Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Giặc nội xâm (II)

Giặc nội xâm (II)

- Trần Bình — published 14/11/2009 00:00, cập nhật lần cuối 13/11/2009 14:06

Giặc nội xâm (phần II)
- Những Luận điểm quan trọng



Trần Bình



Tập tài liệu Tham nhũng, Cải cách Hành chánh và Phát triển (1) do Chương trình Hỗ trợ Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) ấn hành tháng 5/2009 là một công trình nghiên cứu quan trọng về vấn đề tham nhũng tại Việt Nam. Tiểu luận này đã tổng hợp được nhiều tài liệu nghiên cứu giá trị, đưa ra những luận điểm sắc bén, nêu bật lên được những vấn đề mấu chốt. Kể từ khi có cuộc điều tra tham nhũng lần đầu do đảng Cộng sản Việt Nam (Ban Nội chính) thực hiện với sự hợp tác của Thụy Điển năm 2005 gây không ít xôn xao trên công luận, đây là một tài liệu có tầm cỡ, với những phân tích rất thẳng thắn, được công bố trên diễn đàn của nhà nước, thông qua cuộc hội thảo về cải cách hành chính công tổ chức tháng Ba năm nay.   

Tài liệu này được soạn thảo dưới sự hướng dẫn của giáo sư Gainsborough, đại học Bristol, Anh quốc, với sự góp mặt của Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh và Bà Trần Thanh Phương.

  

II. Những Luận điểm quan trọng:


1. Hệ quả của tham nhũng đối với nền kinh tế là khía cạnh ít được đề cập đến trong các công trình nghiện cứu, vì mức tăng trưởng kinh tế khả quan của Việt Nam mặc dù tình trạng tham nhũng vẫn lan tràn. Tuy nhiên, có những lý do quan trọng để bài trừ nạn tham nhũng, đó là sự công bằng xã hội, sự bình đẳng, và sự cần thiết phải ngăn chận khả năng hủy hoại tính chính danh của chế độ (p 17-18).

2. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng dẫn đến những thay đổi rộng lớn về mặt xã hội, dân chúng ngày càng kỳ vọng nhiều hơn vào sự thay đổi của nhà nước và ít kiên nhẫn hơn đối với tệ trạng nhũng nhiễu. Mặc dù người dân đã quen với tham nhũng trong cuộc sống thường nhật, song thành phần dân chúng bất mãn ngày càng gia tăng. Như vậy, rõ ràng có sự liên hệ rõ rệt giữa mức độ thỏa mãn của người dân đối với các dịch vụ công và sự ổn định của chế độ. Số lượng các cuộc biểu tình chống tham nhũng đất đai gia tăng là một ví dụ. Về phương diện kinh tế, mặc dù doanh nhân có thể vượt qua vô số qui định trong hoạt động kinh doanh, song đã tỏ rất bực dọc vì phải hao tốn và mất nhiều thì giờ đi đi, lại lại với các viên chức nhà nước (p 18-19)          

3. Đã có khá nhiều tài liệu nghiên cứu về tình trạng tham nhũng dưới thời kỳ bao cấp. Song, quá trình thị trường hóa và hội nhập hóa nền kinh tế đã tạo thêm cơ hội cho tham nhũng vì khối lượng tiền bạc đổ vào. Đồng thời, khi nền kinh tế được tự do hóa, vai trò của nhà nước đã không giảm, mà vẫn duy trì vị thế trung tâm của các hoạt động kinh tế, và do đó, tạo thêm điều kiện cho tham nhũng (p 12).    

4. Tham nhũng thường xảy ra dưới ba hình thức. Hối lộ hay còn gọi là "bôi trơn" diễn ra ở mọi lĩnh vực, kể cả ngành giáo dục. Tư nhân hóa bất hợp pháp tài sản nhà nước thông qua các công cụ chính sách cổ phần hóa, thị trường chứng khoán, sự hình thành của thị trường đất đai, hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, các công ty mẹ và con. Việc mua bán quyền lực diễn ra qua việc tuyển dụng, bổ nhiệm, bán chức năng thuộc phạm vi hành sự của viên chức nhà nước cho tư nhân, bao gồm cả các nhóm tội phạm như trường hợp của Năm Cam (p 16-17).

5. Một đầu mối tham nhũng khác thường được các nhà nghiên cứu kinh tế Việt Nam lưu ý là cái ranh giới mập mờ giữa hai khu vực kinh tế công và tư (p 13). Trong tài liệu nghiên cứu ấn hành năm 2008, Beresford bàn về mối quan hệ mật thiết và nguy hiểm giữa các viên chức chính trị và giới doanh nhân như là một trong những hình thái tham nhũng (p. 20, 30).

Mối quan hệ này được Ông Lê Đăng Doanh và báo chí trong nước gọi là các "doanh nghiệp sâu sau", Ông Trần Bạch Đằng và Tướng Trần Quốc Bảo mô tả là các "công ty gia tộc", "sự móc ngoặc của 2 thế lực đen: thế lực chủ nghĩa mafia ngoài xã hội, thế lực đen của những phần tử thoái hóa biến chất trong bộ máy cầm quyền." (Phần I).

6. Đảng và nhà nước Việt Nam luôn phủ nhận các phân tích cho rằng sự thất bại của chính sách chống tham nhũng là do sự thiếu quyết tâm của lãnh đạo, quy kết nguyên nhân thất bại cho sự bất cập trong luật định, năng lực yếu kém và đạo đức suy đồi của cán bộ trước những đổi thay nhanh chóng của thời kỳ đổi mới, việc thực thi kém hiệu quả chính sách chống tham nhũng (p 20).

7. Tuy phẩm chất cá nhân và sự yếu kém của luật định là những yếu tố liên quan đến tham nhũng, song sẽ sai lầm nếu xem chúng là những vấn đề trung tâm của tham nhũng:

Tham nhũng tại Việt Nam thực chất là một vấn đề mang tính hệ thống (p 21).

8.  Là vấn đề hệ thống vì tham nhũng không phải là biệt lệ mà là thông lệ, sự vận hành bình thường của hệ thống (p 21). Hầu nhưng không thể tiến hành được công việc nếu không ít nhiều dính dáng đến tham nhũng. Dân chúng và doanh nhân tham gia cuộc điều tra đều nói rằng họ không có sự lựa chọn nếu muốn chạy việc hay được trúng thầu (p 14). Về phía những người làm việc trong guồng máy, cũng như người Việt nói chung, hầu hết là những người tốt, song khi vào làm việc cho hệ thống, họ buộc phải thực hiện một số hành vi nhất định để có thể tồn tại trong hệ thống đó (p 26).             

9. Tính hệ thống là vì tình trạng các văn bản pháp lý ở Việt Nam thường thiếu rõ ràng và chồng chéo, không phải do khâu thiết kế hay khả năng yếu kém của các cá nhân soạn thảo, mà bởi vì có sự tồn tại một logic mang tính cố hữu trong hệ thống đòi hỏi các quy định phải như vậy để làm phương tiện cho việc lạm dụng quyền lực và tạo cơ hội thu lợi cho cá nhân (p 22).

Ảnh hưởng của các nhóm đặc quyền, đặc lợi trong việc xây dựng và thực thi chính sách là mối quan tâm hàng đầu của nhóm nghiên cứu Hardvard trong các tài liệu nghiên cứu. Vấn đề hệ trọng này cũng được bà Phạm Chi Lan, nguyên cố vấn Văn Phòng Thủ Tướng, đề cập đến trong cuộc hội thảo về cải cách hành chính công tháng 3/2009: "khe cửa" khác mà tham nhũng có thể "lách", đó là "cài cắm lợi ích cục bộ khi soạn thảo luật, cơ chế". Với tư cách người tham gia vào nhiều dự án luật, bà Lan cho hay, con đường để đưa những điều khoản công khai, minh bạch vào luật "rất chật vật" (2).

10. Tính hệ thống còn là vì xu thế coi công quyền như công cụ để làm giàu cá nhân, căn cứ theo tình trạng chạy chức, chạy quyền phổ biến ở Việt Nam. Những đối tượng có xu hướng "mua" một chức vụ nào đó không phải vì mục đích tốt, mà vì vụ lợi, ví dụ như để thu lại khoản đầu tư ban đầu mà họ đã bỏ ra.

Một xu thế phổ biến khác, mang sắc thái văn hóa theo quan niệm "một người làm quan cả họ được nhờ", các viên chức nhà nước chỉ chú tâm đến việc chăm lo phục vụ mạng lưới cá nhân hơn là cho lợi ích công, biểu hiện rõ nhất trong các khâu tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự (p 22).  

11. Hiểu được tính hệ thống của vấn nạn tham nhũng sẽ thấy được rằng đạo đức, hay lương thấp chỉ là các nguyên nhân thứ yếu, và việc làm rõ các quy định hầu như không thể thực hiện được chừng nào cái logic chi phối hệ thống vẫn tồn tại (p 22,23).

12. Điểm mấu chốt trong các khuyến nghị của nhóm nghiên cứu là nâng cao tính minh bạch của tất cả các khía cạnh hoạt động của nhà nước nhằm kiểm soát quyền lực của bộ máy công quyền. Sự minh bạch hóa các hoạt động nhà nuớc sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan và buộc các cơ quan này phải trả giá đắc cho các hành vi tham nhũng (p 24).

13. Các biện pháp nâng cao tính minh bạch gồm việc công khai hóa các tài liệu nhà nước, như các cuộc thanh tra, kiểm toán, các hoạt động tòa án, và nâng cao tính độc lập của cán bộ thanh tra, các cơ quan giám sát, giải quyết khiếu nại (p 25). 

Vế thức hai của khuyến nghị nhằm thúc đẩy tính minh bạch là nâng cao vai trò của xã hội dân sự và các cơ quan truyền thông trong nỗ lực giám sát các hoạt động nhà nước, qua việc xây dựng môi trường luật định khuyến khích và bảo đảm an toàn cho công dân, báo chí dám đứng ra tố giác, điều tra tham nhũng (p 26).    


III. Kết luận:


Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn chủ lực đẩy mạnh mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù tình trạng tham nhũng vẫn lan tràn, song FDI đổ vào Việt Nam vẫn gia tăng, vì dưới mắt của các nhà đầu tư, tham nhũng tuy phổ biến, rất phiền hà, song là những khoản hao tốn tương đối nhỏ, và chi phí sản xuất tại Việt Nam vẫn còn thấp vì những yếu tố thuận lợi khác. Theo Báo cáo Phát triển Việt năm 2006 của Ngân hàng Thế giới, tham nhũng tại Việt Nam chiếm khoảng 0.7% tổng doanh số (3).

Tuy nhiên, từ góc độ quốc gia và về lâu dài, những tổn thất về kinh tế do tham nhũng gây ra không thể xem là không nghiêm trọng và không phải là lý do quan trọng của công cuộc chống tham nhũng, như theo phân tích của nhóm UNDP.

Báo cáo Phát triển Việt Nam 2006 phân tích: "Tình trạng tham nhũng ảnh hưởng đến kinh doanh là rất phổ biến, song đó chủ yếu là những tham nhũng nhỏ. Nhưng điều này không có nghĩa là có thể bỏ qua các hình thức tham nhũng khác ở Việt Nam, như tham nhũng trong các doanh nghiệp nhà nước và các đầu tư công" (4). Những thất thoát to lớn này, mà vụ PMU 18 cũng chỉ mới hé mở một góc nhỏ, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, hiệu năng kinh tế khu vực công, và năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Nạn phá rừng bất hợp pháp ở qui mô lớn diễn ra từ nhiều năm qua đã hao tổn biết bao tài nguyên quốc gia và tác hại như thế nào đến tương lai ngành lâm sản? Sông nước, đất đai bị ô nhiễm nghiêm trọng do hóa chất độc hại thải ra vì tham nhũng ở khâu thanh tra sẽ ảnh hưởng thế nào đến ngành nông thủy sản và đời sống của bà con nông thôn?

Con đường dẫn đến sự phát triển bền vững sẽ còn lắm chông gai chừng nào chỉ số tham nhũng của Việt Nam vẫn thấp là đà ở nửa phần cuối của bảng xếp hạng tham nhũng.

Một khía cạnh quan trọng khác là tuy tài liệu UNDP đã xác định rõ được các yếu tố cấu thành tính hệ thống của nạn tham nhũng, song liệu rằng các biện pháp chống tham nhũng do nhóm khuyến nghị có tính khả thi?

Nếu như theo phân tích của nhóm nghiên cứu, những ảnh hưởng chi phối quá trình soạn thảo và thực thi luật định là đầu mối chính của tham nhũng, thì làm thế nào có thể thực hiện thành công "lộ trình minh bạch" các hoạt động nhà nước và nâng cao vai trò của xã hội dân sự và báo chí trong khi các thế lực ảnh hưởng kia vẫn tồn tại?    

Vì vậy, mấu chốt chất của vấn đề, như đã nêu lên trong tài liệu Lựa chọn Thành công - Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á của nhóm Harvard (5), là liệu Việt Nam có đủ quyết tâm chính trị chống lại những nhóm đặc quyền đặc lợi mà mục tiêu không phù hợp với mục tiêu chung của quốc gia để tránh dẫm vào vết đổ của một số nước Đông Nam Á?

Nói một cách khác, như theo Bà Phạm Chi Lan, "Chừng nào vẫn còn có các nhóm lợi ích thao túng việc làm luật thì vẫn còn một thứ văn hóa tồi là tham nhũng" (6).




Trần Bình

tháng 11/2009

Xem Phần I : Nhận dạng
 


(1) Corruption, Public Administration Reform and Development - UNDP
(2) Còn lợi ích cục bộ, còn tham nhũng - Vietnamnet
(3) Vietnam Development Report 2006 - World Bank, p iii
(4) World Bank, p 63
(5) Lựa chọn Thành công - Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á - Diễn Đàn
(6) Còn lợi ích cục bộ, còn tham nhũng - Vietnamnet

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss