Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Đời sống văn hoá

Đời sống văn hoá

- Kiến Văn — published 09/09/2006 15:09, cập nhật lần cuối 13/03/2007 22:51
Nhà búp bê (của H. Ibsen) và Bà tỉ phú về quê (của F. Dürrenmatt) trên sân khấu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.


Ibsen và Dürrenmatt trên sân khấu Việt Nam


Hai sự kiện nổi bật trên sân khấu Việt Nam cuối năm 2006 này : Lễ hội Ibsen Việt Nam 2006 và công diễn một vở kịch lớn của Dürrenmatt.

Lễ hội Ibsen Việt Nam 2006 do đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức nhân kỉ niệm lần thứ 100 ngày mất của văn hào Henrik Ibsen (1828-1906). Diễn ra tại Hà Nội trong tháng 11, tại thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 12, Lễ hội Ibsen bắt đầu bằng buổi truyền hình trực tuyến (tối 28.10) vở Hedda Gabbler do Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng trên VTV1. Chương trình lễ hội bao gồm triển lãm (Ibsen - Thời đại chúng ta), hội thảo và những cuộc gặp gỡ của sinh viên và những chuyên gia về nhà viết kịch Na Uy. Cái "đinh" của Lễ hội này hẳn là vở kịch Nhà búp bê do Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng với đạo diễn Lê Hùng. Nghệ sĩ Lê Khanh thủ vai Nora.

2006 cũng là năm kỉ niệm 50 năm ngày đầu tiên công diễn vở kịch của Friedrich Dürrenmatt : Der Besuch der alten Dame (Chuyến về thăm của bà lão / bản dịch tiếng Anh : The Visit, tiếng Pháp : La visite de la vieille dame). Với sự hỗ trợ của Viện Goethe (trung tâm văn hoá Đức tại Việt Nam), Nhà hát kịch Việt Nam đã dàn dựng vở kịch này theo bản dịch của Lê Chu Cầu (*) : Bà tỉ phú về quê. Vở kịch do nghệ sĩ Thuỵ Sĩ Rudolf Straub đạo diễn (với trợ lí Đỗ Kỷ, phần âm nhạc do Pierre Oser phụ trách). Sau khi công diễn lần đầu tiên tại Nhà hát lớn Hà Nội tối 24.11 này (và tối hôm sau) Bà tỉ phú... sẽ được chuyển sang sân khấu rạp Hồng Hà trước khi lưu diễn ở Thành phố Hồ Chí Minh (từ 5 đến 8.12) và Hải Phòng (23.12).


Chủ đề vở kịch nổi tiếng của Dürrenmatt, Lê Kim N. đã tóm tắt rất hay trên mạng talawas :


« Nguyên tác mang tựa đề thực ra rất vô thưởng vô phạt, Der Besuch có nghĩa : buổi thăm viếng, chuyến ghé thăm ; die alte Dame : người đàn bà cao tuổi, bà mệnh phụ, cụ già, lão bà... Tựa đề trong bản dịch tiếng Anh còn bị giảm thiểu, chỉ còn The Visit: Chuyến về thăm. Người đọc cũng như các nhân vật mãi cuối màn đầu mới ngỡ ngàng thảng thốt hiểu ra mục đích của chuyến về thăm quê xưa : Bà Claire Zachanassian sẵn sàng giúp thị trấn một tỉ (tác giả để đơn vị tiền tệ tuỳ nơi diễn) với điều kiện công lý phải được tái lập, nỗi oan khiên của bà phải được hoá giải, cụ thể là đòi đánh đổi mạng sống của Alfred Ill, người không những đã phụ bạc cô gái Klara ngày đó mà còn mua chuộc quan toà và người làm chứng gian, bức bách cô phải tủi nhục bỏ xứ mà đi, bán thân nuôi miệng, có lẽ chỉ sống qua bao thăng trầm là nhờ căm cắm trong lòng quyết tâm sẽ có ngày về báo thù xưa. »

« Đến đây thì vở kịch hết còn vẻ vô thưởng vô phạt lúc đầu. Tính cách nhân vật dần dần rõ nét : những người dân tỉnh nhỏ nọ không phải chỉ đáng thương, đáng tội nghiệp mà tùy hoàn cảnh có thể trở thành hung ác, tàn nhẫn; bà lão từ thiện, tật nguyền (mang chân tay giả, máu còn lưu thông nhờ máy điều hoà nhịp tim) nay là hiện thân của Nữ thần báo oán Nemesis như trong truyền thuyết Hy Lạp


Không cần có óc tưởng tượng phong phú gì lắm cũng có thể hình dung ra những chướng ngại phải vượt qua để một vở kịch, với đề tài như vậy, được dàn dựng ở Việt Nam. Quả thật, bản dịch của Lê Chu Cầu là bản dịch tiếng Việt thứ ba của tác phẩm Der Besuch der alten Dame.


Đầu thập niên 1990, đạo diễn kiêm nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã, từ bản dịch tiếng Anh (của P. Bowles), phóng tác thành Khi nàng "Thuý" trở về, nhưng trong nhiều năm, bản thân chị và nhiều đạo diễn khác, trong nam cũng như ngoài bắc, không được phép dựng kịch. Bạn đọc có thể xem toàn văn phóng tác trên trang :

http://www.gio-o.com/NguyenThiMinhNgocKhiNangThuyTroVe.html

và theo dõi nỗi truân chuyên của kịch bản này trong phần "Lời ngỏ".

Gần đây hơn là bản dịch Bà lớn về thăm của nhà văn PhạmThị Hoài :

http://www.talachu.org/kich.php?bai=13

Trong Lời nói đầu, nhà văn kể lại quá trình thương lượng năm 2004 giữa Viện Goethe, Quỹ Pro Helvetia (Thuỵ Sĩ), Nhà hát kịch Việt Nam và Bộ văn hoá thông tin, để rồi, tháng 9.2004, vở kịch bị từ chối vì lí do "không phù hợp với Việt Nam". Người ta có thể suy luận ra những "lí do". Trước hết là bản thân vở kịch. Thêm đó là khía cạnh "nhạy cảm" mà Phạm Thị Hoài phân tích như sau :

« Muốn hay không, ngẫu nhiên câu chuyện của Dürrenmatt về một người đàn bà bị phản bội, oan khuất, ruồng bỏ, không còn đất sống trên quê hương, phải lăn lộn tha phương cầu thực, nay giầu sang tột đỉnh trở về thăm quê và tung tiền mua nhân tâm, chuộc công lí, báo thù cho quá khứ, gợi những liên tưởng nhất định đến quan hệ trong quá khứ và hiện tại của Việt Nam với cộng đồng người Việt từng phải bỏ nước ra đi, nay là những đối tượng cần „tranh thủ“ - để dùng một trong những khái niệm kì lạ nhất của ngôn ngữ vận động và tuyên truyền vẫn còn sót lại. Tôi có thể hiểu, tự thân Dürrenmatt đã là khó chịu, thêm những hoàn cảnh không hẹn mà nên khác vào đó thì sự khó chịu được gọi là sự không phù hợp cũng còn là mềm

Có lẽ còn một lí do nữa : nhân thân người dịch. Chúng tôi viết như vậy vì cuối năm 2005, nhà cầm quyền thông báo cho Viện Goethe biết có thể "chấp nhận" Der Besuch der alten Dame nếu dựa trên một bản dịch khác (2005 cũng là năm Talawas do Phạm Thị Hoài sáng lập và chủ biên bị tường lửa ngăn chặn).


Biết đâu một ngày kia, chúng ta sẽ được xem một vở kịch Cuộc viếng thăm khó nhọc của Dürrenmatt ở Việt Nam. Trong khi chờ đợi, xin chúc Bà tỉ phú... thuận buồm xuôi gió.

Kiến Văn

(*) Lê Chu Cầu, sống ở Đức, là tác giả nhiều bản dịch văn học giá trị mà Diễn Đàn đã đôi lần giới thiệu. Anh đã dịch Süskind, Coelho, Ende, Gordon, Treichel, Brecht...

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss