Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Hai bước ngoặt trong cuộc đời “gánh gánh gồng gồng”

Hai bước ngoặt trong cuộc đời “gánh gánh gồng gồng”

- Nguyễn Xuân Phượng — published 10/07/2023 08:00, cập nhật lần cuối 10/07/2023 18:20

Hai bước ngoặt trong
cuộc đời “gánh gánh gồng gồng”



Nguyễn Xuân Phượng




I.

Hà Nội, tháng 5 năm 1967

Joris Ivens, một đạo diễn phim người Hà Lan nổi tiếng với những phim chống thực dân trên thế giới và vợ, bà Marceline Loridan đã làm một bộ phim về Vĩnh Linh thuộc vĩ tuyến 17, nơi bị bom đạn Mỹ tàn phá khốc liệt nhất ở Việt Nam.

Đoàn quay phim chúng tôi gồm có 12 người, trong đó có 4 quay phim. Tôi vừa là bác sĩ trông nom sức khỏe cho đoàn vừa là người phiên dịch tiếng Pháp.


Đêm hôm ấy, sau một ngày dài quay phim dưới áp lực của bom đạn Mỹ bắn phá như mưa, trong địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, mệt quá, tôi trằn trọc không sao ngủ được. Khoảng nửa đêm, một tiếng gọi thất thanh : “ Cứu tôi với ! Cứu tôi với ! Có thầy thuốc nào ở đây không ? Vợ tôi sắp chết rồi ”.

Tôi ngồi phắt dậy, kéo vội chiếc túi cấp cứu treo trên vách đất rồi cùng Chơn, kỹ sư thu thanh của đoàn, chúng tôi mò mẫm hướng đến một chấm sáng le lói ở cuối hầm. Chơn không quên mang theo người chiếc máy thu thanh Nagra duy nhất mà Xưởng Phim Tài liệu Thời sự Trung ương đã ưu tiên cho đem theo. Tiếng nức nở của một người đàn ông : “ Từ hai ngày nay, vợ tôi không sinh được và hiện nay đã hấp hối. Cứu chúng tôi với đoàn ơi ! ”.

Chơn cầm tay anh ta, tôi cầm tay Chơn và quờ quạng bước đi trong địa đạo thăm thẳm, ngột ngạt. Cũng xin giải thích với các bạn là vào thời kì ấy, cái chết ở Vĩnh Linh có thể đến bất kì hoàn cảnh nào, thời gian nào. Để đề phòng, khi di chuyển, chúng tôi phải đi hai người. Nếu có bất trắc gì, nếu một người sống sót thì còn báo được tin cho đoàn.

Những địa đạo nằm sâu trong lòng đất này là nơi ở của cả một làng, hay nhiều làng lân cận. Tất cả đều nối với nhau bằng những con đường hầm chằng chịt như một mạng nhện khổng lồ.


h1
Bác sĩ Xuân Phượng và vợ chồng Marceline & Joris Ivens
(Vĩnh Linh, 1967)


Tôi đi trong đêm tối, dò từng bước, tay nắm chặt bàn tay ướt đẫm mồ hôi của Chơn. Bỗng tôi thoáng nghe thấy những tiếng rên rỉ. Bàn tay tôi chạm vào bụng một người đàn bà chửa, một cái ngực lạnh toát, một mớ tóc dài ẩm ướt. Tiếng yếu ớt của một người đàn bà : “ Hãy cứu lấy con tôi ”. Cảm thấy bóng người chồng đang chặn hết lối vào của căn hầm ngột ngạt, lấy hết can đảm, tôi hét to bắt anh ta đi tìm cho tôi một chậu nước nóng. Không gian có vẻ dễ thở hơn. Nhưng thời gian giúp người đàn bà này sinh con kéo dài đến vô tận. Chiếc áo tôi ướt đẫm mồ hôi, hai mắt mở to mà không sao thấy được gương mặt hay thân hình của sản phụ. Tôi cuống lên.

May mắn sao, cuối cùng tôi sờ thấy được đầu cháu bé. Vài phút sau, tiếng oe oe chào đời vang lên. Đứa bé trai sơ sinh này gào rất to, tiếng vang vang đập vào vách đất. Có lẽ nó cũng sợ hãi đêm tối như tôi. Chưa kịp buộc rốn cho cháu, bỗng một tiếng gào của người cha : “ Cảm ơn Trời Phật. Con ơi, con ơi…”.

Khi chúng tôi mò mẫm trở lại căn hầm của mình, ông bà Ivens vẫn đang thức, chờ đợi. Tôi mệt quá chỉ trả lời : “ Ça va ! Ça va ! ” rồi gục xuống. Trong căn hầm bỗng vang lên tiếng tôi đang hét người đàn ông đi lấy một chậu nước nóng, tiếng rên rỉ của người đàn bà, tiếng gào lên của tôi bắt người đàn bà phải rặn mạnh… Và trùm lên tất cả là tiếng khóc oe oe rất to của trẻ sơ sinh và chỉ giây phút sau là tiếng nức nở hạnh phúc của một người cha. Đúng lúc ấy, như trong một phim truyện, có tiếng rền vang xa xa của một loạt bom đang nổ…

Thì ra không báo trước với tôi, Chơn đã ghi lại toàn bộ cảnh đỡ đẻ dưới hầm sâu trong bóng tối. Cả đoàn làm phim lặng đi, xúc động. Tôi không giữ nổi những giọt nước mắt.

Hai ngày sau, vừa bước ra khỏi hầm, một người đàn ông da sạm nắng, tay cầm một bọc sắn mới đào lên, đang đứng chờ chúng tôi : “ Tui xin biết ơn vô tận và mong đoàn các anh chị ban cho gia đình tui một ân huệ. Chị bác sĩ đã đỡ đẻ cho vợ tui sẽ chọn giúp cho đứa con trai tui một cái tên ”.

Tôi rất tự hào vì sự tin cậy này nhưng mặt trời đã lên quá cao, để tránh cho những đợt bom chùm sắp sửa rơi xuống, đoàn làm phim phải di chuyển ngay. Tôi vội vã trả lời : “ Nếu anh chị đồng ý thì cháu bé này sẽ mang tên tôi : Nguyễn Xuân Phượng ”.


Bốn mươi năm sau. Vĩnh Linh 2007

Bốn mươi năm sau, nhân dịp kỉ niệm 40 năm phim Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh nhân dân ra đời, đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh quyết định làm bộ phim Vĩnh Linh bốn mươi năm sau.

Nhà thơ Nguyễn Duy viết kịch bản, con trai tôi, Nguyễn Phước là đạo diễn của phim. Tôi tham gia với vai trò cố vấn.

Một số nhân vật trong phim thực hiện năm 1967 vẫn còn sống, chúng tôi đã được gặp. Riêng em bé sinh dưới địa đạo, em bé mang tên tôi, thì không có tăm tích. Trong suốt một tuần lễ, báo chí Vĩnh Linh, đài truyền hình Quảng Trị và bản thân tôi đã đội nắng đi tìm ở rất nhiều xã nhưng vô ích. Không biết chiến tranh có để em ở lại với cuộc đời này không ?

Con đâu rồi, đứa con nuôi Vĩnh Linh của tôi?


Chuyển ngành

Tháng 8 năm 1967

Trong bữa tối tiễn biệt trước khi Joris Ivens và Marceline Loridan trở lại Paris, Joris đã đặt tay lên vai tôi : “ Chính lúc này, đất nước Việt Nam đang rất cần những phóng viên chiến trường. Sau 2 tháng cùng làm phim ở Vĩnh Linh, tôi hiểu rằng Phượng rất thích hợp với nghề này. Ngoài ra, chính cái nghề nguy hiểm này đã cho chúng ta có những dịp duy nhất để chứng kiến và ghi lại tiếng khóc chào đời của một bé sơ sinh trong hầm tối cũng như tiếng khóc hạnh phúc của một người cha, những bằng chứng không chối cãi được về sự chiến thắng của Sự Sống trên Cái Chết ”.


Hà Nội tháng 12 năm 1967

Tôi vẫn tiếp tục làm việc tại Ủy ban Liên lạc Văn hóa với Nước ngoài. Nhưng giữa một Hà Nội tương đối yên lành, tôi không thể nào quên những kỉ niệm đã trải qua trong hai tháng sống dưới bom đạn ở Vĩ tuyến 17. Những lời khuyên bảo của thầy tôi, Joris Ivens, cứ văng vẳng trong trí nhớ.

Tôi bị dày vò với ý nghĩ : “ Con người ta chỉ có thể sống một cuộc đời. Hãy sống sao cho xứng đáng với sự thúc giục của lương tâm ”.

Sau khi đã bàn đi tính lại nhiều lần với chồng và ba con, may mắn là mọi người trong gia đình đều thông cảm và tán thành quyết định của tôi. Sau nhiều tháng cân nhắc lợi hại, cuối cùng tôi quyết định rời cái phòng khám đầy đủ tiện nghi ở Hà Nội để dấn thân vào một cuộc đời đầy nguy hiểm của một phóng viên chiến trường.


Đêm hôm ấy, dưới ánh sáng xanh rùng rợn của pháo sáng Mỹ, chiếc command-car thời chiến lại chở hai quay phim và tôi hướng về Phủ Lý, một nơi hứng chịu rất nhiều bom đạn Mỹ, cách Hà Nội chỉ 75 km.

Năm ấy, tôi vừa đúng ba mươi bảy tuổi.


h2


II.

Tháng 7 năm 1989, chuyến đầu tiên thăm nước Pháp


Trước năm 1989, tôi là bác sĩ kiêm phiên dịch tiếng Pháp tại Ủy ban Liên lạc Văn hóa với Nước ngoài.

Do công việc của mình, trong chiến tranh, tôi có nhiều dịp cùng đi với những nhà điện ảnh, nhà báo, nhà văn, nhà sử học Pháp đến những vùng bị bom đạn Mỹ tàn phá. Đã trải qua những giây phút chia sẻ hiểm nguy nên giữa chúng tôi đã có một tình bạn vững chắc và lâu bền.

Lần này, sau khi về hưu, đi một mình đến Paris, tôi được các bạn ấy săn sóc thật chu đáo về nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại, thăm thú các vùng ngoại ô Paris v.v… Những tình cảm ấy đã làm cho tôi rất cảm động.

Nhưng ngày này sang ngày khác, khi biết tôi đến từ một nước vừa thoát khỏi chiến tranh, nhiều người đã tỏ ý thương hại : “ Ôi Việt Nam ! Làm sao các bạn có thể gượng dậy được ? Bao nhiêu là trẻ mồ côi ! Bao nhiêu là gia đình ly tán v.v…”.

Cuối cùng không chịu nổi sự thương hại dù là đầy thiện chí ấy nữa, một ý nghĩ bật ra : “ Tại sao không giới thiệu với bạn bè mình một khía cạnh khác của Việt Nam : Nền văn hóa lâu đời của chúng ta ? Hay là nhân dịp đang ở Paris, ta thử mở một cuộc triển lãm nhỏ về tranh Việt Nam ? ”.


Ở Hà Nội, các họa sĩ và cả gia đình tôi đều rất khuyến khích tôi với dự án táo bạo này. Điều này khích lệ tôi bước vào một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với mình. Nhưng cứ nghĩ rằng : “ Cố gắng lấy hết can đảm để đi được bước thứ nhất thì ta mới có thể tiếp tục đi được bước thứ hai, bước thứ ba trên con đường đời… ”, nên tôi mạnh dạn trình bày ý định của mình với các bạn bè ở Pháp. May mắn là ông thị trưởng Quận 1 Thành phố Paris, nghị sĩ Michel Caldaguès, là một người rất yêu nghệ thuật, đã hết sức giúp đỡ tôi.

Kết quả là ba tuần sau, 72 bức tranh Việt Nam của nhiều họa sĩ do con trai tôi mang từ Việt Nam sang đã cùng họa sĩ Hoàng Sùng đến Paris. Sau tám ngày triển lãm, tôi đã bán được 37 bức. Một kết quả tốt đẹp như trong mơ.


Phòng tranh Lotus

Ngay sau khi trở về Sài Gòn, chúng tôi quyết định mở một phòng tranh tư nhân với mục đích là khuyến khích và phát triển những tài năng trẻ, hay những họa sĩ có tài nhưng chưa được biết đến hoặc chưa muốn người ngoài biết đến mình.

Tôi chọn tên Phòng tranh Lotus (hoa sen) khi nghĩ đến những bông sen “ gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn ” hay những lá sen dầu có bị gió mưa phũ phàng vẫn cố gắng giữ mình không bị vùi dập, ướt át.

Tôi bay ra Hà Nội, đến ngôi nhà bốn tầng ở 16 đường Ngô Quyền, nơi Bộ Văn Hóa dành riêng cho triển lãm tranh của họa sĩ toàn quốc.

Lên tầng 1 : Nhiều tranh màu sắc chói lọi, cảnh các nữ sinh áo trắng đi xe đạp khi tan trường, những cánh đồng hoa thơ mộng, những gốc đa cổ thụ rễ buông chằng chịt trên mặt hồ gợn sóng v.v… Tôi không chọn những tranh ấy.

Lên tầng 2 : Cảm giác tương tự.

Lên tầng 3 : Tôi không hào hứng mua những tranh này.

Đã định buồn bã trở xuống, bỗng một tấm bảng nhỏ treo đầu tầng 4 làm tôi chú ý : “ Triển lãm tranh của họa sĩ T.Đ.H. ”. Tôi cố gắng bước lên tầng 4.

Từ hành lang đến cánh cửa khép hờ của phòng triển lãm, không một bóng người. Tôi bước vào. Hàng chục bức tranh giấy cỡ nhỏ với những nét cọ táo bạo, màu sắc đối chọi chan chát, những gam màu đỏ, đen, tím, vàng nồng ấm một màu nâu của đất, dịu dàng một màu xanh của lúa. Một đôi mắt mở to chiếm toàn bộ một bức tranh, đôi mắt như ngạc nhiên, như sững sờ đăm đắm nhìn tôi : “ Tại sao ??? ”.

Đây rồi ! Những bức tranh theo trường phái Tượng trưng. Tôi hồi hộp đến gần một người đàn ông đang tựa đầu vào cánh tay, mắt nhắm kín. Tôi khẽ sờ vai ông ta : “ Tôi muốn gặp họa sĩ T.Đ.H ! ”. Một khuôn mặt khắc khổ, một mái tóc bạc trắng, một đôi mắt đỏ ngầu, ngái ngủ nhìn tôi : “ Tôi là H. đây ”.


h3h4


Từ buổi gặp gỡ ban đầu ấy, sự hợp tác giữa H. và phòng tranh Lotus đã kéo dài hơn 31 năm. Tôi đã mời H. đi cùng hay mang tranh H. đi dự các cuộc triển lãm từ Châu Á sang Châu Âu, Châu Úc rồi Washington D.C, New York… Cùng với các họa sĩ trẻ, H. đã thăm các bảo tàng, đã dự các cuộc hội thảo với những đồng nghiệp của các nước khác, đã để hàng giờ để ngắm nhìn sông Seine vào thu, đã hát hò tưng bừng với những đồng nghiệp Pháp trong những buổi tối gặp nhau trên đồi Montmartre. Có lần H. chia sẻ : “ Thì ra trên đời này có những cuộc sống khác, chị ạ ”.

Sau khi ra trường, được chuyển về một nơi hẻo lánh ở vùng bán sơn địa Bắc Việt Nam, gia đình H. gặp nhiều khó khăn. Với lối vẽ theo trường phái tượng trưng của mình, tranh H. chưa bán được. Không nản chí H. tìm đủ loại giấy để vẽ : giấy dó, giấy điệp, giấy báo cũ v.v... Việc mua màu vẽ gặp khó khăn, H. dùng vôi quét tường pha trộn theo cách riêng của mình để thành một loại bột màu riêng biệt. Những bức tranh của những năm ấy phản ánh lại tâm sự của người vẽ với sự phẫn nộ, nỗi đau khổ và niềm hi vọng…

Sau những ngày lao động chân tay vất vả để kiếm sống cho gia đình, đêm đến, dưới ngọn đèn dầu leo lét, người họa sĩ này vẽ cho chính mình. Vợ anh tâm sự với tôi : “ Nếu không vẽ được nữa, anh ấy sẽ chết ”.

Rất may mắn là vào đầu những năm 1991, sự phán xét về hội họa đã có phần rộng rãi hơn. Tranh trừu tượng bắt đầu được chấp nhận, và H. tổ chức được cuộc triển lãm đầu tiên của mình sau nhiều năm im hơi lặng tiếng. Chính lúc ấy, tôi gặp được H. trong cuộc triển lãm tại Hà Nội. Ngày 09 tháng 09 năm 2014, một triển lãm cá nhân của H. được tổ chức nhân dịp kỉ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước Pháp-Việt tại vùng Clichy-la-Garenne. 80 bức tranh H. đã được bán.

Sau đó, tôi đã nhận được rất nhiều thư mời đến triển lãm tranh H. ở Pháp, Bỉ, Ý, Phần Lan, Úc, Washington D.C và New York. 2.000 bức tranh H. đã đi vào các bộ sưu tập của nhiều người yêu tranh trên thế giới.


h5


Vào mùa thu năm 2022, H. từ giã cuộc đời vào tuổi 85. Vào những ngày cuối cùng, vợ ông cho biết ông luôn nhìn vào đôi tay đã cứng đờ của mình, những bàn tay đã tạo nên hàng ngàn bức tranh, những bàn tay đã giúp ông bền bỉ can đảm sống và sáng tạo.

Tôi còn giữ cho mình bộ sưu tập trên 100 tranh của H.

Nếu một ngày nào đó các bạn đến Sài Gòn, chúng ta sẽ cùng ngắm những bức tranh nói lên nỗi đau khổ, sự dằn vặt của một kiếp người. Đồng thời sẽ cảm thông và chia sẻ niềm hạnh phúc đáng trân trọng của một nghệ sĩ tài năng, can đảm, luôn luôn giữ cho cây cọ vững vàng diễn tả cho bằng được những cảm xúc của mình, dù phải vượt qua rất nhiều thử thách quyết liệt của cuộc đời.

Xuân Phượng



NGUỒN : Tham luận trực tuyến tại Hội thảo “ Phụ nữ Việt Nam : sáng tạo và dấn thân
Collège de France (Paris) ngày 8.6.2023.

Bản tiếng Việt do tác giả gửi cho Diễn Đàn ngày 4.7.2023 (đầu đề của ban biên tập)

Video tham luận (tiếng Pháp) : xem ở đây.


Về tác giả : xin đọc hồi ký Gánh gánh gồng gồng (2020, tái bản 2022), hay nghe sách nói : Gánh gánh gồng gồng, chương 1.

Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Xuân Phượng, một “ kỳ nữ Huế ”

Đoàn Tuấn, Một người “ chân trần chí thép ”

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us