của đào tạo ở bậc đại học trong lĩnh vực giới

-    Đào tạo về giới chưa được xã hội, phụ huynh và sinh viên hiểu đúng. Người ta cho rằng những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới thuộc về phong trào phụ nữ, các phong trào xã hội hơn là thuộc giới khoa học và đại học. Các cấp có quyền quyết định cũng có cùng nhận định. Hồi ký của giáo sư Cao Văn Phường có nêu một chi tiết : « Sự ra đời của Khoa Phụ nữ học lúc đầu có nhiều người phản ứng, trong đó có cả một số đồng chí lãnh đạo Bộ. Họ nói : “ Phụ nữ học là cái gì ? Chẳng thấy ở đâu trên thế giới này có ngành học như vậy ! Để làm gì ? ”. Giáo sư Trần Hồng Quân nhẹ nhàng trả lời : “Nếu không mở ra những ngành có nhu cầu xã hội thì ĐH mở, mở ngành gì đây ? ” ».

-       Một trở ngại mới lại xuất hiện : sau một thời gian ngắn thử nghiệm ghi danh đại học tự do, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định Đại học Mở phải trở về hệ thống thi tuyển như các đại học khác. Đã chấm dứt thử nghiệm. Đại học Mở bị mất một nguồn sinh viên quan trọng là những người đã làm việc. Các khóa sinh viên mới, nhất là từ những năm 2000, là những người trẻ vừa tốt nghiệp tú tài. Mục đích hàng đầu của họ khi vào đại học là có điều kiện tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp đại học. Thế nhưng một bằng cử nhân với chuyên môn phụ nữ học là một cánh cửa quá hẹp để tiếp cận việc làm.

Khoa Phụ Nữ học trải qua một quá trình đi xuống trong 20 năm vừa qua. Lúc đầu là một chương trình cử nhân đầy đủ về phụ nữ học. Sau đó, chương trình bị thu hẹp lại thành một trong ba hướng tự chọn của một chương trình cử nhân xã hội học. Hướng này còn bao gồm năm hoặc sáu môn học trong lĩnh vực giới. Và bây giờ chỉ còn một môn học « Giới và phát triển » với 3 tín chỉ trong chương trình xã hội học. Sau nhiều lần đổi tên và sáp nhập, tên Phụ nữ học không còn tồn tại, nay Khoa mang tên « Khoa Xã hội học – Công tác xã hội – Đông Nam Á ».

Nói thế nhưng giảng dạy về giới ở đại học không phải ở trong tình trạng tuyệt vọng, nó không trở về số 0 như trước 1992, ta thấy có một sự phát triển bền vững của đào tạo về giới ở bậc đại học, mặc dù còn khiêm tốn.


Thừa kế và phát triển đào tạo về giới ở bậc đại học sau 30 năm

Các chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ của các khoa Xã hội học của tất cả các đại học tiếp tục dành một vị trí vững chắc cho đào tạo về giới. Hãy xem trường hợp của khoa Xã hội học thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Môn Xã hội học về giới là môn bắt buộc. Nội dung của môn này gồm các phần phân tích các mối quan hệ xã hội giữa nam giới và nữ giới, những kiến tạo xã hội về giới và làm nổi bật tình trạng bất bình đẳng mà phụ nữ phải chịu trong nhiều xã hội. Bên cạnh môn học này vốn tập trung về giới, chiều kích giới được lồng ghép trong các môn học khác của chương trình xã hội học như các lý thuyết xã hội học, xã hội học gia đình, xây dựng và quản trị dự án, phát triển cộng đồng.

Tại Đại học Mở, sinh viên ngành Xã hội học và Công tác xã hội khá thích thú với môn « Giới và phát triển ». Mối quan tâm của sinh viên đối với vấn đề giới đã khác các thế hệ trước . Ngày nay, sinh viên quan tâm nhiều hơn đến các xu hướng tình dục, LGBTQ, sự thay đổi cơ thể…

Khoa Địa lý thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tiếp tục duy trì hai môn về giới như trước đây : Giới và phát triển ở bậc cử nhân cho sinh viên phân ngành « Dân số và Xã hội », và Giới, môi trường và phát triển cho sinh viên chương trình thạc sĩ về quản lý môi trường. Các giảng viên thỉnh giảng đảm nhận hai môn này.

Năm 2010, theo sáng kiến của tiến sĩ Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen – tiến sĩ Bùi Trân Phượng là một nhà sử học dấn thân vào nghiên cứu lịch sử phụ nữ Việt Nam từ nhiều năm qua – môn học nhập môn về giới  đã được đưa vào Chương trình Giáo dục tổng quát, được thiết kế như một chương trình chung cho sinh viên tất cả các khoa của trường. Nhờ đó, một số lớn sinh viên đã bước đầu đạt được những kiến thức nhập môn về giới và thấy môn này thú vị và thiết thực. Cùng lúc, Trung tâm nghiên cứu về Giới và Xã hội được thành lập tại Đại học Hoa Sen, với nhiệm vụ phổ biến thông tin  về giới và thực hiện các nghiên cứu về giới và về phụ nữ. Trong 7 năm tồn tại của Trung tâm, từ 2010 đến 2016, bên cạnh các buổi hội thảo nửa ngày, trung tâm đã tổ chức ba hội thảo một ngày về phụ nữ và về giới trong các năm 2014, 2015 và 2016. Các hội thảo này đã quy tụ các diễn giả nữ và nam từ các đại học và viện nghiên cứu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm cũng đã phát hành trực tuyến 23 bản tin « Giới và Xã hội » với ba ngôn ngữ Việt, Anh và Pháp, và ba tuyển tập các bài nghiên cứu về các vấn đề giới. Năm 2017, có sự thay đổi ban lãnh đạo Đại học Hoa Sen, quan tâm đến lợi nhuận hơn, Trung tâm đã đình chỉ hoạt hoạt động.

Ngày nay, cái còn lại ở Đại học Hoa Sen là môn học Giới và phát triển trong chương trình giáo dục khai phóng. Hàng năm có khoảng 1600 sinh viên các khoa trong trường theo học môn này.

Các hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức và nghiên cứu về giới tại Đại học Mở và Đại học Hoa Sen đã là nguồn cảm hứng cho hai đồng nghiệp, một làm nghiên cứu tiến sĩ và một viết sách về giới.

Đỗ Thị Thanh Thủy, giảng viên tại Đại học Hoa Sen, sắp hoàn thành luận án tiến sĩ tại Simon Fraser University – Canada, bộ môn Gender, Sexuality and Women’s Studies.

Lê Thị Hạnh với tác phẩm Xã hội học về bình đẳng giới – Tác giả và tác phẩm vừa được Nhà Xuất bản Phụ Nữ phát hành. Trong quyển sách này, tác giả trình bày câu chuyện của hai mươi nữ tác giả xã hội học về nữ quyền, chủ yếu là từ thế giới phương Tây. Lê Thị Hạnh đã có một quá trình dài gắn bó với các giai đoạn phát triển của ngành phụ nữ học và giới tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Song song với các hoạt động nêu trên, ta quan sát thấy từ những năm 2010 nổi lên những nghiên cứu trong lĩnh vực phê bình văn học nữ quyền trong Khoa Văn học thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Sự phát triển này là kết quả của những nghiên cứu được tiến hành từ năm 2004 về phê bình văn học nữ quyền phương Tây.

Tiến sĩ Hồ Khánh Vân, hiện là phó chủ nhiệm Khoa Văn học, tiếp tục nghiên cứu trong lĩnh vực này. Bà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về phê bình văn học nữ quyền : Phê bình nữ quyền và văn xuôi nữ giới Việt Nam, Trung Quốc đương đại (Nghiên cứu trường hợp Dạ Ngân và Thiết Ngưng). Từ 2010 đến 2021, Khánh Vân đã công bố nhiều tác phẩm, đã thực hiện các dự án nghiên cứu và bài báo trong lĩnh vực phê bình văn học nữ quyền.


Kết luận

Sự hiện diện của đào tạo về giới tại các đại học là một quá trình không thể đảo ngược. Ba mươi năm trôi qua, đào tạo về giới đã có những bước phát triển đáng kể, tuy có thăng trầm : từ chỗ không hiện hữu ở đại học, ngành học này đã thâm nhập vào các chương trình đào tạo với tư cách là một ngành học ở đại học. Lĩnh vực giới đã đạt được một vị trí ở đại học, tuy còn khiêm tốn, nhưng điều quan trọng là nội dung khoa học của lĩnh vực giới đã được giới đại học thừa nhận.

Mặc dù giới đại học còn chưa quan tâm nhiều đến ngành học giới, điều đáng vui mừng là xã hội Việt Nam đã tiến triển một cách thuận lợi về phương diện bình đẳng giới. Hiện diện trong xã hội Việt Nam ngày nay, ở thành thị cũng như nông thôn, một số lượng ngày càng tăng những phụ nữ năng động, tự chủ, biết nắm lấy mọi cơ hội để thực hiện những dự án phát triển của riêng mình về kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật. Bằng cách đó, họ đang đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội chúng ta.

Tháng tư 2023

Thái Thị Ngọc Dư


NGUỒN : Tham luận tại Hội thảo Phụ nữ Việt Nam : sáng tạo và dấn thân
Collège de France (Paris) ngày 8.6.2023
Bản do tác giả gửi Diễn Đàn ngày 1.7.2023
Xem video bài phát biểu : ở đây.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us