Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Giữa ngã ba đường xử lý doanh nghiệp nhà nước

Giữa ngã ba đường xử lý doanh nghiệp nhà nước

- Phạm Nam Kim — published 13/11/2017 20:30, cập nhật lần cuối 13/11/2017 17:51

Giữa ngã ba đường xử lý
doanh nghiệp nhà nước
(*)


Phạm Nam Kim


Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Việt Nam dạo này lên mặt báo gần như thường trực với những tin như doanh nghiệp này xây xong nhưng bỏ hoang, doanh nghiệp kia ngưng hoạt động vì thua lỗ, dự án nọ không thành, rồi tin về các lãnh đạo DNNN ông A tham ô, ông B bỏ trốn, ông C bị kết án tử hình vì ‘ăn bẩn’, lạm quyền. Trong khi đó tiền nhà nước vẫn đổ vào những doanh nghiệp này và ngân sách quốc gia thì đã kiệt quệ, nợ công đầy đầu. Trước tình thế bi đát đó, chính phủ đang đặt câu hỏi có nên phá sản các DNNN yếu kém và thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tại những doanh nghiệp còn lại, hậu quả là như thế nào và có phương án nào khác không.
DNNN chi phối 60% nền kinh tế quốc gia, đặt những câu hỏi trên chứng tỏ sự nghiêm trọng của tình hình kinh tế và sự bất lực của Nhà nước Việt Nam. Bài này muốn mang lại một cái nhìn khác về về những doanh nghiệp này và phương án khả thi hơn để giải quyết tình hình hiện tại
.



Phá sản doanh nghiệp nhà nước yếu kém ?


Trước khi vào đề, có lẽ ta nên tìm hiểu tại sao DNNN Việt Nam lại trong tình trạng yếu kém như vầy và quay ngược thời gian nhìn lại tiến trình của những doanh nghiệp này. Trước thời kỳ đổi mới nền kinh tế hoàn toàn thuộc nhà nước, và các doanh nghiệp đều chỉ là những cơ quan nhà nước. Trong bước đầu các doanh nghiệp đươc tách ra khỏi các cơ quan và dưới hình thức công ty nhà nước và sau đó đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Mấy năm sau rộ lên phong trào thành lập những tập đoàn, tổng công ty theo mẫu các ‘Chaebol’ của Hàn Quốc. Nhưng như ông Trần Tiến Cường, Trưởng ban phát triển doanh nghiệp thuộc Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phát biểu, ‘tất cả chỉ là bình mới rượu cũ‘. Ngay những năm vừa rồi với chính sách cổ phần hoá, thì các doanh nghiệp này cũng chỉ khoác một cái áo mới là công ty cổ phần chứ ở trong không có gì thay đổi.

Thế nhược điểm của ‘rượu cũ‘ là gì ?

Thứ nhất là cái tinh thần của cán bộ, nhân viên DNNN, vẫn giữ tinh thần làm việc thời bao cấp, là công chức ở một cơ quan và người dân, khách hàng vẫn phải theo ‘cơ chế xin cho’. Không bao giờ lọt vào đầu họ ý thức về lợi nhuận của công ty, vả lại công ty nhà nước có bao giờ công bố chính thức bảng lợi nhuận của công ty đâu mà hòng nhân viên hưởng ứng. Với cái tư duy đó làm sao DNNN có thể đối mặt với một nền kinh tế thị trường. Do vậy họ đòi hỏi chính phủ ban cho một quy chế đặc biệt, được độc quyền và từ đó được nằm ngoài luật chơi của một nền kinh tế thị trường mà ta đang cố gắng xây dựng. Hơn thế nữa, có một hồi cán bộ, nhân viên của DNNN vẫn theo bảng lương do Bộ tài chính ban ra cho công chức! Vậy nên họ vững lòng tin là một công chức và với đồng lương ba cọc, ba đồng của người công chức và khi thấy bạc tỷ của Nhà Nước chạy ngay trước mắt thì ý nghĩ làm thêm chút tiền, gọi là bổng lộc của nhà nước nảy sinh. Cái gọi là ‘tự diễn biến, tự chuyển hoá’ bắt đầu từ đấy. Thực hiện rất dễ : họ đẻ ra những dự án, những công trình và lợi dụng cơ chế tập đoàn ‘Chaebol’ đa ngành nghề để bỏ tiền vào những lãnh vực không liên quan gì đến nghề chính của DNNN, miễn là có được tiền hoa hồng, tiền lại quả khi thực hiện những đầu tư trên – thanh tra nhà nước đã ngỡ ngàng phát hiện công ty tàu thủy Vinashin đầu tư vào trại nuôi heo và cửa hàng bán xe máy ; liên quan gì đến đóng tàu thủy ! – Muốn có tiền đầu tư dễ dàng thì DNNN không đòi Chính phủ lấy ngân sách ra tài trợ mà hỏi mượn thẳng những ngân hàng quốc doanh nếu không đủ thì phát hành trái phiếu mượn nước ngoài, nhất định là những trái phiểu này do nhà nước Việt Nam bảo lãnh. Có một ‘chiêu’ khác dành cho những tập đoàn lớn là mua, hợp tác với một ngân hàng rồi lấy tiền tiết kiệm ngân hàng của dân đầu tư vào những dự án của mình. Điển hình là khi Tập đoàn Dầu khí PVN thâu tóm ngân hàng Đại Dương ocean bank, hay Tập đoàn Điện Lục góp vốn tại ngân Hàng An Bình ABBank.

Thứ nhì là cơ cấu tổ chức của những DNNN, hoàn toàn điển hình cho sự chồng chéo mà Hội nghị 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản nói là muốn sửa sai. Thật vậy trong một Doanh nghiệp, bình thường ta có bộ phận điều hành, quản lý. Trong DNNN, bên cạnh bộ phận này là bộ phận Đảng ủy, bên cạnh nữa là Công đoàn, sau đó đến Đoàn thanh niên và có doanh nghiệp còn có Hội Cựu chiến binh. Tuy quyền điều hành công ty thuộc ban quản lý, nhưng không lấy được một quyết định nào nếu không có sự ưng thuận của Đảng uỷ và lệnh phát ra trong nội bộ sẽ vô hiệu quả nếu không có sự hưởng ứng của Công đoàn, Đoàn thanh niên. Mặc dù tất cả các bộ phận trên đều thuộc Đảng cộng sản nhưng lại được các phân bộ khác nhau bổ nhiệm : ban quản lý là do Thủ tướng chính phủ hay các Bộ ngành, Đảng uỷ là do Trung ương Đảng còn các đoàn thể là do Mặt trận Tổ quốc và tất nhiên phải bảo vệ quyền lợi của phân bộ và có lẽ đặt quyền lợi cá nhân lên trên hết – Cái lệ trong đảng kiếm soát lẫn nhau, có từ hồi kháng chiến vẫn còn được duy trì, và không thể nói lãnh đạo Đảng không biết những gì thực sự đang xảy ra trong những doanh nghiệp cũng như trong những bộ phận hành chính của nhà nước.
Sự chồng chéo này gây ra sự tê liệt của cả guồng máy doanh nghiệp, cả ngày họp hành, điều chỉnh, chia chác. Ngoài ra còn gây ra tệ đoan, kéo người thân vào làm vây cánh cho mình. Có một lần tôi thăm viếng một DNNN trong Nam, ông Giám đốc mới được bổ nhiệm than phiền, người tiền nhiệm khi lập công ty kéo cả làng ngoài Bắc vào làm và họ đều là nông dân chẳng biết một tý gì thao tác trong một cơ xưởng. Ở đây, tôi không muốn đề cập đến những vấn đề nhạy cảm, như ‘chạy chức, chạy quyền, mua quan, bán chức’, ‘con quan thì lại làm quan’ ngay trong giới có quyền có chức.

Vài nét trên cho ta thấy, DNNN có những yếu kém căn bản, không phải bây giờ lập thêm một ban bệ chuyên quản lý vốn nhà nước là có thể giải quyết được. Cũng nên nhớ là hiện tại đã có Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC, tại sao nếu cần không mở rộng lãnh vực hoạt động của công ty này? Tuy nhiên ta nên tự hỏi, một cái xe bị hỏng mọi bộ phận, chạy ‘cà rịch cà tàng’, liệu thuê thêm một tài xế, xe này chạy có tốt hơn không?

Nếu cái xe đã hư quá nhiều thì có lẽ ta vứt quách nó đi! Đó là ý tưởng của phương án phá sản. Nhưng có lẽ ta nên tìm hiểu trước ý đồ của nhà lập pháp khi đề ra luật phá sản. Thực ra luật phá sản ra đời là để bảo vệ người cho vay, nếu con nợ ỳ ra không trả thì Nhà nước sẽ đứng ra cưỡng chế bán đấu giá tài sản của con nợ để trả người cho vay. Trong tình huống ở đây là Nhà nước, chủ của con nợ tự ý phá sản DNNN, chứ không phải là đòi hỏi của chủ nợ. Ý đồ của Nhà nước có thể là qua sự phá sản DNNN yếu kếm, giải quyết dứt điểm những khoản nợ DN đã gây ra và giảm thiểu gánh nợ công.

Liệu ý đồ này có thành công hay không? phải nói các công trình của những DNNN yếu kém thường ở trong một tình trạng thảm thiết, nếu bị phá sản, bán đấu giá thì thu vào chẳng đươc bao nhiêu. Vậy làm sao giải quyết sự chênh lệch giữa giá thu vào này và giá trị khoản nợ trên sổ sách? Nếu con nợ là một công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần thì chủ nợ phải chịu lỗ, trong những trường hợp khác và nhất là khi Chính phủ đứng ra bảo lãnh khoản nợ thì chủ nợ có thể quay sang bên bảo lãnh hay bên chủ nhân của DN đòi trả khoản chênh lệch nói trên.

Vậy thì phương án phá sản DNNN chưa thể giải thoát trách nhiệm của chính phủ trên những khoản nợ của DN. Hơn thế nữa, các khoản nợ này một phần lớn là với sự tài trợ của một ngân hàng quốc doanh và lỗ lã trên bán đấu giá tài sản của con nợ là ngân hàng quốc doanh chịu và ngân hàng quốc doanh là của Nhà nước. Rút cuộc Nhà nước chỉ chuyển lỗ lã từ túi bên này qua túi bên kia!

Tác động của các biện pháp này đối với nền kinh tế là gì?


Theo phân tích của bà Linda Yueh, chuyên gia kinh tế đài BBC, các DNNN chiếm 60% các khoản vay ngân hàng và hơn nửa nợ xấu của cả nước, như vậy phá sản DNNN tất nhiên ảnh hưởng mạnh đến ngành ngân hàng và tất nhiên ảnh hưởng còn tùy vào quy mô và cấu trúc của khoản vay liên quan đến sự phá sản. Nghĩ lại, hồi Vinashin suy sụp, khoản nợ xấu đã làm ngân hàng Nhà Hà Nội Habubank mất hết vốn và cũng trong thời gian đó NHNN đã cho phép ‘khoanh vùng’ những khoản nợ của vinashin, không tính vào những khoản nợ xấu của những ngân hàng. Nếu tính vào thì làm sao thông báo những tỷ lệ nợ xấu rất thấp của ngân hàng, và khẳng định rằng nó nằm hoàn toàn trong vòng kiểm soát !

Giờ đây nếu toàn thể những DNNN yếu kém đều bị phá sản thì tỷ lệ nợ xấu sẽ bùng nổ, với những khoản nợ xấu hiện có, rất nhiều ngân hàng sẽ hoàn toàn mất vốn chủ sở hữu và theo luật ngân hàng hiện hành sẽ không còn đươc phép hoạt động, với những sở hữu chéo, những vụ đầu tư ‘sân sau’ và những tài trợ, dịch vụ liên ngân hàng hiện tượng này sẽ hệ lụy trên toàn hệ thống ngân hàng theo hiệu ứng Domino. Và nếu Hệ thống ngân hàng suy sụp thì còn đâu nền kinh tế quốc gia.

Cái hệ lụỵ chính vẫn là trên phương diện xã hội, trên vấn đề mà mọi chính phủ đều đặt lên hàng đầu, đó là công ăn việc làm của người dân. Một DNNN phá sản đóng cửa là đã tạo ra trực tiếp một số thất nghiệp, số thất nghiệp này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế lân cận rồi hiêu ứng dây chuyển thất nghiệp sẽ tràn lan và khắp vùng. Còn nếu cả nền kinh tế bị suy sụp thì ta hãy nhìn những gì đang xảy ra tại Venezuela.

Phương án khác


Với chỉ số hiệu ứng đầu tư công ICOR gần hạng bét trong vùng Châu Á, Chính phủ đã phát hiện từ lâu sự yếu kém của DNNN và chính vì vậy đã phát động từ 2010 chính sách cổ phần hoá những doanh nghiệp này. Cho tới bây giờ chương trình cổ phần hoá vẫn chưa hoàn tất, nhưng tình hình những DNNN đã được cổ phần hoá vẫn không sáng sủa hơn và cho ta thấy sự hạn chế của chính sách ‘bình mới rượu cũ’ và ta cần tìm phương án khác.

Ta hãy nhìn tình huống Vương quốc Anh trong những năm 80. Năm 1979, Margaret Thatcher đắc cử Thủ tướng và phải giải quyết một tình hình kinh tế rất khó khăn. Thật vậy, hồi đó Vương Quốc Anh được mệnh danh là ‘Con bệnh nặng nhất Châu Âu’ và nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nước này đang trên con đường tụt hậu trở về thời kỳ ‘quốc gia kém phát triển’. Các chính phủ thuộc Công đảng chỉ có một chính sách là quốc hữu hoá các doanh nghiệp gặp khó khăn và hỗ trợ dàn trải người dân mất việc làm. Kết quả của chính sách này, sau 10 năm là 30% dân Anh là công chức hay làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước, mặc dù vậy thất nhiệp vẫn tràn lan và sống nhờ vào hỗ trợ xã hội (nạn hooligans phát sinh từ hồi đó). Tất nhiên tiền là do ngân sách nhà nước do đó nợ công đầy đầu, nếu không có sự hỗ trợ của Quỹ tiền tệ Thế Giới IMF thì quốc gia này có thể đã bị phá sản.

Bà Thatcher khi cầm quyền đã quay ngược chính sách của các chính phủ tiền nhiệm, thay vì quốc hữu hoá bà đã tư hữu hoá dàn trải doanh nghiệp nhà nước. Chính sách mới này đã hoàn toàn lật ngược thế cờ, một mặt doanh nghiệp được tư hữu hoá, không còn ỷ lại vào chính phủ, được quản lý theo luật chơi của thị trường và tìm lại được con đường lợi nhuận. Như công ty viễn thông BT (British Telecom) hồi còn là doanh nghiệp nhà nước, ngụp lặn trong thua lỗ, sau khi tư nhân hoá, nay đã trở thành một trong những công ty viễn thông hàng đầu thế giới. Mặt khác tư hữu hoá đã đem lại vốn cho ngân sách nhà nước và Vương quốc Anh đã thoát cảnh nợ công chồng chất.

Tình trạng Việt Nam chưa tới mức độ Vương Quốc Anh trước những năm 80 và nhà nước Việt Nam ngay từ những năm 90 đã từ bỏ mô hình quản lý tập trung của những nước xã hội chủ nghĩa để xây dựng một nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên trong những năm vừa qua Nhà nước đã đẩy mạnh lãnh vực quốc doanh thông qua những tập đoàn lớn đa ngành, dồn đầu tư vào những tập đoàn này với ý định tạo ra những ‘quả đấm sắt’ của nền kinh tế quốc gia. Ý tưởng này đi ngược lại với ý định xây dựng một nền kinh tế thị trường, kinh tế thị trường khó có thể đi chung với một lãnh vực quốc doanh lớn mạnh. Biết rằng đã đi không hoàn toàn đúng đường lối, nhà nước đã sửa sai bằng cách đưa chính sách cổ phần hoá DNNN. Tuy nhiên sửa sai này chỉ có tính cách hình thức, vì thực chất các doanh nghiệp cổ phần sau biến đổi vẫn thuộc nhà nước, bộ phận quản lý ngoài cái tên và chức danh vẫn không thay đổi và nhất là tinh thần làm việc vẫn như xưa. Hơn thế nữa những DN sau cổ phần hoá vẫn giữ cơ chế độc quyền đi ngược lại luật chơi căn bản của kinh tế thị trường.

Muốn thực sự xây dựng, một nền kinh tế thị trường Nhà nước Việt Nam phải bạo dạn đi một bước dài hơn bước cổ phần hoá, đó là theo những gì đã thực hiện ở bên Anh, tư hữu hoá doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước hoàn toàn rút khỏi những doanh nghiệp này. Khi đã ‘bán’ đươc những doanh nghiệp này, những khoản nợ, khoản bảo lãnh của chính phủ sẽ hoàn toàn thuộc về bên chủ mới. Cộng với tiền bán DNNN, mức nợ công sẽ giảm rất mạnh. Nếu các doanh nghiệp đã đươc bàn giao cho tư nhân tiếp tục kinh doanh tốt và còn phát triển tốt nữa thì khoản thu ngân sách sẽ tăng lên, trong khi bên chi ngân sách ở đây Nhà nước hết phải tài trợ những thua lỗ của DNNN và hết phải nuôi dưỡng một đội ngũ thanh tra, kiểm toán những doanh nghiệp trên cũng giảm đi rất nhiều.

Đó là thành quả của chính quyền Thatcher và sẽ là thành quả của VN nếu mạnh dạn tiến lên trên con đường kinh tế thị trường, tư hữu hoá doanh nghiệp nhà nước. Khác với chính sách của bà Thatcher từng bị chỉ trích là đi ngược với quyền lợi của người lao động, ta có vế thứ nhì trong mô hình quản lý kinh tế, đó là vế ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’. Định hướng này Đảng cộng sản Việt Nam đã thừa nhận là chưa có nhận thức rõ ràng và nay là lúc để lý giải rõ ràng : xây dựng kinh tế thị trường để phục vụ người dân, phục vụ người lao động chứ không phải một thiểu số tài phiệt hay nhóm lợi ích nào. Dựa trên định hướng này, khi tư hữu hoá doanh nghiệp nhà nước điều kiện tiên quyết sẽ là, người mua lại doanh nghiệp phải bảo đảm công ăn việc làm cho đa số những lao động đang phục vụ tại doanh nghiệp, điều kiện này cũng có nghĩa là bên chủ mới sẽ tiếp tục kinh doanh chứ không phải mua lại để đầu cơ. Ý tưởng mua lại một công ty đang thua lỗ để đầu cơ bất động sản là một thương vụ rất thường xảy ra ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Ví dụ, khi Hợp tác xã kem Tràng tiền gặp khó khăn bị Tập Đoàn Đại Dương mua lại đâu phải tại gia đình ông Hà Văn Thắm muốn đổi nghề đi bán kem mà là vì mảnh đất vàng số 35 Phố Tràng tiền và hiện trên mảnh đất này đang có dự án 1000 tỷ xây trung tâm thương mại.


Trên đây, chỉ phác hoạ những nét chính của chính sách đối với DNNN, muốn thực hiện tất nhiên ta phải thiết lập một lộ trình và một chương trình hành động cụ thể cũng như phải phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế .


(*) Bài viết cho Việt Tấn xã, nhưng chỉ được cơ quan này đăng trên hệ thống nội bộ với nhiều cắt xén. Tác giả gửi lại cho Diễn Đàn với một vài sửa đổi nhỏ.


Phạm Nam Kim

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss