Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Đồng chí !

Đồng chí !

- Hoà Vân — published 10/02/2015 18:50, cập nhật lần cuối 10/02/2015 18:53

Đồng chí X, nhân vật của năm 2015 ?


Hoà Vân


Bạn có thể nói, chuyện vinh danh « nhân vật của năm » thường được các báo tiến hành vào những ngày cuối cùng năm đó, sao lại bàn chuyện « nhân vật của năm 2015 » ở đây, khi tháng 2 vừa mới bắt đầu. Với lại, nếu là « nhân vật của năm » thì phải có tên tuổi đàng hoàng chứ, sao có thể là chỉ là một « đồng chí X » được.

Xin thưa, trước hết cái truyền thống nêu ra « nhân vật của năm » bắt đầu từ báo chí Âu Mỹ không nhất thiết là nhắm vào những nhân vật có hành động đẹp nhất, hữu ích nhất cho xã hội, cho nên dùng từ « vinh danh » có lẽ không hợp lắm. Nếu kèm theo dấu ngoặc kép thì hoạ chăng có thể chấp nhận được, nhưng chuyện từ ngữ chẳng quan trọng gì lắm ở đây, xin không bàn thêm. Còn câu chất vấn về thời điểm quá sớm, xin bạn lưu ý dấu hỏi ở cuối tiêu đề. Câu cuối, về « đồng chí X » là ai, xin được nhắc lại dưới đây…

Ai có thể sẽ là nhân vật nổi trội nhất trên chính trường Việt Nam năm nay ?

Theo ngôn ngữ chính trị của Việt Nam hiện nay, 2015 trước hết là một « năm chẵn », với nhiều lễ kỉ niệm : 85 năm ngày thành lập đảng CSVN (1930), 40 năm ngày « giải phóng miền nam », thống nhất đất nước (1975), 70 năm ngày lễ độc lập (1945), thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mà nhà nước Việt Nam hôm nay là người kế thừa v.v. Nhưng, những ngày lễ dù có tổ chức « hoành tráng » đến đâu cũng khó có thể được coi như một cơ hội để nhà chính trị chứng minh bản lĩnh của mình. Vụ kỉ niệm 85 năm lặng lẽ trôi qua, chẳng để lại dấu ấn nào, là một bằng chứng hiển nhiên. Chuyện 70 năm nhiều hi vọng cùng đi theo một con đường mòn nhàm chán. Trừ khi… Chuyện 40 năm hứa hẹn sẽ đình đám hơn, vì kỉ niệm gắn với xương máu của nhiều người còn sống và gia đình họ, những vết thương lẽ ra đã có thể lành da nhưng vẫn nhức nhối do nhiều chính sách sai lầm (nếu không muốn dùng chữ nặng hơn) đã qua. Và do đó, rất có thể tạo dịp cho ai đó nổi lên, nếu đủ bản lĩnh để giành lấy thế chủ động trước bộ máy và chứng tỏ trước nhân dân bằng một số biện pháp có ý nghĩa tượng trưng về mặt đạo lý và đủ mạnh về mặt chính trị để thuyết phục xã hội rằng quá khứ đã thực sự khép lại, chuyện bên thắng bên thua chẳng qua như gió thoảng mây trôi trong lịch sử dài lâu của dân tộc, và ngày toàn dân cùng bắt tay xây dựng đất nước, không phân biệt « bên » nào, dù trễ cũng đã tới. Chẳng hạn, một biện pháp thực thụ được thi hành để các chức trách công sẽ không còn được ai đó « quy hoạch » trước, mà sẽ hoàn toàn được công khai tuyển chọn, dựa trên tài năng và đức độ thực thụ của các ứng viên, « không phân biệt nguồn gốc gia đình, chính kiến, tôn giáo… » như người ta thường nói. Một hệ quả nhỏ là khi đó, kỉ niệm 70 năm dù chẳng cần hô hào, tổ chức, cũng sẽ có ý nghĩa xứng đáng. Hệ quả lớn tất nhiên là, một khi những biện pháp « chìa khoá » ấy được thực thi, các rào cản sẽ lần lượt lộ ra và được vượt qua (nhân tài của Việt Nam hiển nhiên nhiều hơn gấp nhiều lần con số 22 « cán bộ cao cấp chiến lược » được Đảng quy hoạch cho những nhiệm kỳ tới, chưa nói về phẩm chất và tài năng). Để vận mệnh đất nước thực sự xoay chuyển, như gợi ý trong bài nói chuyện của GS Trần Văn Thọ mới đây tại Salon Văn hoá Cà phê thứ bảy (xem trên mặt báo này) nhân bàn về sự kiện “vô huyết khai thành” trước khi Minh Trị Thiên hoàng tiến hành duy tân, mở ra kỷ nguyên mới của nước Nhật.

Nhưng, phải nói ngay, nhìn vào bàn cờ chính trị hiện tại, xác suất để việc đó xảy ra có thể coi như (gần) bằng không. Vậy thì, phải tìm kiếm « nhân vật của năm » ở một khía cạnh khác của 2015, năm trước của đại hội XII ĐCSVN, năm của mọi cú đấm, trên hay dưới thắt lưng, trước mặt hay sau lưng – nhiều hơn-, khi đổi thủ không đủ cảnh giác. Trên vũ đài hiện nay (theo thứ tự trên, dưới trong Bộ chính trị) : Nguyễn Phú Trọng, 71 tuổi (sinh năm 1944), đương kim tổng bí thư ; Trương Tấn Sang, 1949, chủ tịch Nước, Nguyễn Tấn Dũng, 1949, thủ tướng ; Nguyễn Sinh Hùng, 18.1.1946, chủ tịch Quốc hội ; Lê Hồng Anh, 1949, thường trực ban bí thư ; Phùng Quang Thanh, 1949, đại tướng bộ trưởng Quốc phòng ; Lê Thanh Hải 1950, bí thư thành uỷ TPHCM ; Tô Huy Rứa, 1947, trưởng ban tổ chức TƯ ; Phạm Quang Nghị, 1949, bí thư thành uỷ Hà Nội ; Nguyễn Xuân Phúc, 1954, phó thủ tướng. Một số uỷ viên khác trong BCT hoặc không đủ tiêu chuẩn, hoặc có lẽ không đủ thế và lực để được dư luận nói đến. Ông Trọng quá 70, ông Sinh Hùng cũng sẽ quá 70 nếu đại hội tới được tổ chức sau ngày 18.1.2016, có thể coi như khó qua được vòng loại – dù người ta không thể loại trừ hoàn toàn khả năng hai ông muốn « phục vụ đến hơi thở cuối cùng ». Còn lại 8 nhân vật cho bốn chức vụ được coi là chủ chốt (« tứ trụ » triều đình) : TBT, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội, trong đó hai ghế có thực quyền nhất (đây là thực tiễn của khoảng 3,4 nhiệm kỳ gần đây, và có thể thay đổi) là TBT và thủ tướng.

Quá nhiều động tác đã diễn ra trên chính trường VN, cả đối nội và đối ngoại (đối với Trung Quốc, Mỹ), xung quanh vai trò của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong hai năm qua, để không thấy rằng chính ông mới là nhân vật trung tâm của cuộc chạy đua quyền lực ấy, và những chọn lựa của ông sẽ ảnh hưởng tới chọn lựa của các đồng chí – đối thủ của ông, thay vì ngược lại.

Trước tiên là Hội nghị Trung Ương 6 (khoá XI), họp 15 ngày liên tục vào đầu tháng 11.2012, mà Nguyễn Ngọc Giao, trong bài tường thuật cho Diễn Đàn, đã lấy tiêu đề : Khi trái núi đẻ ra… « một đồng chí ». Một hội nghị được chuẩn bị phải nói là rầm rộ, với mục tiêu đánh phủ đầu tham nhũng – tin tức rò rỉ trên mạng đều nhắm vào người lãnh đạo chính phủ, cũng là người chủ trương thành lập và chỉ huy các tập đoàn nhà nước trong đó Vinashin, Vinalines đang bị « chiếu tướng » vì làm ăn thua lỗ và nợ như chúa chổm. Nhưng khi ông Trọng « thay mặt Bộ Chính trị » xin TƯ « kỷ luật BCT và một đồng chí uỷ viên » thì bị bác – một tiền lệ hiếm có phá vỡ quy chế « dân chủ tập trung » trong đảng : mấy tháng sau, tại Hội nghị TƯ 7, ông Trọng lại bị muối mặt lần nữa khi hai ứng cử viên vào BCT mà ông đưa ra - trong đó có ông Nguyễn Bá Thanh, vừa được điều từ Đà Nẵng về Hà Nội làm trưởng ban Nội chính mới được thành lập - không thu được nửa số phiếu cần thiết để được thông qua. Vì không kỷ luật được « một đồng chí uỷ viên BCT » nên những ngày sau TƯ 6 mới nảy ra thuật ngữ « đồng chí X » (từ miệng chủ tịch nước Trương Tấn Sang), tên được gắn từ đó cho ông Nguyễn Tấn Dũng. Chưa chịu thua, ông Trọng còn bày ra chuyện « lấy phiếu tín nhiệm » ở Quốc hội (đối với Chính phủ, chủ tịch nước và Ban thường vụ Quốc hội), lần đầu tiên trong phiên họp tháng 5.2013, và ở hội nghị TƯ (đối với các uỷ viên BCT và ban bí thư), lần đầu tại hội nghị TƯ 10, tháng 1.2015. Nhưng trong cả hai lần, « đồng chí X » đã « nhẹ nhàng thoát hiểm ». Không những thế, tại hội nghị TƯ 10 ông còn là uỷ viên BCT được số phiếu « tín nhiệm cao » cao nhất (theo tiết lộ của trang mạng Chân dung quyền lực), khiến cho ông TBT phải nuốt lời hứa vừa đưa ra trước đó ít lâu, rằng kết quả sẽ được công khai hoá !

Đó chính là lý do để đưa ra giả thuyết là, tiếp theo đà thắng lợi của những kỳ bỏ phiếu nội bộ nói trên, không có lý gì để « đồng chí X » « giã từ vũ khí », buông trôi việc chạy đua vào chức vị cao nhất của đảng trong kỳ đại hội sắp tới. Một chức vụ nếu vào tay ông, sẽ không lu mờ như dưới triều người được cả nước mệnh danh là Trọng lú.

Thực ra, cũng chưa có biểu hiện gì cho thấy các đối thủ của ông đã nhận thua ngay từ bây giờ. Chỉ xin nêu một ví dụ, liên quan tới hiện tượng truyền thông nổi bật trong mấy tháng qua – ít ra, cho tới 10 ngày trước đây : hiện tượng trang Chân dung quyền lực, một trang mạng mới ra đời (hay đúng hơn là mới hoạt động mạnh) vào cuối năm 2014. Người ta xôn xao đọc Chân dung quyền lực từ loạt bài đánh ông Nguyễn Xuân Phúc, một trong các ứng cử viên vào « tứ trụ » nhiệm kỳ tới, như đã nói. Với những chứng cứ thuyết phục (ảnh chụp căn cước tại Mỹ của cậu quý tử của ông, với căn nhà ở đại chỉ ghi trên căn cước, ảnh vợ chồng ông Phúc với một đại gia…) tố cáo ông tham nhũng, hoặc ít thuyết phục hơn (tố cáo ông Phúc « đầu độc » ông Nguyễn Bá Thanh) – nhưng lại đưa chính xác tin tức về vụ ông Thanh chuyển từ Mỹ về Đà Nẵng điều trị, khi chưa có báo chí chính thống nào có tin -, trang mạng đã thu hút có ngày tới hàng chục triệu người vào xem. Tiếp theo Nguyễn Xuân Phúc, những đối thủ khác của ông Dũng trong cuộc chạy đua quyền lực bị điểm danh là các ông Phùng Quang Thanh, Phạm Quang Nghị… Người duy nhất không những không bị đánh mà còn có bài ca tụng trên Chân dung quyền lực chính là « đồng chí X ». Hiển nhiên, các đối thủ của ông hẳn đã làm áp lực để ông cho chặn trang mạng quá thiên vị này (như công an mạng đã làm rất nhanh đối với trang Quan làm báo hai năm trước). Để trả lời, ông đưa ra tuyên bố (trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Văn phòng Chính phủ sáng 15-1) : “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên Facebook xem thông tin. Vậy làm sao để thông tin đó đúng đắn, chúng ta không ngăn, không cấm được đâu các đồng chí”. Ông chỉ nhượng bộ là “Phải đưa thông tin chính xác, kịp thời để định hướng. Trên mạng ai nói gì thì nói nhưng nếu có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin. Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt trong năm nay”. Tuyên bố khó lòng thoả mãn những đồng chí – đối thủ của ông, và sau khi một số người lên tiếng công khai đòi ngăn chặn trang này (xem tin BBC), tất nhiên là kèm theo những áp lực nội bộ, thì 15 ngày sau, chính thủ tướng phải chỉ đạo : "Kiên trì chặn thông tin xấu về lãnh đạo trên mạng." (ngày 30.1.2015, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2015). Gọi là « kiên trì chặn », nhưng Chân dung quyền lực chỉ (tạm ?) ngưng đưa thêm bài từ ngày 29.1, còn thì vẫn không bị đánh phá, không bị tường lửa gì cả !

Tóm lại, cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực trước đại hội XII chắc chắn sẽ tiếp tục, gay gắt trong năm nay, với nhân vật chính là đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, « đồng chí X ». Một cuộc đấu tranh vượt qua trong nội bộ đảng của những người tham dự, để ảnh hưởng tới cả nước, đơn giản vì đó là đảng đang cầm quyền. Và do đó, khả năng nhân vật chính trong đó sẽ có vai trò nổi trội của chính trường Việt Nam trong năm hẳn nhiên là một khả năng lớn. Câu hỏi tiếp theo là : vậy thì ông ấy sẽ ứng xử ra sao trong cuộc chạy đua này, chọn thế đứng của một nhà chính trị, vượt lên trên các cuộc tranh cãi bè phái để chỉ nghĩ tới cục diện dân tộc – như các « vị anh hùng thời Minh Trị », theo cách nói của GS Trần Văn Thọ - hay chỉ chăm chăm lo cho vị trí của mình và của những người theo mình, và do đó rất có thể nửa đường ngã ngựa vì đối thủ tìm ra món võ ác liệt hơn, vì cả họ và mình thực ra chẳng được người dân nào hỗ trợ nếu như không có gì thay đổi… Chọn lựa đầu, như đã nói, có xác suất rất thấp, nếu không muốn nói là bằng không, nếu ta ôn lại những hành động (chứ không phải là lời nói) của ông, nhưng đó lại là chủ đề của một bài khác.

Dù sao, dấu hỏi trên tiêu đề của bài viết liên quan tới chọn lựa đó.


Hoà Vân


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss