Đôi lời với nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội
Đôi lời với nhà thơ Bằng Việt,
Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội
Hoàng Hưng
Tình cờ tôi được nghe mấy lời anh nói tại Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội (HNVHN) ngày 30 tháng 10 năm 2016 vừa qua về Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam (BVĐVĐĐL) khi trả lời chất vấn về trường hợp nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (qua clip ghi hình trên trang mạng Trần Nhương và Nguyễn Xuân Diện). Thấy phải có ngay “đôi lời” với anh, vừa theo chỗ thân tình – bạn học từ thời “áo trắng đơn sơ mộng trắng trong” dưới mái trường Phổ thông Ba Việt Đức 1958-1960, bạn thơ “bút mới” Hà Nội thời chiến tranh, bạn sinh hoạt với HNVHN những năm 2002-2008; vừa theo lương tâm của một trong các thành viên sáng lập BVĐVĐĐL buộc phải phản ứng với những phát biểu công khai gây ngộ nhận cho tổ chức của mình.
A. Trước hết, xin ghi nhận anh
có một số ý kiến thẳng thắn, tương đối khách quan về BVĐVĐĐL.
Anh đã nói đúng bản chất của BVĐVĐĐL: “Tuyên
ngôn chấn hưng nền văn học dân tộc đang xuống cấp nghiêm trọng”,
“hoàn toàn độc lập, không chịu, không
muốn liên quan bất cứ tổ chức chính thống nào…”, “tách biệt khỏi hệ thống các tổ chức xã hội
của chúng ta [ ý là của “Đảng ta” – HH] trong đó có Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội”.
Xin đối chiếu với “Tuyên bố thành lập BVĐVĐĐL ngày 3/3/2016”:
“Sau năm 1975, kết thúc một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản, mà nền tảng là phục hưng văn hóa. Tiếc thay công cuộc cần thiết và nghiêm trang ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc…
Trước tình cảnh kéo dài và nay đã trở nên cấp bách đó, chúng tôi, những
người cầm bút ký tên dưới đây, quyết định vận động thành lập một tổ
chức độc lập của các nhà văn viết bằng tiếng Việt ở trong nước và ngoài
nước, lấy tên là Văn đoàn độc lập Việt Nam, với mong muốn góp phần tích
cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân
bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có thể đóng vai trò tiền
phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng
dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi…
Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ
chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với
mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước”.
Nếu so với bài nói chuyện của ông Chủ tịch Hội LHVHNT toàn quốc ở Thanh
Hoá vài năm trước mà một cây bút mạng đã đưa lên, trong đó sự xuyên
tạc, vu cáo BVĐVĐĐL khá thô bỉ, thì thấy anh hơn hẳn một cái đầu về
nhận thức và ứng xử văn hoá!
Tuy nhiên, không hiểu do nhầm lẫn hay “buộc phải tỏ ra nhầm lẫn” vì sức
ép nào đó, anh đã vô tình hay cố tình bóp méo hai chi tiết rất quan
trọng trong Tuyên bố của BVĐVĐĐL:
1/ Anh nói: BVĐVĐĐL phủ nhận nền văn học cách mạng từ 1945 đến nay (mà anh cho là chính nhà văn Nguyên Ngọc, người đứng đầu BVĐVĐĐL đã từ đó sinh ra), và nói tuyên bố như thế là “ngộ nhận, vội vã”.
Xin thưa: Chỉ cần liếc qua mấy dòng trích phía trên trong Tuyên bố thành lập BVĐVĐĐL, ta thấy ngay không hề có sự “phủ nhận” nào như anh nói!
Vả lại, việc đánh đồng “nền văn học của chúng ta” như anh nói đến nhiều lần trong lời phát biểu, với “nền văn học cách mạng”, là một sự lẫn lộn hoặc đánh tráo khái niệm quá ấu trĩ hoặc khiên cưỡng mà ngày hôm nay có lẽ chỉ những cây bút “con đẻ của tuyên huấn” mới sử dụng.
Trong nền văn học được Đảng Lao động trước đây, Cộng sản sau này tài trợ hoặc công nhận, chí ít là không bác bỏ, ta tạm gọi là “văn học chính thống”, ngoài các tác phẩm “cách mạng” do đa số nhà văn bị dẫn dắt một cách cưỡng bức hoặc lừa mị, vẫn có không ít tác phẩm của các nhà văn tài năng, bản lĩnh, cố thoát ra khỏi gông cùm “ý thức hệ” để vươn tới cái phổ quát, cái nhân bản, cái đẹp. Điều đó khỏi cần chứng minh. Không thể “vơ” những tác phẩm như thế vào “nền văn học cách mạng”. Đó là tài sản của văn hoá dân tộc.
Đến nay, các nhà lý luận nghiên cứu phê bình nghiêm túc chỉ nói đến “văn học kháng chiến 1945-1954”, “văn học miền Bắc 1954-1975”, “văn học sau đổi mới”… Có nói đến “văn học cách mạng” là thường để trong “…”.
2/ Anh nói: BVĐVĐĐL tuyên bố là “một tổ chức đối lập”.
Không hiểu anh “trượt miệng” hay cố tình? Anh không phân biệt được “độc lập” / “đối lập”? .
Nếu đối lập, thì xin hỏi BVĐVĐĐL đối lập với ai? Khi rất nhiều thành viên BVĐVĐĐL vẫn là Hội viên Hội Nhà văn VN và Hà Nội, điển hình là hai anh Thái Kế Toại (đương chức Phó Chủ tịch thường trực Hội điên ảnh HN sau bầu cử khoá mới), Phạm Xuân Nguyên đương chức Chủ tịch HNVHN (chỉ sau khi bị Hội Nhà văn ngang nhiên tước bỏ quyền dự Đại hội, 20 thành viên BVĐVĐĐL mới rút tên khỏi HNVVN)?
Không, chúng tôi không “đối lập” một cách chung chung vơ đũa cả nắm, chúng tôi chỉ muốn “độc lập”, không muốn bị ai “lãnh đạo, nuôi nấng và sai bảo, dạy dỗ”. Không, chúng tôi chỉ “đối lập” với những ai, với những chính sách, những việc làm vi phạm quyền tự do sáng tạo và công bố tác phẩm của tác giả, đi ngược lại tính nhân bản của văn học.
Nói như thế không phải chúng tôi sợ hãi vì bị coi là “đối lập” hay đánh giá không tốt những tổ chức “đối lập” đang có và chắc chắn sẽ có, đơn giản là chúng tôi yêu cầu “gọi sự vật đúng tên”.
B. Một điểm nữa đáng ghi nhận
trong phát biểu của anh về thái độ nên có của anh và “các đồng chí” đối
với BVĐVĐĐL: coi anh em trong BVĐVĐĐL là những người từng đóng góp rất
nhiều cho văn học nước nhà, coi họ như bạn bè, đồng nghiệp, không đẩy
họ sang hàng ngũ thù địch, “vì bất
mãn hay vì cách đối xử nào đấy” (mà chuyển sang hàng ngũ thù
địch).
Đó là, không kể anh còn ẩn ý “khen” BVĐVĐĐL khi dùng hình ảnh “cô bồ trẻ trung, xinh đẹp” của anh Phạm Xuân Nguyên, so với bà vợ (già, xấu xí?) là HNVHN, hihi…
Nhưng ngay trong phát biểu này, anh cũng phạm sai lầm: quá coi thường
các thành viên BVĐVĐĐL, đa số là những cây bút lão thành đầy bản lĩnh.
Họ lập BVĐVĐĐL đâu phải vì “bất mãn
cá nhân”, vì “một cách đối xử”
nào đó, mà vì họ có quan điểm rõ ràng về thế giới và nhân sinh, về nghệ
thuật, không đồng nhất với quan điểm mà anh nói là “quan điểm của
Đảng”. Không ít người đã từ chối giải thưởng và/hay tài trợ của chính
quyền, vì muốn giữ đúng chỗ đứng “độc lập” của mình.
Tức họ là những người “bất đồng chính kiến” nói theo ngôn ngữ thời thượng, và họ công khai sự “bất đồng” ấy. Tôi tin rằng không sự ve vuốt, phủ dụ nào của các thế lực quyền-tiền có thể “đẩy” họ ra hay “lôi” họ về đâu anh ạ!
Để kết thúc, tôi chúc anh luôn phát huy nhiều nữa những nét đẹp mà
lương tri, lương tâm của một trí thức, một nhà thơ đích thực tạo nên,
cố hạn chế những nét xấu mà con người tuyên huấn, con người cán bộ văn
nghệ ăn lộc Đảng nó tiêm nhiễm vào anh. Để chúng ta vẫn luôn là bạn. Để
ngày mai bạn đọc chỉ nhớ “nhà thơ Bằng Việt”, quên đi một “ông Phó Chủ
tịch Hội đồng nhân dân hữu danh vô thực ”, một “ông Chủ tịch cái hội gì
đó trong tay áo tuyên huấn thành ủy”!
Chúng ta đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, là bậc đàn anh, bậc thầy của tất cả
các vua và quan đầu triều, còn gì phải “lăn tăn” nữa anh !
31/10/2016
NGUỒN : nhận
được của tác giả ngày 1.11.2016
Các thao tác trên Tài liệu