Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Giới thiệu một bài viết đáng đọc : Chuyên gia TQ nhìn về Vinfast và kinh tế VN

Giới thiệu một bài viết đáng đọc : Chuyên gia TQ nhìn về Vinfast và kinh tế VN

- Vũ Quang Việt — published 17/09/2024 19:33, cập nhật lần cuối 17/09/2024 19:33

Giới thiệu một bài viết đáng đọc

Chuyên gia tài chính Trung Quốc bàn về VinFast, Vingroup và kinh tế Việt Nam


 Vũ Quang Việt


Bài viết mang tính nghiên cứu này được Lê Thị Thanh Loan dịch ra tiếng Việt và đăng trên trang Nghiên cứu Quốc tế, rất đáng đọc, nay tôi xin giới thiệu lại. 

Tác giả TQ này không chỉ là nhà nghiên cứu mà còn nắm sâu thực thế từ các cuộc thăm viếng để tiếp cận thực tế doanh nghiệp ở Việt Nam. Nhưng tác giả là ai?  Nguồn gốc của bài là trên Người Quan Sát.  Tác giả ký tên là 饭统戴老板 (Fantong Dai Laoban), nhưng đây là tên nhóm do ông 饭统戴 (Dai Wenchao) lập ra chứ không rõ ai thật là tác giả. Người Quan Sát

 观察者·开通观察员, thuộc Viện Khoa học Xã hội ở Thượng Hải. Có thể xem về nguồn gốc trên Wikipedia.

Nội dung bài cũng giống như những gì tôi đã viết và đang muốn khai thác thêm thông tin để viết tiếp, nhưng tác giả đã nắm bắt được thông tin cụ thể trên bản địa, vượt qua những gì tôi có thể làm, và đã làm rất rõ thêm sự thất bại của chiến lược ăn bám FDI của VN: cụ thể nhất là trên 70% giá trị xuất khẩu của VN là thuộc các doanh nghiệp FDI. Tổng cục Thống kê VN đã cung cấp đầy đủ các thông tin này. 

Bài tôi viết đã được anh Lương Hải Khôi đưa lên trang mạng của  Đại học Oregon, và đăng lại trên trang mạng Bauxite Việt Nam.

Trong bài tác giả cho rằng sự chuyển đổi chiến lược mới đây của chính phủ VN là nhằm vào việc phù trợ Vinfast, để xây dựng hình ảnh một doanh nghiệp hàng đầu mang tên Việt Nam. 

" Nhìn vào báo cáo tài chính mới nhất của Tập đoàn Vingroup, có thể thấy tập đoàn này tham gia vào tất cả các lĩnh vực như bất động sản, bán lẻ, công nghiệp, công nghệ, ô tô… Người Việt Nam không chỉ có thể mua ô tô Vingroup, đến các khu nghỉ dưỡng, mua sắm tại trung tâm thương mại và sử dụng thanh toán điện tử của Vingroup, mà còn có thể đến các bệnh viện và trường học của Vingroup để chữa bệnh và học tập.

Sau khi người sáng lập tập đoàn, Phạm Nhật Vượng, kiếm được hũ vàng đầu tiên nhờ bán mì ăn liền ở Đông Âu, ông trở lại Việt Nam vào năm 2000 và nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ chính phủ Việt Nam, từ đất đai, tín dụng cho đến chính sách. Thậm chí, khi lãnh đạo Việt Nam sang thăm Lào cách đây không lâu, họ đã mang theo 20 chiếc xe điện VinFast để làm quà cho nước bạn.

Chỉ khi trực tiếp đến Việt Nam, bạn mới cảm nhận được sự hiện diện khắp nơi của Vingroup. Vào cuối tháng 7, tôi có một bài phát biểu ở Việt Nam, địa điểm là tòa nhà Landmark 81 cao 461 mét, công trình mang tính biểu tượng của TP.HCM. Tòa nhà cao thứ hai Đông Nam Á này là “trung tâm Thượng Hải” của TP.HCM và các căn hộ cao cấp nằm bên cạnh (tương đương với Tomson Riviera) đều thuộc về Vingroup đang ở thời hưng thịnh.

Vì vậy, tuy mẫu xe điện VinFast được nêu ở phần đầu lỗ tới 2,3 tỷ USD vào năm 2023 nhưng mảng kinh doanh bất động sản và bán lẻ của Vingroup vẫn đang liên tục hái ra tiền."

Vậy thì Vinfast có thuộc về chiến lược mới của VN hay không? Và đây có phải là chiến lược nâng tầm công nghệ nội địa của Việt Nam hay không?  Chỉ có thể biết được nếu nắm được bao nhiêu nội dung của Vinafast là từ R&D của chính họ, dù là R&D nhằm vào thích ứng công nghệ nước ngoài.  Tác giả chưa làm rõ được điều này. Chiến lược mới này cũng có thể chỉ là chiến lược xuất khẩu lao động tay nghề thấp, đánh vào thị trường Mỹ và phương Tây, nhưng  toàn bộ chỉ dựa vào công nghệ và vật tư nước ngoài, không có R&D nội để tự đứng vững. Điều này nếu có ai đó làm rõ được thì rất lý thú.

Và giả dụ có cái gì đó để tự đứng vững như Nhật, Nam Hàn và TQ đã làm thì chính sách hiện nay của Mỹ nhằm ngăn toàn cầu hóa từ phe không thân Mỹ sẽ đặt VN vào thế leo cây bị hổ rung, chứ không hẳn dựa lưng vào cây tre.

Vì là người TQ, tác giả cho rằng về phía TQ, thôi thì TQ cứ chuyển đầu tư vào VN để giảm giá tăng tính cạnh tranh, vì VN "nằm trong phạm vi ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc và khó có thể xây dựng được doanh nghiệp nội địa trong ngắn hạn?" thay vì sang Ấn Độ hay nước khác. 

Tuy vậy đọc lời bình trong bản tiếng Trung, có một anh người Hoa viết đại khái như sau: Ngay cả khi chúng ta cung cấp cho họ công nghệ và tiền bạc, họ sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi. Họ không thể không quay lại và chống lại chúng ta.

Người Trung Quốc nhìn như vậy, còn chúng ta ?


Vũ Quang Việt

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us