Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Gia đình cơ sở ở Huế – 2

Gia đình cơ sở ở Huế – 2

- Chu Sơn — published 14/01/2012 20:03, cập nhật lần cuối 04/02/2012 10:52


Gia đình cơ sở ở Huế
(Phần II)


Chu Sơn



5/ Gia đình ông Nguyễn Thúc Tuân.


Những thông tin về nhân vật Nguyễn Thúc Tuân, tôi nghe nhiều nhưng không chú ý lắm. Con người này đối với tôi chẳng tiêu biểu cho thành phần thuộc tầng lớp trên trong phong trào đô thị là đối tượng tôi quan tâm. Tuy nhiên trong quá trình đi tìm tư liệu sống để viết về các đối tượng thuộc tầng lớp này, nhiều cán bộ hưu trí nguyên là những nhân vật chủ chốt của thành ủy Huế thời kháng chiến và mấy năm sau giải phóng như các ông: Hoàng Lanh (nguyên bí thư Thành ủy Huế), ông Phan Nam (nguyên chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế), ông Nguyễn Thọ (Hường), (nguyên bí thư huyện Hương Trà), ông Lê Công Cơ, (nguyên bí thư Thành đoàn Huế) đều đề nghị tôi nên tìm gặp và viết về ông Nguyễn Thúc Tuân – một người theo họ, là nạn nhân của thời “quá độ từ chiến tranh qua hòa bình”

Tôi đến nhà ông Nguyễn Thúc Tuân hai lần trong năm 2006 tại số 37/24 đường Lê Thánh Tôn ở Thành Nội. Cả hai lần đều bắt gặp con người gần đến tuổi “bách niên” này đang mưu sinh bằng nghề dạy Anh văn cho những học sinh lối xóm. Ông Tuân “bách niên” mà không “giai lão”. Ông ốm o tiều tụy, có điều trí óc còn minh mẫn khang kiện. Sau khi biết mục đích viếng thăm của tôi, ông nói: “Tôi không thể chết được. Tôi phải sống để xóa cho được cái lưới nhục nhã mà người ta cố tình chụp lên đầu tôi và gia đình tôi. Người ta bảo tôi là CIA, phản bội tổ quốc, phản bội cách mạng, trong khi cả đời tôi chưa bao giờ thôi nghĩ nhớ đến tổ quốc, tôi đã cố gắng hết sức để đóng góp được chút gì đó cho đất nước cho cách mạng. Bản thân tôi đã làm gì cho kháng chiến từ đánh Tây qua đánh Mỹ, đã sai lầm, tội lỗi ra sao, tôi đề nghị anh đọc trong các tài liệu này để tìm sự thật về Nguyễn Thúc Tuân như anh yêu cầu”. Ông Nguyễn Thúc Tuân trao cho tôi một kẹp giấy tờ gồm ba nhóm tư liệu:

– Nhóm một gồm: sáu lá đơn kêu oan viết vào các năm 2000, 2001,2003, 2004 .

– Nhóm hai gồm:

* Một bản phô tô toàn văn ghi lại quá trình diễn ra phiên tòa ngày 21/1/1980 tại (một địa điểm của thành phố Huế để xét xử sơ thẩm về hình sự của bị cáo Nguyễn Thúc Tuân can tội gián điệp…)

* Một bản phô tô giấy ra trại (cải tạo ngày 16 tháng 11 năm 1986)

* Một bản phô tô quyết định xóa án (ngày 29 tháng 11 năm 2001)

* Một bản phô tô phần cuối cuộc phỏng vấn nhà báo Văn Cẩm Hải thực hiện với ông Bảy Khiêm, nguyên thường vụ tỉnh ủy Bình Trị Thiên, giám đốc công an Bình Trị Thiên ( Người công an và hồi ức về những năm tháng hào hùng) trên báo An Ninh Thế Giới.

– Nhóm thứ ba gồm:

* Một bản phô tô thư viết tay của ông Lê Minh (nguyên là phó bí thư Khu ủy Trị Thiên Huế, bí thư Thành ủy, Tư lệnh mặt trận Huế trong tấn công và nổi dậy xuân 68 – xuân Mậu thân) gởi ông Nguyễn Thúc Tuân.

* Một bản phô tô tờ xác nhận của ông Lê Minh về trường hợp của Bác sĩ Hoàng Bá viết ngày 19 tháng 10 năm 1989 gởi thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế, thường vụ Thành ủy Huế và cá nhân ông Hoàng Bá.

* Một bản phô tô văn thư của Ủy ban Nhân dân xã Hương Xuân ngày 6-11-2000 về vấn đề liên quan đến liệt sĩ Nguyễn Thúc Lư (con trai ông Nguyễn Thúc Tuân)

* Một bản phô tô giấy chứng nhận liệt sĩ của Nguyễn Thúc Lư…

* Một giấy chứng nhận có công cho Nguyễn Thị Thuyền (vợ Nguyễn thúc Tuân).

* Một bài thơ thương tiếc ca ngợi gương chiến đấu và hy sinh anh dũng của Nguyễn Thúc Lư (viết tay).

Ngoài các văn bản làm tư liệu trên tôi còn gặp trực tiếp các ông:

– Hoàng Lanh, cán bộ hưu trí, nguyên là thường vụ tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, bí thư Thành ủy Huế.

– Phan Nam, cán bộ hưu trí, nguyên là tỉnh ủy viên, thường vụ thành ủy Huế, chủ tịch Uy ban Nhân dân thành phố Huế.

– Nguyễn Thọ (Hường), nguyên Tỉnh ủy viên, thường vụ Thành ủy Huế, bí thư huyện Hương Trà.

– Lê Công Cơ nguyên là bí thư Thành đoàn Huế.

Là những người có quan hệ trực tiếp với ông Nguyễn Thúc Tuân suốt nhiều năm 1965 - 1969 trong các công tác cách mạng.

Qua các tư liệu và nhân chứng trên, tôi đúc kết thành bài viết này:


1/ Về nhân thân Nguyễn Thúc Tuân:

– Trước cách mạng tháng Tám năm 1945: Nguyễn Thúc Tuân sinh năm 1914 tại Huế, là thư ký tại tòa Công sứ Hội An, ty cảnh sát Hội An.

– Sau cách mạng tháng Tám 1945. Nguyễn Thúc Tuân tham gia kháng chiến chống Pháp từ 1946, được kết nạp vào Đảng năm 1948. Đã kinh qua các chức vụ: Ty trưởng cứu tế Quảng Nam, Trưởng Quân y viện Quảng Nam, cán bộ Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Nam Trung Bộ. Trưởng phòng y tế liên khu 5, cán bộ tình báo liên khu 5.

– Năm 1954, hòa bình lập lại, Nguyễn Thúc Tuân được điều về Huế công tác trong đường dây tình báo do Lê Minh phụ trách.

– Năm 1958 Nguyễn Thúc Tuân bị địch bắt. Đã khai báo, ký giấy đầu hàng, li khai và chấp nhận làm cộng tác viên cho công an mật vụ Ngô Đình Cẩn.

– Từ 1959 - 1964 không liên lạc gì với kháng chiến.

– 1965, qua thư móc nối trở lại của Lê Minh và Ngô Hà – những cán bộ lãnh đạo của Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế lúc bây giờ - Nguyễn Thúc Tuân trở thành cơ sở hoạt động cho phong trào đô thị của thành ủy Huế, là thành viên của ban cán sự giáo chức cùng với Tôn Thất Dương Tiềm, Trần Thân Mỹ với sự chỉ đạo trực tiếp của Hoàng Kim Loan, thành ủy viên, từ chiến khu vào nội thành trực tiếp chỉ đạo phong trào đô thị. Từ 1965 đến 1968 (tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân), ngoài Hoàng Kim Loan, Nguyễn Thúc Tuân còn gặp gỡ, làm việc với nhiều cán bộ lãnh đạo của thành Ủy Huế là Hoàng Lanh, Nguyễn Thọ (Hường), Phan Nam, đã đóng góp rất tích cực trong việc xây dựng lực lượng kháng chiến ở nội thành: tổ chức nhiều cơ sở bí mật, nhiều địa bàn lõm để chứa vũ khí đưa từ khu về, chuẩn bị lương thực thực phẩm, y tế phục vụ trận Mậu Thân. Ngày 4 tết âm lịch (Mậu Thân) Nguyễn Thúc Tuân lên chiến khu, tham gia Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ và Hòa Bình. Cuối năm 1968, Nguyễn Thúc Tuân được điều ra Hà Nội công tác trong ban 78. Năm 1975 Nguyễn Thúc Tuân trở lại Huế được bố trí làm Trưởng phòng thể dục thể thao, rồi Trưởng ty thể dục thể thao Bình Trị Thiên, Đại biểu quốc hội.

– Cuối năm 1978 bị công an Bình Trị Thiên bắt về tội gián điệp. Ngày 21 tháng 1 1980 tòa án Bình Trị Thiên xử phạt 18 năm tù ở.


2/ Về gia đình: 

Hầu hết người trong gia đình Nguyễn Thúc Tuân đều tham gia kháng chiến từ chống Pháp qua chống Mỹ:

– Em trai Nguyễn Thúc Tuân là Nguyễn Thúc Tề tham gia kháng chiến chống Pháp, đã hy sinh được công nhận liệt sĩ.

– Vợ Nguyễn Thúc Tuân là Nguyễn thị Thuyền tham gia kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, bị tù Côn đảo, được tặng huân chương, huy chương.

– Con trai Nguyễn Thúc Tuân là Nguyễn Thúc Lư tham gia kháng chiến chống Mỹ, hy sinh, được phong tặng liệt sĩ.

– Chị gái là Nguyễn thị Kiếm, em dâu là Nguyễn thị Sâm (vợ liệt sĩ Tề) là cơ sở cách mạng từ kháng chiến chống Pháp qua chống Mỹ.

– Các cháu là Nguyễn Thúc Tần, Dương Đình Na, Phạm Văn Truyền đều tham gia chống Mỹ, đều bị tù côn đảo.

Với bản thân và gia đình như thế, cuộc đời kháng chiến và quan chức của Nguyễn Thúc Tuân vào giai đoạn cuối là một kết cục có hậu như những cán bộ cách mạng lão làng khác. Về hưu an hưởng tuổi già với các chế độ chính sách dành cho người có công, gia đình liệt sĩ…

Nhưng cuộc đời của con người, đặc biệt là con người trong chiến tranh, con người trong quan trường chẳng phải bao giờ cũng tuần tự hanh thông hậu hỷ.

Cũng như nàng Kiều, bởi thằng bán tơ mà phải trải nghiệm 15 năm đoạn trường. Nguyễn Thúc Tuân, do bởi chéo giấy bằng hai lóng tay nằm trong sọt rác của Phòng thông tin Hoa Kỳ sau cuộc tháo chạy tán loạn của thầy trò Mỹ - Thiệu mà phải đứt ruột không chỉ 18 năm trong tù, mà phải gậm nhấm nỗi nhục nhã, đớn đau, đói khổ bệnh tật suốt phần đời còn lại của kẻ bị gán cái tội phản bội, hại nước hại dân.


3/ Mấy điều trăn trở trước khi tiếp cận một phiên tòa:

Ba mẫu tự NTT đâu chỉ khiến người bàng quan liên tưởng đến tên một con người trong hàng trăm, hàng ngàn con người mang họ Nguyễn, họ Ngô, họ Ngụy, họ Ngũ, họ Nhữ, họ Nông…

NTT có thể là tên một cơ quan, một tổ chức như Nha Thông Tin, Nhà Truyền Thống…

Giả định NTT đích thực là Nguyễn Thúc Tuân thì lấy gì để bảo chứng đó không phải là âm mưu thủ đoạn của kẻ thù trước khi thua chạy: dùng mảnh giấy in dấu NTT để gây nghi ngờ mâu thuẫn trong nội bộ kẻ chiến thắng và đồng thời để trả thù thành phần chúng căm giận bật nhất “kẻ ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”.

Lại nữa nếu Nguyễn Thúc Tuân là CIA như khẳng định của công an Bình Trị Thiên, thì tại sao mảnh giấy vụn quái ác kia không nằm tại trụ sở CIA mà lại nằm trong sọt rác của phòng thông tin Hoa Kỳ?

Ví dụ như Ty công an Bình trị Thiên có những điệp viên cài trong lòng địch thì việc quản lý hồ sơ những điệp viên này nằm ở Ty công an chứ không phải nằm ở Ty văn hóa thông tin được. Đành rằng phòng thông tin Hoa Kỳ là một phần của CIA, nhưng đó là một bộ phận có nhiệm vụ đánh phá cách mạng trong lãnh vực văn hóa tư tưởng và tuyên truyền chính trị, liệu nó có quản lý một điệp viên mà chúng xây dựng như “một nhân sĩ trí thức” có nhiệm vụ chun sâu leo cao…? Để làm sáng tỏ vấn nạn này, nhất thiết phải có nhân chứng, vật chứng. Nhân chứng, vật chứng đó là những nhân viên CIA ở bộ phận quản lý nhân sự và những hồ sơ tư liệu của bộ phận này. Những tên Lê Văn Dư, Lê văn Trốn… cựu quan chức của hệ thống công an mật vụ Ngô Đình Cẩn và những “lời khai” của chúng qua “ghi chép” của công an Bình Trị Thiên chưa phải là những nhân chứng vật chứng để cáo buộc một cách thuyết phục Nguyễn Thúc Tuân là CIA. Công an mật vụ của chế độ phụ thuộc tại miền Nam có khả năng là CIA, chứ không phải trăm phần trăm là CIA. Nhận định rằng công an mật vụ của Ngô Đình Cẩn là CIA là một nhận định không chuyên nghiệp. Xin đưa một ví dụ: Trần Kim Tuyến làm giám đốc sở nghiên cứu chính trị của Ngô Đình Nhu, là trùm mật vụ của chế độ Ngô Đình Diệm, trong lúc tháo chạy tán loạn mùa xuân 1975, không có tên trong danh sách cần được di tản của CIA. Để có một chỗ trên máy bay trốn ra nước ngoài, Trần Kim Tuyến phải nhờ đến Phạm Xuân Ẩn – một điệp viên của Cộng sản. Lý do tại sao? Xin thưa: Tại Trần Kim Tuyến không phải là CIA (đề nghị đọc Phạm Xuân Ẩn, điệp viên hoàn hảo…)


4/ Một phiên tòa cần được thảo luận

Chẳng phải không có căn cớ gì mà Ty công an Bình Trị Thiên và vị thủ trưởng của nó là ông Bảy Khiêm khẳng quyết NTT đích thực là Nguyễn Thúc Tuân. Đọc những tư liệu ông Nguyễn Thúc Tuân đưa (tôi đã giới thiệu ở trên) tôi thấy lí lịch của nhân vật này có mấy điểm mờ:

– Thứ nhất: Thời trai trẻ Nguyễn Thúc Tuân là một Hướng đạo sinh. Hướng đạo là một tổ chức phi chính phủ du nhập vào Việt Nam sau khi chế độ thuộc địa đi vào thời kỳ ổn định. Nó qui tụ những thanh thiếu niên và rèn luyện họ thành những người có năng lực, có bản lĩnh để sống vui, sống khỏe và hữu ích cho xã hội. Nó không do đảng Cộng sản thành lập nên nó rất đáng nghi ngờ nhất là đối với công an ta.

– Thứ hai: Trước cách mạng tháng Tám 1945 Nguyễn Thúc Tuân là thư ký tòa công sứ Pháp ở Hội An.

– Thứ ba: Sau 1954, Nguyễn Thúc Tuân là cán bộ của một đường dây tình báo được điều từ khu 5 về Huế công tác. Đường dây tình báo này do Lê Minh phụ trách. Năm 1958 đường dây bị vỡ, Nguyễn Thúc Tuân bị mật vụ Ngô Đình Cẩn bắt. Ông đã khai báo mặc dầu chưa bị tra tấn đánh đập, đã ký giấy đầu hàng và ký giấy tình nguyện làm mật báo viên khi được tha.

Thế là từ ba khoảng mờ trong lý lịch, kết nối với một mảnh giấy vụn bằng hai lóng tay có các mẫu tự liền nhau NTT tại một sọt rác nào đó của Phòng thông tin Hoa Kỳ, dẫn đến “lời khai” của các tên công an thuộc hạ của lãnh chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn mà thuộc cấp của ông Bảy Khiêm lấy được trong cuộc truy tìm chứng cứ để cáo buộc Nguyễn Thúc Tuân vào tội gián điệp, tay sai của CIA, phản bội cách mạng, phản bội đất nước. Thế là:

Nguyễn Thúc Tuân bị công an Bình Trị Thiên bắt ngày 31 tháng 8 năm 1978, bị đưa ra xét xử tại một địa điểm nào đó ở Thành phố Huế ngày 27 tháng 4 năm 1980 và bị kêu án 18 năm tù giam.

Đọc trang đầu biên bản phiên tòa, chúng ta thấy:

– Phiên tòa họp “công khai” “tại một địa điểm” ở thành phố Huế (nguyên văn)

– Thành phần tham dự phiên tòa gồm: Hội đồng xét xử (chánh án, Hội thẩm nhân dân, thư ký công tố đại diện Viện Kiểm Sát nhân dân Bình Trị Thiên) và can phạm Nguyễn Thúc Tuân.

Như thế phiên tòa họp tại một địa chỉ không rõ ràng (một địa điểm tại thành phố Huế – nguyên văn) và chỉ có hai phía tham dự: một là các vị hữu trách của tòa án nhân dân Bình Trị Thiên, của viện kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên, hai là nghi can Nguyễn Thúc Tuân. Hội thẩm nhân dân gồm một cán bộ Công đoàn và một cán bộ hưu trí xem như không phải là nhân dân gì cả.

Phiên tòa không có luật sư bào chữa, không có nhân chứng, cũng không có quần chúng.

Vào giữa năm 1978, mới tròn ba năm sau ngày Mỹ cút Ngụy nhào, Công an Bình Trị Thiên dưới sự lãnh đạo mẫn cán và tài giỏi của ông Bảy Khiêm đã khám phá một vụ án gián điệp do CIA tổ chức và gài lại để chống phá chế độ ta vẫn còn nhiều khó khăn trong công cuộc bảo vệ thành quả cuả cách mạng giải phóng dân tộc, củng cố nền độc lập mới được vãn hồi, quả tình là một chiến công hiển hách, hào hùng (từ của ông Bảy Khiêm), đáng lý ra phiên tòa xử tội gián điệp của Nguyễn Thúc Tuân phải được quảng bá rầm rộ, rộng rãi để một mặt trấn áp bọn phản động tay sai nước ngoài còn rơi rớt lại, mặt khác để tuyên dương công trạng của các đơn vị, chiến sĩ phá án đã làm nên một kỳ tích… Cớ sao phiên tòa lại tổ chức âm thầm lặng lẽ như văn bản đã trình bày? Lại nữa theo lời kể của ông Nguyễn Thúc Tuân trong các đơn kêu oan đề ngày 15 tháng 3 năm 2004 đã viết:

Trước ngày ra tòa hai ông Vũ Thắng Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, và Trần Đình Thạch Phó Ty Công an Bình Trị Thiên đến gặp tôi và nói cùng một câu: “Ra tòa, tòa kêu án mấy mặc kệ, đã có chúng tôi”.

Trong một lá đơn khác viết ngày 20 tháng 3 năm 2003 Nguyễn Thúc Tuân cũng đã viết: Trong đơn kêu năm 1988 tôi cũng đã ghi rõ: “Trước khi ra tòa, ông Trần Đình Thạch, nguyên Phó Ty Công an Bình Trị Thiên và ông Vũ Thắng Phó bí thư T.ỉnh ủy Bình Trị Thiên đã lũng đoạn tinh thần tôi như thế nào”.

Như thế ông Tuân không chỉ viết có sáu lá đơn từ 2000 đến 2006 mà tôi đang có. Trước đó ông đã viết rất nhiều đơn kêu oan và gần như đơn nào ông cũng nhắc lại sự kiện hai ông Trần Đình Thạch và Vũ Thắng đến tìm ông để làm “lũng đoạn tinh thần ông” tại nơi ông bị giam giữ trước khi phiên tòa họp cũng bằng một câu nói không đủ lời: “Cứ mặc kệ họ, họ kêu bao nhiêu mặc kệ họ, đã có chúng tôi

Cứ như cách ông Tuân trình bày trong các tờ đơn thì hai ông Vũ Thắng, Trần Đình Thạch không phải là người có thiện chí đối với ông. Đây là hai vị có thế lực trong Tỉnh ủy và Ty Công an Bình Trị Thiên bấy giờ. Sau lưng hai vị này còn có ai? Các từ “chúng tôi” và từ “họ” đối với ông Tuân là một thế lực to lớn trong các cơ quan quyền lực tỉnh Bình Trị Thiên lúc bấy giờ muốn hãm hại ông. Họ muốn ông Tuân đừng kêu oan nữa, cứ ngoan ngoãn ký vào biên bản tội trạng “để sớm xếp vụ gián điệp lại”. Nếu ông Tuân cứ kêu oan, vụ án sẽ kéo dài gây khó khăn cho ý đồ hãm hại ông (Tuân).

Theo tinh thần các lá đơn kêu oan của ông Tuân, theo biên bản của phiên họp của tòa án nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên, chúng ta thấy được tình hình “bằng mặt không bằng lòng” tại các cơ quan quyền lực Bình Trị Thiên - Huế lúc bây giờ.

– Sau lưng ông Tuân là các ông Tư Minh, Hoàng Lanh, Phan Nam, Nguyễn Thọ (Hường), Lê Phương Thảo… thất thế, biết ông Tuân oan mà không làm gì được.

– Sau lưng “họ” (công an, viện kiểm sát, tòa án) và “chúng tôi” (các ông Bảy Khiêm, Vũ Thắng, Trần Đình Thạch…) là một thế lực khác hùng mạnh hơn rất nhiều.

Thì ra vụ án “gián điệp Nguyễn Thúc Tuân” chỉ là một cái cớ.

Những khoảng tối trong vụ gián điệp và phiên tòa xử Nguyễn Thúc Tuân rất nhiều, không thể viết hết trong một bài viết ngắn dự trù khoảng 4 - 5 trang A4.

Như trên tôi đã trình bày, phiên tòa xử vụ án gián điệp Nguyễn Thúc Tuân gồm có hai thành phần:

– Thành phần thứ nhất có nhiệm vụ cáo buộc, xét xử và quyết định mức án gồm chánh án, hội thẩm và công tố, ngoài ra còn có thư ký ghi lại quá trình, nội dung và kết quả phiên tòa.

– Thành phần thứ hai chỉ có quyền thụ nhận sự cáo buộc, xét xử của thành phần thứ nhất và chịu ngồi tù.

Bây giờ chúng ta – kẻ viết bài này và bạn đọc – cùng tham dự phiên tòa đã tổ chức ba mươi năm trước tại một địa điểm (nào đó) ở thành phố Huế (nguyên văn biên bản).

Quá trình phiên tòa gồm ba công đoạn sau:

Theo bản cáo trạng, Nguyễn Thúc Tuân đã:

– Đầu hàng, khai báo khi bị địch bắt, cam kết trung thành với chế độ Mỹ Ngụy và thành tâm cộng tác với chúng. Việc Nguyễn Thúc Tuân được thả ra là động tác giả để thực hiện âm mưu “che mắt cán bộ và nhân dân”(văn bản tường thuật phiên tòa). Tiệm thuốc Ngọc Diệp là cơ sở do tình báo Mỹ Ngụy tổ chức để Nguyễn Thúc Tuân thực hiện các nhiệm vụ tình báo do địch giao.

– Sau khi ra tù Nguyễn Thúc Tuân thường xuyên liên lạc với nhân viên tình báo địch như các tên Lê văn Dư, Lê văn Trốn, Lê Khắc Lự, Lê Phước Thưởng để báo cáo tình hình của tình báo ta và nhận nhiệm vụ.

– Nguyễn Thúc Tuân đã móc nối được với các cán bộ tình báo ta ở miền Bắc vào, tình báo địch đã biết rõ tông tích nhưng không bắt vì có kế hoạch riêng, để người cán bộ tình báo náy tiếp tục ở nhà Nguyễn Thúc Tuân nhằm khai thác, khám phá tổ chức và hoạt động tình báo của ta.

– Từ khi phong trào Học sinh, Sinh viên và Phật giáo chống Diệm nổ ra, Nguyễn Thúc Tuân được Lê Văn Dư giao nhiệm vụ theo dõi báo cáo tình hình hoạt động của phong trào, tình hình tư tưởng tâm tư nguyện vọng của trí thức Huế nhất là của các Giáo sư tại trường Bồ Đề, tìm cách ám sát đầu độc cán bộ ta hoạt động trong lòng dịch, Nguyễn Thúc Tuân đã thực hiện một số các chỉ thị của địch trừ việc ám sát và đầu độc (nguyên văn văn bản)

– Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm đổ. Nguyễn Bức (hay Đức?) thay Lê văn Dư làm trưởng ty cảnh sát, Nguyễn Thúc Tuân được gọi đến để hỏi tình hình và giao nhiệm vụ. Tuân sẵn sàng.

– Tháng 6 năm 1967 Mỹ thành lập tại miền Trung toán tình báo số 15 (?) do Lê Văn Trốn chỉ huy, “theo Lê Văn Trốn khai nhận” thì Nguyễn Thúc Tuân vẫn là điệp viên của y “được lệnh xâm nhập nội bộ của tổ chức cách mạng”. “Nguyễn Thúc Tuân đã cung cấp những tin tức tình báo có giá trị chiến lược”

– Cuối năm 1965 Nguyễn Thúc Tuân tìm cách liên lạc với cán bộ của ta, đưa một số cán bộ của ta vào nội thành, Nguyễn Thúc Tuân đã không nói rõ với cán bộ lãnh đạo của ta là y đã khai báo phản bội như thế nào khi bị địch bắt tù năm 1958 và “không nói gì việc y làm tình báo cho địch” (nguyên văn văn bản).

– Đầu năm 1968. Nguyễn Thúc Tuân ra vùng giải phóng, ở đây y đã tham gia “Mặt trận (? CS) Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình, Trung Lập” rồi được đưa ra miền Bắc, được đi một số nước Xã Hội Chủ Nghĩa.

– Sau giải phóng trở thành ủy viên ủy ban Giải Phóng (…Không rõ) Thừa Thiên Huế. Từ khi len lỏi ra vùng giải phóng và được giữ các chức vụ trên, Nguyễn Thúc Tuân vẫn che dấu bản thân mình là gián điệp… tìm cách che dấu cho đồng bọn là Lê Văn Dư, Lê Văn Trốn. Lê Khắc Lự, Lê Phước Thưởng.

– Sau ngày giải phóng, Nguyễn Thúc Tuân vẫn tiếp tục gặp chúng nơi này, nơi nọ. Nguyễn Thúc Tuân lợi dụng chức quyền để đưa người xấu vào các cơ quan nhà nước…

Để chứng minh cho những cáo buộc này, Tòa án Nhân Dân Bình Trị Thiên đã căn cứ vào các “lời khai” của các tên đầu sỏ và nòng cốt mật vụ của Mỹ Ngụy như Lê văn Dư, Lê Văn Trốn… Tòa không nói rõ những lời khai trên lấy từ đâu và vào thời điểm 1980 (phiên tòa họp) các tên ấy ở đâu, làm gì?

Về phía Nguyễn Thúc Tuân – qua các lời kêu oan, ông khẳng định rằng:

1/ Ông đã khai báo khi bị địch bắt mặc dù chưa bị tra tấn, ông cũng đã khai nhận làm cộng tác viên cho địch khi ra tù. Sau khi ra tù ông bị bọn này bao vây, theo dõi, đã gặp gỡ chúng nhiều lần theo yêu cầu của chúng nhưng không làm gì có hại cho cách mạng cả. Sau khi hoạt động trở lại cho cách mạng, ông đã không nói rõ tình hình trên với tổ chức. Lý do khiến ông hành xử như vậy vì sĩ diện chứ không có ý định gì xấu với cách mạng.

2/ Hoàn toàn không có chuyện ông làm điệp viên cho CIA, cũng không báo cáo cho địch tình hình của ta. Từ sau khi ra tù ông không móc nối lại với tình báo ta, tình báo ta cũng không móc nối lại với ông, do vậy cũng không có việc ông làm điều nghiên, báo cáo các mặt công tác tình báo ta cho địch như lời cáo buộc. Việc vợ ông (bà Nguyễn Thị Thuyền) là cơ sở cách mạng, nuôi ông Hoàng là cán bộ tình báo trung ương là có thật. Không có chuyện ông Hoàng bị lộ và địch không bắt ông Hoàng vì có ý riêng như tòa đã công bố.

– Về phong trào Sinh viên - Học sinh và phong trào Phật giáo: Con trai ông là Nguyễn Thúc Lư tham gia phong trào Học sinh - Sinh viên giải phóng do Lê Công Cơ tổ chức, đã tham gia chống Mỹ từ 1960 đến 1968, bị tử thương trong chiến dịch Mậu Thân, được phong danh hiệu liệt sĩ.

– Sau khi ra tù, ông tham gia khuông hội Phật giáo vì ông là Phật tử. Ông tham gia tích cực phong trào Phật giáo chống chế độ Ngô Đình Diệm. Hoàn toàn không có chuyện ông báo cáo cho địch tình hình phong trào Học sinh - Sinh viên và phong trào Phật giáo cho địch, cho dù các tên Lê Văn Dư, Lê Văn Trốn có yêu cầu này nọ.

– Từ 1965, khi có thư của ông Lê Minh và Ngô Hà, ông mới lại hoạt động cho phong trào đô thị do Thành ủy Huế lãnh đạo và ông Hoàng Kim Loan trực tiếp chỉ đạo sau khi ông Nguyễn Thọ (Hường) bí thư Hương Trà và ông (Tuân: C.S) bí mật đưa Hoàng Kim Loan vào nội thành. Là thành viên ban cán sự giáo chức (cùng các ông Tôn Thất Dương Tiềm, Trần Thân Mỹ).

– Từ 1965 đến chiến dịch mùa Xuân 1968 (Mậu Thân) với sự chỉ đạo của ông Loan và Thành ủy, ông đã cùng với các ông Tiềm, Mỹ hoạt động hăng say cho kháng chiến đã đóng góp nhiều công sức cho phong trào đô thị: tổ chức thêm nhiều cơ sở, xây dựng địa bàn lõm, đưa cán bộ từ khu về nội thành, đưa cơ sở từ nội thành lên chiến khu chiến đấu, học tập, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, các phương tiện y tế cho chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy Xuân 68. Sau tết Mậu Thân (ngày 4 tháng giêng âm lịch) ông được điều lên chiến khu tham gia Liên Minh Dân Tộc - Dân Chủ - Hòa Bình. Cuối năm 1968 ông được điều ra Hà Nội công tác ở ban 78. Sau giải phóng ông về Huế, được bố trí làm Trưởng phòng thể dục thể thao thành phố. Khi tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập, ông là Trưởng ty thể dục thể thao và là Đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Trị Thiên. Hoàn toàn không có việc “len lỏi ra vùng giải phóng nắm bắt tình hình cách mạng, cung cấp cho CIA, Mỹ, Ngụy những tin tức tình báo, tin tức kháng chiến của ta cho địch đánh phá, dội bom” như tòa cáo buộc. Ông không báo cáo với tổ chức việc ông đầu hàng, khai báo, nhận làm cộng tác viên là do sĩ diện không hề có ý đồ xấu.

– Các tên Lê Văn Dư, Lê Văn Trốn… sau khi chế độ Ngô Đình Diệm đổ bị phong trào Phật giáo lùng đuổi tên thì bị bắt, tên thì trốn biệt khỏi Huế, hoàn toàn không có chuyện ông Tuân nhận chỉ đạo và bao che cho chúng. Vấn đề nhân thân của chúng sau ngày giải phóng là việc của công an, không phải là việc của ông, nên ông không quan tâm.

Việc tôi khai báo làm hại cách mạng thế nào, phong trào Học sinh - Sinh viên, phong trào Phật giáo bị đàn áp đánh phá ra sao và hệ quả của việc tôi trở thành điệp viên, chống phá làm hại cho cách mạng thế nào các ông Lê Minh, Hoàng Lanh, Phan Nam, Nguyễn Thọ (Hường), Lê Phương Thảo, Nguyễn Đắc Xuân và các vị cơ sở của ta trong Phật giáo không thể không biết. Các ông này hiện còn sống, còn tại chức, còn khỏe mạnh, đề nghị tòa hỏi các ông ấy

Đó là lời cuối cùng của ông Nguyễn Thúc Tuân tại Tòa án nhân dân Bình Trị Thiên năm 1980 và cũng là lời của ông trong những đơn kêu oan viết liên tục từ đó đến 2005.

Sau khi nghe Nguyễn thúc Tuân nói lời cuối cùng, Tòa án nhân dân Bình Trị Thiên kết luận:

“…Như vậy, dù Nguyễn Thúc Tuân có biện bạch gì, vẫn có thể khẳng định lại một lần nữa rằng Nguyễn Thúc Tuân chính là kẻ có tội ác với tổ quốc. Cái gọi là kẻ có công như Nguyễn Thúc Tuân nói, chẳng qua là một thủ đoạn, là phương thức hoat động của kẻ làm nội gián cho địch mà thôi.”

“Căn cứ vào những nhận định trên đây,

Sau khi có nghị án

Hội đồng xử án Tòa án nhân dân Bình Trị Thiên

Quyết định:

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thúc Tuân phạm tội “gián điệp”

Áp dụng điều “?” điều 5 pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng, xử phạt Nguyễn Thúc Tuân 18 năm tù giam.

Thời hạn phạt tù được tính từ ngày tạm giam 31 tháng 8 năm 1978. (nguyên văn biên bản phiên tòa trang 10)

Thế là phiên tòa khép lại, Nguyễn Thúc Tuân ngồi tù với tâm trạng uất ức, vì nghĩ rằng ông là nguời có công mà bị hãm hại một cách oan uổng.

Đương nhiên sau khi đọc xong văn bản các tư liệu ông Nguyễn Thúc Tuân đưa cho, tôi đã nắm bắt được những nét khái quát tình hình “vụ án gián điệp Nguyễn Thúc Tuân”, cũng như tôi đã viết, không những tiểu sử của Nguyễn Thúc Tuân “có những khoảng mờ”, mà vụ án và phiên tòa xử ông cũng có những khoảng mờ. Hai khoảng mờ cộng lại thành một khối đen. Để giảm mờ và xóa đen, đưa ra ánh sáng bản chất thực sự của vụ án gián điệp Nguyễn Thúc Tuân theo tôi hoàn toàn không khó. Cái khó của các vụ phá án là tìm cho được nhân chứng vật chứng. Vụ Nguyễn Thúc Tuân nhân chứng vật chứng đầy đủ chẳng hiểu sao tòa án nhân dân Bình Trị Thiên lại không xử dụng. Mặc dù không xử dụng nhân chứng vật chứng nhưng trong biên bản phiên tòa, thư ký vẫn ghi “nhân chứng vật chứng đầy đủ” và Tòa đã căn cứ vào các thứ ấy để định tội và kết án.

Cái mà Tòa đã trưng dẫn trong suốt phiên xử là:

1/ Các tờ “cam kết đầu hàng,” “li khai,” “cộng tác” Nguyễn Thúc Tuân ký trong năm 1958 khi ông bị địch bắt bị tù và được trả tự do.

2/ Những lời khai của các tên Lê Văn Dư, Lê Văn Trốn và đồng bọn.

Về “cam kết, li khai, cộng tác” của Nguyễn Thúc Tuân, các cơ quan hữu trách cần xem xét đầy đủ tính chất, mức độ chân thành và tác hại của nó.

Chẳng hạn Nguyễn Thúc Tuân cam kết, li khai khỏi đảng và lý tưởng Cộng sản là thật hay giả, cam kết trung thành (với chính nghĩa Quốc Gia) là thật hay giả? Để biết Nguyễn Thúc Tuân đã thật giả thế nào trong việc cam kết chẳng có căn cứ nào tốt hơn là xem Nguyễn Thúc Tuân có thực hiện điều mà ông đã cam kết không?

Để biết Nguyễn Thúc Tuân có thực hiện những cam kết với địch hay không, cần phải có những nhân chứng vật chứng:

Nhân chứng trong vụ Gián điệp Nguyễn Thúc Tuân gồm những người quan hệ với ông cả hai phía: địch và ta.

Phía địch gồm các tên Lê Văn Dư, Lê Văn Trốn, Lê Khắc Lự, Lê Phước Thưởng…

Phia ta gồm các ông; Lê Minh, Hoàng Lanh, Phan Nam, Nguyễn Thọ (Hường), Lê Phương Thảo (Lê Công Cơ) kể cả các ông Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ ngọc Tường, Tôn Thất Dương Kỵ, Trần Thân Mỹ… là những người có khả năng hiểu biết về các phong trào Học sinh - Sinh viên, phong trào Phật giáo và đều có quan hệ với Nguyễn Thúc Tuân trong các thời kỳ từ 1958 đến 1968.

Về vật chứng: Theo cáo trạng, Nguyễn Thúc Tuân đã khai báo, đầu hàng, cộng tác với địch để đánh phá cách mạng… Vậy thì nhất thiết đại diện viện kiểm sát cần trưng dẫn một cách cụ thể có bao nhiêu cơ sở bị phá vỡ, bao nhiêu cán bộ bị bắt, thiệt hại của cách mạng như thế nào trong quá trình Nguyễn Thúc Tuân khai báo, cộng tác và thực hiện các chỉ thị mệnh lệnh của địch, của CIA. Để có các vật chứng tòa không thể không cần đến sự hợp tác của các nhân chứng nêu trên.

Vào thời điểm Nguyễn Thúc tuân bị công an Bình Trị Thiên bắt (1978) đến khi ông bị đưa ra tòa (1980) các nhân chứng kể trên đều còn sống, khỏe mạnh và đang cư trú tại Việt Nam (đa phần đều ở Huế):

– Chẳng hạn để làm rõ những tác hại do việc ông Nguyễn Thúc Tuân khai báo, đầu hàng, cộng tác với địch khi đường dây tình báo bị vỡ vào thời điểm từ 1958 trở về sau tòa không thể không cần đến nhân chứng Lê Minh – người trực tiếp chỉ đạo Nguyễn Thúc Tuân.

– Chẳng hạn để làm rõ tội lỗi Nguyễn Thúc Tuân trong việc ông khai báo cho địch về phong trào Học sinh - Sinh viên và Phật giáo, Tòa rất cần sự hợp tác của các ông Lê Công Cơ (Lê Phương Thảo), Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan và những vị lãnh đạo Phật giáo có liên hệ.

– Chẳng hạn để có những bằng chứng phạm tội cụ thể của Nguyễn Thúc Tuân giai doạn từ 1965 đến 1968, tòa rất cần sự hợp tác của các ông Lê Minh, Phan Nam, Nguyễn Thọ (Hường), Hoàng Kim Loan, Tôn Thất Dương Tiềm, Trần Thân Mỹ, Nguyễn Đóa… là những cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo và cộng tác chặt chẽ với Nguyễn Thúc Tuân trong phong trào đô thị tại Huế. Tại sao trong suốt quá trình điều tra và xử án, Công an B.T.T và Tòa án N.D B.T.T không có quan hệ gì với các vị trên?

Một khi chưa trưng dẫn được những vật chứng, chưa có sự cộng tác của những nhân chứng có quan hệ đến toàn bộ vụ án gián điệp như tôi vừa nêu thì những cam kết mà Nguyễn Thúc Tuân đã ký, đã hứa với địch, những “nhận xét, khai báo” của các quan chức cốt cán của địch như Lê Văn Dư, Lê Văn Trốn… mà viện kiểm sát và tòa đã trích dẫn để cáo buộc tội gián điệp của Nguyễn Thúc Tuân mới chỉ là tài liệu tham khảo đối chiếu chứ chưa xem là nhân chứng, vật chứng được.

Như thế, chỉ với mảnh giấy vụn có in dấu ba mẫu tự NTT còn sót lại trong sọt rác Phòng thông tin Hoa Kỳ sau cuộc tháo chạy tán loạn của Mỹ - Ngụy mùa xuân 1975, cộng với mấy dòng “nhận xét, khai báo” mà Công an BTT đã lấy được từ các tên công an mật vụ thời Ngô Đình Diệm tại một nơi nào đó ở Nam Bộ vào các năm 77,78; Công an Bình Trị Thiên đã bắt Nguyễn Thúc Tuân vì nghi ông này là gián điệp của CIA. Với hồ sơ chưa có chứng cớ đầy đủ (thiếu nhân chứng, vật chứng) của Công an BTT, Viện Kiểm sát Nhân dân BTT đã cáo buộc Nguyễn Thúc Tuân can tội gián điệp và Tòa án Nhân dân BTT đã kêu án Nguyễn Thúc Tuân 18 năm tù giam. Nguyễn Thúc Tuân đã ở tù đến năm 1988 thì được tha.

Nhưng “vụ án gián điệp Nguyễn Thúc Tuân” chưa bao giờ kết thúc kể từ đó đến thời điểm này (2011).

Năm nay Nguyễn Thúc Tuân tròn 97 tuổi. Ông vẫn tiếp tục dạy tiếng Anh cho các cháu lối xóm để có cái mà sinh nhai, mà sống mà thở, mà bày tỏ nỗi lòng của một người yêu nước, yêu lý tưởng Cộng sản bị hãm hại một cách vô cùng oan ức. Ông vẫn tiếp tục viết thư kêu oan gởi đến các cơ quan quyền lực: các cấp của đảng Cộng sản, của chính quyền, của ngành tư pháp. Ông vẫn nói với bất cứ ai đến thăm về nỗi nhục, nỗi đau gậm nhấm ông từng phút, từng giờ trong suốt quãng đời từ bấy đến nay và cả những ngày còn lại.

Một người nữa, ông Bảy Khiêm, nguyên là Trưởng ty công an Bình Trị Thiên đã nghỉ hưu, vào thời điểm này nếu còn sống cũng không dưới tuổi 90. Trái với ông Tuân, ông Khiêm sống những ngày còn lại với kí ức “Những năm tháng hào hùng”.

Trong câu chuyện kể với nhà báo trên tạp chí An Ninh Thế Giới ngày 19 tháng 2 năm 2005, ông Bảy Khiêm đã tóm lược như sau:

– Theo lệnh của ông Bảy Khiêm, công an Thừa Thiên - Huế ngày đầu giải phóng đã tìm được tại “Trung tâm Văn hóa thông tin của Mỹ” “một mảnh giấy vụn đã cháy gần hết trong một sọt rác. Mảnh giấy vụn này “tôi thấy” (ông Bảy Khiêm thấy - C S) sót lại một cái tên rất khả nghi là NTT ” (nguyên văn)

– Sau ngày giải phóng, với tư cách là một nhân sĩ trí thức miền Nam, NTT trúng cử Đại biểu Quốc hội.

– Với tư cách là Trưởng ty Công an Thừa Thiên, ông (BK) một mình âm thầm ra Hà Nội báo cáo với bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Bộ trưởng Hoàn cho người đưa ông BK qua Quốc hội gặp đồng chí Trường Chinh. Đồng chí Chinh nói nên thận trọng, cần có chứng cớ đầy đủ và cụ thể. Với mảnh giấy vụn và thẻ cảnh sát đặc biệt của NTT chưa đủ chứng cớ.

– Ông BK kiên trì tìm chứng cứ tại tổng nha cảnh sát Sài Gòn và bằng chứng sống tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: Tìm được Lê Văn Trốn (1977), người chỉ huy trực tiếp NTT (trước giải phóng ?), và Lê Văn Dư (1978), tay chân của Ngô Đình Cẩn đồng thời là cấp trên của Lê Văn Trốn.

– Theo ông BK từ năm 1968, người Mỹ đã có kế hoạch hậu chiến: một trong những kế hoạch ấy là tuyển chọn, nuôi dưỡng nhân sĩ trí thức, đưa họ vào chính quyền cách mạng để chun sâu, leo cao. NTT chính là một trong những đối tượng có đầy đủ tiêu chí của CIA.

Theo ông BK, NTT đáp ứng hai tiêu chí theo yêu cầu của CIA là: làm nghề bào chế thuốc được CIA cài vào tiệm thuốc tây Ngọc Diệp, CIA cũng tổ chức cho NTT đi học Anh ngữ, lấy bằng cử nhân (nguyên văn).

– Khi nắm được tang chứng, vật chứng và nhân chứng cụ thể (gồm mảnh giấy vụn, thẻ cảnh sát đặc biệt, tìm gặp Lê Văn Trốn, Lê Văn Dư, kế hoạch hậu chiến của Mỹ, làm nghề báo chế thuốc, cử nhân Anh văn) thường vụ Quốc hội ra quyết định miễn nhiệm Đại biểu Quốc hội, cho phép bắt NTT, nhưng trong vòng sáu tháng phải đưa ra xét xử công khai trước nhân dân (nguyên văn).

Lời kể của ông BK không chỉ rõ Chủ tịch Quốc hội ra lệnh bắt NTT ngày nào và thực tế ông NTT đã bị bắt ngày nào. Theo ông Tuân ngày ông ra tù là 16 tháng 11 năm 1986, ông đã ở tù 8 năm, 2 tháng, 16 ngày. Như thế chúng tôi có thể phỏng đoán Chủ tịch Quốc hội cho lệnh bắt và thực tế ông NTT đã bị bắt vào đầu tháng 8 năm 1978.

Như thế BK đã thực hiện nghiêm túc việc bắt tù NTT, còn thời gian để đưa ra xét xử không phải 6 tháng như lệnh của Chủ tịch Trường Chinh, mà đến 16 tháng sau. Phiên tòa không diễn ra công khai có nhân dân tham dự mà chỉ “công khai” (theo văn bản phiên tòa) tại một địa điểm (nào đó) ở thành phố Huế (nguyên văn) với thành phần tham dự gồm chánh án, hội thẩm nhân dân (một người là cán bộ công đoàn, một người là cán bộ hưu trí) công tố và thư ký. Ngoài ra còn có bị cáo Nguyễn Thúc Tuân. Phiên tòa không có luật sư biện hộ, không có nhân chứng và cũng không có nhân dân tham dự như lời Chủ tịch Trường Chinh đã căn dặn.

Lý do nào khiến ông BK không thực hiện đầy đủ lệnh của chủ tịch Trường Chinh? Theo tôi bởi ông BK đã không tập hợp được tang chứng, vật chứng, nhân chứng như đã báo cáo với chủ tịch Trường Chinh, mà chỉ có:

– Mảnh giấy vụn cháy chưa hết trong sọt rác tại “Trung tâm văn hóa thông tin Mỹ có in dấu ba mẫu tự NTT.”

– Và mấy đoạn trích dẫn “lời khai” của các tên Lê Văn Dư, Lê Văn Trốn, Lê Khắc Thưởng… mà công an thuộc cấp của ông BK đã lấy được tại một địa phương nào đó ở miền Nam (xem văn bản phiên tòa).

Nếu chủ tịch Trường Chinh biết được: Tang chứng, vật chứng, nhân chứng chỉ như thế này thì ông đã không ra lệnh bắt Nguyễn Thúc Tuân. Bởi lời khai mà không có người khai, không có đối chất với bị cáo thì lời khai còn có nghĩa lý gì?

Qua lời tâm sự của ông BK với phóng viên báo An Ninh Thế Giới, chúng tôi thấy cần thương xác với ông (BK) mấy điều:

– Thứ nhất: về mảnh giấy vụn cháy dở tại một sọt rác của “Trung tâm văn hóa Mỹcó ba mẫu tự NTT: theo suy nghĩ thông thường thì NTT là ba mẫu tự viết tắt của một nhóm từ hoặc là tên của ai đó trong hàng trăm, hàng ngàn tên có họ Nguyễn, Ngô, Ngụy, Nông, Ngũ …hoặc là một tổ chức như Nha Thông Tin, Nhà Truyền Thống… ông BK đã không trưng đủ bằng chứng để khẳng định NTT là Nguyễn Thúc Tuân. Giả định nó là Nguyễn Thúc Tuân, ông BK cũng không có bằng chứng để khẳng định Nguyễn Thúc Tuân là CIA.

Xin hỏi ông BK một điều: Trong lời tâm sự với báo An Ninh Thế Giới, ông tự giới thiệu là một cán bộ lãnh đạo tình báo ở Thừa Thiên - Huế và sau này là Trưởng ty Công an Bình Trị Thiên. Vậy ông quản lý hồ sơ điệp viên và hồ sơ điệp vụ của ông tại ty công an hay tại Ty Văn hóa thông tin? Đành rằng tại (Ty) văn hóa thông tin có nhiều điệp viên của ông, và hoạt động của ngành văn hóa thông tin nhất thiết cũng có quan hệ với ngành tình báo.

Một điều nhỏ thôi nhưng nó chứng tỏ ông đã nắm được những thông tin rất mơ hồ về ngôi nhà mà sau ngày giải phóng chính quyền cách mạng đã đặt làm trụ sở của Ty văn hóa thông tin. Nhiều người Huế, đặc biệt là những người tham gia phong trào đô thị biết rất rõ rằng tại địa chỉ này trong chế độ cũ, người Mỹ đã thiết lập “Phòng thông tin Hoa Kỳ”chứ không phải “Trung tâm văn hóa thông tin” như ông đã kể.

Trong lời tâm sự với báo An Ninh Thế Giới, ông BK bảo rằng nhân viên công an của ông đã tìm được Lê Văn Trốn và Lê Văn Dư ở một nơi nào đó ở đồng bằng sông Cửu Long. Qua lời ăn tiếng nói của ông, độc giả hiểu rằng lúc bấy giờ hai tên cựu tay chân của Ngô Đình Cẩn này đang sống bình thường trong dân chúng Nam bộ. Nếu bọn này là CIA trốn cải tạo thì nhất thiết ông đã bắt được chúng và đưa chúng ra tòa cùng với Nguyễn Thúc Tuân trước nhân dân theo chỉ thị của chủ tịch Trường Chinh, để quần chúng Huế chứng kiến và khâm phục ông BK và công an Bình Trị Thiên đã khám phá một đường dây tình báo CIA cài lại đất nước ta sau khi Mỹ tháo chạy. Việc ông BK không đưa Lê Văn Trốn và Lê Văn Dư ra tòa làm nhân chứng là ý làm sao? Hay là việc “tìm được” Lê Văn Trốn, Lê Văn Dư, ông BK giữ bí mật để “tiếp tục khám phá thêm hầu bắt trọn ổ” đường dây gián điệp này? Giả định là như thế tại sao mãi đến 2005 thời điểm ông BK thổ lộ cùng báo An Ninh Thế Giới, độc giả không hề thấy ông nhớ gì đến bọn CIA này cả?

Bọn Lê Văn Trốn, Lê Văn Dư không hiện diện tại phiên tòa xét xử vụ gián điệp Nguyễn Thúc Tuân như những nhân chứng, do vậy mà những lời “nhận xét” hay “khai báo” do nhân viên của ông BK thu thập sau khi tìm được bọn Trốn, Dư ở đồng bằng sông Cửu Long không trở thành “tang chứng, vật chứng” có tính thuyết phục tại phiên tòa xét xử ông Tuân được.

– Thứ hai: “Về tấm thẻ cảnh sát đặc biệt” độc giả không thấy trong biên bản phiên tòa, chỉ thấy ông Nguyễn Thúc Tuân nhắc đến trong một tờ đơn rằng là: tấm thẻ chỉ hiện diện trong lời nói của ông BK cũng như trong một cuộc triển lãm nào đó của công an Bình Trị Thiên. Giả định tấm thẻ cảnh sát đặc biệt có thật tại sao công an Bình Trị Thiên không cung cấp cho tòa?

– Thứ ba: Việc “Mỹ tuyển chọn, nuôi dưỡng nhân sĩ trí thức NTT trong kế hoạch hậu chiến”: Tôi không có bằng chứng để bác bỏ hay xác nhận Mỹ có kế hoạch hậu chiến về “nhân sĩ trí thức” như ông BK đã nêu. Giả định rằng Mỹ có kế hoạch hậu chiến riêng cho trường hợp Nguyễn Thúc Tuân theo như sự mô tả của ông BK, tôi muốn được thảo luận cùng ông BK vấn đề này: Thiết nghĩ người Mỹ và CIA dù có ngu đến đâu, chúng cũng hiểu rằng: chế độ ta , chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, là chế độ của giai cấp công nhân và nông dân. “Nhân sĩ trí thức” tuyệt đối không chun sâu leo cao trong các cơ quan quyền lực của chế độ ta được. Nếu chúng muốn đào tạo điệp viên để ‘chun sâu leo cao” trong chế độ ta, chúng không ngu dại gì đến độ tuyển chọn nuôi dưỡng “nhân sĩ trí thưc” mà chắc chắn chúng sẽ tuyển chọn nuôi dưỡng những người ưu tú trong giai cấp công nông. Thuật ngữ “nhân sĩ trí thức” gần như là sản phẩm “giai đoạn” mà phe ta độc quyền và được xử dụng nhiều trong thời kỳ kháng chiến cũng như trong giai đoạn chuyển tiếp từ độc lập dân tộc qua chủ nghĩa xã hội với mục đích tuyên truyền chiến thuật và quản lý các đối tượng không đáng tin cậy trong tổ chức mặt trận.

Ông BK đã suy bụng ta ra bụng người và đã áp đặt cho CIA một kế hoạch vốn là sản phẩm của chính ông.

Trở lại trường hợp cụ thể Nguyễn Thúc Tuân: ông BK bảo rằng CIA và người Mỹ đã chuẩn bị cho NTT “làm nghề bào chế thuốc” và đưa đi học Anh văn để lấy bằng cử nhân hầu sắm sửa vai trò nhân sĩ trí thức… quả là khả năng tưởng tượng của ông BK quá dồi dào. Dồi dào nhưng không thực tế. Qua lời tâm sự của ông BK với báo An Ninh Thế Giới rằng đến năm 1968 Mỹ mới có kế hoạch hậu chiến vậy thì việc Nguyễn Thúc Tuân làm nghề bào chế thuốc và được đưa đi học để lấy bằng cử nhân vào thời điểm nào? Có phải 1968 hay trước đó nhiều năm? Nếu Nguyễn Thúc Tuân trở thành “người làm nghề bào chế thuốc” Hoặc “đi học Anh văn để lấy bằng cử nhân” trước đó nhiều năm thì kế hoạch hậu chiến của Mỹ không chỉ bắt đầu từ năm 1968 mà bắt đầu từ nhiều năm trước 1968. Lại nữa “người làm nghề bào chế thuốc” mà không phải là dược sĩ thì lấy gì để trở thành nhân sĩ trí thức? Ở Huế lâu chắc ông BK không thể không biết Huế là cựu đế đô, là thành phố đại học, do vậy những người được xếp vào hàng “nhân sĩ trí thức” phải là quan chức cao cấp hay cựu quan chức, bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, giáo sư, tiến sĩ, chứ một người tay ngang “đi làm nghề bào chế thuốc” cho dù người đó “được CIA cho đi học để lấy bằng cử nhân” cũng không được xếp vào hàng ngũ nhân sĩ trí thức được. Mấy điều ông BK tâm sự với báo An Ninh Thế Giới chứng tỏ những hiểu biết của ông về xã hội Huế trước năm 1975 còn rất lờ mờ. Về tiểu sử của NTT một đối tượng được ông BK quan tâm quá mức bình thường, ông BK cũng đã biết rất hạn chế.

Vậy “làm nghề bào chế thuốc” và “đi học Anh văn để lấy bằng cử nhân” thực hư như thế nào? Nếu ông BK chịu khó tìm hiểu nhiều và kỹ hơn ông sẽ thấy nhân thân của ông NTT không chỉ bó hẹp trong cái chân dung một con người “làm nghề bào chế thuốc” và đi học để lấy “bẳng cử nhân tiếng Anh” theo kế hoạch hậu chiến của CIA và do ông BK phát họa.

Sau 1954, ông Nguyễn Thúc Tuân từ khu 5 về Huế hoạt động trong đường dây tình báo do Tư Minh phụ trách. Để làm nhiệm vụ cách mạng, Nguyễn Thúc Tuân phải kiếm kế sinh nhai bằng cách xin làm việc tại tiệm thuốc Ngọc Diệp ( trên đường Trần Hưng Đạo, trước cầu Trường Tiền, bên cạnh nhà sách Ưng Hạ) của dược sĩ Phạm Doãn Điềm. Dược sĩ Phạm Doãn Điềm ngoài nhà thuốc Ngọc Diệp còn có một xưởng bào chế thuốc nhỏ trụ sở tại Đà Nẵng. Cùng làm công cho Phạm Doãn Điềm tại nhà thuốc Ngọc Diệp còn có Lê Quân Thụy, bạn của Nguyễn Thúc Tuân, cũng từ khu 5 ra. Hai người bạn (Thụy – Tuân) cùng đi làm, cùng học thêm để lấy bằng tú tài. Khi đại học Huế mở, cả hai cùng ghi danh học chương trình cử nhân, người thì học Pháp văn (ông Thụy), người thì học Anh văn (ông Tuân). Năm 1958 đường dây tình báo bị vỡ từ Sài Gòn, Nguyễn Thúc Tuân bị công an chế độ Diệm bắt bỏ tù một năm. Ra tù Nguyễn Thúc Tuân tiếp tục làm công tại tiệm thuốc Ngọc Diệp, tiếp tục học đại học. Tốt nghiệp cử nhân, Nguyễn Thúc Tuân (cùng bạn là Lê Quân Thụy trở lại làm thuê cho Ngọc Diệp đồng thời xin đi dạy giờ ở trường Đồng Khánh. Khi dược sĩ Phạm Doãn Điềm chuyển vào Sài Gòn, tiệm thuốc tây Ngọc diệp được sang lại cho Lê Quân Thụy. Lúc này ông Tuân tiếp tục đi dạy ở trường Đồng Khánh (trở thành giáo sư thật thụ) vừa đi làm thuê cho ông Thụy ở tiệm thuốc tây Ngọc Diệp.

Ở trường Đồng Khánh, ông Tuân là một giáo sư mẫn cán được học trò kính yêu và đồng nghiệp quí mến. Ông là người năng động và tháo vát. Ngoài công việc chuyên môn (dạy học) ông còn quán xuyến gần hết những hoạt động ngoài trời và ngoài học đường của nhà trường như tổ chức cắm trại, liên hoan, thi đấu thể dục thể thao, văn nghệ. Đặc biệt những việc có tính chất chính trị thân Mỹ và chính quyền như đón tiếp các quan chức hàng đầu, thăm viếng trại lính Mỹ, thăm và ủy lạo chiến trường… ông đều nhận lãnh trong khi các giáo sư khác đều từ chối vì cho là sỉ nhục, không đáng làm. Đề nghị ông BK và bạn đọc đời sau chú ý chi tiết này. Nếu ông Tuân là điệp viên CIA chuẩn bị gài vào chun sâu leo cao trong chế độ ta thời hậu chiến thì ông có lộ mặt thân Mỹ - Ngụy trước bàng quan thiên hạ không? Điều sơ đẳng mà các điệp viên ở bất cứ chiến tuyến nào trước khi được tung vào lòng địch là như thế nào chắc chắn ông BK không thể không biết. “Xanh vỏ đỏ lòng” hay “xanh lòng đỏ vỏ” là thủ pháp không dành riêng cho bất cứ điệp viên nào.

Có một sự thật rất to. To hơn nhiều lần những nghi ngờ của ông BK dành cho Nguyễn Thúc Tuân và những cáo buộc trừu tượng mà các công tố viên dành cho bị cáo NTT tại phiên tòa xét xử ông là những đóng góp của bản thân và gia đình ông trong suốt hai cuộc chiến. Những đóng góp này ông BK và các vị hữu trách trong phiên tòa không hề nhắc tới. Nguyễn Thúc Tuân tham gia chống Pháp từ 1946, đảng viên từ 1948, thời gian công tác tổng cộng gần 26 năm (từ 1946 - 1958, từ 1965 - 1978). Trong gia đình ông Tuân gần như tất cả mọi người đều tham gia kháng chiến (Nguyễn Thúc Tề em trai ruột là liệt sĩ, con trai Nguyễn Thúc Lư là liệt sĩ, vợ Nguyễn Thị Thuyền tham gia kháng chiến từ chống Pháp đến chống Mỹ, bị tù Côn Đảo. Em gái, em dâu là cơ sở cách mạng, các cháu ruột là Nguyễn Thúc Tần (con trai Nguyễn Thúc Tề), Dương Đình Na, Phạm Văn Truyền tham gia chống Mỹ đều bị tù Côn Đảo). Trong ngày ra lệnh bắt Nguyễn Thúc Tuân. Ông BK cho thuộc cấp soát xét nhà – không tìm thấy bất cứ thứ gì phản động, cũng không thấy có của cải gì đáng giá. Đến tuổi gần một trăm, ông Tuân còn tự lực mưu sinh bằng nghề dạy Anh văn cho cho học sinh lối xóm. Thông thường một người làm tay sai cho địch, làm CIA là vì lòng tham tiền tham bạc, vì sự yên ổn của gia đình. Nhìn thật sâu thật kỹ vào gia đình ông Tuân chúng ta không thấy gì cả. Ông Tuân không có tiền bạc, không có nhà cao cửa lớn, không có của nổi của chìm. Vậy thử hỏi ông BK, ông Tuân làm CIA vì mục đích gì? Ngoài chết chóc, tù tội và ly tán, bản thân ông Tuân và vợ con, em cháu ông Tuân không có gì cả. Không những thực tế này đứng về phía ông Tuân, mà kể từ khi ông Tuân bị bắt, bị xét xử, bị nhốt tù, ra tù, nhiều người như :

– ông Lê Minh, nguyên là cán bộ trực tiếp chỉ đạo ông Tuân trong đường dây tình báo sau 1954, nguyên là Bí thư Thành ủy Huế, Phó Bí thư Khu uy Trị Thiên, Tư lệnh mặt trận Huế mùa xuân 1968, một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của phong trào đô thị, người đã móc nối ông Tuân hoạt động cách mạng trở lại từ 1965, đang công tác rồi nghỉ hưu tại Hà Nội.

– Ông Phan Nam, nguyên tỉnh ủy viên, thường vụ Thành ủy, cán bộ hoạt động nội thành nhiều năm trước và sau trận Mậu Thân, sau giải phóng là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Huế, đã nghỉ hưu.

– Ông Nguyễn Thọ (Hường), nguyên là tỉnh ủy viên, bí thư huyện Hương Trà, người trực tiếp chỉ đạo ông Tuân trong phong trào đô thị, đã nghỉ hưu.

– Và các ông Hoàng Lanh, nguyên bí thư thành ủy Huế, người gắn bó với phong trào đô thị trong suốt hai thời kỳ kháng chiến, đã nghỉ hưu.

– Ông Lê Công Cơ, nguyên là cán bộ hoạt động nội thành của thành ủy Huế, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt Trận tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, đã nghỉ hưu.

– Ông Trần Thân Mỹ nguyên là đồng chí đồng sự với ông Tuân trong ban cán sự giáo chức, sau giải phóng là thường vụ thành ủy Huế, đã nghỉ hưu.

– Và tất cả những người đã sát cánh với ông Tuân trong các công tác cách mạng của phong trào đô thị do thành ủy Huế chỉ đạo đều xác nhận ông Tuân là người đã đóng góp nhiều công sức cho cách mạng, ông không có trách nhiệm gì trước những cáo buộc, xét xử của ông BK và tòa án nhân dân Bình Trị Thiên cả.

Sau khi tỉnh Bình Trị Thiên giải thể, tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập, từng bước phục hồi lại vóc dáng và sức mạnh của một tỉnh thành trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định xóa án cho Nguyễn Thúc Tuân, xem ông chưa từng có án (quyết định ký ngày … tháng… năm 2001).

Quyết định của Tòa án Nhân dân Thừa Thiên - Huế là một chuyển biến quan trọng nhưng đối với ông Tuân chưa đầy đủ. Ông vẫn tiếp tục viết nhiều thư yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương (Thừa Thiên - Huế ) và trung ương bằng hành động cụ thể trả lại cho ông các quyền lợi tinh thần và vật chất đã bị đánh mất một cách oan ức, bất công kể từ ngày ông bị bắt, tù đày đến nay (2011). Đặc biệt trong đơn viết ngày 20 tháng 2 năm 2005 gởi Bộ Công an, ông Nguyễn Thúc Tuân phản đối việc ông BK tiếp tục làm nhục ông qua bài trả lời phỏng vấn trên báo An Ninh Thế Giới ra số ngày 17 tháng 2 năm 2004. Hơn bốn năm sau ngày tòa án nhân dân Thừa Thiên - Huế ký quyết định xóa án cho Nguyễn Thúc Tuân, ông BK vẫn khẳng định vụ phá án gián điệp NTT là một chiến công hiển hách của ông. Nhưng chẳng hiểu tại sao ông không thẳng thắn gọi tên Nguyễn Thúc Tuân mà chỉ nhắc đến NTT trong suốt trả lời phỏng vấn của mình với phóng viên Văn Cẩm Hải? Có cái gì đó chưa sáng tỏ trong tâm trí ông chăng? Hay chính ông BK cũng không tin NTT chính là Nguyễn Thúc Tuân? Hay có lúc nào đó trong tâm trí mệt mỏi của tuổi già, ông BK mường tượng NTT là ba mẫu tự viết tắt của nhóm từ Nó Tạo Tác. Nó là CIA ấy, là đế quốc Mỹ thâm độc và tàn ác ấy. Nó đã chạy tán loạn từ mùa xuân 1975, nhưng cái mảnh giấy vụn cháy dở Nó để lại trong sọt rác giữa đống tro tàn tại Trung tâm văn hóa thông tin (từ của ông BK) trên đường Lý Thường Kiệt thành phố Huế đã Tạo Tác nên nỗi đau nhức, khổ nhục không chỉ cho một ông già gần trăm tuổi Nguyễn Thúc Tuân mãi cho đến thời điểm này (tháng 2 năm 2011), “Nó” còn là nỗi trăn trở giằng xé của những người đã từng là đồng chí của ông Tuân, biết ông Tuân vô tội mà vẫn bất lực, không làm gì được để minh oan cho ông.


Chu Sơn


Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss