Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Khai thác bô-xit Tây Nguyên : góc nhìn kỹ sư (3)

Khai thác bô-xit Tây Nguyên : góc nhìn kỹ sư (3)

- Đặng Đình Cung — published 22/05/2009 08:00, cập nhật lần cuối 21/05/2009 23:53

Khai thác mỏ bauxit ở Tây Nguyên :
Quan điểm của một kỹ sư


ĐẶNG Đình Cung

Kỹ sư tư vấn

 


Phần III - Dự án và xáo trộn văn hoá xã hội

Mọi dự án công nghiệp lớn đều làm xáo trộn đời sống văn hoá xã hội địa phương. Vấn đề là

xáo trộn có hậu quả tiêu cực hay tích cực,

nếu có hậu quả tiêu cực thì chọn giải pháp giảm thiểu những hậu quả tiêu cực đó,

và giải pháp đó nhân dân địa phương vẫn có thể chịu đựng được không.

Đồng bào Tây Nguyên

Dân số hai tỉnh liên hệ với dự án Nhân Cơ và Tân Rai, tỉnh Đắk Nông và và tỉnh Lâm Đồng, tổng cộng 1.620.000 nhân khẩu[i]. Đồng bào ở hai tỉnh này chủ yếu gồm các dân tộc Ê Đê, M'Nông, Cơ Ho, Mạ, Ra Glai, Kinh, Tày và Nùng. "Hiện nay dân tộc Kinh cư trú ở Ðắc Lắc chiếm tỷ lệ khá lớn. Cùng với người Kinh, các dân tộc thiểu số miền Bắc gần đây cũng di chuyển vào khu vực này (kể cả di chuyển theo kế hoạch và không kế hoạch) với số lượng khá lớn"[ii].

Những đe doạ về văn hoá xã hội

Mỗi dân tộc đều có một nền văn hoá mang bản sắc riêng từ lâu đời, phản ánh truyền thống, lịch sử và niềm tự hào dân tộc. Bản sắc văn hoá dân tộc là tất cả những giá trị vật chất và tinh thần, bao gồm tiếng nói, chữ viết, văn học, nghệ thuật, kiến trúc, y phục, tâm lý, tình cảm, phong tục, tập quán, tín ngưỡng... được sáng tạo trong quá trình phát triển lâu dài của lịch sử. Nguy cơ là đa dạng văn hoá của Quốc gia Việt Nam sẽ giảm nếu văn hoá của một dân tộc suy thoái. Vì không được đọc Báo cáo Tác động Văn hoá Xã hội của dự án bauxit Tây Nguyên, chúng ta lo ngại cho tương lai của dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

So với các dân tộc khác, đời sống văn hoá xã hội các dân tộc thiểu số ở Tây nguyên đã bị xáo trộn nhiều nhất trong hai chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ và đang tiếp tục bị xáo trộn vì, sau 1975, người Kinh và những người thuộc dân tộc thiểu số ở ngoài Bắc đến định cư canh tác. Dự án bauxit Tây Nguyên chắc chắn sẽ xáo trộn đời sống thêm nữa.

Một dân tộc của Quốc gia Việt Nam cư trú ở một số vùng nhất định. Nhưng ở vùng đó cũng có dân tộc khác sống xen kẽ. Vì thế mà, theo Hiến pháp CHXHCN Việt Nam, nước ta không có "khu dành riêng cho người da đỏ" ("Indian Reservation") như ở các nước Mỹ Châu hay những vùng tự lập như ở Liên Xô cũ và ở Trung Quốc và mọi công dân Việt Nam thuộc dân tộc nào cũng đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau.

Khi hai văn hoá tiếp cận thì văn hoá của dân tộc giầu sẽ ép chẹt văn hoá dân tộc nghèo hơn. Cả thế giới xem phim Mỹ vì người Mỹ giầu nhất thế giới. Thanh niên người Kinh bắt chước lối sống thanh niên Việt Kiều nhiều tiền hơn. Thanh nữ người Kinh theo thời trang phụ nữ Hàn Quốc, giàu hơn 25 lần,... Vì dân ta hãy còn nghèo, nhiều người mơ ước được đi học hay định cư ở những nước Tây Âu. Tiếp cận với người Kinh và người các nước khác qua phương tiện truyền tin hiện đại, lớp trẻ những dân tộc thiểu số sẽ từ bỏ lối sống cổ truyền của dân tộc họ, muốn rời khỏi nơi sinh trưởng, hoà nhập với người Kinh để theo đuổi lối sống của những người giầu sang hơn. Điều này làm cho văn hoá các dân tộc nghèo hơn trung bình từ từ suy tàn mai một đến mức không còn biểu hiện đặc tính của một dân tộc riêng biệt nữa. Lúc đó Quốc gia Việt Nam sẽ nghèo đi.

Cấm người dân tộc khác đến định cư ở Tây Nguyên để bảo tồn văn hoá những dân tộc bản địa không phải là một giải pháp. Giải pháp cũng không phải là vĩnh viễn tài trợ các lễ hội truyền thống của những dân tộc có văn hoá bị đe doạ vì, lâu dần, sẽ không còn chủ lễ để tổ chức những lễ hội đó nữa. Giải pháp là phải tạo diều kiện để các đồng bào thiểu số có thể tự mình nâng mức sống đến ngang hàng với mức sống trung bình của tất cả người Việt Nam. Giải pháp này chẳng qua cũng chỉ là một mục đích của xã hội chủ nghĩa.

Tình hình kinh tế

Tây Nguyên có nhiều phong cảnh núi rừng ngoạn mục. Nhưng ngành du lịch chưa phát triển vì thiếu hạ tầng giao thông và, đặc biệt, thiếu người được đào tạo làm hướng dẫn viên. Nhờ địa thế cao nguyên và nhiều thác nước, tài nguyên thủy năng lớn đang biến Tây Nguyên thành bình điện của phía Nam Việt Nam. Nhưng những nhà máy thuỷ điện cần ít lao động và những lao động cần thiết đều là lao động chuyên môn kỹ thuật. Về lâm nghiệp Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ rừng bị tàn phá hết vì người Kinh và người dân tộc thiểu số miền Bắc đến lập nghiệp xâm lấn rừng để ở và sản xuất, người dân tộc thiểu số dân bản địa phá rừng làm rẫy và lâm tặc khai thác gỗ trái phép.

Đời sống nông dân địa phương vẫn khó khăn vì phương pháp canh tác không tối ưu.

Chính phủ đã thành lập ở Tây Nguyên các nông lâm trường thuộc trung ương hoặc thuộc tỉnh quản lý chiếm phần lớn diện tích đất các tỉnh Tây Nguyên. Từ 1975 đến nay, vì quản lý kém, những xí nghiệp này không sinh bao nhiêu lợi. Cư dân bản địa trồng lúa theo chế độ luân khoảnh theo phương pháp đao canh hoả chủng (phát, đốt rồi chọc lỗ tra hạt; thu hoạch theo lối tuốt lúa bằng tay), mỗi năm chỉ trồng một vụ. Để cải thiện đời kinh tế gia đình thì có thêm nghề thủ công, săn bắn, đánh cá, hái lượm lâm thổ sản. Những người mới nhập cư Tây Nguyên trồng những cây công nghiệp như cà phê, ca cao, hồ tiêu, dâu tằm, trà, cao su,… Giá trên thị trường quốc tế những sản phẩm những cây công nghiệp biến động nhanh và mạnh như giá thị trường của mọi vật phẩm. Vì làm ăn theo dạng cá thể những người này có ba nhược điểm làm cho lợi tức của họ không cao lắm :

họ không có đủ vốn lưu hành để tích trữ sản phẩm chờ thời cơ bán ra thị trường với giá cao,

họ không tiếp cận được thị trường quốc tế nên phải chịu ách của những lái buôn môi giới,

họ không có khả năng hấp thụ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

Trước tình cảnh đó, người Tây Nguyên, bản địa cũng như mới nhập cư, phải tìm một sinh kế khác. Các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều điện là một hướng phát triển đầy hứa hẹn nhất. Với tài nguyên thuỷ điện và bauxit, Tây Nguyên có thể là một vùng kinh tế trọng điểm dựa trên tài nguyên bauxit.

Có người nói rằng khai đào bauxit sẽ làm nông dân mất đất để sinh sống. Điều này không đúng vì :

thu hoạch của một việc làm công nghiệp cao hơn là thu hoạch của một việc làm nông lâm nghiệp,

như viết ở một phần trên, khai đào mỏ quặng tương đối không chiếm nhiều đất,

những nơi có hàm lượng quặng bauxit lớn thì cây cối phát triển rất kém vì không có chất mùn, có những quả đồi bauxite gần như lộ thiên, nằm dưới lớp[iii],

những người có đất bị giải toả vẫn có thể trở lại canh tác những diện tích đã hoàn thổ với hiệu suất cao hơn.

Có người cũng nói rằng mỏ bauxit sẽ không sử dụng tất cả những nông dân không còn đất để canh tác. Điều này vừa đúng vừa sai. Mỏ sẽ không tuyển tất cả những nông dân không bị giải toả đất. Nhưng mỏ bauxit và những nhà máy alumin sẽ sinh ra những việc làm gián tiếp : những hoạt động dịch vụ y tế, giáo dục, nhà hàng, giải trí,… những hoạt động sản xuất, xây dựng, sửa chữa, phục vụ dân đia phương,… Ở Pháp một việc làm trong một xí nghiệp lớn sinh ra đủ việc làm gián tiếp để nuôi sống mười người. Nếu có thêm nhà máy điện phân alumin có công suất đủ để tiêu thụ tất cả alumin sản xuất thì có thể nhân đôi số chỗ làm. Còn nếu những xí nghiệp cơ khí đến sản xuất những sản phẩm cuối cùng bằng nhôm thì lại còn thêm việc làm nữa. Số lao động này khó có thể tính trước được.

Nâng cao mức sống và giáo dục phổ thông

Nhà văn Nguyên Ngọc có nêu : "Ở Tây Nguyên, suốt hơn 30 năm qua, các dự án khu công nghiệp hiện đại, cả lớn và nhỏ, chưa từng có nơi nào thành công trong việc đưa người dân tộc thành công nhân công nghiệp. Con số người dân tộc trở thành công nhân trong các khu công nghiệp chỉ là zêrô"[iv]. Tình trạng này là do người dân tộc thiểu số không có tối thiểu kiến thức khoa học kỹ thuật. Những hoạt động sản xuất hiện nay của họ có thể cha truyền con nối theo lối làm mẫu, bắt chước và truyền khẩu. Những hoạt động sản xuất của mô hình kinh tế hiện đại kể trên cần đến những kiến thức khoa học kỹ thuật ít nhất ở trình độ giáo dục phổ thông.

Theo số liệu của TCTK thì, quy ra 1.000 nhân khẩu, chúng ta có những nhận xét sau đây (bảng 2 ):

so với trung bình cả nước thì giáo dục phổ thông ở Đắk Nông và Lâm Đồng tương đối có nhiều giáo viên và học sinh hơn, vượt xa Thành phố Hồ Chí Minh,

về đào tạo đại học và cao đẳng thì xấp xỉ bằng trung bình cả nước,

còn về đào tạo trung học chuyên nghiệp thì thua xa trung bình cả nước.

Bảng 2   Số giáo viên và học sinh/Sinh viên quy 1.000 nhân khẩu

 

CẢ NƯỚC

ĐẮK NÔNG

LÂM ĐỒNG

TP HCM

Giáo viên

Giáo dục phổ thông

6,6

8,0

6,9

4,3

Đại học và Cao đẳng

0,7

1,3

0,5

2,1

Trung học chuyên nghiệp

0,2

0,1

0,1

0,3

Học sinh và sinh viên

Giáo dục phổ thông

184,2

269,3

220,1

145,5

Đại học và Cao đẳng

22,6

21,3

23,7

79,2

Trung học chuyên nghiệp

7,3

2,4

3,5

18,6

(Tính từ số liệu của TCTK)

 

Những con số này cho thấy chính phủ đã ưu đãi giáo dục phổ thông ở Đắk Nông và Lâm Đồng và tại sao chúng ta đã thành công trong chương trình xoá đói giảm nghèo ở các vùng xa như Tây Nguyên và thất bại ở các thành thị như Thành phố Hồ Chí Minh.

Chỉ có các dân tộc Tây Nguyên mới biết được mình muốn gì cho tương lai dân tộc mình. Chúng tôi chỉ có thể phát biểu quan điểm của một Việt kiều sinh sống ở Pháp và gốc người Kinh : nếu muốn hưởng một mức sống cao và duy trì văn hoá của mình thì phải có trình độ kiến thức phổ thông để có thể chuyển sang những hoạt động sản xuất hiện đại. Chính quyền địa phương phải thuyết phục những gia đình không quan tâm đến giáo dục con cái rằng mức sống tương lai của họ và sự duy trì văn hoá dân tộc họ tuỳ ở trình độ học vấn con cái họ.

Xí nghiệp và nhân công Trung Quốc

Chúng tôi phân biệt dân tộc Hoa, một thành phần của nước Việt Nam và người Trung Quốc, công dân một nước khác, sinh sống hay tạm trú ở Việt nam. Khi xưa sự phân biệt này không rõ lắm. Trong những thập niên 50 đến 70 thế kỷ trước, chính quyền Việt Nam Cộng Hoà cũng như chính quyền Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã bắt những người gốc Trung Quốc phải chọn giữa quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước khác hay địa vị vô quốc tịch. Kết quả là những người đã chọn quốc tịch Việt Nam là những người thực sự tự coi mình là thành phần của nước Việt Nam và chỉ có trên dưới một phần trăm dân số Việt Nam là người Hoa. Khi xưa, đa số đã tham gia vào kháng chiến giải phóng thống nhất đất nước. Bây giờ, quy ra đầu người, người Hoa đóng góp nhiều nhất cho phát triển kinh tế. Họ có quyền và nghĩa vụ do Hiến pháp quy định và không ai được phép nghi ngờ sự chung thuỷ của dân tộc Hoa đối với đất nước Việt Nam.

Người Trung Quốc tạm trú ở Việt Nam là một chuyện khác. Họ có thể bị trục xuất nếu phá rối an ninh trật tự, nếu không tôn trọng pháp luật hay chỉ bị nghi ngờ có âm mưu làm hại đến Việt Nam. Đây không phải là hành vi của một chính quyền chuyên chế : tất cả các nước trên thế giới đều đối đãi như vậy đối với cư dân hay du khách có quốc tịch ngoại quốc.

Sau đây chúng tôi xin đúc kết những thông tin đọc trong sách báo chuyên về thông tin kinh tế kinh doanh và những chuyện các bạn đồng nghiệp có kinh nghiệm quốc tế kể[v]. Những thông tin này cần được đánh giá lại vì nguồn gốc là những xí nghiệp Tây Âu đối thủ của những xí nghiệp Trung Quốc.

Những xí nghiệp thiết kế và xây dựng

Các xí nghiệp Trung Quốc có một phương pháp quản lý dự án xây dựng rất độc đáo mà các xí nghiệp thiết kế và xây dựng Việt nam cần nghiên cứu và làm theo.

Tất cả nhân viên quản lý giám sát, xây dựng và phụ trợ , từ cấp giám đốc, cán bộ đến nhân công phổ thông đều là người của họ, do họ tuyển và bồi dưỡng kỹ năng. Hầu như tất cả những người này là người Trung Quốc, có khi thuộc địa phương xí nghiệp có trụ sở. Khi có hợp đồng xuất khẩu thì họ mang từ Trung Quốc tất cả những nhân viên họ đã đào tạo sẵn và máy móc cơ khí xây dựng họ đều có sẵn, lắp ráp hay mua ở Trung Quốc. Kể cả đầu bếp, nhân viên làm vệ sinh họ cũng mang từ nước họ. Nước khách hàng hầu như không đóng góp gì trong việc thực hiện dự án. Họ tuyển rất ít người nước chủ nhà và nếu có tuyển thì chỉ tuyển khi nào thiếu thể lực thi hành.

Với phương pháp đó, chúng tôi không lấy làm lạ khi ông Phạm Sĩ Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phàn nàn "ở Tân Rai, hiện có hơn 700 lao động đang làm việc trên công trường, trong đó có 500 lao động người Trung Quốc, 200 lao động Việt Nam và hơn 10 người nước khác làm giám sát công trình"[vi].

Thông thường một công trình phải mấy năm mới xây xong (có khi tới hơn mười năm) và cần đến cả nghìn nhân công và kỹ sư. Để cho những người đó và gia đình họ sinh sống bình thường thì phải lập cả một đô thị (life base) với tiện nghi nhà ở, siêu thị, trường học, nhà thương, khu giải trí và có khi cả những nơi hành đạo. Một công trình do Trung Quốc xây cũng có một đô thị tạm thời như vậy. Chỉ khác là người Trung Quốc sống chung với nhau ít giao dịch với người nước chủ nhà, những người làm dịch vụ phụ trợ (giáo viên, bác sĩ,...) cũng là người Trung Quốc. Trừ thực phẩm tươi mọi thứ cần thiết cho đời sống thường ngày, mọi thứ để xây đô thị tạm thời kể cả bàn ghế và văn phòng phẩm từ Trung Quốc mang sang. Sau khi dự án được hoàn tất họ rỡ đi hết mang về nước không để lại một tý gì... Một bạn đồng nghiệp nói : "họ sống như lính Mỹ sống trong những doanh trại ở nước ngoài".

Lề lối làm ăn như thế rất hữu hiệu :

nếu chỉ dùng người Trung Quốc thì không có vấn đề chuyển ngữ và khác biệt văn hoá nên nhân viên dễ hiểu những mệnh lệnh,

nếu chỉ dùng nhân viên của xí nghiệp thì giảm việc đào tạo vì nhân viên đã có kinh nghiệm những công trường trước và, nếu cần, học những kỹ năng mới mau hơn,

nhân viên đã biết việc thì lao động có hiệu quả hơn, kiểm tra và bảo đảm chất lượng công việc dễ hơn,

giảm số nhân viên ngoài xí nghiệp thì cũng giảm rủi ro bí quyết tay nghề bị xí nghiệp đối thủ hay nước khác ăn cắp,

lương Trung Quốc rẻ hơn so với những nước khác,

so với lương ở Trung Quốc, nhân viên thường có lương cao hơn lại có thêm trợ cấp xa nhà nên lao động rất nhiệt tình.

Nhờ đó, so với đối thủ các nước khác, giá thầu của những xí nghiệp thiết kế và xây dựng Trung Quốc thường rẻ và thời hạn hoàn tất công trường ngắn hơn. Nhiều nguyên thủ Phi Châu rất hài lòng về hai điểm này.

Những xí nghiệp thiết kế và xây dựng Trung Quốc không có chính sách để nhân viên ở lại nước khách hàng. Vì nhân viên có tay nghề và kinh nghiệm là những tiềm năng hiếm của một xí nghiệp họ rút ngay về Trung Quốc mỗi người đã hoàn tất công việc được giao phó để bổ túc kỹ năng trước khi điều đi công trường khác. Ngoại trừ trường hợp một cá nhân xin từ chức để ở lại, không có chuyện nhân viên một xí nghiệp thiết kế và xây dựng Trung Quốc ồ ạt nhập cư nước khách hàng.

Những xí nghiệp khác

Mặc dù kinh doanh thường trực, những xí nghiệp Trung Quốc không can thiệp gì vào nội bộ chính trị nước chủ nhà cả. Họ quản lý nhân sự địa phương như ở nước họ. Ở những nước không có luật lao động hay luật lao động dễ dãi hơn ở Trung Quốc thì nhân viên của họ rất hài lòng. Ngược lại, ở những nước có luật lao động khắt khe và tiến bộ hơn thì luôn luôn có mâu thuẫn với chính quyền địa phương và có nhiều tranh chấp lao động. Sau một vài năm tìm hiểu nhau, những xí nghiệp lớn tuân thủ pháp quy nước chủ nhà và kinh doanh ổn định. Nhưng những xí nghiệp nhỏ thì ít khi đạt được liên hệ hài hoà với chính quyền và người lao động địa phương.

Một đặc tính nữa là những chức vụ quản lý và chỉ huy đều nằm trong tay người Trung Quốc. Người nước chủ nhà chỉ được làm những việc cần đến nhiều thể lực do người Trung Quốc giao làm.

Từ vài năm nay có một hiện tượng mới. Để bảo đảm an ninh lương thực, Trung Quốc thuê đất để gửi nông dân của họ đến canh tác ở những nước có thừa đất nông nghiệp nhưng không có nhân lực và/hay vốn đầu tư. Tình huống này hãy còn mới nên chưa ai biết được hậu quả cho nước chủ nhà về xáo trộn kinh tế, xã hội, chính trị và quân sự ra sao.

Mô tả như thế thì những người Trung Quốc đi làm việc ở các nước khác không biểu hiện một đe doạ tiềm tàng nào cho độc lập và vẹn toàn lãnh thổ của nước chủ nhà. Nhưng, những thông tin chúng tôi gom được chỉ liên quan đến những nước không giáp giới với Trung Quốc. Về ba nước có biên giới với Trung Quốc (Myanmar, Lào và Việt Nam), chúng tôi chỉ có những tin đồn.

Đặc biệt có tin đồn, không được nhà cầm quyền Việt Nam xác nhận hay phủ nhận, người Trung Quốc ồ ạt đến khai thác bauxit ở Tây Nguyên và những người đó có thể là quân nhân trá hình. Một số lão tướng đã phát biểu lo ngại nhân công Trung Quốc làm việc ở Tây Nguyên có thể đe dọa đến an ninh của Việt Nam[vii]. Cụ Hồ có dạy : "không có gì quý hơn độc lập và tự do", chúng tôi không biết Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có quan tâm đến vấn đề này chưa. Kiến thức của chúng tôi chỉ đủ cho phép trao đổi ở cấp trà dư tửu hậu thôi về vấn đề này với các nhà quân sự trong nước.

 

*

 

Ông Trần Quốc Huy, bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, tuyên bố : "Nếu làm tốt thì không lo dân phản đối"[viii]. Nhưng chính phủ và TKV đã đánh giá tác động môi trường và tác động văn hoá xã hội của dự án một cách hời hợt.

Mọi người, mọi dân tộc đều có một sức ỳ trước đổi mới (resistance to change). Để dự án bauxit Tây Nguyên có triển vọng thành công thì trước tiên phải có một công trình nghiên cứu xã hội học và nhân chủng học để tìm ra những biện pháp thích ứng chống lại sức ỳ đó. Sau đó phải có công tác dân vận : trình bày thành thực, rõ rệt và một cách dễ hiểu những khía cạnh kỹ thuật, những rủi ro và những lợi ích của dự án.

Những khẩu hiệu "khai thác bô xít Tây Nguyên là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội X của Đảng"[ix] hay là "đã được triển khai nghiêm túc" và mọi việc "đã được tính toán kỹ lưỡng", "đã được các nhà khoa học nhất trí"[x] đâu phải là những luận chứng khoa học để thuyết phục dự án bauxit Tây Nguyên sẽ mang lợi cho nhân dân địa phương. Một nghị quyết của Đảng đâu phải là một giấy phép trắng để muốn làm gì thì làm một cách vô ý thức.

Đặng Đình Cung


[i] TCTK : "Dân số và mật độ dân số năm 2007 phân theo địa phương" đăng ở địa-chỉ Internet
http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=387&idmid=3&ItemID=7337

[ii] UBDT : "Đại gia-đình các dân-tộc Việt-Nam" đăng ở địa-chỉ Internet
http://cema.gov.vn/modules.php?name=Content&mcid=122

[iii] "Bauxite Tây Nguyên cái nhìn cận cảnh" đã trích-dẫn.

[iv] "Cái giá văn hoá-xã hội-chính trị của các đại dự án bô-xít" đăng ở địa-chỉ Internet
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5168/index.aspx

[v] Trong số những sách chúng tôi đã đọc :

Gaye A. : "Chine-Afrique : Le dragon et l'autruche - Essai d'analyse de l'évolution contrastée des relations sino-africaines : saint ou impie alliance du XXIe siècle ?", L'Harmattan, 2006.

Alden C : "China in Africa", Zed Books Ltd, 2007.

[vi] "TKV: Làm bô-xít hiệu quả hay không, chờ thực tế mới biết" đăng ở địa-chỉ Internet
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/6642/index.aspx

[vii] Đề-nghị đọc-giả tham-khảo thư ngày 05-01-2009 Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bài phỏng-vấn Trung-tướng Đồng Sĩ Nguyên tron "Nghĩ về sức mạnh cộng hưởng của dân tộc" đăng ở địa-chỉ Internet
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/04/844910/

[viii] "Dự án khai thác bôxit Nhân Cơ, Đắc Nông: Báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa ổn" đăng ở địa-chỉ Internet
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=315320&ChannelID=17

[ix] "Chính phủ yêu cầu tiếp tục dự án bô-xít Tây Nguyên" đăng ở địa-chỉ Internet
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/03/836606/

[x] "Để làm đúng kết luận Bộ Chính trị về bô-xít Tây Nguyên" đăng ở địa-chỉ Internet
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/6906/index.aspx

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss