Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Kích cầu vào đâu ?

Kích cầu vào đâu ?

- Nguyễn Quang A — published 29/12/2008 10:37, cập nhật lần cuối 29/12/2008 10:37


Kích cầu vào đâu ?


Nguyễn Quang A



Năm 2008 nền kinh tế Việt Nam đã gặp khủng hoảng kép. Thứ nhất, do khó khăn nội tại (do lỗi của bản thân chúng ta) nền kinh tế của chúng ta có những bất ổn hay méo mó về cơ cấu, yếu kém về năng lực nên đã dẫn đến những bất ổn vĩ mô trầm trọng và kéo dài (thâm hụt ngân sách cao và kéo dài, thâm hụt cán cân thương mại cao và kéo dài, tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, tỷ lệ đầu tư cao hơn tiết kiệm trong thời gian dài, …) và bệnh thành tích chỉ thiên về con số tăng trưởng mà chưa chú ý đúng mức đến chất lượng tăng trưởng, đến tính bền vững của tăng trưởng. Đấy là những nguyên nhân chính gây ra lạm phát leo thang từ giữa năm 2007 đến quý 3 năm 2008. Các biện pháp chống lạm phát trong gói 8 giải pháp của chính phủ nêu ra đầu năm (mà chủ yếu là thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khoá) đã bắt đầu phát huy tác dụng. Bên cạnh đó khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng làm cho lạm phát dịu đi (do cầu trên toàn thế giới giảm nên giá dầu, giá nguyên liệu, giá lương thực và giá cả nói chung đều giảm) cũng góp phần khiến lạm phát ở ta đỡ đi trong 4 tháng qua. Nhưng những nguyên nhân sâu xa của bất ổn vĩ mô và lạm phát vẫn còn nguyên ! Không thể coi thường khả năng lạm phát tái bùng phát và những cân đối vĩ mô tiếp tục xấu đi. Cần có những cải cách triệt để về cấu trúc, cơ cấu của nền kinh tế. Muốn cải thiện tình hình kinh tế trong trung và dài hạn phải cải tổ triệt để, tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng cân đối, phát triển bền vững nhằm loại trừ các yếu kém kinh niên kể trên.

Thứ hai, chồng lên khủng hoảng riêng của chúng ta là tác động ghê gớm của khủng hoảng tài chính bùng phát vào giữa tháng 9 ở Mỹ, lan rất nhanh ra tất cả thế giới và biến thành khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ban đầu nhiều người nghĩ ảnh hưởng của khủng hoảng này lên nền kinh tế Việt Nam không lớn, nhưng chính phủ đã mau chóng nhận ra tính nghiêm trọng của những tác động. Đầu tháng 12 chính phủ đã công bố ý tưởng kích thích kinh tế nhằm chặn đà suy giảm tăng trưởng với 5 hướng giải pháp và gói kích thích 1 tỷ USD. Đến giữa tháng gói kích thích được nâng lên 6 tỷ USD. Nhiều câu hỏi được đặt ra. Quốc hội sẽ thông qua gói kích thích này ra sao ? Lấy nguồn ở đâu ra dùng cho gói kích thích này ? Nên kích thích vào khu vực nào, địa phương nào ? Tiến độ tiến hành ra sao? v.v. và v.v.

Trước tiên cần phân biệt rõ 2 thứ liên quan nhưng tách biệt nhau : các chính sách cải tổ nền kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế mang tính trung và dài hạn ; và các chính sách kích thích mang tính ngắn hạn, khẩn cấp nhằm khơi thông bế tắc do khủng hoảng gây ra trong nền kinh tế.

Thiết nghĩ cần xem xét một số tiêu chuẩn để lựa chọn chính sách mà dưới đây chỉ là vài gợi ý.

Thứ nhất, phải lấy tiêu chuẩn hiệu quả làm đầu để lựa chọn. Tính hiệu quả được hiểu đầu tiên là đảm bảo hay tạo ra nhiều công ăn việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế lớn, có độ lan toả nhanh và lớn, thúc đẩy cải thiện cán cân thương mại.

Sở dĩ phải ưu tiên các ngành dùng nhiều lao động vì tác động xã hội ghê gớm của thất nghiệp gia tăng. Nếu người lao động tiếp tục có việc làm, có thu nhập thì sẽ có cơ sở để kích thích tiêu dùng. Đấy có lẽ phải là tiêu chuẩn số một để lựa chọn kích thích.

Kế đến là phải tạo ra hiệu quả kinh tế nhanh và lớn. Các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 75 % tài sản cố định quốc gia, trên 80 % vốn đầu tư của Nhà nước, 60 % tổng lượng tín dụng trong nước, trên 70 % vốn vay nước ngoài. Mức độ độc quyền của các doanh nghiệp này là rất lớn, nhưng chỉ đóng góp chưa tới 40 % GDP, 30 % thu ngân sách về thuế và chỉ tạo ra việc làm cho gần 10 % lực lượng lao động. Thêm vào đó, xu hướng gia tăng nhanh hệ số ICOR (số ICOR bằng số đồng vốn đầu tư để tạo ra 1 đồng trong GDP) của khu vực Nhà nước (từ 3,6 năm 1995 lên 9,1 năm 2005) là đáng lo ngại trong khi ICOR của khu vực các doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn nhiều (xem Thế giới & Việt Nam). Có lẽ nếu tính toán cẩn trọng thì có thể thấy ICOR của khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện nay là cỡ 12 chứ không phải 9,1 cao hơn 3 lần của khu vực tư nhân ! Như thế có thể thấy theo tiêu chí này thì kích thích chủ yếu phải nên dành cho nông dân, ngư dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo nghiên cứu của Trung Tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) ba khu vực có độ lan toả lớn nhất theo thứ tự là ngành chế biến lương thực thực phẩm, ngành chế biến hàng hoá tiêu dùng và ngành chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất. Hai khu vực tác động lan toả cao là khu vực Đông Nam Bộ và Đông Bắc Bộ.

Thúc đẩy cải thiện cán cân xuất nhập khẩu. Khu vực doanh nghiệp nhà nước là khu vực tạo ra thâm hụt thương mại lớn nhất, khu vực nông nghiệp, ngư nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra nhiều xuất khẩu. Như vậy khu vực thỏa mãn tiêu chí này cũng là khu vực thỏa mãn tiêu chí về hiệu quả nêu trên và may thay cũng là khu vực sử dụng nhiều lao động.

Thứ hai, gói kích thích mang tính ngắn hạn, khẩn cấp nên yếu tố thời gian rất quan trọng. Các biện pháp nào không thoả mãn yếu tố thời gian (tức là triển khai kéo quá dài) thì nên gán cho độ ưu tiên thấp. Thí dụ, chính sách hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân đưa ra từ cuối tháng 3 nhưng đến đầu tháng 12 mới đến tay ngư dân và như thế đã thực sự không phát huy tác dụng kịp thời.

Thứ ba, tuy mang tính ngắn hạn song phải theo hướng với cải cách dài hạn hoặc không gây cản trở cho các nỗ lực cải cách dài hạn nhằm đưa nền kinh tế vào giai đoạn phát triển mới. Chính sách thúc đẩy đầu tư hạ tầng là chính sách dài hạn, không phải chính sách ngắn hạn và khẩn cấp nên phải cân nhắc rất thận trọng khi lựa chọn trong gói kích thích. Tuy nhiên, các dự án hạ tầng có hiệu quả, sắp xong nên được khẩn cấp đầu tư thêm để hoàn tất nhằm phát huy tác dụng ngay. Cải cách hành chính, thủ tục không tốn nhiều tiền (nhưng cần quyết tâm chính trị cao) có thể mang lại hiệu quả tức thì và hợp với quá trình cải tổ trung dài hạn. Thí dụ, sửa bằng cách bỏ khoản 1 của Điều 476 Luật dân sự (quy định trần lãi suất 150 %) sẽ có tác động tích cực to lớn lên hệ thống ngân hàng (có thể mang lại hiệu quả hơn cả gói kích thích 1 tỷ USD). Khủng hoảng tạo cơ hội để tiến hành cải cách triệt để, nên tận dụng cơ hội này. Đào tạo lại lực lượng lao động, đầu tư vào giáo dục, y tế, giúp người nghèo là những việc vừa giúp kích cầu vừa mang tính dài hạn. Các địa phương, các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước dường như đang rất sốt sắng “chạy” kích cầu, nếu kích cầu lại làm như gần mười năm trước (chủ yếu dành cho các doanh nghiệp nhà nước, lợi dụng kích cầu để tăng chi tiêu công) thì sẽ lặp lại những sai lầm tai hoạ, chỉ gây khó khăn thêm cho nền kinh tế và vì thế nên tránh.

NGUỒN : toàn văn do tác giả gửi (bài này cũng đã được đăng trên Lao Động cuối tuần 28.12.2008)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss