Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Nghĩ về Đề án 112

Nghĩ về Đề án 112

- Nguyễn Hoàng — published 28/04/2007 19:59, cập nhật lần cuối 29/04/2007 11:20
Do tầm cỡ và mục tiêu của đề án, sẽ bổ ích hơn nếu ta thử nhìn lại một cách bao quát về ĐA112, trong nội dung lớn: Tiến tới việc cải tổ bộ máy hành chính công quyền ở Việt Nam.

 

Nghĩ về Đề án 112

 
Nguyễn Hoàng

 

Không tham dự và chỉ có được những thông tin giới hạn về Đề án 112 [ĐA112], tôi rất đắn đo khi ghi xuống đây những suy nghĩ của mình về quyết định "ngừng triển khai Đề án" của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đàng khác, do một vài kinh nghiệm tiếp cận với một số việc liên quan đến công nghệ thông tin [CNTT] trong nước, ở cương vị một người làm nghề CNTT, tôi cũng hi vọng các nhận xét và ý kiến của mình có thể đóng góp nhỏ nhoi vào việc soi sáng một vài khía cạnh của một nỗ lực lớn, nhằm phát triển đất nước. 

Các ý kiến được ghi lại ở đây chỉ thực sự có ý nghĩa nếu nó được xem xét, bàn bạc và phản biện một cách ngay thẳng và rốt ráo. Vì là một vấn đề mang nhiều tính chất nghề nghiệp, kinh nghiệm riêng của một người rất dễ rơi vào sự hạn hẹp do tầm nhìn, kinh nghiệm và chuyên môn hẹp của người đó. Bài viết nhỏ này tất yếu không tránh khỏi các giới hạn vừa nói.

Dù thế nào, chỉ cần dựa vào các đánh giá được công bố trên báo chí, quyết định của TT Nguyễn Tấn Dũng là hợp lí và cần thiết. Cho đến giờ, đã có không ít người xem đó là một quyết định hơi muộn. Một đề án lớn, chi tiêu nhiều nguồn tài nguyên lớn của quốc gia, trong chừng ấy năm, không thể cứ tiếp tục trong khi có quá nhiều bất cập đã được phát hiện, khi tiến độ và các thành quả đều bị tra vấn. Là người chủ đề án, chính phủ Việt Nam, thay mặt xã hội, tất phải có hành động phù hợp, khả dĩ chận đứng các thất thoát, phung phí nguồn tài sản quốc gia.
   

*

   
Các mối nối URL sau đây cho người đọc quan tâm một số thông tin cơ bản và ý kiến về ĐA112:

Bài này sẽ không lặp lại hoặc đi vào chi tiết của nội vụ. Do tầm cỡ và mục tiêu của đề án, sẽ bổ ích hơn nếu ta thử nhìn lại một cách bao quát về ĐA112, trong nội dung lớn: Tiến tới việc cải tổ bộ máy hành chính công quyền ở Việt Nam.

Số là, khi bám chắc vào cụm từ "tin học hóa quản lý hành chính nhà nước ", người chủ trương đề án lẫn người nhận nhiệm vụ phát triển đề án đã ngầm nhận rằng: Với ĐA112, người ta có thể thưc hiện thành công việc "tin học hóa" một cơ cấu hành chính nhà nước như bộ máy hiện nay ở Việt Nam. Giờ đây, chỉ cần đọc lại các phê phán, vạch ra các vướng víu trong suốt năm năm qua của ĐA112, ta thấy sự hiểu ngầm (hay, đúng hơn, cái tiền đề để đẩy ĐA112 đi tới) là sai !

Theo tôi, đó là chỗ sai lầm cơ bản hơn cả của toàn bộ quá trình tư duy, biện giải và qui trình thực hiện ĐA112.  Sự sai trái này bắt nguồn từ nhận thức không đúng về chức năng và sức mạnh của CNTT. Và cũng vì nhận thức sai lầm này -- và ta có thể khái quát ra khỏi phạm vi ĐA112 -- có rất nhiều đề án, do mang cái nhãn CNTT, đã thuần túy nằm (hoặc được giúi vào) trong tay những người làm CNTT [Ở đây, tôi tạm thời không bàn sâu vào các lãnh vực chuyên môn khá nhiêu khê để xác định rõ và trọn vẹn về: thế nào là một lực lượng chuyên môn làm CNTT cần thiết của một đề án tầm cỡ ĐA112].  Người trong cuộc của ĐA112, trên thực tế, đã không nhận rằng CNTT chỉ có vai trò công cụ, nó có chức năng giúp thực hiện các mục tiêu cải tổ (hay hoàn thiện, hay nâng cấp,…) bộ máy quản lí hành chính; và do đó, việc sắp xếp lại cung cách vận hành của cơ cấu quản lí hành chính của Việt Nam mới là cái mục tiêu lớn cần có của ĐA112.  Thực tế đã cho thấy, ĐA112 bị chính cái guồng máy đó giẫm đạp và phá hỏng; cùng lúc, tự bản thân ĐA112 cũng tạo ra các rắc rối cho chính nó và quanh nó.
   

*

   
Chỉ xin đề cập đến một vấn đề cụ thể, như một thí dụ minh họa: Ngay từ những ngày đầu của ĐA112, ngay tại Hà Nội, tôi đã được nghe bàn về "phần mềm dùng chung", như một giải pháp quan trọng mà ĐA112 phải đưa ra. Là một người thợ trong nghề, cái giả định đầu tiên nảy ra trong đầu tôi là: phần mềm dùng chung ấy sẽ phải dùng được (và được tin tưởng rằng nó dùng được) cho tất cả mọi nơi trong bộ máy hành chính VN mà người chủ trương đang nhằm đến. Cái giả định trông có vẻ đơn sơ này hàm chứa khá nhiều rắc rối (chỉ xin đơn cử vài điểm):

  • Về đại thể, cơ cấu tổ chức và qui trình vận hành ở các đơn vị sử dụng phầm mềm dùng chung ấy là giống nhau. Có vậy, chân nào cũng sẽ vừa giày !
  • Các khác biệt giữa các đơn vị, nếu có, sẽ được giải quyết qua các khả năng thích nghi theo yêu cầu người dùng (customization), được thiết kế sẵn trong kiến trúc của phần mềm dùng chung. Hàm ý ở đây còn là, các khác biệt ấy đã được nhận biết và cơ cấu hóa đến mức có thể chuyển thành chức năng nằm trong phần mềm dùng chung. Có được một khả năng phân tích (và sau đó là thiết kế) tinh vi như vậy, trong điều kiện Việt Nam hiện nay cũng là một câu hỏi còn cần có câu trả lời.
  • Có một sự tương thích cơ bản giữa phần mềm dùng chung và các cấu hình máy móc, tay nghề người sử dụng, hạ tầng cấu trúc CNTT địa phương, v.v. Thực tế đã cho thấy có rất nhiều khác biệt và vướng mắc, ngay cả "mức độ tin học hóa" sẵn có của từng địa phương, từng đơn vị trong nước cũng chênh lệch và khác biệt rất nhiều. 
  • Yếu tố con người -- kể cả các vướng víu cục bộ, địa phương, bản vị, các "nhu cầu" mua bán, quan hệ làm ăn chính thức và không chính thức, khó có ai đưa lên trên các bản thuyết trình power point để giải quyết -- đã được xử lí ổn thỏa hay cơ bản là ổn thỏa. Nếu ta đặt con người vào trong các định chế hành chính hiện hành, mức độ phức tạp chỉ có thể tăng hơn là giảm. Tuy yếu tố con người được kể ra sau chót ở đây, nó vẫn là yếu tố "đầu tiên" của sự thành bại; dù một cách công khai, người ta có kể nó ra hay không. 

Chỉ với cái bảng liệt kê sơ sài (nên chưa đầy đủ) như ở trên, ta đã thấy cơ man nào là những mìn bẫy đang nằm chờ bước chân anh "cán bộ i tờ 112". Và đó chỉ mới là một thí dụ nhỏ. Nếu phải bàn tới phần cơ sở dữ liệu, một mặt quan trọng của ĐA112, thì chuyện còn nhiêu khê biết chừng nào.
   

*

 
Khẳng định yếu tính
(nhằm đến) cải tổ hệ thống quản lí hành chính nhà nước -- bao trùm và trọng yếu hơn chỉ là việc tin học hóa -- cho ĐA112, tức là xác định rõ:

  • Những đối tác can dự tới đề án: Trong nội dung đề án đang bàn, sự can dự ở đây vượt quá quan hệ người cung ứng giải pháp CNTT và người dùng CNTT [dù rằng, ngay cả quan hệ này tự nó đã không giản đơn], nó chạm đến các yếu tố: quyền lực, trách nhiệm, ngân sách và các đặc thù khác [có thể tiềm ẩn nhưng lại hết sức phức tạp]. Trong các loại đề án như ĐA112, việc xác định và đưa các đối tác (một thuật ngữ tiếng Anh là stakeholders) vào trong qui trình giải quyết bài toán đòi hỏi rất nhiều tri thức, bản lĩnh và luôn cả định chế để có thể giúp cho đề án thành công. Một nhóm chuyên viên CNTT thuần túy (chưa nói đến các chênh lệch về quyền lực, quyền lợi) khi bị ném vào trong cuộc chơi này sẽ mau chóng hoặc trở thành kẻ gây rối, kẻ sống bám hoặc đồng lõa với cái bộ máy vừa cồng kềnh vừa ọp ẹp kia.
  • Độ lớn và độ phức tạp của đề án: sau khi điểm danh và qui tụ được tất cả các thành phần can dự, người thiết kế đề án mới có thể "thấy" loại kĩ năng nào, cơ chế nào cần phải được kết hợp một cách tương xứng để quản lí và thực hiện đề án.  Cần xác định rõ, yếu tố công nghệ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong các phương trình được lập ra trong khâu này. Với một bộ máy hành chính như của Việt Nam (năm năm trước và cho đến nay) có thể ước đoán được rằng, vấn đề cải tổ các qui trình vận hành của các cơ quan, đơn vị thì cam go, "gian hiểm" gấp nhiều lần chuyện vác một cái thùng kim loại chứa một mớ linh kiện cứng và một mớ phần mềm vào để trên bàn của sếp (để liên hoan và chụp ảnh).
  • Nhu cầu chuyên môn của tập thể cán bộ ĐA112: Cái phần-con-người (peopleware) lâu nay vẫn được các dân thợ CNTT tin là phần quan yếu hơn cả cho việc thành bại của một đề án. Chỉ sau khi xác định rõ được các thuộc tính (và từ đó, các thử thách) của đề án, may ra người ta mới có thể chọn được đúng người để đưa đề án đến chỗ thành công. Tôi nói may ra, vì ngay ở môi trường phát triển các giải pháp CNTT của Mĩ, nơi nguồn tài nguyên nhân lực đa dạng và phong phú cho các đề án loại này, thách thức tìm cho ra các con người có kĩ năng tương xứng vẫn làm nhức đầu nhiều sếp lớn. Trong điều kiện Việt Nam, các loại đề án đa-ngành như ĐA112 (nếu hiểu cho đúng đắn) là còn quá mới mẻ. Suốt các khâu từ hình thành ý niệm cho đến thiết kế, tổ chức thực hiện và quản lí toàn bộ quá trình xây dựng giải pháp hình như chỗ nào sự cố và cơ hội thất bại cũng đang rình rập.
  • Các thời điểm, các khâu, các nơi có thể làm được (hoặc làm thử): Chia nhỏ bài toán ra cho vừa hoàn cảnh, vừa sức, kể cả sức hấp thụ những chấn thương về kinh tế, tài chính và tâm lí, là một cách có thể nên làm. Nói thì đơn giản như thế, nhưng thách thức để thiết kế một đề án vừa có thể co giãn về tầm cỡ (scalability) vừa không làm mất các thuộc tính không thể thiếu so với đề án toàn cục lại là một thách thức khó vượt đối với những nhà thiết kế đề án chưa nhiều kinh nghiệm. Tìm kiếm sự hỗ trợ (thật sự hỗ trợ, không phải là kiểu câu kết "dây máu ăn phần") từ bên ngoài cũng là một đáp án (và cũng là một thách thức). Làm đại trà vì nôn nóng, làm đại trà vì cái "vẻ vang" nó mang lại đã là nguy hiểm; làm đại trà chỉ vì yêu cầu "ăn đồng chia đủ", cái tâm thức "có bậu, có qua" thì thật là oan uổng cho đồng bạc mồ hôi nước mắt của người dân đóng nộp. Làm CNTT có khác với xây hội trường.

        

*

   
ĐA112, xem vậy, nhất định không thể thành công được vì những khuyết tật bẩm sinh mà lại không có giải pháp chữa trị.  Ngừng triển khai ĐA112, trước hết là chấm dứt vứt tiền qua cửa sổ (giả dụ rằng còn tí ti ngân sách nào đó để giữ lại). Việc truy cứu các sai phạm về mặt hành chính trong khuôn khổ bộ máy công quyền xin không bàn đến ở đây (chỉ mong, đó không chỉ là cơ hội để người ta hành nhau là chính).

Thuần về mặt chuyên môn, làm thế nào để có được những thảo luận rốt ráo và có thực chất để rút ra các bài học (lessons learned), như thông lệ của các đề án, sẽ giúp ích rất nhiều cho (các) quyết định sắp tới liên quan đến nỗ lực đã sinh ra ĐA112. Cũng như việc thiết kế ra ĐA112, việc rút tỉa kinh nghiệm và bài học cho đề án chết non (thực ra một đề án chết sau 5 năm trời không thể là chết non) cần được hiểu ở đúng tầm mức chuyên ngành của nó. Thí dụ như việc rút kinh nghiệm nghiêm chỉnh và cụ thể ngay về cái khoảng thời gian 5 năm này cũng là một điều rất bổ ích và cần thiết, cho quản lý hành chính nhà nước nói chung, trong đó thất bại của ĐA 112 là một trường hợp tiêu biểu, tuy không phải lớn nhất : các luồng thông tin (báo cáo, quyết định, phổ biến các quy trình làm việc...), luồng tài chính, luồng nhân sự... đã chuyển dịch như thế nào, nghẽn ở đâu, và bị bóp méo như thế nào.

Làm được như vậy, ít ra những nhà quản lí đất nước, các chuyên gia về tổ chức, những nhà quản lí CNTT và chuyên gia CNTT ở nhiều cấp, nhiều phân ngành khác nhau, có thể thu hoạch được những bài học quí báu về việc làm đề án thuộc loại hoàn chỉnh qui trình vận hành cơ chế nhà nước, thông qua việc sử dụng CNTT. Cái giá của bài học theo kiểu "hư đâu (rồi mới) học đấy" tất nhiên là đắt, nhưng vớt vát lại được chút tri thức nào thì quí được chút ấy.
   

*

   
Đến đây (hay sớm hơn nữa), tất có người sẽ cười mũi cho sự ngây thơ (hoặc ngây ngô) của kẻ viết bài này. Người ta sẽ bảo, bàn ra tán vào chi cho mệt, làm ĐA112 chỉ là một cách tiêu tiền và kiếm tiền, có ai ngó ngàng gì tới lợi ích thật sự của ĐA112, hay bất kì đề án nào khác. Với cách nghĩ vừa nói, đành xin nhận tội bằng một nụ "cười khổ", nhưng cũng xin thêm hai ý:

  • Với đà tiến của xã hội VN và sức ép "toàn cầu", tôi không tin là việc cải tổ hành chính ở Việt Nam còn là một chọn lựa tùy ý, trong một thực đơn nhiều món.  Cho nên, tôi không ngần ngại gì để đặt lại vấn đề. Nếu phải ngượng, tôi chỉ ngượng vì phải nhai lại chuyện cũ.
  • Người ta hay nói "làm ăn", làm đề án là cũng để kiếm ăn thôi. Chuyện nghề nghiệp, chuyện đời thường mà. Tuy nhiên, cho đến nay, các đề án CNTT lớn hầu như chưa mang lại sức thuyết phục nào đối với xã hội nói chung, nếu không nói là ngành CNTT vẫn bị mang tiếng xấu. Như vậy thì, nếu ai đó còn muốn được ăn tiếp, ăn lâu, những người đó cũng đã đến lúc phải làm cho được việc ở một mức độ nhất định. Ăn ít no dai. Chuyện ông thủ tướng Việt Nam ra quyết định vừa rồi (ông ấy thật sự nghĩ gì thì tôi không muốn đoán) đàng nào cũng hàm chứa một thông điệp tương tự. Không chỉ cho người dưới quyền ông.
       

Nguyễn Hoàng

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss