Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Kinh tế VN : chống lạm phát phải là mục tiêu hàng đầu

Kinh tế VN : chống lạm phát phải là mục tiêu hàng đầu

- Vũ Quang Việt — published 26/08/2007 23:37, cập nhật lần cuối 27/08/2007 20:39
Bình luận của Vũ Quang Việt (Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, New York)

Kinh tế Việt Nam

Tại sao chống lạm phát

phải là mục tiêu hàng đầu ?


Vũ Quang Việt

I. Phải thay đổi quan điểm về lạm phát


Tại sao cần bình luận về lạm phát khi đã có nhiều người nói về nó. Có hai lý do. Lý do thứ nhất, cực kỳ quan trọng nhưng lại ít được nói tới, là ảnh hưởng của lạm phát tới sự ổn định và công bằng xã hội. Lý do thứ hai là cần làm sáng tỏ thêm nguyên nhân gây ra lạm phát. Chỉ có thế may ra mới trừ khử được lạm phát trong tương lai.


Nếu tính từ năm 2004 đến nay, tức là trong vòng 4 năm, lạm phát đã là 35,3% và trong vòng 2 năm nay, lạm phát là 15,5% (chỉ tính tới tháng 7 năm 2007). Như vậy là thu nhập của 22 triệu người lao động ăn lương đã mất đi sức mua cùng một tỷ lệ như trên vì lạm phát. Khi lạm phát càng cao, để bảo vệ mình, người lao động sẽ tích cực đòi tăng lương, kể cả đình công. Thí dụ trong 3 tháng đầu năm 2006, có 193 cuộc đình công, cao hơn 119 cuộc đình công cả năm 2003. Việc tăng lương không do tăng năng suất lại tạo ra vòng xoáy tăng giá.


Khi lạm phát cao, dân chúng phải tự bảo vệ mình bằng nhiều cách. Chẳng hạn năm nay, giá đã tăng 8,3% mà lãi suất bỏ ngân hàng chỉ có 3,9% một năm thì rồi ai cũng thấy dại bỏ tiền vào ngân hàng. Có thể họ sẽ mua vàng. So với năm 2005 thì giá vàng đã tăng 53%, lợi hơn nhiều so với 16,5% lãi ngân hàng nếu tính dựa vào lãi suất hiện nay. Còn người giầu, chắc là họ sẽ vơ vét mua bất động sản. Chỉ có người dân sống bằng đồng lương còm cõi và cố định là khốn khổ. Không lẽ thay vì khuyến khích để dành, tạo vốn cho đầu tư phát triển kinh tế, nhà nước lại muốn người dân ký cóp tiền một cách vô dụng như thế.


Lạm phát cao như hiện nay cũng không giúp gì cho phát triển dài lâu, nhất là khi nó tạo ra thiếu vốn đầu tư, đầu cơ vàng bạc và thị trường nhà đất. Ngoài trừ một số công ty lớn có khả năng thay đổi giá bằng hợp đồng để tự bảo vệ mình, hầu hết là các nhà buôn bán vừa và nhỏ sẽ chịu chết vì giá tăng và dễ dàng phá sản. Lạm phát lớn mà lại đòi tốc độ phát triển cao thì chỉ là giấc mộng hão huyền. Cho rằng miễn là tốc độ phát triển cao hơn lạm phát là được ? Thì cứ cho là như vậy đi, nhưng ai là người trả giá cho lạm phát ? Phải chăng là những người lao động còm cõi, phải cố bươn chãi để có đủ tiền đóng học phí cho con, còn nhà nước thì cứ nằng nặc đòi xã hội hoá?


Tôi rất đồng ý với các nhà kinh tế đã nhận định là ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào lạm phát có nguyên nhân in tiền nhiều quá. Tại sao lại in tiền nhiều ? Vì nhà nước chi nhiều hơn số thuế thu được. Nếu như nhà nước phát hành trái phiếu và bán cho dân để mượn tiền tiêu thì không có vấn đề. Vấn đề là nhà nước bắt ông Ngân hàng Nhà nước mua trái phiếu. Điều này có nghĩa là bắt NHNN in tiền. Tiền nhiều hơn hàng làm ra thì tất phải lạm phát. Thời chống lạm phát cuối những năm 1980, hầu hết mọi người trong chính phủ đều cho rằng phải tăng năng suất, phải tăng cung để giảm lạm phát. Tôi đã đặt cho các bạn ấy một câu hỏi. Thế khả năng tăng sản xuất thật một năm là bao nhiêu ? Cao nhất như Trung Quốc thì cũng chỉ 10-15% là cùng, nhưng các ông lại đang tăng tiền tới cả vài trăm phần trăm một năm. Các ông có tăng sản xuất nổi vài trăm phần trăm một năm không ?


Kinh nghiệm chống lạm phát ở Việt Nam không phải là zero, nhưng quan điểm cũ vẫn cứ tồn tại. Thí dụ quyết định của chính phủ (Chỉ thị 18/2007/CT-TTg), chỉ thị các bộ rà soát, bổ sung, sửa đổi ngay các thủ tục hành chính gây ách tắc trong việc giải ngân vốn cho các công trình xây dựng cơ bản, giảm thuế nhập khẩu hợp lý ; tính toán giảm giá bán xăng trong nước khi giá xăng trên thị trường thế giới giảm... lập nhóm công tác liên ngành hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp triển khai nhanh thủ tục cho các dự án, công trình xây dựng cơ bản... Lại trở lại đúng luận điểm ngày xưa. Tăng cung để chống lạm phát. Không biết cái gì gây ách tắc, nhưng nếu chúng là những thủ tục xây dựng, đánh giá, kiểm tra dự án cần thiết, thì việc xoá bỏ để tăng cường mức đầu tư nhằm có tốc độ phát triển kinh tế cao và lạm phát thấp sẽ đưa chất lượng công trình về đâu ?


Lại còn vừa giảm thuế, vừa giảm giá. Giảm giá xăng tức là tăng chi bù lỗ. Giảm thuế tức là giảm thu ngân sách. Nghe nói chỉ việc giảm thuế đã làm thu ngân sách giảm 1 tỷ đô la. Nhà nước lấy tiền đâu để bù vào thiếu hụt ? In tiền ? Mượn nước ngoài ?


II. Chống lạm phát khi thị trường mở ra với thế giới

Phần trước đã nói về tác hại của lạm phát đối với thị trường nội địa. Phần này phân tích về tác hại khi thị trường mở ra với thế giới.

Để hiểu kỹ hơn, chúng ta cần nhức đầu một tí về cái gọi là giá trị thật của đồng nội tệ.

Thực tế là 4 năm qua tiền đồng đã lên giá 13% so với đô la Mỹ. Oái oăm là trên danh nghĩa đồng đô la lên giá vì một đô la Mỹ năm 2003 đổi được 15 514 đồng, nhưng đến năm 2007 lại đổi được 16 240 đồng. Nhưng trên thực tế do lạm phát ở Việt Nam cao hơn nhiều so với Mỹ, giá trị thực của đồng đô la ở Việt Nam đã mất giá. Đây là cách tính. Một đô la năm 2003 có sức mua tương đương với  1,12 đô la bây giờ do lạm phát ở Mỹ, tức là tương đương với 18 189 đồng VN bây giờ. Do lạm phát tới 35,3% ở Việt Nam, 18.189 đồng bây giờ chỉ tương đương sức mua của 13.443 đồng VN năm 2003. Nếu so với sức mua là 15 154 năm 2003 thì đồng đô la năm 2007 chỉ còn 89% giá trị hay nói khác đi là đồng Việt Nam lên giá 13% trong vòng 4 năm.

Tình trạng đô la xuống giá đã khuyến khích nhập khẩu và đồng Việt Nam lên giá hạn chế xuất khẩu. Hai năm trước tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu. 7 tháng đầu năm 2007, nhập khẩu đã tăng 29,6% so với 19,6% tăng xuất khẩu.  Thiếu hụt cán cân ngoại thương gồm cả hàng hoá và dịch vụ có khả năng tăng từ 2,3 tỷ năm 2003 lên tới 8 tỷ năm nay. Số ngoại tệ cần thiết có thể đến 10 tỷ vì khoảng 2 tỷ là dùng để trả lãi và lợi nhuận nước ngoài. Số tiền kiều bào và lao động nước ngoài gửi về có thể lên tới 4 tỷ thì 6 tỷ còn lại phải là từ đầu tư trực tiếp, gián tiếp hoặc vay mượn nưóc ngoài. Nếu đầu tư trực tiếp là 3 tỷ thì đầu tư gián tiếp vào thị trường cổ phiếu và cho vay là 3 tỷ.  Mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài không phải là nợ vay phải trả khi đến hạn nhưng về mặt kinh tế nó vẫn là cái sẽ phải trả.

Khác với đầu tư trực tiếp khó rút ra vì muốn rút phải bán doanh nghiệp, đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán có thế rút ra dễ dàng vì chỉ cần bán cổ phiếu, đổi thành tiền đô la và gửi ra nước ngoài. Giới đầu tư nước ngoài ở thị trường cổ phiếu có thể rút chạy hàng loạt khi kinh tế khủng hoảng, và như thế có thể đẩy nền kinh tế đến chỗ khủng hoảng toàn diện. Điều này đã xảy ra với rất nhiều nước, nhất là ở các nước Nam Mỹ và xảy ra năm 1997 ở Á châu, đưa đến sự sụp đổ của chế độ Suharto ở Indonesia. GDP bình quân đầu nguời của Indonesia giảm từ $1242 năm 1996 xuống còn $749 năm 2001. Hy vọng là giới chức trách Việt Nam đã sửa soạn sẵn các hành vi cần thiết để đối phó khi cần. Tất nhiên cả biện pháp kinh tế và phi kinh tế.

Về biện pháp kinh tế, để tạo khả năng đối phó với việc tài chính nước ngoài bỏ chạy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải từng bước xây dựng quỹ dự trữ ngoại tệ, đủ khả năng chi trả nếu vốn nước ngoài ở thị trường chứng khoán rút ra. (Do đó việc nắm thông tin cập nhật về giá trị cổ phiếu người nước ngoài có trên thị trường chứng khoán là rất quan trọng).

Mua ngoại tệ dự trữ là điều dễ thấy như NHNN đang làm. Nhưng mua dự trữ có tác dụng tăng trực tiếp lượng tiền đồng trên thị trường và đẩy mạnh lạm phát nếu như không có biện pháp thu hút tiền đồng trở lại NHNN và triệt tiêu chúng. Nói triệt tiêu là nói đến hai việc. Ngoại tệ dự trữ phải đem đầu tư ngắn hạn ở nước ngoài (để có thể rút ra ngay khi cần). Tiền đồng phải rút về phải bằng cách bán trái phiếu cho dân và ngân hàng thương mại. Tiền này không thể đem cho vay hoặc mua trái phiếu nhà nước vì như vậy là đẩy tiền trở lại thị trường. NHNN phải giữ tiền và chịu lỗ trả lãi. Khi làm thế, NHNN lỗ và ngân sách bù lỗ là chuyện bình thường vì đó là vai trò điều tiết của NHNN và nhà nước nói chung.

Cho nên có thể kết luận là chống lạm phát phải là mục tiêu hàng đầu để ổn định kinh tế, tài chính và chính trị, tức là ổn định xã hội. Không thể cho rằng nền kinh tế ổn định khi lạm phát vượt 5-6% một năm. Nhiều xã hội đã phải trả giá rất cao khi lạm phát vượt tầm kiểm soát.

Vũ Quang Việt

CHÚ THÍCH CỦA TOÀ SOẠN

Hai phần của bài này đã được đăng trên báo Lao Động (số 197, ngày 25.8, và số 198, ngày 27.8.2007). 

Chúng tôi đăng toàn văn bài viết theo bản của tác giả.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss