Đừng để chìm chợ nổi
ĐỪNG ĐỂ CHÌM CHỢ NỔI
(tiếp cận chợ nổi từ giá trị tài nguyên bản địa)
Nguyễn Thị Hậu
Hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long, hay miền Tây như cách gọi thông thường, xuất hiện xu hướng tìm về nguồn tài nguyên bản địa để “khởi nghiệp” và phát triển các mô hình sản xuất - kinh doanh, trong bối cảnh tự nhiên “biến đổi khí hậu” và xã hội “cách mạng công nghệ 4.0”. Có thể nói phần lớn những “tài nguyên bản địa” ở đây không phải mới được phát hiện mà là “phát hiện lại” trong mối liên hệ mật thiết với kinh tế, công nghệ, văn hóa, du lịch… nhằm “phát triển bền vững” từ giá trị nhiều mặt của nó.
Một trong những loại hình kinh tế - văn hóa độc đáo, hấp dẫn mang trong
nó giá trị của “tài nguyên bản địa” vùng sông nước Nam bộ là chợ nổi.
Xuất hiện tại những tuyến giao thông đường thủy chính một số chợ nổi
được nhiều người biết đến là chợ Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng, Phong
Điền (Cần Thơ), Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), Ngã
Năm (Sóc Trăng), Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang), Cà Mau, Năm Căn (Cà
Mau), Vĩnh Thuận (Kiên Giang)… Tuy nhiên, nhiều chợ nổi đang có nguy cơ
“chìm” mặc dù được kết hợp chức năng kinh tế với du lịch nhưng cả hai
chức năng này ngày càng không đáp ứng được yêu cầu.

Chợ nổi Cái Răng
Để chợ nổi có thể duy trì được sức hấp dẫn về văn hóa và giữ được vai
trò kinh tế, cần thiết nhìn nhận được những yếu tố “bản địa” mang giá
trị “tài nguyên” của nó.
Đầu tiên, chợ nổi hình thành và phát triển ở vùng sông nước của miền
Tây Nam bộ. Là đồng bằng thấp trũng thành tạo chưa hoàn chỉnh,
Tây Nam bộ có địa hình sông rạch dày đặc đan xen chằng chịt. Cùng với
hệ thống sông Cửu Long còn có một mạng lưới kênh đào phát triển mạnh từ
thời Nguyễn. Sông rạch hay kênh đào đều thực hiện chức năng đưa nước
ngọt, phù sa về đồng bằng, thoát nước vào mùa nước nổi, là đường giao
thông thuận tiện và rộng khắp, nguồn thức ăn tôm cá quanh năm… Do ảnh
hưởng chế độ “bán nhật triều không đều” (cả về thời gian và lưu lượng)
của vùng biển Nam bộ nên hệ thống sông kênh rạch ở đây ngày hai lần
nước lớn nước ròng. Khoảng thời gian “nước đứng” ghe xuồng neo đậu nghỉ
ngơi chờ con nước thuận mà tiếp tục ngược xuôi.
Tùy từng miệt (tiểu vùng địa lý tự nhiên như miệt vườn, miệt ruộng,
miệt thứ…) mà chợ nổi hình thành ở vị trí khác nhau nhưng phần lớn ở
tại vàm sông (nơi có các dòng chảy gặp nhau tạo ra ngã ba, ngã tư… ngã
bảy), địa hình rộng rãi và tỏa đi nhiều hướng, hoặc ở nơi “giáp nước”
là nơi nước ròng nước lớn ngược chiều gặp nhau “nước đứng” tùy theo
ngày âm lịch mà giờ giấc khác nhau chút ít. Do phương tiện xuồng bơi
ghe chèo nên đi theo con nước thuận để ít tốn công sức mà lại
nhanh. Thời gian nghỉ ngơi để nấu ăn, coi sóc ghe xuồng, hàng
hóa, giao tiếp với bạn hàng… không lâu, thường chỉ trong một buổi. Chợ
nổi cũng chỉ hoạt động trong khoảng gian ấy.
Thứ hai, theo nhiều nhà nghiên cứu, việc ghe xuồng neo đậu tại nơi giáp
nước là sự thích nghi từ lâu đời của cư dân miền Tây với một hiện tượng
tự nhiên, nhưng để tập trung ghe xuồng với mức độ lớn và trở thành “chợ
nổi” thì có lẽ vào khoảng thế kỷ 19, khi dân cư không còn quá thưa thớt
nhưng mật độ dân số chưa cao và sản xuất nông nghiệp đã có sự phát
triển nhất định. Nhu cầu giao thương tăng cao giữa các “miệt” ruộng
vườn rẫy bưng hay rừng ven biển… sản xuất các loại nông sản khác nhau
mà những chợ nhỏ trên bờ trong một khu vực nhất định không đáp ứng được
nhu cầu mua bán lượng hàng hóa lớn: trái cây theo mùa, khoai bắp bí đậu
mía, hàng bông rau cải hàng ngày… Thỉnh thoảng, nhất là vào tháng chạp
gần tết còn có một số hàng hóa khác như than đước, ông lò (bếp lò), nồi
ơ, lu khạp gốm, chiếu “Cà Mau”, cả hoa tết cây kiểng… là hàng hóa không
phải ngày nào cũng có nhu cầu mua bán cao như nông sản. Thường tại vàm
sông hay nơi giáp nước có chợ nổi thì trên bờ cũng hình thành các bến
chợ, điểm tụ cư làm “dịch vụ” như bán thức ăn, đồ dùng thiết yếu, cơ sở
sửa chữa ghe tàu, các dịch vụ khác… dần trở thành các thị tứ.
Thứ ba, chợ nổi gắn liền sự phát triển giao thông đường thủy ở Nam bộ,
nhất là ghe thương hồ buôn bán với phương thức “mua tận gốc bán tận
ngọn”, có khi trao đổi hai chiều mang hàng tiêu dùng đổi/bán rồi mua
nông sản. Nơi vùng sâu thì dùng xuồng nhỏ theo kinh rạch len lỏi vào
tận nơi sản xuất mua với số lượng lớn, chở ra ghe lớn, thương hồ theo
sông mang đến chợ nổi bán sỉ cho bạn hàng. Hàng hóa, nông sản “tươi
chong” hầu như không cần “tập kết” lên “kho bãi” trên bờ mà chuyền từ
ghe này qua ghe khác số lượng nhiều ít khác nhau. Từ đó lại theo sông
nước ra đi… Các thị tứ với chợ nhà lồng hay dãy nhà buôn bán quanh chợ
có nơi nào không tiếp cận hàng hóa từ ghe thương hồ? Tuy nhiên, chợ nổi
không bán lúa gạo và gia cầm dù vẫn có những ghe lớn vận chuyển lúa gạo
đến các nhà máy xay xát nhỏ ven sông hay lên khu vực bến Bình Đông ở
Sài Gòn. Còn ghe chở gia cầm cũng không dừng ở chợ nổi mà đến thẳng các
chợ đầu mối trên bờ nơi thị tứ.
Thứ tư, từ chợ nổi và cùng với chợ nổi nhiều hiện tượng “văn hóa kinh
doanh” độc đáo xuất hiện: cây bẹo trên ghe – cây sào cao treo trên đó
loại nông sản trái cây rau cải, nhìn vô thì biết ghe đó bán gì; hình
thức số lượng hàng hóa mua bán tính theo “chục, trăm có đầu”, từng
“thiên” hay từng bó, tính theo từng cần xé, vỏ, bội (những loại đồ đựng
đan bằng tre nứa hay lác, bàng)… mà không phải theo số đếm hay cân ký
thông thường. Quan hệ mua bán ở chợ nổi là bán sỉ, “bán mão” từ số
lượng chủng loại hàng hóa đến tiền nong đều lấy sự chân thành và chữ
“tín” làm trọng, nếu có chuyện rủi ro thì bạn hàng cùng nhau giải
quyết, đôi bên không vì lợi lộc riêng mình mà “cạn tàu ráo máng”. Để
phục vụ chợ nổi còn có một loại hình dịch vụ vô cùng linh động: hàng
chục chiếc xuồng nhỏ len lỏi giữa những chiếc ghe to lớn, bán đồ ăn
thức uống mồi nhậu, sau này còn bán cả video phim bộ phim ca nhạc hoặc
cho ghe mướn coi lúc tan chợ… Những sinh hoạt trên ghe, hoạt động đa
dạng ở chợ nổi đã trở thành đề tài của nhiều tác phẩm nghệ thuật phản
ánh đời sống văn hóa sông nước Nam bộ…
Thứ năm, chợ nổi là một phương thức sinh sống phổ biến và bình thường ở
miền Tây Nam bộ. Phương thức này dựa vào sự kết hợp nhiều loại “vốn”
của các tầng lớp dân cư: nông sản của nông dân, sức lực của người làm
mướn chuyển hàng trên các ghe thương hồ, nơi thị tứ, vốn tiền bạc của
thương nhân, rồi “vốn xã hội” là các mối quan hệ mua bán, vận chuyển,
sự tin tưởng, cách thức giải giải quyết mâu thuẫn nảy sinh trong quá
trình làm ăn… Tính “chuyên nghiệp” của chợ nổi thông qua “sự phân công
lao động hợp lý” nhằm chia sẻ lợi nhuận trên nguồn vốn bỏ ra nhưng vẫn
có sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khi rủi ro. Ngoài ra, trên mỗi ghe
thương hồ nhiều khi còn là không gian sinh sống của một gia đình, họ di
chuyển và hầu như không cố định lâu ở một nơi. Tâm thức cư dân sông
nước được nuôi dưỡng, duy trì với những mặt tích cực và và cả hạn chế
của nó…
*
Chợ nổi ra đời “tự phát” nhưng để hình thành một hiện tượng kinh tế -
văn hóa đặc trưng của miền Tây Nam bộ thì phải có sự kết hợp của những
yếu tố “bản địa”: vị trí, thời gian của chợ nổi xác định theo điều kiện
tự nhiên; nhu cầu giao thương của kinh tế hàng hóa chủ yếu là nông sản
của nền nông nghiệp đa canh ở một “vùng đất mới” rộng lớn; sự phát
triển của nghề thương hồ (gồm kỹ thuật của phương tiện vận chuyển đường
thủy và tầng lớp thương nhân); mối quan hệ chân thành và phóng khoáng
của người miền Tây. Đó là những yếu tố làm cho chợ nổi tồn tại lâu dài
dù nó mang tính chất mở chứ không khép kín như “chợ làng”.
Hiện nay trong những điều kiện tự nhiên và xã hội mới, các yếu tố trên
đã có nhiều thay đổi làm cho chức năng vai trò của chợ nổi trong kinh
tế cũng suy giảm. Giao thông đường bộ là chủ yếu, vùng chuyên canh lúa
tăng nhanh và nhằm vào mục tiêu sản lượng, sản phẩm truyền thống của
miệt vườn cũng biến đổi do kỹ thuật canh tác ảnh hưởng đến sản lượng và
chất lượng, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước luôn thay đổi… Cộng
đồng dân cư có nhiều biến động, lối sống cố định trên ghe xuồng không
còn phổ biến, quan hệ giao thương rộng mở hơn và tính rủi ro cũng cao
hơn…

Vì vậy, duy trì hoạt động truyền thống của chợ nổi đã khó, gánh thêm
chức năng “du lịch” càng khó hơn nếu không tạo ra những yếu tố mới,
hoạt động mới. Chợ nổi muốn trở thành một sản phẩm độc đáo trong chuỗi
sản phẩm của “du lịch văn hóa sông nước” không thể chỉ dựa vào, ăn theo
“vốn xã hội” cũ để tạo ra giá trị mới mà cần tạo ra “vốn xã hội mới” từ
giá trị “tài nguyên văn hóa” của chợ nổi. Một đúc kết từ thực tiễn mà
hiện nay đã trở thành phương châm của các nhà sản xuất: khách hàng tiếp
nhận sản phẩm là tiếp nhận các yếu tố: sự trải nghiệm về tính độc đáo
của sản phẩm, giải pháp sử dụng sản phẩm và hành vi tiêu dùng sản phẩm.
Theo đó, sản phẩm du lịch chợ nổi cần đáp ứng nhu cầu mua bán sản phẩm
đặc trưng là trái cây, nông sản nơi chợ nổi – tất nhiên là du khách thì
không thể mua sỉ bán mão mà cần có cách thức phù hợp; tạo ra và đáp ứng
nhu cầu trải nghiệm được “sinh sống” ở chợ nổi dù chỉ trong một buổi
chợ, và cũng giống như trong bảo tàng có không gian “khám phá” dành cho
du khách tự mình tham gia vào một sự kiện lịch sử giả định, chợ nổi
cũng cần tổ chức cho du khách được một lần trải nghiệm với vai trò
thương hồ trên không gian sông nước miền Tây. Tất cả hoạt động trên đều
cần sự hợp tác và tham gia của cộng đồng “dân cư chợ nổi”, tức là tạo
cho cộng đồng một sinh kế mới từ “vốn văn hóa” của họ.
Chỉ khi nào coi trọng giá trị tài nguyên bản địa của văn hóa truyền
thống, coi trọng vai trò của cộng đồng chủ thể văn hóa ấy, khi ấy mới
có thể bảo tồn và phát triển văn hóa với một sức sống mới.
Nguyễn Thị Hậu
NGUỒN : viet-studies
Các thao tác trên Tài liệu