Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Hai mươi thay bốn sáu.

Hai mươi thay bốn sáu.

- Vũ Kim Hạnh — published 04/07/2025 00:04, cập nhật lần cuối 04/07/2025 00:04


HAI MƯƠI THAY BỐN SÁU.

Ừ, TA HAI MƯƠI NHƯNG “HỌ” BAO NHIÊU?


Vũ Kim Hạnh


8g tối qua (2/7/2025, giờ Việt Nam) ông Tổng bí thư của Việt Nam đã nói chuyện và “gút” với Tổng thống Mỹ. Ngay sau đó, Trump đã thông báo chính thức trên…trang mang XH riêng của Trump về mức thuế này. Thay mức 46% bằng 20% cho hàng xuất từ VN và 40% (nếu trung chuyển từ nước thứ ba). Và toàn bộ hàng nhập từ Mỹ về Việt Nam đều cùng mức thuế bằng 0.

Như vậy những ngành xuất chính từ VN qua Mỹ như may mặc, thủy sản, đồ gỗ…có thấy dễ thở hơn không? Tạm thời là dễ thở hơn cái thòng lọng bốn sáu .

Chờ thì lâu mà nghe thông báo cũng thấy…chớp nhoáng quá? Thuế 20% vẫn là một gánh nặng, nhưng ít nhất chúng ta giữ được quyền tiếp cận thị trường Mỹ và có thời gian xoay xở. Không phải thắng lợi, nhưng là bước đi khôn ngoan trong lúc khó khăn.

DOANH NGHIỆP NGHĨ GÌ?

Tôi hỏi các bạn ngành thủy sản. Có người nói ngay: “Áp lực lắm” chị ơi.

Còn ngành gỗ? Một bạn thân trong ngành xuất khẩu gỗ thì có vẻ bình tĩnh, anh phân tích: “Tôi nghĩ là ok. Về bản chất thì Trader phải trả số này , họ sẽ cùng nhà sản xuất VN chia theo công thức 1/2 hay 1/3, 1/4 tùy cấu trúc chuỗi cung. DN VN sản xuất có thể ' gồng ' ở mức 5~7 % bằng cố gắng siết chi phí, tăng năng suất. Người làm ăn xuất khẩu gần đây thấy đã có chuyển động về tỷ giá. Sau thương lượng từ lãnh đạo quốc gia, giờ sẽ đến phiên doanh nghiệp thương lượng với nhà mua hàng. Ai có thực lực cạnh tranh thì người đó ổn.

Vấn đề còn đang nằm ở nội hàm của Transhipping được định nghĩa như thế nào nữa".

NHƯNG CÒN CHỜ. CHỜ GÌ?

Tuy nhiên, hầu hết họ dè dặt rằng… cũng khoan thở mạnh. Tất cả còn chờ. Vâng, ta hai mươi nhưng “họ” bao nhiêu, điều rất quan trọng trong cạnh tranh.

“Họ” đây là ai? Là những đối thủ cạnh tranh từng ngành hàng (cùng) xuất khẩu sang Hoa Kỳ. May mặc thì đó là Bangladesh, Ấn độ…Nông sản là Thái Lan. Đồ gỗ là Mã Lai... Nói vậy là không đủ và còn quá chung?

Nghe bạn bè doanh nhân của tôi kể tên: Thái, Mã, Indo, India…chắc thuế thấp hơn ta rồi?

Trên các bản tin quốc tế thì các phản ứng đầu tiên là:

Theo CNN, cổ phiếu của các công ty phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Việt Nam đã tăng mạnh sau tin tức về thỏa thuận thương mại. Cụ thể: Nike tăng 3,1%, Columbia Sportswear tăng 1,5%, Lululemon tăng 0,7%, VF Corporation – công ty mẹ của The North Face và Vans – tăng 2,4%.

Trước đó chỉ đôi ngày, mọi người bàn tới một ẩn số nữa. Vấn đề xuất xứ của sản phẩm (rules of origin). Mỹ đòi hỏi phần giá trị gia tăng từ nội địa trong sản phẩm xuất khẩu phải đạt mức tối thiểu để được hưởng mức thuế thấp theo thỏa thuận, nếu không sẽ chịu thuế suất cao hơn.

Ví dụ, đối với Ấn Độ, Mỹ muốn giá trị nội địa là 60% làm ở Ấn Độ, trong khi Ấn Độ muốn 35%. Theo hiệp định Mỹ- Canada- Mexico USMCA, giá trị nội địa tối thiểu là 40%.

Đối với VN, chưa rõ Mỹ đòi hỏi giá trị nội địa tối thiểu là bao nhiêu ?

Nay đã chốt mức 20% rồi thì…

Tôi nghĩ tới nhiều thay đổi mà các Hiệp hội, các ngành phải tính.

Tiêu chuẩn Xanh thì thị trường Mỹ không yêu cầu. Thậm chí đạo luật “bự và đẹp” theo cách gọi của Trump còn công khai khuyến khích năng lượng hóa thạch. Chỉ ngặt nghèo nhất là những gì liên quan đến bạn lớn sát vách với ta, TQ mà thôi.

Là tiếng chuông mà Trump gõ đầu tiên, Việt Nam là nước đầu tiên chốt được đàm phán thương mại cũng chứng tỏ vai trò chiến lược của VN trong các chuỗi cung ứng và trong cuộc cạnh tranh thị trường Mỹ-Trung hiện nay.

Trong khi “vui Xuân mới không quên nhiệm vụ”, Trump đang tập trung cho sự ra đời của Đạo luật OBBBA (cũng đang rất xôn xao bên Mỹ) mà cũng lo "chốt deal" về thuế với các nước. OBBBA cắt giảm thuế và tăng chi tiêu quốc phòng. Có rất nhiều điều liên quan đến thế giới và dĩ nhiên, có liên quan Việt Nam.

Nên hôm qua, khi bàn với ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Hội Doanh Nghiệp Xanh về bài phát biểu của ông tại Diễn đàn Xanh và ngày Hội tái chế 2025 mà chúng tôi tổ chức vào ngày 31/7, thì dù thảo luận một vòng về các vấn đề nóng gần đây, thị trường tín chỉ carbon, việc giảm phát thải trong doanh nghiệp thì cuối cùng chúng tôi cũng phải theo thời, cùng nhau chọn là :”Những thách thức cho Chuyển đổi Xanh trong thời đại VUCA”.

Cứ theo cách làm việc chớp nhoáng của ngài Đỗ Nam Trung thì tình hình biến động còn kéo dài. Chắc phải đến hơn 3 năm nữa…

Mình phải luôn lo giữ vững nội lực của mình thôi.


Vũ Kim Hạnh


Nguồn: Trang FB của tác giả

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
LE SOLEIL TOMBE SANS UN BRUIT - Thao Nguyen Phan 12/06/2025 - 07/09/2025 — 13, avenue du Président Wilson, 75116 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us