Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Từ "đổi mới" trở lại bao cấp

Từ "đổi mới" trở lại bao cấp

- Hải Vân — published 09/09/2006 15:09, cập nhật lần cuối 13/03/2007 23:23
Vài nhận xét nhân báo cáo kiểm toán nhà nước vừa được công bố


Khu vực quốc doanh :
     
từ « đổi mới » trở lại cơ chế « bao cấp »
     

Lần đầu tiên, tháng 8 vừa qua, chính phủ đã cho công bố báo cáo kiểm toán nhà nước và hứa, từ nay về sau, sẽ công khai hoá bản báo cáo hàng năm [kiemtoannn.gov.vn]. Bản báo cáo năm 2005 gồm các báo cáo quyết toán ngân sách của nhà nước, của 11 bộ (chiếm 22% chi ngân sách trung ương), của 30 tỉnh, thành (chiếm 28% chi ngân sách địa phương) và của 9 chương trình trọng điểm, cùng với báo cáo tài chính của 19 doanh nghiệp, ngân hàng quốc doanh và của 24 đơn vị thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tài chính của Đảng cộng sản. Tổng hợp những sai phạm về chi thu, Kiểm toán nhà nước yêu cầu các cơ quan nhà nước đưa trở vào ngân sách hơn 4400 tỷ đồng. Tổng kiểm toán Vương Đình Huê thừa nhận con số này chỉ thể hiện « một phần » các vi phạm luật thu chi ngân sách, do tỷ lệ các cơ quan, đơn vị được kiểm toán chỉ ở mức « trên dưới 50% », tuy nhiên ông cho rằng các vấn đề được phát hiện nói lên « tương đối đầy đủ » những căn bệnh của nền tài chính công : thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong bộ máy công quyền ; thua lỗ, nợ nần, trốn thuế trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đối với công luận - cho dù độ tin cậy của thống kê đưa ra chỉ là tương đối -, việc chính quyền công bố báo cáo kiểm toán tự nó là một « bước tiến » về công khai hoá, minh bạch hoá trong quản trị công, xã hội từ nay có thêm điều kiện « giám sát » nhà nước sử dụng như thế nào đồng tiền mà người dân giao cho [tuoitre.com.vn 19, 25, 26 và 27.8.06].

Riêng trong khu vực kinh tế nhà nước, thông qua kết quả kiểm toán 19 tổng công ty và ngân hàng quốc doanh, người ta được biết :

  • Khu vực quốc doanh không hề mang tính chủ đạo trong nền kinh tế. Phần lớn các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ kéo dài : 58% (11/19) doanh nghiệp được kiểm toán có tổng số lỗ luỹ kế lên đến 1058 tỷ đồng (tổng công ty [tct] Dệt may : 328 tỷ đồng, tct Giấy : 199 tỷ, tct Lương thực miền Nam : 183 tỷ...). Tỷ suất lợi nhuận trước thuế không đạt đến 0,5% (tct Vật liệu xây dựng 1 : 0,18%, tct Công nghiệp tàu thuỷ : 0,42%, tct Xây dựng công trình giao thông : 0, 45%...), thấp hơn 20 lần lãi suất vay vốn (khoảng 10%/năm).

  • Tổng số nợ phải trả của chỉ 16 doanh nghiệp đã lên đến 47005 tỷ đồng, bằng 80% tổng tài sản (tổng các khoản nợ mà họ phải thu là 21408 tỷ đồng). Phần lớn đã mất khả năng thanh toán như tct Xây dựng công trình giao thông 4, tct Xây dựng và phát triển hạ tầng, sáu đơn vị thành viên của tct Chăn nuôi, bảy đơn vị thành viên của tct Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội...

  • Các doanh nghiệp nhà nước làm ăn có lời không hề làm gương trong nghĩa vụ nộp thuế : tỷ lệ gian lận từ 30% đến 70% số tiền thuế đáng lẽ phải đóng.

Song, điều cần nêu lên ở đây là, mặc dù có kiểm toán một vài đơn vị, báo cáo kiểm toán 2005 không quan tâm đặc thù đến các ngân hàng thương mại quốc doanh. Hình như, đối với chính quyền, vấn đề còn « nhạy cảm » hơn cả các doanh nghiệp nhà nước. Theo phân tích của nhà kinh tế Trần Ngọc Thơ (trường đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh), ngân hàng thương mại quốc doanh chính là « anh em song sinh » của doanh nghiệp nhà nước : sở dĩ các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ triền miên có thể tồn tại cho đến bây giờ là vì nhà nước tiếp tục « bơm » tiền cho họ thông qua các ngân hàng thương mại quốc doanh [tuoitre.com.vn. 27.8.06]. Hay nói cách khác, chịu sức ép ngầm của chính quyền, các ngân hàng thương mại quốc doanh hoạt động cho vay theo tiêu chí chính trị thay vì thương mại. Bù lại, họ được chính quyền tái cấp những khoản vốn bổ sung lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Cơ chế này được duy trì bất luận những tuyên bố của chính phủ về cải cách hệ thống ngân hàng. Thời báo kinh tế Sài Gòn cuối tháng 8 cho biết Ngân hàng nhà nước vừa gửi công văn yêu cầu bốn ngân hàng thương mại quốc doanh lớn (ngân hàng Công thương, ngân hàng Ngoại thương, ngân hàng Đầu tư và phát triển, ngân hàng Nông nghiệp và phát triển) cấp tín dụng cho tổng công ty Điện lực tiến hành công trình thuỷ điện ở Sơn La. Công văn ghi rõ : « Căn cứ quyết định đầu tư dự án thuỷ điện Sơn La đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các ngân hàng thương mại xét duyệt cho vay, không phải thẩm định phương án vay, trả nợ » [saigontimes.com.vn 31.8.06].

Điệp khúc về sự « chậm trễ » trong tiến độ cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước cũng bắt nguồn từ đó. Trong sáu tháng đầu năm 2006, số liệu của bộ tài chính cho biết 130 doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại, trong đó có 110 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá, đạt 14% kế hoạch cả năm (500 doanh nghiệp) [dddn.com.vn 16.8.06]. Riêng tiến trình cổ phần hoá ngân hàng quốc doanh « giậm chân tại chỗ » trong trường họp của ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) [saigontimes.com.vn 22.6.06].

Tuy nhiên, trên Diễn đàn doanh nghiệp, chuyên gia Nguyễn Đình Cung (trưởng ban chính sách kinh tế vĩ mô Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) nhận định rằng, trong kế hoạch cổ phần hoá, « điều đáng lo hơn cả không phải là số lượng ». Chạy theo số lượng khiến cho lãnh đạo doanh nghiệp chỉ biết bán những tài sản của nhà nước, thậm chí bán với giá rẻ để trục lợi cho bản thân và người thân quen - thay vì xuất phát từ một chiến lược phát triển kinh doanh rồi huy động nguồn lực cần thiết bằng vốn cổ phần. Theo ông Cung, hầu hết các doanh nghiệp tiến hành cổ phần hoá đều theo « quy trình ngược ». Bởi mục đích của cổ phần hoá là nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp có vốn nhà nước, và bên cạnh cổ phần hoá còn có những công cụ khác có thể giúp đạt mục đích đó. Hai vấn đề của cổ phần hoá là : một mặt chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước sang chế độ hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn ; và mặt khác là thay đổi cách thực hiện quyền sở hữu nhà nước. Cho đến nay, sở dĩ cổ phần hoá không đạt mục tiêu của nó là vì chính nhà nước không xác định được tổ chức chuyên trách thực hiện quyền sở hữu công và thể chế giám sát hiệu quả hoạt động của tổ chức đó. Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng điều đáng lo nhất hiện nay là quá trình cổ phần hoá « làm không đúng bản chất của nó, tức là làm nửa vời, vỏ là công ty trách nhiệm hữu hạn, nhưng ruột vẫn là doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế cũ » [dddn.com.vn 16.8.06]. Ở Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (phó chủ nhiệm uỷ ban đối ngoại) cũng lên tiếng cảnh báo rằng cổ phần hoá có khả năng lâm vào cảnh ‘bình mới rượu cũ’ : « Vấn đề không phải là cổ phần hoá mà là sau cổ phần hoá : không cẩn thận lại quay về cơ chế bao cấp đối với các doanh nghiệp đã cổ phần » [vietnamnet.com.vn 22.8.06]

Nhà lý luận của công cuộc « đổi mới » 1986, kinh tế gia Đào Xuân Sâm (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của thủ tướng), nhắc lại rằng khu vực quốc doanh đã có một « bước ngoặc » vào năm 1989, khi chính phủ xoá bỏ cơ chế « tập trung quan liêu bao cấp » : thả nổi giá cả, mở thông thị trường tự do, thiết lập chế độ tự chủ kinh doanh, giải thể nhiều bộ, ngành trong lưu thông phân phối (bộ lương thực, bộ vật tư, ngành thương nghiệp thu mua phân phối, uỷ ban vật giá...) là những quyết định lớn chấm dứt thời bao cấp hiện vật trong khu vực nhà nước. Song, khi công cuộc đổi mới thắng thế vào đầu thập niên 1990, nhà nước ngày càng nắm trong tay nhiều nguồn lực mới và có điều kiện tăng cường đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước với chủ trương xác lập vai trò « chủ đạo » và tính « xã hội chủ nghĩa » của nó. Dần dần, doanh nghiệp nhà nước gắn trở lại với cơ quan nhà nước chủ quản và tham gia thị trường không phải theo cơ chế cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, mà với tư thế độc quyền, được nhà nước bao cấp, bảo hộ với những biện pháp ưu đãi đất đai, cấp tín dụng dễ dãi, miễn thuế, xoá nợ... Cho nên, theo nhận định sắc sảo của ông Đào Xuân Sâm, trong hơn 10 năm vừa qua, song song với một khu vực tư doanh đổi mới và tăng trưởng thành công, « khu vực kinh tế nhà nước trên thực tế đã trở lại cơ chế cũ tập trung quan liêu - bao cấp » - có khác chăng là, trong nền kinh tế thị trường, « bao cấp hiện vật » chuyển thành « bao cấp về tài chính » [vietnamnet.com.vn 25.8.06].

Chính sự trở lại cơ chế bao cấp - còn gọi là cơ chế ‘xin-cho’- đã tạo, từ hàng chục năm nay, miếng đất mầu mỡ cho nạn tham nhũng lộng hành trong khu vực nhà nước, từ đơn vị kinh tế cơ sở cho đến các cấp cao nhất của chính quyền. Điều này giải thích vì sao việc cải cách các doanh nghiệp, ngân hàng quốc doanh tiếp tục trì trệ, và - như ông Sâm nhấn mạnh - việc phòng, chống tham nhũng vẫn « nói mà không làm ».

Hải Vân

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us