Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / KHI CÔ HỌA SĨ THIẾT KẾ VIẾT: CÓ ĐI, CÓ TRẢI...

KHI CÔ HỌA SĨ THIẾT KẾ VIẾT: CÓ ĐI, CÓ TRẢI...

- Hương Tô & Kim Hạnh — published 10/05/2016 11:55, cập nhật lần cuối 10/05/2016 11:55

KHI CÔ HỌA SĨ THIẾT KẾ VIẾT: CÓ ĐI, CÓ TRẢI...


Nửa đêm, thức dậy, tôi đọc thấy những dòng này, Hương Tô viết sau một ngày bị bắt vì biểu tình bảo vệ biển và môi trường.

Em viết ngắn. Cho tôi ghi vài dòng trước khi bạn bắt đầu đọc cảm nghĩ của cô gái ốm yếu, nhỏ nhắn, cao 1,5m nặng 40 kg, tốt nghiệp nghề thiết kế một trường đại học nước ngoài, đang làm chuyên viên thiết kế cho một tập đoàn đa quốc gia. Hương là con gái của nhà báo Tô Hòa, Tổng biên tập báo Đảng Sài Gòn Giải Phóng và mẹ em là một sĩ quan Công An.

Những người bắt em, đánh em, thực ra họ là ai, không biết, thấy họ mặc sắc phục Thanh Niên Xung Phong. Tôi thắt lòng nhớ tới ông Võ văn Kiệt và câu nói nổi tiếng ông tặng cho lực lượng TNXP mà ông sáng lập, ngày ra quân: “Thành phố soi thấy tương lai rất sáng của mình trên vầng trán các em”. (Trong những người tham gia biểu tình và bị bắt còn có chị Châu, cựu biên tập viên báo Phụ Nữ và là mẹ của nhà báo Nguyễn Tập, thường trú báo Thanh Niên ở Bangkok. Còn bao nhiều thân nhân nhà báo và nhà báo tham gia, bị bắt, bị đánh đập nữa?).

Kim Hạnh


yeubien

(Một bức ảnh trên tường nhà Hương)


Hương viết.


“Tôi đã về đến nhà. Trước tiên xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả mọi người có lòng quan tâm đến sự an toàn của tôi. Thật sự ấm lòng. 

Tôi thì không lạ lắm khi mình bị bắt. Có thể vì họ nhìn thấy sự ôn hoà của tôi, sự thuyết phục đầy cảm hoá của tôi đối với lực lượng thanh niên xung phong (cũng chính là lực lượng vây bắt tôi), bởi tôi đối thoại thế này: 

"Em hiểu các anh vì nhiệm vụ mà thực thi, chỉ xin các anh nghĩ cho gia đình mình một chút, khi cái mà các anh đang chống lại, lại là thứ đang cố giúp các anh, còn cái mà các anh phục tùng, sẽ không mang lại cho gia đình các anh miếng cá sạch nào để ăn đâu. Trong các anh, nếu ai quê gốc miền Trung sẽ hiểu."

Nhiều người trong số họ cúi mặt, rơi nước mắt (không phải mồ hôi), tôi biết lương tri họ vẫn còn. Tôi tiếp: "Vậy bây giờ vợ, con, cha mẹ các anh trong nhóm chúng tôi, các anh sẽ đánh đập chứ?"

"Đánh hết, bắt hết!!!" Một ông chú đeo mắt kính nhìn tôi trợn mắt lên sừng sỏ.

Chưa đầy 10' sau, cuộc xô xát cực mạnh xảy ra. Chiếc xe đầu tiên trong hình tôi chụp được, mọi người bị lôi lên ấy và đánh đập dã man sau lớp rèm được kéo kín lại. Tôi lên chiếc xe thứ hai (hoặc ba gì đó). Khi xô xát tiếp theo xảy ra, tôi ý thức rõ mình đang bị vây bắt chứ không phải là vô tình kéo theo. Những tiếng lệnh "lôi nó lên xe", "đập chết mẹ nó đi" trong đầu tôi rất rõ, dù lúc này tôi đã bị xô ngã xuống đất, đá vào đầu, đạp vào bụng, kéo lê trên mặt đất trong khi cánh tay các anh em khác vẫn cố giành lại tôi. Vóc dáng nhỏ nhắn của tôi không hề khó để hai người họ quăng lên thềm xe như bao gạo, từ lúc đó, tôi hiểu mình sắp phải đối diện với những gì.

Nói thật, tôi bị thế này nhiều người xót, nhưng không hề là gì so với những anh chị, cô chú đáng tuổi cha mẹ chúng mà đầu vẫn tuôn máu ướt vai áo, mũi vẫn xịt máu ra vì ăn đấm, và doạ giết. Nhưng quan trọng hơn hết, là qua những tiếng đồng hồ dài lê thê ở Hoa Lư, chứng kiến những sự "chuyên nghiệp" và "thân ái", "hết mình vì dân" kia, tôi dù đau nhưng vẫn bình thản. Tôi không muốn khóc cho đất nước tôi, đồng bào tôi lúc ấy mà tôi chỉ cười. Bởi có đi, có trải, có chứng kiến, tôi mới có thêm cái quyền tự hào về người cha quá cố của mình, và tôi dám khẳng định một điều rõ như ban ngày với người dân Việt Nam rằng, bạo lực không gì khác chính là bằng chứng của sự sợ hãi, bất lực và đuối lý.

Một lần nữa xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn. Hãy cho tôi ít thời gian sau hôm nay để cảm ơn từng người trong số các bạn nha.

Hương



Nguồn: Facebook Kim Hạnh



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us