Dương Tường – Tình khúc 24
Điếu văn
DƯƠNG TƯỜNG – TÌNH KHÚC 24
Phạm Xuân Nguyên
Sáng nay 1/3/2023, lễ tang nhà thơ - dịch giả Dương Tường (1932 - 2023) do gia đình và bạn bè tổ chức diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Sau đây là bài điếu văn do nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Trưởng ban lễ tang đọc. Đầu đề bài điếu là của tác giả.
Thưa quý vị,
Thưa tang quyến,
Hôm nay - giờ này - ở đây chúng ta có mặt tiễn đưa nhà thơ - dịch giả
Dương Tường vào cõi vô cùng. Ông đã bay về trời thưa với ông nội Trần
Xuân Thiều, người từng là quan Đốc học ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc
Giang, người từng làm quan Phó chánh chủ khảo khoa thi cuối cùng của
nhà Nguyễn, rằng đứa cháu nội họ Trần đã ký cái tên Dương Tường của
mình dưới các bài báo, bài thơ, bản dịch làm nên một bút danh quen
thuộc và nổi tiếng hơn sáu mươi năm vắt qua hai thế kỷ XX-XXI trên văn
đàn Việt.
Dương Tường hiện diện đời năm Nhâm Thân (4/8/1932).
Dương Tường giã biệt đời năm Quý Mão
(24/2/2023) lúc 8g8’ tối.
Người gẩy tình khúc 24 đã rời cõi thế đúng ngày 24 của tháng có lễ Tình
Nhân cho mọi đôi lứa yêu nhau.
24 phố dài thơm
24 serenade
24 vilbrato
24 khung trời tím
24 lối công viên
24 vầng trăng goá
Chắc sự trùng hợp này đã làm Dương Tường thoả lòng. Ông Xanh trên cao
kia như đã thấu hiểu và chiều lòng ông ở phút cuối sự sống để cho ông
khởi hành chuyến đi vào cõi nhớ mang theo mãi mãi tình yêu.
Bởi Dương Tường đã sống trọn gần trăm
năm một kiếp người của mình làm một Người Tình.
Ông trước hết là người tình gắn bó của gia đình. Với người vợ Nguyễn
Thị Trinh trong một cuộc hôn nhân bất ngờ, kỳ lạ và trọn vẹn mà mãi nửa
thế kỷ sau khi kỷ niệm đám cưới vàng hai vợ chồng mới được trao nhẫn
cho nhau và cùng nhau hưởng tối tân hôn muộn tại một phòng khách sạn do
con cháu sắp đặt. Với con trai Trần Hải Âu (và vợ là Đinh Hạnh Mai),
con gái Trần Phương Mai (và chồng là Lê Thanh Hải), con gái Trần Thị
Hương (và chồng là Lê Văn Dũng) được ông hết lòng yêu thương, che chở
và đã đem lại cho ông niềm vui bên đàn cháu con chút chít. Gia đình đã
luôn bên cạnh ông trong suốt hành trình dằng dặc cam go sống làm người
và làm chữ.
Ông là người tình đam mê của những trang văn chương nhân loại hay đẹp
đến độ từ chỗ ban đầu dịch sách như một cách kiếm sống (“cần câu cơm”
như lời ông nói) ông đã hiến cả đời mình làm con ngựa thồ văn hoá qua
biên giới ngôn ngữ và làm sứ giả văn chương cho các tác phẩm nước ngoài
nhập tịch tiếng Việt, văn Việt. Hơn năm mươi tác phẩm lớn của nhiều nhà
văn lớn ở nhiều nền văn học lớn đã thành quen thuộc với người Việt qua
tài tiếng Việt của ông. Dương Tường không phải dịch giả theo nghĩa
thông thường là người chuyển ngữ. Ông đích thực là đồng tác giả như
tiêu chí và đòi hỏi ông đặt ra cho mình khi dịch. Mỗi bản dịch của ông
là một tác phẩm sống, ở đó tên người dịch Dương Tường sóng đôi tên nhà
văn là một bảo chứng, một bản vị của giá trị văn chương và dịch thuật.
Tác phẩm gốc càng khó ông càng thích thú vì thấy năng lực của mình được
thêm thách thức, thêm có cơ hội bộc lộ và thể hiện qua con chữ tiếng
Việt.
Ông là người tình gan ruột của tiếng Việt như duyên nợ tiền kiếp. Tiếng
Việt đẹp đẽ, trong sáng, giàu biểu âm biểu thanh biểu ý biểu nghĩa biểu
cảm đã cho ông những trang sách dịch và những trang thơ, trang viết
mang đặc hiệu Dương Tường. Ông sung sướng được đắm chìm vào đại dương
bao la sâu thẳm của tiếng mẹ, phát hiện ở đó còn nhiều tầng vỉa giấu
kín, và ông tận tuỵ khai thác sự đẹp giàu của tiếng ta cho thơ cho
dịch. Ông xót xa khi thấy tiếng Việt bị phá hỏng, nhất là trong giới
trẻ, nên càng thiết tha giữ gìn nó bằng cách kỳ khu dịch cho được một
từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt chứ quyết không bao giờ độn vào tiếng
Việt những từ nước ngoài một cách bừa bãi, hổ lốn. Ông đã đánh cược đời
mình vào con âm con chữ tiếng Việt và ông đã được lãi. Ông biết mình
mắc nợ tiếng Việt và đã trả lớn cuộc chơi văn chương ngôn ngữ của mình
bằng việc lúc cuối đời dù đã mắt mờ tai kém vẫn quyết dịch Truyện Kiều, kiệt tác tiếng Việt,
sang tiếng Anh. Xong việc này ông thấy mình đã sống không ăn gian một
ngày nào trong quỹ thời gian của Trời cho sống và đã sẵn sàng thân tâm
cho cuộc ra đi mãi mãi.
Ông là người tình không tuổi của người văn thơ, người hội hoạ, người
sân khấu, người âm nhạc. Đặc biệt ông thích “đánh đu” với những người
trẻ văn chương nghệ thuật không chỉ để mình được trẻ như họ mà còn để
cho họ được trẻ như mình. Ông chơi với họ ngang hàng phải lứa, không
bắc bậc làm cao, không tỏ vẻ sang chảnh, không cậy quyền huynh thế phụ.
Ông gần gũi họ, thúc đẩy họ tìm tòi sáng tạo và tự tin hồn nhiên ném
mình vào các cuộc chơi con chữ, màu sắc, âm thanh, trình diễn, sắp đặt
của họ như chính họ. Và ông đã được họ chấp nhận, được họ coi là người
của mình, người đồng thời. Những người như Dương Tường không bao giờ
già, không bao giờ biết đến tuổi già trong tâm hồn, không bao giờ trở
thành người già về tinh thần, bởi bên trong ông luôn cháy mãi ngọn lửa
tình yêu, ngọn lửa sáng tạo. Ông cũng như những người bạn thiết của ông
có thể dùng một chữ đúng nhất để gọi – “lão nhi” (đứa trẻ nhiều tuổi).
Dương Tường là người gầy gò, thấp bé nhẹ cân theo đúng nghĩa đen. Ông
nhẹ đến nỗi có thể nghĩ rằng khi nằm xuống đất không để lại một vết
lõm, nói như ý của nhà thơ, nhà viết kịch Đức Bertolt Brecht. Nhưng xét
về khối lượng và phẩm lượng các sách dịch của ông, xét về sự cách tân
thơ của ông, xét về tác động tinh thần của ông đến mọi người xung quanh
và xét đến tình yêu mến vô tư chân thật của mọi người dành cho ông, có
thể nói Dương Tường là người rất nặng. Sức nặng của ông là từ cây thập
giá chữ ông tự nguyện mang vác đến trọn đời. Mượn cách nói của Lê Đạt,
có thể nói chữ đã bầu lên Dương Tường một dịch giả xuất sắc, một nhà
thơ độc đáo. Chữ đã tạo nên giá trị con người ông.
Anh Tường ơi! Từ nay Anh đã bỏ lại sau đời một thời khốn khó, khắc
nghiệt nhưng cũng đầy hăm hở, say mê. Cái thời buộc Anh “ Hơn một phần tư thế kỷ / Tôi ngoại tình
với cái tên tôi ”. Từ nay Anh đã bỏ lại sau đời những cuộc chơi
cuộc vui với bạn bè, đồng nghiệp, đàn em. Từ nay ngõ phố Phan Huy Chú
và ngôi nhà số 3B trong ngõ đã vắng bước chân Anh đi về quen thuộc gần
bảy mươi năm qua, vắng những cuộc gặp văn nghệ đầm ấm. Anh đã đi về
phía kia trời gặp lại các bạn văn thân thiết “cùng một lứa bên trời lận
đận”: Bùi Ngọc Tấn, Phạm Toàn, Nguyễn Xuân Khánh. Anh có biết chăng, từ
khi Anh nằm xuống cho đến nay, đã có rất nhiều bài viết của nhiều người
trên báo trên mạng kính phục, nhớ thương, yêu mến Anh. Họ là những
người quen biết và không quen biết Anh, người lớn tuổi và người trẻ
tuổi, nhưng tất cả đều là độc giả cũ và mới của Anh. Tình cảm đó theo
em thấy là không dễ nhiều người có được, ngay cả những người rất quen
tên biết tiếng. Anh có biết chăng hôm nay mọi người ở đây đang rất nhớ
Anh, đang gửi lòng mình về Anh theo tiếng nhạc Phú Quang phổ hai bài
thơ Tình khúc 24 và Dương cầm lạnh của Anh.
Tiễn biệt anh hôm nay em xin đọc lại bài thơ Một nhành sương viết mừng anh năm
85 tuổi (2017) dựa trên những câu thơ, ý thơ của anh, có thêm khổ cuối
viết khi anh rời cõi trần.
người to không phải lại gầy gò
gầy gò nhưng đã từng bán máu
bán máu một thời sống gay go.
gay go vẫn sống đầy mộng mơ
mộng mơ cái đẹp cõi văn thơ
văn thơ viết nên bằng máu đỏ
máu đỏ của người của tự do.
tự do zươngtường trang sách dịch
sách dịch cho ta được gặp người
người đời khác màu da tiếng nói
tiếng nói chung là tiếng Con Người.
con người zươngtường “phe nước mắt”
nước mắt “buông những tiếng thở dài”
thở dài “trả lãi bằng án sống”
sống để yêu người giữa trần ai.
trần ai hiểu tâm sự “hoài hương”
“hoài hương cái zây phơi quần áo”
quần áo “câm rỉ vết mộng thương”
mộng thương đời mình “rong vọng ảo”.
vọng ảo zươngtường vương dương cầm
“dương cầm lã chã” một lặng trầm
lặng trầm “những ngón tay mưa gọi”
gọi một người “ba mươi hai năm”.
ba mươi hai năm nay tám lăm
tám lăm zươngtường vẫn lăm răm
lăm răm “tình khúc hai tư” nhịp
nhịp đời dâng “bạch lạp ngực rằm”.
ngực rằm đời nuông nấng zươngtường
“zươngtường trên mái” vẫy yêu thương
yêu thương thành món quà sinh nhật
“sinh nhật tươi nguyên một nhành sương”
nhành sương hôm nay tiễn người đi
người đi xa mãi cõi biệt ly
biệt ly để lại bao “màu nhớ”
màu nhớ cho người - zươngtường thi.
Xin gửi tới bà Trinh cùng các con cháu và toàn thể tang quyến lời chia
buồn sâu sắc trước nỗi đau mất mát to lớn này. Trong đau thương chúng
tôi và chúng ta đều tin rằng Dương Tường vẫn sống, luôn sống trên những
con chữ và trang sách ông để lại cho người cho đời.
Vĩnh biệt, nhà thơ – dịch giả Dương Tường.
Vinh – Hà Nội, 24 – 28/2/2023
Phạm Xuân Nguyên
Các thao tác trên Tài liệu