Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Khủng hoảng kinh tế 1929-1933 ở Sài-Gòn và Chợ Lớn

Khủng hoảng kinh tế 1929-1933 ở Sài-Gòn và Chợ Lớn

- Nguyễn Đức Hiệp — published 23/10/2021 12:00, cập nhật lần cuối 22/10/2021 22:00

Số đặc biệt Diễn Đàn 30 tuổi


Khủng hoảng kinh tế 1929-1933
ở Sài-Gòn và Chợ Lớn


Nguyễn Đức Hiệp



Cách đây gần một thế kỷ, Sài-Gòn đã trải qua một sự suy thoái kinh tế trong 4 năm dài gây thiệt hại lớn trong đời sống người dân đủ mọi tầng lớp, từ thành thị đến thôn quê. Đó là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu từ thị trường chứng khoán ở New York, Mỹ, rồi lan ra khắp thế giới đến Đông Dương, mà Nam Kỳ bị thiệt hại kinh tế nặng nề hơn các vùng khác ở Đông Dương. Giá lúa gạo và các nông sản khác xuống thấp kỷ lục, doanh nghiệp phá sản, các xưởng sa thải công nhân. Nạn thất nghiệp trầm trọng. Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay cho mọi người trong nước do dịch Covid-19 gây ra trong hơn một năm qua, ta cũng không quên nên ôn lại thời khủng hoảng kinh tế ở thế kỷ trước làm gãy chuỗi cung ứng và nạn thất nghiệp lan tràn trong nhiều năm để thấy rằng sự khó khăn ngày nay chỉ là tương đối so với trước kia.

Tình hình trong các năm khủng hoảng kinh tế được tờ báo Sài-Gòn (13/4/1933) tóm tắt như sau trong bài “Cái nạn thất nghiệp với kỳ đóng thuế ” của tác giả Nam Dương:

Trước năm 1930, ai ai cũng không dè xứ Đông Dương mắc phải cái bịnh nguy hiểm nầy, ai ai cũng cứ lo bươn chải với đời, lập nghiệp làm ăn, ai ai cũng coi đồng bạc không lấy gì làm quí. Kẻ lo mướn ruộng đặng làm, kẻ lo lập tiệm đặng buôn, kẻ lại lo ăn học mau thành để lấy tài ra gánh vác việc xã hội.

Bước qua năm 1930, cái mầm khủng hoảng đã thấy rồi, trên các con đường ở châu thành Saigon đã có người không sở ăn, không sở làm, thất nghiệp đi bơ vơ nhưng cũng còn dễ thở. Cái hạng tiểu tư sản cũng còn ráng đứng mà chống chỏi với đời.

Năm 1931 ! lúa sụt giá một cách phi thường. Dân sự sống chỉ nhờ có ba hột lúa của trời cho, bị phải cái nạn khủng hoảng nó đè bẹp cái nền kinh tế không thể ngóc đầu lên nổi. Cái hạng người lao động kia, họ khổ với cái nạn ấy, đã đành rồi. Nay họ bị đuổi, mai họ bị bớt lương, cái kết quả của cái chánh sách “hợp lý hóa” (1) đã càng ngày càng thấy rõ. Anh em lao động bị thiệt thòi, đã đành rồi, nhưng thảm nỗi cho cái hạng tiểu tư sản kia, cắt ca cắt cũm được một số tiền, lập một cái tiệm buôn, mua một sở ruộng. Vì cái nạn khủng hoảng nầy, tiệm buôn đóng cửa, sở ruộng vì mắc nợ mà phải bị điền chủ tịch thâu. Đây là tôi nói riêng về hạng tiểu tư sản có vốn ít.” 

Ở đây ta thấy cuộc khủng hoảng kinh tế không những làm lầm than đến giới công nhân, mà còn lên các giới buôn bán, thương mại hàng quán phải đóng cửa, và nông dân ở thôn quê khổ cực vì sản xuất không ai mua hay với giá xuống thấp:

1932 ! Ngân sách chánh phủ thiếu ! Giá lúa vẫn sụt mãi ! Cái bịnh khủng hoảng nó đã truyền nhiễm tất cả hạng người rồi ! Nó có chừa ai đâu ? Có nhượng ai đâu ?

Thợ thuyền bị thải rất nhiều. mấy thầy làm công trong các hãng cũng bị thải nữa. Than ôi ! Cái đội quân thất nghiệp vẫn thấy người gia nhập vô luôn…

Cuộc khủng hoảng kinh tế được so sánh như bệnh dịch truyền nhiễm như vào thời nay của dịch covid-19, lan ra ảnh hưởng tất cả mọi người thuộc giai tầng khác nhau trong xã hội, nhưng khủng hoảng kinh tế 1929-1934 kéo dài triền miên mấy năm trời:

Qua năm 1933 ! hết thế nói được nữa rồi. Năm 1933 là năm đau đớn của tất cả hạng người Đông-dương, nhứt là hạng lao động tay làm hàm nhai, chẳng có một xu nhỏ nào...”

Để giúp đỡ một phần tình trạng đói khổ của những người thất nghiệp, ở Sài-Gòn, chính quyền lập ra Ủy ban cứu tế thất nghiệp đã lập ra cửa hàng cho người thất nghiệp ăn mỗi ngày hai bữa: sáng cháo và cơm buổi chiều (Sài-Gòn, 24/9/1933).

“… hỡi ôi ! cái số thất nghiệp vẫn tăng lên mãi, đội quân thất nghiệp vẫn có người gia nhập mãi. Nhưng ta hỏi thử trong cái hội thất nghiệp có bao nhiêu hội viên ? Chánh phủ cũng không biết. Tại sao ở Đông Dương không thi hành theo bên Pháp, lập ra một ban để xem xét đến vấn đề thất nghiệp. Không làm cái số thống kê những người thất nghiệp ? Như vậy làm thế nào biết một cách cho rõ ràng tình hình trong nước đặng ?

(Sài-Gòn, 13/4/1933)

Không những người Việt, Hoa mà cả người Pháp cũng bị sa thải và thất nghiệp khi các hãng, cơ sở sản xuất đóng cửa. Chính quyền Nam Kỳ phải cấp tiền phụ cấp để họ sống được. Mỗi ngày vào buổi sáng và chiều, họ tụ tập đông đảo già trẻ lớn bé trước tòa đô chính thành phố để nhận trợ cấp như báo Sài-Gòn (2/4/1932) mô tả như sau:

“… Trong mấy tháng trước đây, mỗi buổi sớm mơi và chiều, cứ đến giờ làm việc, thì quang cảnh Xà-Tây có chìu rộn rực nhiều. Một đám người đủ hạng, thầy có, thợ có, già có, trẻ có, chen chúc với nhau, kẻ ngồi người đứng, bộ mặt âu sầu, đều đưa mắt trông vào phòng nhì (2ème bureau). Tựu đó làm gì đông thế ? Đi xem lễ chăng ? Không họ đi xin tiền phụ cấp của ban Cứu tế để lo thuốc thang cho vợ, cơm gạo cho con. Đó là mấy bạn thất nghiệp, là những người lương thiện làm ăn tại nơi hoàn cảnh bó buộc mà phải ngửa tay chịu nhờ sự bố thí !

Lúc bấy giờ, vai trò của xã hội công dân trở thành quan trọng. Ủy ban chẩn tế cho người thất nghiệp được lập ra vào tháng 8 năm 1933, gồm các nhân sĩ người Pháp và Việt trong ban trị sự, ngân sách là do sự đóng góp của nhiều người, từ thành phố và chánh phủ. Hội cũng tổ chức các hội chợ để gây quỹ. Sự giúp đỡ của ủy ban chẩn tế cũng khiêm tốn nhưng quan trọng vì giúp cho nhiều người đói khổ tránh khỏi vô đường cùng. Trong 4 tháng từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 9 1934, có 389 người Pháp và 2405 người Việt đã được c ứu trợ (Sài-Gòn, 28/101934). Ngoài giúp đỡ tài chánh, hội chẩn tế cũng đã mở nhà ăn cho người thất nghiệp ăn sáng cháo và chiều cơm.


h1 h2

Nam Kỳ 1931, một người thợ và một người ăn mày (ảnh: Paul Gastaldy)


Tình hình kinh tế ở Sài-Gòn và Chợ Lớn


Trước khủng hoảng kinh tế 1929-1934, kinh tế ở Sài-Gòn và Chợ Lớn phát triển mạnh trong lãnh vực buôn bán, xuất cảng nông sản như gạo, hồ tiêu, cao su. Trong thập niên 1920 thành phố Chợ Lớn khá trù phú trước khi khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1934) lan đến Đông Dương làm giá gạo và nông sản xuống mạnh. Khủng hoảng kinh tế đã làm nhiều người phá sản ở mọi nơi mà nặng nhất là Chợ Lớn.

Tờ Phụ Nữ Tân Văn số ngày 5/1/1933:
(http://ndclnh-mytho-usa.org/KhoSachCu/Phu%20Nu%20Tan%20Van_184%205JAN1933.pdf)
cho ta biết trước khi khủng hoảng, đời sống ở Chợ Lớn rất phát đạt phong lưu, ban đêm đèn sáng vui chơi giải trí không kém ở Thượng Hải, Hồng Kông và thu hút nhiều người Hoa từ những nơi này đến Chợ Lớn sống và làm ăn. Vậy mà khi khủng hoảng kinh tế, các cửa tiệm buôn bán hàng hóa, nhà hàng đều đóng, phố xá vắng hoe, điều hiu. Các con đường huyết mạch trong trung tâm như đường rue de Paris (Phùng Hưng), Jaccareo (Tản Đà) các cửa hàng đóng cửa, người không còn, giống như một thành phố chết. Cả 3000 ca nhi mỹ nữ từ Hong Kong và Thượng Hải đã lũ lượt rủ nhau về xứ họ, cũng như người Việt trở về quê vừa mới đây.

Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng !”

Nhắc đến cái tên “Chợ Lớn”, tưởng ai lại chẳng nhớ những cái quang-cảnh ban ngày thì người buôn kẻ bán xôn-xao, ngựa xe qua như thoi dệt; ban đêm thì đèn thắp sáng trưng, nghiễm nhiên là cái thành phố bất-dạ [không đêm]; lệ thường mỗi ngày, hễ sau khi mặt trời đã lặn rồi và muôn ngàn bóng đèn điện bật lên, thì những “xẩm hố-théng” trang sức cực kỳ mỹ-lệ, ngồi trên xe kéo mà lại qua nườm-nượp trên các đường, chẳng khác nào như những con bươm-bướm đủ màu đua nhau mà bay liệng trong một cảnh vườn hoa… Nầy ở góc đường Paris [đường Phùng Hưng ngày nay], thì tiếng chập choã của các chú trên Động-thiên-lầu 洞天樓 đương làm cho người ta phải vang tai nhức óc; những người sang khách đúng đương vào ra tấp nập trong mấy hàng cơm danh tiếng Đức Lợi德利, Đức Hương 德香Nầy ở nơi đường Jaccaréo [đường Tản Đà] , thì những xe-hơi, xe-ngựa và xe-kéo đương sắp hàng mà đậu dày ở hai bên; trong tiệm “tả-bánh-lù” của Quảng-đông, trong tiệm bán đồ ngọt, trong mấy quán bán cháo trắng nấu nhừ… đâu đâu cũng thấy người ta lô-nhô lúc nhúc. Ấy là chưa kể đến những khách phong-lưu, người hảng-mặc (không rõ nghĩa) đương dắt nhau nằm đặc lền (dày đặc) trong mấy tiệm công-yên (tiệm hút thốc phiện) mở cửa suốt đêm ở hai bên đường, để mua lấy cái thú tịch mịch thanh-u (thanh tịnh) ở giữa cảnh phồn hoa náo nhiệt… Chẳng cứ thứ bảy hay thứ mấy, chẳng cứ ngày lễ hay ngày thường, Chợ Lớn cũng không hề một ngày nào bị vắng cái cảnh tấp-nập, tưng-bừng, cười suốt đêm, vui đầy tháng !...

Nhưng than ôi ! Xem tới đây, độc giả chắc có nhiều người – nhứt là những người đã từng được quen biết Chợ-Lớn – sẽ thở dài mà bảo:

Ôi ! chuyện muôn năm cũ kể chi bây giờ !”

Sự thật thì mới có vài năm thôi, chớ chưa đến muôn ngàn năm, song bao nhiêu cái cảnh rộn-ràng vui vẻ của Chợ-lớn như chúng tôi vừa mới nhắc sơ ở trên đó, thì bây giờ đã thành chuyện xưa hẳn rồi, không biết đến bao giờ mới lại được trông thấy nữa !

Như độc giả vẫn biết, Chợ-lớn nguyên là một cái thành phố thương mại (ville commerciale), bao nhiêu cái cảnh giàu sang, cái vẻ náo-nhiệt của nó đều là do nơi cuộc buôn bán gây nên. Bởi thế, từ khi trong xứ thình lình xảy ra cái nạn kinh-tế khủng-hoảng, làm cho bao nhiêu công cuộc buôn bán ở xứ nầy đều bị suy-sụp, thì Chợ-lớn cũng phải theo đó mà “tiêu” !

Tiêu thiệt, chứ không phải là nói quá. Bây giờ đây, tối lại, nếu ta thử dời chân vô Chợ-lớn mà coi, thì chẳng thấy thấp thoáng một cái bóng xẩm hố-théng nào nữa hết. Người ta nói trước kia, cái số xẩm hố-théng ở Chợ-lớn đông có tròm trèm ba ngàn ả, thế mà từ năm ngoái năm nay, nhắm không có thể tìm vành no ấm ở xứ nầy được nữa, nên 3.000 ca-nhi mỹ-nữ ấy đã lần lượt kéo nhau sang Thượng-hải, Hồng-kong hết, làm cho sổ công-nho [công quỹ] nhà nước bị thiệt mất một món tiền thuế khá to !... Ở đường Paris [Phùng Hưng] bây giờ thì ban đêm cũng như ban ngày, cũng cứ vắng hoe, chẳng nghe một tiếng chập-chỏa nào nữa hết. Chẳng những Động-thiên-lầu, mà cho đến Đức-lợi – Đức-hương cũng đều đóng cửa ráo. Một vài người có tiền, nếu muốn kiếm được hiệu cơm Tàu cho ngon và chỗ ngồi cho thích, bây giờ thiết tưởng cũng là một việc gay lắm chớ chẳng chơi ! Đường Paris đã vậy, mà đường Jaccaréo cũng lẻ ngắt vắng teo, những khách chơi đêm ngày trước vẫn dập-dìu, thì nay chẳng biết đã rủ nhau đi đâu mất… Không, Chợ-lớn tiêu thiệt !

Muốn thấy cái cảnh tiêu-điều ấy cho rõ hơn, chúng tôi xin thuật lại cho độc giả nghe một câu chuyện mà chúng tôi đã đắc-văn nơi một vị thương gia hiện đương ở Chợ-lớn. Không nói chắc độc giả cũng biết rằng trong một thành-phố như thành phố Chợ-lớn mà đương ở vào buổi buôn bán thịnh-vượng, thì cái vấn đề mướn phố thật rất là khó khăn, bởi vì ai nấy cũng chen nhau, giành nhau mà ở, chứ đâu có dư chỗ trống cho kẻ khác lọt vào! Bởi vậy, trước kia, nếu ai muốn mở một cửa hàng buôn bán ở Chợ-lớn, thì cần phải “tững” phố mắt tiền lắm. Chữ “tững” không biết gốc gác nó ở đâu, nhưng nghĩa nó thời ngộ lắm. Nguyên mấy năm trước đây ở Saigon-Chợ-lớn, dân cư thì đông, mà phố cất chưa được nhiều mấy, bởi vậy nhiều khi, nếu vì sự cần dùng bắc buộc, mình muốn cho đặng một căn phố ở ngay trong châu thành, thì thật là khó lắm. Đến nỗi nhiều khi kiếm phố trống không ra, người ta phải bỏ ra một số tiền đặng lo lót cho một người nào đó họ đi nơi khác rồi mình mới dọn đến chỗ căn phố của người ấy mà ở: cái tục lo-lót ấy, người ta kêu là “tững”. Nhứt là ở Chợ-lớn, hồi mấy năm trước, thường thường hễ mỗi khi mướn phố là đều phải có tững như vậy, mà lại tững đắt tiền lắm kia. Thế mà từ năm ngoái đến nay, phố bị bỏ trống càng ngày càng nhiều, có nhiều căn đã bỏ trót năm rồi mà cũng chưa ai mướn, đến nỗi bây giờ có nhiều chủ phố tự nguyện ra cái lệ như vầy: nếu ai dắt đến cho họ được một mối, nghĩa là một người mướn phố, thì họ sẽ thưởng cho người dắt mối một tháng tiền phố; còn về sự mướn phố thì hai tháng đầu vẫn cho ở không, mãi đến tháng thứ ba mới bắt đầu thâu tiền; tóm lại bây giờ, miễn cho mướn đặng một căn phố, thì chủ phố phải chịu mất đứt đi đến ba tháng liền !

Cái cảnh tiêu điều ở Chợ-lớn bây giờ đã đến như vậy.

Trải qua một cuộc biển dâu
Những đều trông thấy mà đau đớn lòng !...


h8

Saigon 1931 xe ngựa trước trạm xe lửa ở bùng binh chợ bến Thành,
nguồn: Manhhai flickr

h4

Chợ Lớn 1931 đường Tháp Mười cạnh chợ Bình Tây
nguồn: Manhhai, flickr

Một trong những chủ doanh nghiệp ở Chợ Lớn bị phá sản là ông Quách Chiêu, con của ông Quách Đại (Yeng Seng), một chủ tàu giàu có ở Nam Kỳ và Cao_Miên. Quách Đại hùn vốn với chủ hãng tàu nam Long lập ra hảng Thái Thuận. Khi hảng Thái Thuận khánh tân và Quách Đại mất, với số nợ lớn. Ông Quách Chiêu ký giấy hứa trả nợ 100,000$ tiền nợ. Nhưng kinh tế khủng hoảng xảy ra, Quách Chiêu chưa có tiền trả kịp thì các chủ nợ trong vụ Thái-Thuận tịch ký hết các tàu bè của Quách Chiêu không cho chạy nữa. Nghe tin ấy các bọn Chà-và sét-ty (Chetty) vẫn cho Quách Chiêu vay mượn lâu nay cũng xúm lại đòi tiền. Kết quả là chủ tàu Quách Chiêu phải làm đơn xin khánh tận, mặc dù sản nghiệp tàu có giá hơn 900.000$ mà phải bó tay không trả nổi tổng số nợ chỉ 670.000$ (Hà Thành ngọ báo, 26/1/1931). Cũng vậy vài năm sau, sản nghiệp, cơ sở thương mại kếch sù của nhà buôn giàu có nhất Nam Kỳ, ông Quách Đàm mà con cháu gánh vác sau khi ông mất năm 1927 cũng rơi vào nợ nần. Nhà băng Đông-Dương (Banque de l’Indochine) phát mãi ngày 25/10/1934. Gia sản của Quách Đàm được chia làm 18 lô (lots). Nhiều kẻ đến mua, nhưng chỉ nhà Băng Đông Dương là mua nhiều hơn hết. Tổng cộng tiền phát mãi là 441.500 $. Trước lúc khủng hoảng, giá co; đến 4 triệu đồng vậy mà phát mãi chỉ có 4 trăm ngàn. Sản nghiệp của Quách Đàm gầy dựng trong nhiều năm mà chỉ mấy chốc đã tan tành (Sài-Gòn, 28/10/1934).

Nhà máy xay xát lúa Bảo Thái Hưng vì mắc nợ, nên ngân hàng Pháp-Việt phát mãi. Cơ sở rất to lớn ở đường Philastre (nay là Lương Văn Can, Quận 8) ở bến Bình Đông, hồi trước khủng hoảng trị giá khoảng 100.000 $ (piastres), nhưng khi bị phát mãi ngân hàng ra giá chỉ 2000$ lúc đấu giá, giá cuối cùng là 10.500$ (Sài-Gòn, 12/8/1933). Khắp nơi các doanh nghiệp, xí nghiệp đa số phá sản, sa thải công nhân.

Ở Sài-Gòn, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế 1929-1933, nhiều doanh nghiệp bị phá sản vì Ngân hàng Đông Dương xiết nợ. Các cuộc biểu tình ở Sài Gòn của cả người Pháp và người Việt nhằm chống lại hành động thanh lý tài sản bất công của ngân hàng.

Đầu thập niên 1930, những người trồng cao su đã chứng kiến sự khó khăn về kinh tế. Khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933) đã làm nhiều nhà trồng cao su phá sản, gây ra một sự xáo trộn kinh tế trầm trọng không những trong lãnh vực cao su mà trong tất cả các sản phẩm canh nông như lúa gạo. Khắp Nam kỳ chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, từ các nhà sản xuất cho đến các kỹ nghệ, doanh nghiệp thương mại dần đến đời sống cực kỳ khó khăn cho tất cả các tầng lớp xã hội.

Các đồn điền cao su của bà de la Souchère đã bị ngân hàng Banque de l’Indochine thanh lý năm 1933 và bán đấu giá ngày 28/9/1933 với số tiền 100.000 đồng (piastres) trong khi trị giá của đồn điền được ước tính là 2.000.000 đồng. Căn biệt thự đẹp và bề thế của bà ở số 169 đường Mac-Mahon cũng bị ngân hàng biên tịch. Qua thỏa thuận với ngân hàng (10/1933), bà được Banque de l’Indochine cung cấp một số tiền để sống hàng năm và bà phải đi thuê một căn hộ nhỏ ở tòa nhà số 123 đường Catinat (đối diện với công viên Chi Lăng, tòa nhà Art Deco này mới bị phá gần đây) để ở. Đồn điền de la Souchère được đổi tên là đồn điền cao su Long Thành và được giao cho Công ty Société des Plantations de Long-thanh quản lý vào tháng 10/1933. Ngân hàng Banque de l’Indochine hầu như nắm gần hết cổ phần công ty này. Công ty đã mướn chuyên viên cao su là ông Robert Soliva làm giám đốc, ông Soliva đã nghiên cứu về công nghiệp sản xuất, thị trường cao su và các điều kiện sản xuất cao su ở Mã Lai. Ông này có ở Singapore một thời gian. Công ty tiếp tục trồng thêm cao su và thành công ban đầu trong công tác phục hồi đồn điền. Đầu năm 1937, công ty cao su Long Thành được công ty cao su Société Indochinoise des Plantations de Hévéas (SIPH) mua lại.

Tình trạng của bà de la Souchère cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp, công nghiệp ở Sài Gòn và khắp Nam kỳ. Vì vậy, ở Sài Gòn đã có những cuộc biểu tình phản đối sự thanh lý, biên tịch bất công và thô bạo của ngân hàng đối với họ. Ông chủ tịch nghiệp đoàn cao su Edgar Mathieu qua nhiều nặng nhọc năm 1935 đã tự tử sau khi đã đốt không thành phòng làm việc của ông. Trước đó, ông Joseph Pierret đã tự sát năm 1930 ở đồn điền trên đường Route-Haute . Bà de la Souchère, với tư cách là chủ tịch danh dự nghiệp đoàn cao su đã có một bài diễn văn ngắn và cảm động về ông Mathieu trong buổi họp của nghiệp đoàn ở giai đoạn bi đát. Và bà đã trở lại Pháp năm 1935 trong một thời gian.

Qua nghiệp đoàn cao su, tình trạng của bà Souchère và các nhà doanh nghiệp cao su đã được phản ảnh ở Quốc hội Pháp. Đại biểu vùng Paris, ông Cousin, trong một phiên họp quốc hội tháng 9/1935 đã chất vấn Bộ trưởng Thuộc địa về danh sách những doanh nghiệp cao su đã được Chính phủ Đông Dương giúp đỡ cho vay trong các năm 1930-1934, lý do tại sao không được đăng trong báo cáo hay công báo của chính phủ và những việc làm của Toàn quyền Đông Dương Pasquier và Thống đốc Nam kỳ.

Trong các năm đầu của thập niên 1930, diện tích và năng suất của các đồn điền cao su gia tăng, tuy vậy vì giá cao su xuống dốc thảm hại so với thời kỳ vàng son giữa thập niên 1920, kim ngạch xuất khẩu cao su vì thế cũng giảm mạnh.

Còn tình trạng và đời sống kinh tế của người dân nói chung, ta có thể thấy như bài “Tiền bạc phải châu lưu” đăng trên tờ báo “Sài-thành” ngày 7/5/1932 như sau

Mấy năm nay thiên-hạ khổ vì kinh-tế khủng-hoảng dây dưa mãi không dứt. Xưởng thợ đóng cửa, nhà buôn khánh tận, người làm công ở các thành thị thất nghiệp hàng muôn hàng ức, chưa kể bọn cày ruộng làm rẫy ở thôn . Kẻ giàu có thuở này chỉ đầu hôm sớm mai thành ra nghèo túng, người đủ ăn đủ tiền no ấm, chỉ trong giây phút trở nên đói khát khốn cùng. Nói tóm một lời là từ hạng có tiền ngàn bạc vạn cho chí người buôn gánh bán bưng không khỏi cái ảnh hưởng khốc hại của sự kinh-tế khủng-hoảng hiện thời đó…”

Tác giả cho rằng để làm giảm đi ảnh hưởng khốc hại thì nên chi tiền, tăng nhu cầu để có công ăn việc làm cho đám thất nghiêp, mà tác giả đơn cử là Hội chợ phụ nữ do tờ báo “Phụ nữ Tân văn” đã tổ chức. Vì nhiều người có tiền nhưng sợ không dám tiêu vì lo nghèo khó sẽ đến mình và do đó phòng thủ giữ tiền

Nếu người ta không biết mà dè dặt quá lẽ trong hồi kinh tế khủng hoảng nầy thì phải dùng phương thế nào mà bổ cứu chỗ đó, nghĩa là làm sao cho đồng tiền được chi lậu ra khỏi túi người giàu có, để giúp đỡ mới sống phần đông người bình dân nghèo khổ thất nghiệp và buôn bán thua lỗ, nói tóm là đỡ đói đỡ khác [khát] cho nhiều hạng người trong xã hội, để cho đến ngày nào kinh tế lại trở về cái mực thường của nó.

Chỉ có một cách rất hay là bày cuộc vừa vui thú vừa ích lợi những kẻ có tiền muốn dự vào mấy cuộc ấy họ không tiếc của đại để như hội chợ phụ nữ đương mở cửa ngày nay đó, hay là đám hội gì khác.

Tôi thử kể cái ích lợi của hội chợ phụ nữ đối với bao nhiêu người mắc nạn kinh tế khủng hoảng là thế nào.

Hội chợ phụ nữ họp ở Saigon có cả mấy muôn ngườiI ở khắp mọi nơi tụ về vui chơi xem dự trên bộ, dưới thủy lợi cho tàu bè, tiệm cơm phòng ngủ, quán rượu, hàng trà, anh kéo xe, chị bán bánh, không ai không nhờ đồng tiền chi tiêu vì hội chợ mà được no ấm kẻ ít người nhiều.

Tôi thiết tưởng thường thường bày ra cuộc gì mới lạ cho người ta tụ hội đi về là một cách đỡ ngặt rất khôn khéo cho cuộc thương mãi trong hồi kinh tế khó khăn nầy. … ”

Để trợ giúp người thất nghiệp, một số người Sài-Gòn đã đứng ra bỏ tiền của ra giúp đồng bào. Như ông Nguyễn Văn Của, một chủ nhà in, đã bỏ tiền tổ chức chợ phiên ở vườn quan Toàn quyền (vườn Bờ-Rô nay là vườn Tao Đàn) trong 3 ngày 19-21 tháng 3 năm 1932. Số tiền thu được cho người thất nghiệp. Ký giả Bút Trà (Nguyễn Đức Nhuận, chủ bút tờ Sài-Gòn, trước đó là ông Trương Duy Toản chủ nhiệm) đã viết vê công việc giúp người thất nghiệp như sau

Cuộc chợ phiên ở vườn quan Toàn-Quyền - Lòng sốt sắng của ông Nguyễn Văn Của

Tôi cũng là một người đã từng trải qua cái cảnh thất nghiệp !

Nhớ lại khoảng mười năm trước, ngày tôi thôi chưn ký giả ở tòa “Đông-Pháp-Thời-Báo” bước ra (ngày ông Nguyễn Kim Đính làm chủ) thì con ma thất nghiệp nó liền theo gót tôi từ đó.

Chiếc thân lưu lạc, mưa nắng dạng người, bốn biển không nhà, đói no qua bửa, cái cảnh vất vả của tôi trong lúc bấy giờ thật không bút mực nào tả ra cho hết.

Cái cảnh vất vả ấy tức là cái cảnh của mấy ngàn anh em thất nghiệp bây giờ đương chịu vậy. Ở hồi sanh hoạt dễ dàng, dân sanh thơ thái như trước kia, mà bị lâm vào cảnh thất nghiệp còn chịu không nổi thay huống chi là ở hồi nầy là hồi kinh-tế khủng hoảng.

Có ai dại gì mà để cho thất nghiệp ? cũng bởi hoàn cảnh và thời-đại nó làm cho anh em ngày nay không cơm ăn, không áo mặc, không nhà ở, không chổ làm, muốn sống không thể sống, muốn chết không thể chết được !

Cùng một máu mủ, phải yêu đang nhau, anh em đã không còn sức chống chỏi với cái sống ở đời, thì vai đàn anh trong nước, người biết nghĩa vụ mình tự nhiên phải lo trù tính phương cứu vớt.

Người ấy bây giờ là ai ?

- Ông già ở đường Lucien Mossard nhà 57 [nay là đường Nguyễn Du]

Vẫn biết về sự chẩn tế thất nghiệp trước kia chánh phủ đã tổ chức ban ủy viên thiệt [thực] hành rồi, nhiều nhà từ thiện góp sức chung tiền bỏ vào quỉ chẩn tế rồi nhưng một ngày số thất nghiệp chưa bớt, thì một ngày còn phải tìm đường cứu giúp, phương chi sự nghiệp từ thiện làm đến chừng nào cũng không thể cho là đủ được.

Ông Nguyễn Văn Của đứng ra tổ chức cuộc chợ phiên nầy, không nói ai cũng phải nhận là một nghĩa cử đáng khen, chứng cho tấm lòng ông đối với đồng bào thất nghiệp nhơn đức là chừng nào !

Một đồng bỏ vào cuộc chợ phiên là một đồng tiền cứu bớt được nạn thất-nghiệp, tôi xin thế mặt cho hạng anh em thất nghiệp mà cám ơn ông nguyễn Văn Của và cảm ơn hết cả các hạng người sẽ dời chơn đến cuộc chợ phiên nầy.

Ý kiến tổ chức các hội chợ để kích thích chi tiêu trong kinh tế xã hội và giúp những người thất nghiệp đã được chính quyền Pháp ở Sài-Gòn xử dụng. Hội chợ đêm Pháp-Việt đã được tổ chức ở Sài-Gòn và đã rất thành công. trong 6 đêm chợ phiên cuối tháng 3 năm 1933, tổng số tiền thu được cho người thất nghiệp lên đến 30.000 $ piastres (tương đương với 120.000 $ Franc), một số tiền lớn thời bấy giờ. Số người tham dự đến 10 vạn (100 ngàn người), được coi là “một cuộc chợ phiên lớn nhứt mà từ xưa tới nay trong nam ngoài Bắc chưa từng có” (Sài-Gòn, 13/4/1933). Trước đó tờ Phụ Nữ Tân Văn cũng đã tổ chức Hội chợ Phụ Nữ từ ngày 4 đến 8 thắng 5 năm 1932, qui tụ nhiều gian hàng với sự tham dự của nhiều tổ chức người Việt như Hội Dục Anh, Hội thể thao Nam Kỳ…, các thương gia, doanh nghiệp như ông Nguyễn Văn Trân, Triêu Văn Yên, Võ Văn Ban chủ Phong cảnh khách lầu, Dakao Photo, Photo Khánh Ký, hảng sữa Nestlé, Savon Vietnam của ông Trương Văn Bền... Đây là Hội chợ thành công tốt đẹp và được báo giới đề cập đến nhiều.

h5

Quang cảnh Hội chợ Phụ nữ 1932 trong thời kinh tế khủng hoảng
(nguồn: Phụ Nữ Tân Văn 26/5/1932)

h6

Phòng trà bánh của Hội Dục Anh do bà Trịnh Đình Thảo chủ trương
nguồn: Phụ Nữ Tân Văn 26/5/1932


Tình hình xã hội thời kinh tế khủng hoảng


Tình cảnh đói khổ do nạn thất nghiệp do các hãng sa thải người vi khủng hoảng kinh tế được kể trong truyện thơ “Đám ma nhà héo” của tác giả Trần Huỳnh ở Chợ Lớn nói về thầy Lê Pho ở Xóm Chiếu, chăm chỉ làm ăn và giúp người, chẳng may gặp hạn lúc khủng hoảng kinh tế, nhưng sau cố gắng và được nhiều người giúp đã thành công trong thương nghiệp

“ ...

Lại thêm gặp nạn chẳng may.
Chồng bị thất nghiệp ngày nay ở nhà.
Sở kia bị bớt vậy mà.
Dòm lại hũ gạo trong nhà sạch trơn.
Rách rưới đói khó đến cơn.
Thân thể khổ sở còn hơn ăn mày.

(Trần Huyên, trong Thái ngươn Đường đại dược phòng, 1934)

Các tiểu thuyết rất thịnh hành trong thập niên 1930. Đây là giai đoạn vàng son của các truyện ăn khách từ Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu đến Phú Đức. Kinh tế khủng hoảng thì một số nhà văn đã hiến tiền lợi nhuận cho người gặp khó khăn. Tiểu thuyết “Đoạn ly tình” (1933) của tác giả Nhơn Trung. Tác giả in trên bìa sách “Hiến đứt số lợi cho anh em thất nghiệp”, tất cả lợi nhuận sẽ cho người thất nghiệp vì lúc này là khủng hoảng kinh tế thế giới mà Nam Kỳ bị ảnh hưởng rất nhiều do giá nông sản xuống thấp cực kỳ và nhiều doanh nghiệp phá sản. Hay tác phẩm “Tơ vương đến thác” (1933) của soạn giả Ngô Vĩnh Khang lấy từ tiểu thuyết “La dame aux Camélias” của nhà văn Alexandre Dumas fils trong phần đầu tác giả Ngô Vĩnh Khang có viết:

Tuồng nầy do ông hội-đồng Trần-văn-Khá tổ chức, có bàn hội Chấn-hưng Mỹ-thuật công-nhận và các báo đã phê bình. Quí thầy quí cô háo nghĩa đà đem ra diễn nhiều lần tại nhà hát tây và các nơi khác để lấy tiền giúp cho nạn dân Trung kỳ cùng các anh em thất-nghiệp, công-chúng rất hoan nghinh.”

h7 h8

Đoạn ly tình” (1933)
của Nhơn trung

Tơ vương đến thác (1933)
của Ngô Vĩnh Khang

Học trò đi thi thời kinh tế khủng hoảng không còn mong đợi háo hức như trước kia. Tờ Phụ Nữ Tân Văn (28/6/1934) cho biết ra trường với cái bằng cấp đều thất nghiệp, “cái bằng cấp trong buổi nầy, giá trị nó thật nhẹ xuống vô cùng, cũng như cái giá lúa nó nhẹ xuống vô cùng vậy”.

“…

Mà thôi, nói chi đến cái bằng cấp trong nước. Nói ngay đến những cái bằng cấp bên Tây mang về, cũng không còn ai trọng là bao nhiêu.

Xem như ông Nguyễn-mạnh-Tường, lưỡng khoa tấn-sĩ, mà về đây cũng không lấy làm vinh-diệu gì. Dẫu cho một độ được các báo cổ võ hoan nghinh mà rồi sau đó sự khen cùng nguội dần đến ông phải chán mà trở qua Paris học nữa

Để giải quyết nạn trí thức thất nghiệp, năm 1935, toàn quyền Robin lập ra một ngạch mới trong chính phủ để thâu dụng người Việt Nam có bằng cấp cử nhân, tiến sĩ luật ở các trường đại học Pháp hay từ trường luật ở Hà Nội (Saigon, 29/3/1935). Nhưng đây chỉ là muối bỏ bể khi so sánh với số người thất nghiệp.

Nhưng thảm thương nhất là những người nghèo ở tầng dưới trong xã hội. Nhiều người không có nhà do không trả được tiền thuê đã phải sống ngoài đường hay tụ tập hàng đêm trong các nơi chứa hút thuốc phiện suốt đêm để khỏi cảnh màn trời chiếu đất. Phóng sự trên tờ Sài-Gòn (4/8/1932) cho ta biết tình cảnh của một số người gần chợ Bến Thành như sau:

“Cuộc điều tra của chúng tôi – Saigon-Cholon ban đêm

Gần bên cậu, trong xe bồ-ệch [brouyette, xe cút kít] có người lấy chiếu che làm một cái phòng ngủ. Từ đường Viénot [Phan Bội Châu ngày nay] đến đây, tôi mới thấy người ngủ trong cái xe nầy là biết cách hơn ai hết. Trên hai cái gộng xe, có trãi một miếng đệm bườm sạch sẽ: đây là cái màng của kẻ nằm trên một miếng ván dài, chính giữa hai gọng xe đó.

Thôi ta đi. Quẹo qua đường Víénot chỗ tiệm thuốc bắc cũng có mười hai người ngủ nữa. Một người ngủ trên gọng xe kéo, còn bao nhiêu người đều gối đầu trên thềm. Họ ngủ êm, giấu mặt. Chỉ có một đứa trẻ chừng 12 tuổi, ngủ lại “anh hùng” hơn ai hết. Anh ta nằm giữa đường đi, chình ình dưới ánh sáng, mình co rút lại, hai tay đút trong háng. Đầu anh ta thì bịt một cái mu-soa [mouchoir, khăn tay] trắng, mình mặc áo đen rách đến cùi chỏ, còn quần thì bằng vải sọc rằng, coi bộ dày dục. Xin độc giả đừng hiểu vải dày dục, xin hiểu cho vải ấy vì không giặt, đóng đất, mồ hôi, bụi bậm nên tôi xem dày như vậy.

Một giờ rưỡi khuya rồi. Từ đường d’Espagne [Lê Thánh Tôn] tôi quẹo qua quẹo lại đường Viénot, và Sabourain [Lưu Văn Lang] trọn ba lần, quyết xem cho kỹ và đừng đếm lộn một người nào. Vừa lớn vừa nhỏ trong đêm đi chơi khuya dầu của tôi, tôi đếm rỏ ràng là 53 người.

Còn những người nghèo khách trú [người Tàu] không còn việc làm và không kham nổi được nữa, họ đến bót cò (cảnh sát) xin giải họ về xứ họ (Sài-Gòn, 8/8/1932). Hồi trước khủng hoảng họ đến Nam Kỳ không bao giờ muốn về Tàu. Lúc nào cũng đóng thuế thân hàng năm đầy đủ trước thời hạn. Đối với họ trước kia bị đuổi về nước là điều rủi ro ghê gớm, vậy mà lúc khủng hoảng, được giải về xứ là điều may mắn vô cùng với họ. Mỗi ngày ở bót cảnh sát Gia Định có hàng chục khách trú đến khai không có tiền đóng thuế thân nên xin cảnh sát giải họ về nước.


Các biện pháp và chính sách


Báo chí kêu gọi người trong nước mua hàng hóa trong nước để gia tăng nhu cầu và để các doanh nghiệp sống và giảm thất nghiệp: “Nên mua ! Mua tức là làm một việc thương nước đó” (Sài-Gòn 30/4/1932). Giải pháp gia tăng mua để công thương kỷ nghệ trong nước mới đủ “máu huyết mà chống chỏi, sống qua ngày tháng” và “đạo binh thất nghiệp” mới không thêm đông nữa.

Chính quyền Đông Dương đã nhờ chánh phủ Pháp ban hành một đạo luật cho phép vay mượn 250 triệu Francs năm 1932, cho phép chánh phủ Đông Dương bảo đảm cho các ngân hàng ở Đông Dương vay 100 triệu Francs để cho các nông gia điền chủ vay lại để hỗ trợ ngành nông nghiệp. Và bảo đảm cho các ngân hàng cho các chủ trồng cao su vay 170 triệu Francs.

Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nam Kỳ nói riêng và Đông Dương nói chung gắn liền với cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1934 trên thế giới vì các nền kinh tế phụ thuộc nhau. Nam Kỳ cần có thị trường nước ngoài để bán nông sản như lúa gạo và cao su và giá ổn định. Những gì mà chính phủ Đông Dương đã làm chỉ có hiệu quả tạm thời. Cuối cùng, cái gì đi xuống quá thì có lúc dừng lại và phục hồi sau thời gian dài, cuộc khủng hoảng dần biến mất khi các chính phủ ở Mỹ và Âu châu đã ban hành các biện pháp cứu doanh ngiệp, công nghiệp và người thất nghiệp và sau đó kinh tế ở Mỹ và Âu châu phục hồi. Chính cuộc khủng hoảng kinh tế này và siêu lạm phát ở Đức gây khổ cực cho dân cũng là một nguyên nhân gây mầm móng cho chiến tranh sau này. Ở Nam Kỳ giá nông sản phục hồi và ổn định từ năm 1935. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế đã để lại tác hại nghiêm trọng trong kinh nghiệm sống của người dân và dẫn đến cuộc tranh đấu chính trị gay gắt hơn của người Việt để giành lại được độc lập cho Việt Nam.


Nguyễn Đức Hiệp



_______________________________________

(1) Cách tổ chức kinh tế theo khoa học


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Kỷ yếu 30 năm
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us