Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Kinh tế Việt Nam, Hiện trạng và Viễn cảnh

Kinh tế Việt Nam, Hiện trạng và Viễn cảnh

- Trần Bình — published 16/04/2011 11:59, cập nhật lần cuối 19/04/2011 21:02


Kinh tế Việt Nam,  
Hiện trạng và Viễn cảnh


Trần Bình


Nét chính của nền kinh tế Việt Nam năm 2010 có thể được tóm lược là "Tăng trưởng nhanh trong bối cảnh rủi ro tăng lên", theo nhận định của báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB) "Điểm lại Cập nhật Tình hình Phát triển Kinh tế Việt Nam" ấn hành tháng 12/2010 - tài liệu tham khảo của Hội nghị nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (1). Tỷ lệ gia tăng GDP 6,7% của Việt Nam năm 2010 so với 5,3% năm 2009 là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế. Song, điều này lại diễn ra song hành với một số vấn đề kinh tế vĩ mô, với mức lạm phát năm 2010 tăng lên 2 con số, 11,75% từ 7% năm 2009.

Báo cáo WB phân tích "Từ góc độ lịch sử, Việt Nam luôn có tỷ lệ lạm phát cao hơn các nước láng giềng. Điều này có thể cho thấy bản thân mục tiêu hoạt định chính sách dường như đã có sự thiên vị cố hữu, coi mục tiêu tăng trưởng cao hơn là sự duy trì ổn định kinh tế vĩ mô" (1).

Năm 2010 cũng là mốc điểm quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đang bước vào ngưỡng cửa của các nước có lợi tức trung bình thấp, với lợi tức đầu người 1000 USD, và GDP vượt 100 tỷ USD. Song điều này cũng có nghĩa là Việt Nam phải đối đầu với thử thách lớn hơn, như nguồn ngoại viện ODA giảm dần, cạnh tranh ngày càng gia tăng do việc thảo gở từng bước các biện pháp bảo hộ và giảm mức thuế quan theo qui định của các hiệp ước thương mại thế giới WTO và khu vực AFTA.

Vậy, liệu rằng Việt Nam có thể vượt qua các thách thức mới để duy trì mức tăng trưởng hiện nay?

"Báo cáo Năng lực Cạnh tranh (NLCT)" (2) nhận định: "tăng trưởng trong những thập kỷ qua chủ yếu dựa vào khai thác các lợi thế cạnh tranh sẵn có, nhất là nguồn lao động giá rẻ. Mô hình tăng trưởng này đã đạt tới giới hạn, thể hiện rõ qua mức năng suất thấp và các mất cân đối mang tính cơ cấu của nền kinh tế. Việt Nam sẽ cần phải vượt lên mô hình tăng trưởng hiện tại nếu không muốn bị tắc lại ở mức thu nhập trung bình thấp và phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng cao từ các nền kinh tế mới nổi" (NLCT p.106) 

Sự cộng hưởng giữa việc mất cân đối về cơ cấu trong nền kinh tế và chính sách không ngừng đẩy mạnh mức tăng trưởng, dựa trên nền tảng đầu tư cao, song hiệu quả thấp, khiến các nhà nghiên cứu Báo cáo NLCT quan ngại, cảnh báo "Bất ổn định kinh tế vĩ mô là dấu hiệu nhắc nhở rằng những thành quả tăng trưởng rất mong manh (NLCT p.22). Bất ổn định vĩ mô có thể gây thiệt hại, thậm chí dẫn đến những hậu quả nguy hiểm. Ít nhất, chúng làm cho các nhà đầu tư lo ngại rằng rủi ro của việc đầu tư tăng cao, và điều này ảnh hưởng đến mức tăng trưởng kinh tế. Nghiêm trọng hơn, sự mất cân đối vĩ mô còn có thể làm phát sinh khủng hoảng khi niềm tin bị lung lây khiến Việt Nam mất đi khả năng tiếp cận với nguồn vốn nước ngoài (NLCT p.106). 

"Báo cáo Năng lực Cạnh tranh" lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, ấn hành tháng 11/2010, với sự hợp tác của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam và Học viện Năng lực Cạnh tranh Châu Á của Singapore, dưới sự chỉ đạo của Giáo sư E. Porter và nhóm nghiên cứu của ông tại Học viện Chiến lược và Năng lực Cạnh tranh, Đại học Harvard. Nội dung của Báo cáo NLCT tuy đã từng được thảo luận rộng rãi, song, ở công trình nghiên cứu này, các vấn đề đã được bàn bạc sâu sắc, thẳng thắn; các phân tích, đánh giá được trình bày với logic chặt chẽ và hệ thống. Qua bài viết này, các luận điểm quan trọng trên một số vấn đề then chốt của tập tài liệu sẽ được cô đọng và tổng hợp.


TỔNG QUAN



Tựa đề "Báo cáo Năng lực Cạnh tranh" (Competitiveness) cho thấy trọng tâm của công trình nghiên cứu nhằm đánh giá thực lực và tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam. Phương pháp luận của tập tài liệu 124 trang nguyên bản Anh ngữ (3) xây dựng trên khung phân tích NLCT với yếu tố trung tâm "khái niệm năng suất, động lực cốt lõi dẫn dắt sự thịnh vượng bền vững" (NLCT p.23). 

  1. Trải qua chặng đường hơn hai mươi năm chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung qua định hướng thị trường, Việt Nam đã gặt hái được thành quả đáng kể với mức tăng trưởng GDP khá cao. Song, tiến trình phát triển xuất phát từ khởi điểm thấp, thu nhập GDP đầu người của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực và cộng đồng thế giới. (NLCT p.14)" .

  2. Mặc dù mức tăng trưởng GDP biểu thị sự phát triển của một quốc gia, song sự chuyển dịch của các yếu tố cấu tạo ra sự tăng tưởng, gồm có vốn vật chất (capital input), năng suất lao động và trình độ công nghệ (năng suất tổng hợp TFP) mới thực sự là những chỉ dấu quan trọng thể hiện năng lực cạnh tranh, xu huớng và triển vọng của phát triển của một nền kinh tế.

  3. Sự phát triển và NLCT còn được biểu hiện qua các chỉ dấu gián tiếp qua đầu tư, thương mại quốc tế và đổi mới sáng tạo. Chúng vừa phản ảnh NLCT vừa là nhân tố đóng góp làm tăng NLCT, dấu hiệu của sự thịnh vượng trong tương lai. Song, các chỉ dấu này thường bị ngộ nhận là mục tiêu của chính sách, thay vì bản chất là công cụ chẩn đoán.

    Thành quả của các hoạt động này không nhất thiết là những yếu tố dương, góp phần cho sự phát triển. Chẳng hạn, ảnh hưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với sự phát triển của một nền kinh tế không thể chỉ căn cứ vào con số đầu tư mà còn tùy thuộc vào cơ cấu đầu tư, mức độ lan toả và hội nhập của các doanh nghiệp FDI vào khối doanh nghiệp trong nước. Hoặc "Khi đầu tư diễn ra theo qui luật thị trường, thì đây thường là dấu hiệu và yếu tố đóng góp làm gia tăng NLCT. Nhưng nếu các hoạt động này là do sự can thiệp của nhà nước, chẳng hạn như thông qua trợ cấp đầu tư, thì sự gia tăng đầu tư có thể làm giảm mức độ thịnh vượng (NLCT p.39)"     

  4. Bức tranh NLCT của Việt Nam rõ nét hơn với các phân tích về nền tảng của NLCT, là các yếu tố cốt lõi tạo ra sự phát triển, thịnh vượng. Đó là các lợi thế tự nhiên, NLCT vĩ mô và NLCT vi mô. "Các chỉ dấu này bộc lộ các nguyên nhân gốc rễ các kết quả của các chỉ tiêu nêu trên (NLCT p.24)".   

    Lợi thế tự nhiên bao gồm tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, và quy mô dân số.

    NLCT Vĩ mô xác định bối cảnh chung của các hoạt động kinh tế, bao gồm chất lượng của hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế), thể chế chính trị, và các chính sách vĩ mô (ngân sách, tiền tệ). Chúng không tác động trực tiếp lên năng suất, nhưng tạo điêu kiện cho năng suất được phát huy.

    NLCT vi mô gồm các yếu tố tác động trực tiếp lên năng suất, kết quả của các hoạt động kinh tế, như trình độ phát triển của các doanh nghiệp, các cụm ngành (cluster) và chất lượng môi trường kinh doanh (cạnh tranh, giao thông, thông tin, tài chánh, nhân lực, hành chánh...)    


I. CÁC KẾT QUẢ KINH TẾ

   

A. Các Chỉ dấu Kinh tế:

  1. Tăng trưởng GDP: Biểu đồ sau đây cho thấy mức tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng 6% trong hai thập niên qua, một mức phát triển khá cao, chỉ đứng sau Trung Quốc. GDP bình quân đầu người trong giai đoạn 1984-2009 tăng hơn 3 lần, từ 900 USD vào thời kỳ bắt đầu tiến trình cải cách năm 1986 lên $2956 USD nếu tính theo mãi lực địa phương (PPP), hay $1052 USD theo hối suất chính thức.



  2. Thu nhập Đầu người: Tuy đạt được mức tăng trưởng khá cao, song do tiến trình phát triển của Việt Nam xuất phát từ khởi điểm thấp, thu nhập đầu người của Việt Nam hiện vẫn rất thấp. Năm 2009, GDP theo đầu người PPP của Việt Nam đứng thứ 113 trên thế giới và vẫn giữ khoảng cách khá xa so với và các nước cùng khu vực trong nỗ lực bắt kịp các quốc gia này về phát triển kinh tế, thể hiện trong biểu đồ dưới đây, qua sự so sánh tỷ lệ thu nhập của Việt Nam và các nước khu vực với thu nhập của Hoa Kỳ. Nếu đánh giá vị trí của Việt Nam dựa trên chỉ số tổng hợp, bao gồm mức thu nhập, các dịch vụ giáo dục và y tế, theo như bảng xếp hạng "chỉ số phát triển con người (HDI)", thì Việt Nam cũng ở cùng thứ hạng thấp 113.



  3. Các Yếu tố tạo ra sự Tăng trưởng: Mặc khác, tiềm năng và viễn cảnh của một nền kinh tế không thể chỉ căn cứ trên quá trình tăng trưởng của GDP đã qua, song còn phải xem xét sự chuyển dịch của các yếu tố tạo ra sự tăng trưởng GDP. Trong ba yếu tố cấu tạo này, năng suất tổng hợp công nghệ TFP được xem là "thước đo quan trọng về hiệu quả sử dụng vốn và lao động, bao gồm nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là tiến bộ công nghệ". Bảng phân tích dưới đây cho thấy tỷ trọng đóng góp vào GDP của nhân tố năng suất tổng hợp TFP đạt 44% trong giai đoạn 1990-2000, nhưng giảm xuống còn 26% vào giai đoạn 2000-2008, trong khi đó, tỷ trọng đóng góp của vốn vào tăng trưởng GDP trong cùng giai đoạn lại tăng lên từ 34% lên 53%. So sánh với Trung Quốc, tỷ trọng TFP trên GDP trong thập niên qua đạt 52%, cao hơn Việt Nam gấp hai lần.      



  4. Năng suất lao động tổng hợp: NSLD là chỉ dấu quan trong khác xác định NLCT và triển vọng phát triển, "chìa khoá để duy trì các thành tựu phát triển đạt được". Tốc độ tăng trưởng NSLD trung bình của Việt Nam giai đoạn 1986-2009 là 4,67%, cao hơn ASEAN 3,73%, nhưng kém xa Trung Quốc 7,26%. Tuy nhiên, xuất phát từ khởi điểm thấp, NSLD Việt Nam hiện vẫn thấp, chỉ bằng 40% Thái Lan và 52% Trung Quốc. Nếu phân tích NSLD trong khu vực chế tạo, được coi như là động lực chính nâng cao NSLD, sự so sánh NSLD chế tạo của Việt Nam và các nước trong khu vực với Hoa Kỳ, theo biểu đồ sau đây, thì NSLD chế tạo của Việt Nam còn khiêm tốn hơn nữa (NLCT p.36).    



  5. Điều đáng lưu ý là sự tăng trưởng NSLD của Việt Nam đã đạt được "chủ yếu dựa vào sự chuyển dịch cơ cấu ngành từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ". Sự chuyển dịch này đóng góp đến hai phần ba tăng trưởng NSLD tổng thể, trong khi NSLD nội bộ ngành chỉ đóng góp khoảng một phần ba. Theo Kinh nghiệm của các nước công nghiệp mới (NICs), tăng trưởng NSLD trong ngành mới là nguồn lực chính của tăng trưởng NSLD tổng thể. Ở Nam Hàn, tăng trưởng NSLD nội ngành đóng góp đến 83% trong giai đọan phát triển cao nhất 1963-1973 (NLCT p.37).     

B. Các Chỉ dấu Trung gian:

Đầu tư, thương mại quốc tế và năng lực sáng tạo là các chỉ dấu trung gian vừa phản ảnh NLCT vừa là nhân tố đóng góp làm tăng NLCT, chỉ số dẫn báo sự thịnh vượng trong tương lai. Thông thường, sự tăng trưởng của các hoạt động này dẫn đến sự cải thiện NLCT theo thời gian. Tuy nhiên, sự tăng gia của các hoạt động này không nhất thiết là chỉ dấu của phát triển bền vững và thịnh vượng nếu như nền kinh tế không vận hành theo qui luật thị trường và cơ câu kinh tế bị lệch lạc, mất cân đối.

Các chỉ dấu này cũng thường bị ngộ nhận là mục tiêu chính sách và thành tựu (NLCT p.39).             

  1. Hiệu quả Đầu tư: Đầu tư làm tăng tổng tài sản vốn và thường là dấu hiệu của sự cải thiện năng lực sản xuất. Nhưng để đạt được mức tăng trưởng trung bình 6% trong hai thập niên qua, Việt Nam phải đầu tư vốn với một tỷ lệ trên GDP rất cao so với mức tăng trưởng, từ 18% năm 1990, tăng lên 41.3% năm 2008. Đây là Tỷ lệ đầu tư trên tăng trưởng rất cao nếu so sánh với các nước trong khu vực vào những thập niên qua. Chẳng hạn vào giai đoạn 1961-1980, tỷ lệ đầu tư trên GDP của Nam Hàn, Đài Loan và Thái Lan là 23.3%, 26.2% và 33.3%, tương ứng với mức tăng trưởng GDP 7.9%, 9.7% và 8.1%. Trung Quốc tuy cũng có tỷ lệ đầu tư cao như Việt Nam, nhưng đã đạt mức tăng trưởng cao hơn đáng kể, 9.7% trong giai đoạn 2001-2006 (NLCT p.39).

    Xu hướng sự chuyển dịch của hệ số đầu tư còn là điều đáng quan ngại hơn, hệ số ICOR không những cao hơn (hệ số càng cao hiệu quả đầu tư càng thấp) so với các nước trong khu vực, mà ngày càng tăng dần trong giai đoạn 1996-2008, được thể hiện trong biểu đồ dưới đây. Hệ số ICOR trung bình của Việt Nam 4,8 giai đọan 2000-2008, tăng lên 5,4 giai đoạn 2006-2008. Chỉ số này cao hơn các nước trong vùng vào các thời kỳ chuyển đổi kinh tế. Chẳng hạn, hệ số ICOR của như Đài Loan và Nam Hàn 2,7 và 3 giai đoạn 1961-1980, Thái Lan 4,1 (1981-1995) và Trung Quốc 4,0 (2001-2006) (NCLT p.40).    



  2. Đầu tư Công: Số lượng và hiệu quả đầu tư công có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả đầu tư chung của nền kinh tế Việt Nam. Vốn đầu tư công đến từ nguồn ngân sách, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tín dụng và các nguồn khác, trong đó, hai nguồn đầu tiên chiếm tới 3/4 tổng số đầu tư công. Biểu đồ dưới đây cho thấy đầu tư công không ngừng gia tăng, chỉ giảm vào năm 2008 nhằm khống chế lạm phát bộc phát mạnh. Do khối lượng đầu tư công chiếm tới 49% trên tổng số đầu tư giai đoạn 1995-2008 và hệ số ICOR của khu vực công cao gấp rưỡi hệ số ICOR chung của nền kinh tế, hiệu quả đầu tư của khu vực công đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến NLCT của nền kinh tế Việt Nam (NLCT  p.40).   



  3. Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài (FDI): là nguồn vốn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tỷ lệ FDI trên GDP của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực, trong khi nguồn tiết kiệm trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư, "điều này cho thấy nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài".

    Song, các số liệu nghiên cứu cho thấy tỷ lệ giữa FDI thực hiện và đăng ký ngày càng giảm, từ 73,5% giai đoạn 1997-2004, giảm xuống còn 40% 2006-2008. Sự cách biệt này là hậu quả của sự nhấn mạnh thái quá vào "thành tích" vốn đăng ký, dẫn đến tình trạng báo cáo khuyếch đại của các địa phương, và tình trạng " xí chỗ đầu cơ", cũng như các khó khăn trong việc thực hiện dự án đầu tư.

    Điểm đáng lưu ý là mặc dù "khu vực chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số vốn FDI đăng ký, song mức giải ngân thực tế chỉ chiếm 30%" tổng số vốn thực hiện giai đoạn 1988-2007, thể hiện những các khó khăn trong việc thực hiện dự án và lợi nhuận (thấp) của khu vực biến chế, chế tạo so với các ngành dịch vụ và bất động sản (NLCT p.42).


     

  4. Cơ cấu FDI: Sự chuyển dịch cơ cấu FDI dần sang các lĩnh vực bất động, đầu cơ và các ngành thâm dụng lao động là chỉ dấu đáng quan ngại khác. Sự chuyển dịch này được biểu hiện qua tỷ lệ gia tăng lao động của khu vực FDI cao hơn tỷ lệ gia tăng về số lượng doanh nghiệp FDI và vốn cố định FDI. Trong giai đọan 1988-2009, tỷ lệ vốn FDI khu vực biến chế, chế tạo chiếm 45.6%. Song, năm 2009 tỷ lệ khu vực này chỉ đạt 17%, so với 34% bất động sản, và 40% khách sạn, nhà hàng.   

    Sự chuyển dịch trên phản ảnh lợi thế giá lao động rẻ và sự loại bỏ dần các biện pháp bảo hộ ở một số ngành sản xuất thay thế nhập cảng được vốn FDI tập trung trong giai đoạn đầu phát triển (NLCD p. 43, 94)    

  5. Tác động Lan toả FDI: Các phân tích cũng cho thấy ít có dấu hiệu của tác động lan toả tích cực và mối liên kết giữa khu vực FDI với nền kinh tế trong nước. Nói một cách khác, ảnh hưởng của FDI như là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế trong nước rất thấp. Thứ nhất, tuy vốn FDI tăng theo thời gian, song hàm lượng công nghệ thấp. Theo cuộc điều tra trình độ công nghệ của các doanh nghiệp FDI tại thành phố HCM - một trong hai đầu tàu của các doanh nghiệp FDI, đến đầu năm 2009 chỉ có ba doanh nghiệp được xếp loại là doanh nghiệp công nghiệp cao trong tổng số các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại 3 khu chế xuất và 12 khu công nghiệp của thành phố.

    Thứ nữa, trình độ lao động thấp và năng lực công nghiệp yếu kém của các doanh nghiệp trong nước và sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp này với các doanh nghiệp FDI là những rào cản cho quá trình chuyển giao công nghệ thông qua FDI tại Việt Nam. Theo cuộc điều tra về NLCT cấp tỉnh năm 2009, chỉ có 6,9% doanh nghiệp tư nhân có khách hàng chính là doanh nghiệp FDI, 15% có khách hàng chính là DNNN, và 59% có khách hàng chính là các doanh nghiệp tư nhân khác (NLCT p.45).  

  6. Thương mại Quốc tế: Thương mại Quốc tế có thể đóng góp vào sự thịnh vượng thông qua sự tiếp cận với thị trường thế giới, thúc đẩy cạnh tranh và chuyên môn hóa các lĩnh vực mà nền kinh tế có lợi thế cạnh tranh.

    Việt Nam có tỷ lệ xuất khẩu trên GDP cao hơn hầu hết các nước trong khu vực và có mức tăng trưởng xuất khẩu nhanh, với kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 2000-2008, đạt 62,8 tỷ USD năm 2009. Tuy nhiên, do xuất phát từ khởi điểm thấp, thị phần của Việt Nam hiện chỉ bằng khoảng 1/2 của Indonesia và 1/3 của Thái Lan và Malaysia.

    Mặc dù tốc độ tăng trưởng các mặt hàng chế tác của Việt Nam tăng mạnh tương đương với Trung quốc, 25% giai đoạn 2000-2008, song hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là các sản phẩm thâm dụng lao động với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng thấp, và các sản phẩm nông nghiệp. Chẳng hạn, các nhóm hàng may mặc thời trang chiếm đến 70% giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế tác.

    Số liệu trên biểu đồ dưới đây cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu về hàm lượng công nghiệp trong các sản phẩm chế tác xuất khẩu của Việt Nam trong thập niên qua diễn ra rất chậm, với các mặt hàng công nghệ thấp năm 2008 chiếm đến 67.1% trên tổng số kim ngạch xuất khẩu, so với tỷ trọng 33% của Trung Quốc (NLCT p.47).   



    Tính đa dạng về thị trường và sản phẩm là khía cạnh quan trọng khác của ngành xuất khẩu. Việt Nam đạt được một thị trường xuất khẩu đa dạng chỉ đứng sau Trung Quốc trong khu vực. Song, tính đa dạng về sản phẩm tuy được cải thiện dần trong thập niên qua vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Điều này thể hiện qua tỷ trọng của 5 sản phẩm chế tác xuất khẩu lớn nhất trong tổng kim ngạch hàng chế tác xuất khẩu năm 2008 của Việt Nam chiếm 43%, so với Malaysia 42%, Thái Lan 28% và Trung Quốc 26%. Việt Nam cũng đang tập trung trên một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực mà nhu cầu trên thị trường quốc tế đang bảo hòa hay sụt giảm, chẳng hạn như mức tăng trưởng của nhu cầu quần áo may mặc khá thấp so với các mặt hàng khác (NLCT p.49).     

  7. Nhập khẩu: Từ năm 2006, nhập khẩu tăng mạnh với mức gia tăng hàng năm trung bình 30,2% giai đoạn 2006-2008. Mức gia tăng nhập khẩu nhanh hơn mức tăng trưởng xuất khẩu đã dẫn đến thâm hụt mậu dịch ngày càng lớn, từ 4,5% GDP năm 2006 lên 11,9% năm 2009. Sự gia tăng nhanh chóng của tỷ trọng nhập khẩu của từ Trung Quốc, từ 15% năm 2005 lên 23% trên tổng số kim ngạch nhập khẩu khiến thâm hụt thương mại với Trung Quốc không ngừng gia tăng.



    Việc phân loại sản phẩm nhập khẩu cho thấy các mặt hàng đầu vào phục vụ cho sản xuất và xây dụng chiếm đến 90% tổng số kim ngạch nhập khẩu năm 2009. Điều này phản ảnh "sự lệ thuộc lớn của nền kinh tế Việt Nam vào nguồn vật liệu và thiết bị nhập khẩu" để phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo.   

    Tỷ lệ hàng tiệu dụng vẫn chiếm tỷ trọng tương đối thấp và tăng nhẹ từ 6% năm 2000 lên 10% năm 2009. Song, các mặc hàng ô tô, xe máy, xa xỉ tăng mạnh, chiếm đến 50% hàng tiêu dùng là xu hướng đáng lo ngại vì đây là những mặt hàng không phục vụ cho khu vực sản xuất, tạo thêm áp lực cho cán cân thương mại vốn đang bị thâm hụt (NLCT p.51).

***

Trong phần II, nền tảng năng lực cạnh tranh bao gồm các yếu tố cốt lõi tạo ra sự phát triển và thịnh vượng, như các lợi thế tự nhiên, năng lực cạnh tranh vĩ mô và năng lực cạnh tranh vi mô sẽ được phân tích, nhằm tách bạch các nguyên nhân gốc rễ của các kết quả kinh tế nêu trên.


Trần Bình

tháng 4/2011


Xem Phần II

(1) Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Việt Nam tháng 12/2010  Word Bank

(2) Vietnam Competitiveness Report 2010  Harvard - Central Institute for Economic Management

(3) Cần lưu ý trong bản thảo tiếng Việt, nhiều biểu đồ được sửa lại, hoán đổi vị trí của Việt Nam với các nước có trình độ cao hơn, như Thái Lan, hoặc Singapore.  

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss