Giáo sư Hoàng Tuỵ được trao giải Constantin Caratheodory
Giáo sư Hoàng Tuỵ được trao giải
Constantin Caratheodory
đầu tiên
về tối ưu toàn cục

Tại Hội nghị Thế giới lần thứ hai về Tối ưu toàn cục, họp tại Chainia, Hy Lạp, đầu tháng 7 vừa qua, Hội Quốc tế về Tối ưu Toàn cục (International Society of Global Optimization – iSoGO), đã công bố giáo sư Hoàng Tuỵ là nhà toán học đầu tiên được trao giải thưởng Constantin Caratheodory do Hội lập ra (xem thông báo).
Theo thông báo đăng trên trang web của hội iSoGO, giải
thưởng mang tên nhà toán học lỗi lạc Constantin
Caratheodory người Hy Lạp nhưng sinh ra và suốt đời hoạt
động tại Đức (1873-1950) sẽ được trao hai năm một
lần cho một cá nhân hay tập thể có cống hiến cơ bản
cho lý thuyết, thuật toán và ứng dụng của tối ưu toàn
cục. Bản thân Constantin Caratheodory có nhiều đóng góp
quan trọng về lý thuyết hàm, lý thuyết độ đo và
phương pháp tính biến thiên, là những công cụ cơ bản
cho các bài toán tối ưu.
Công trình được trao giải, được xem xét dưới các
tiêu chí thông thường về tính sâu sắc, sáng tạo v.v. ,
phải “phản ánh những cống hiến đứng
vững qua thử
thách của thời gian”.
Về giáo sư Hoàng Tuỵ, iSoGO đề cao “công trình có tính tiên phong và những cống hiến cơ bản của ông cho tối ưu toàn cục”, với nhiều ý tưởng, khái niệm và phương pháp đã tỏ ra là có vai trò cơ bản trong sự phát triển của ngành tối ưu toàn cục như : các lát cắt, phương pháp chia nhỏ ; các hàm hiệu của hai hàm lồi (difference of convex functions) và những vấn đề tối ưu đặt ra đối với chúng ; các phương pháp liên tục hay rời rạc trong tối ưu đơn điệu ; tối ưu toàn cục vững chắc (robust) và các bài toán đặt ra không đúng (ill-posed problems) v.v.

Giáo sư Hoàng Tụy, chủ tịch Hội đồng IDS
(người ngồi thứ nhì từ phải sang trái)
Giáo sư Hoàng Tuỵ sinh ngày 17.12.1927, là tác giả của hơn 160 bài báo khoa học, được coi như cha đẻ của ngành tối ưu toàn cục. Từng là viện trưởng Viện Toán trước khi nghỉ hưu, ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới, và được phong là Tiến sĩ Danh dự (Doctor Honoris Causa) của các viện đại học Linköping (Thuỵ Điển) và Rouen (Pháp). Nhưng đối với người Việt Nam, ông còn là và có lẽ trước hết là mẫu mực của người sĩ phu đã không mệt mỏi và luôn luôn “thẳng thắn lên tiếng và góp phần giải quyết những vấn nạn khó khăn và trọng yếu nhất của xã hội”, như nhà văn Nguyên Ngọc viết trong Lời Tựa cuốn kỷ yếu GS.TS Hoàng Tuỵ : Sĩ phu thời nay, tập hợp các bài viết của trí thức Việt Nam (trong và ngoài nước) và quốc tế, xuất bản nhân dịp mừng thọ ông 80 tuổi (NXB Tri Thức, Hà Nội 2007). Cũng chính trong năm ông được 80 tuổi đó, GS Hoàng Tuỵ đã cùng một số trí thức thành lập viện nghiên cứu phát triển IDS mà ông được tín nhiệm làm chủ tịch. Việc chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ra “nghị quyết 97” nhằm bóp nghẹt những tiếng nói thẳng thắn của xã hội công dân nói chung, của tầng lớp trí thức nói riêng, đã khiến cho IDS phải “tự giải tán” chỉ sau hai năm hoạt động, nhưng GS Hoàng Tuỵ vẫn không ngừng gióng lên những tiếng nói cảnh báo của ông trước sự xuống cấp, tha hoá của nền giáo dục. Năm 2010, GS Hoàng Tuỵ đã nhận giải thưởng Giáo dục của Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh, và nhân dịp này NXB Tri Thức đã phát hành cuốn sách nhỏ Giáo dục : Xin cho tôi nói thẳng, gồm một số bài viết của ông trong khoảng 15 năm gần đây về đề tài mà ông luôn luôn đau đáu này.
Hà Dương Tường
Các thao tác trên Tài liệu