Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Kỷ niệm 100 năm ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC

Kỷ niệm 100 năm ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC

- Phạm Toàn — published 18/05/2007 01:32, cập nhật lần cuối 20/05/2007 14:25
Nhân dịp kỉ niệm 100 Đông Kinh Nghĩa Thục, một cuộc hội thảo đã được tổ chức ngày 17 tháng 5-2007. Dưới đây là bài tham luận không được đọc tại cuộc họp. Tác giả Phạm Toàn là một nhà nghiên cứu giáo dục


Đông Kinh Nghĩa thục
và những điều kiện
Hiện đại hoá

 

PHẠM TOÀN

 

1.

Hôm nay đây, ở nơi còn mang hơi hướng Nguyễn Văn Tố, một bậc túc Nho lại cũng là người viết văn bằng tiếng Pháp du dương như viết bằng tiếng mẹ đẻ, xin phép được trích dẫn đôi lời Nguyễn Văn Tố (1) nói về một chí sĩ – cũng là nói về các cụ Đông Kinh Nghĩa thục :

Nguyễn Hữu Cầu nói : « Cái dân tộc trẻ trung thoắt cái đã bốn ngàn năm tuổi này đang thiếu một lý tưởng. Tức là nó đang thiếu một đức tin vào truyền thống của tổ quốc và đang thiếu cái ý thức của những con người tĩnh tâm về sứ mệnh của mình trong lịch sử và văn minh Đông Dương – gọi là đức tin hoặc gọi là ý thức cũng được, là những cái duy nhất làm cho một dân tộc đứng vững trong tương lai ». […]

Nhưng mạnh về vật chất là chưa đủ, cái nước Việt Nam theo quan niệm của Nguyễn Hữu Cầu còn phải mạnh về trí tuệ: hơn cả những gì đã đạt trong sự nghiệp tinh thần, còn phải thành tựu cả trong phẩm cách như một dấu ấn riêng của mình. Ông thường nói với học trò : « Tự do này, độc lập này mà đồng bào ta vừa giành lại, chúng ta phải gìn giữ trong lĩnh vực tinh thần. Các dân tộc trường tồn chính là nhờ có thành tựu nghệ thuật và khoa học. Chúng ta cần dõng dạc và hào hùng tự khẳng định mình trong tư cách một dân tộc. »

Đó là lời dặn dò của cụ Nguyễn Hữu Cầu – suy ra cũng là những lời dặn dò Đông Kinh Nghĩa thục.

   

2. 

Thế nhưng, nay ta thử giả định chuyện sau : thực dân Pháp không đàn áp Đông Kinh Nghĩa Thục, cụ Nguyễn Hữu Cầu cùng các chí sĩ khác không bị tù đầy, các cụ đàng hoàng ở thủ đô không ra Côn Đảo đập đá, ngôi trường ban đầu từ nhà riêng cụ Lương Văn Can với bảy chục học trò được phát triển rộng khắp… nghĩa là giả sử mọi việc đều trơn tru, thì chỉ như thế đã đủ điều kiện hiện đại hoá đất nước không ?

Đó không hề là câu hỏi lẩm cẩm. Vì hiện nay, nói cho đúng ra là mấy chục năm nay, chúng ta đã có và đang có đầy đủ, có thể nói là hơn mức đầy đủ nữa về những phương tiện, lại có cả một không khí xã hội hăm hở đòi hỏi và chắt bóp đóng góp cho cả nước thành một ngôi Nghĩa Thục vĩ đại ! Ấy thế mà, xin hãy nghĩ lại đi, vì sao bây giờ chính ngành Giáo dục ấy lại đưa ra cái khẩu hiệu Nói không với tiêu cực? Chưa kể là, dù cho có thể nhất trí cùng thét to « Không » với cái tiêu cực, nhưng liệu đã biết đường mà nói « Có » với cái gì thay thế vào chỗ trống kia chưa ?

Hoá ra, lại phải quay trở về với khái niệm hiện đại hoá, để có một định nghĩa không cốt thoả mãn thói tầm chương trích cú, mà là một định nghĩa dắt dẫn cho một cách làm.

Các cụ Đông Kinh Nghĩa thục khi xưa nghĩ đến hiện đại hoá đất nước bằng tấm gương Nhật Bản. Nhưng nào đâu trong một đêm mà có nổi một nước Nhật Bản hiện đại như trong mơ ?

Nhà báo Pháp Robert Guillain (2), trong cuốn sách xuất bản năm 1968 kỷ niệm 100 năm nước Nhật hiện đại hóa đã kể là, vào năm 1864, vua Meiji nước Nhật bắt đầu công cuộc "học phương Tây" dẫn nước Phù Tang này đi vào hiện đại hóa và công nghiệp hóa, khi đó nước Nhật mới chỉ có vài chục kilômet đường sắt. Bữa khánh thành đường sắt, khi bước vào toa xe, các bậc chức sắc còn ngỡ là phải trụt dép để cả bên ngoài sân ga, đến nỗi khi vào cố cung thì ai ai cũng đi chân trần. Còn các mệnh phụ phu nhân thì mặc áo trong, áo ngoài xù xù, sau đó mãi tận ngoài cùng còn đeo toòng teng thêm một thứ "áo" quý báu chắc là mới được các sứ thần châu Âu tặng, gọi bằng cái "xú-chiêng".

Chuyện đi chân trần và khoác “xử tiên” vào cố cung yết kiến người khai sinh ra đổi mới ở Nhật Bản năm 1868 là bình thường nếu ta nhớ lại là ở một quốc gia vĩ đại không kém cũng có vô số mệnh phụ mặc váy ngủ ra đường, thậm chí lẻ tẻ có cả ca sĩ mặc váy ngủ lên sàn diễn. Sự kiện tức cười đó buộc ta phải xác định các bước đi cho hiện đại hoá theo chiều sâu văn hoá.

Muốn đất nước hiện đại hoá, chỉ hô khẩu hiệu thôi không đủ, mà xuất phát từ khởi điểm số không của một đất nước nghèo nàn và lạc hậu, thì cần đến hai điều kiện tiên quyết.

Điều kiện thứ nhất là phải có bậc đại nhân đại trí lãnh đạo để mở cửa đất nước đúng hướng. Mở cửa ra phía nào? Mở ra phía nào có được cái tinh thần và cách lao động hiện đại hoá. Năm 1868, vua Meiji nước Nhật là một bậc đại anh minh đó. Rõ ràng là một tư tưởng mở cửa Nhật Bản khi đó hơn hẳn cái con người cũng đứng đầu một đất nước nhưng lại không tin là trên đời này có nổi một thứ « ngọn đèn treo ngược » ! Và « mở cửa » thì cũng phải biết hướng cửa mở : nước Nhật của vua Meiji không mở sang phía Trung Hoa, cũng chẳng mở sang nước Nga Xa-hoàng, mà nó mở vào chỗ đáng mở: phương Tây, mặc dù trong nước vẫn có tư tưởng bài phương Tây (hệt như ở ta : chống lại lũ « Tây dương ngoại quỷ »). Nhưng mở cửa sang phía Tây là mở vào một nền sản xuất mới, khác hẳn về bản chất với nền sản xuất của phương Đông cổ lỗ, tiểu nông.

Nhưng lại gỉả sử tiếp theo cái ông vua anh minh nào đó, liệu có thể có được nhiều ông vua khác giỏi như thế hoặc hơn thế, hay là lại gặp những phần tử kém cỏi hơn, hèn yếu hơn, dốt nát hơn ? Vậy, cái gì sẽ bảo đảm cho sự hiện đại hoá được bền vững đến nơi đến chốn ? Câu giải đáp chỉ có thể là: chính sự công nghiệp hoá sẽ nuôi công cuộc hiện đại hoá khiến cho tiến trình ấy không thể đảo ngược.

Ta sẽ thấy một điều kiện thứ hai vô cùng quan trọng ấy là cuộc cách mạng trong công nghiệp đem lại cho loài người cái gì quý hơn cả những sản vật công nghiệp. Nhà Nghĩa Thục cần thấy chính nền công nghiệp mới tạo ra nổi một tư duy mới, tư duy công nghiệp, cái tư duy không sinh ra nhờ những lời khuyên chi hồ giả giã, mà sinh ra bằng hành vi công nghiệp hoá. Không chỉ tư duy trong sản xuất công nghiệp, thời đại công nghiệp hóa đề ra yêu cầu xít xao phổ biến về tư duy mới trên mọi mặt hoạt động. Ngay trò chơi cho trẻ em cũng phải mang dấu ấn huấn luyện tư duy mới ! Những đồ dùng dạy học cũng không thể chỉ là đem tiền đi mua nhựa đùn ra những chữ số và những con chữ rất xa với việc xây dựng tư duy mới cho con em Việt Nam Nghĩa thục.

Cần một tư duy công nghiệp. Cái tư duy công nghiệp khiến con người thành con người hiện đại, với những yếu tố tư duy thay đổi hoàn toàn. Về sản xuất, tư duy công nghiệp thay thế lối sản xuất cầu may bằng lối sản xuất có thiết kế sẵn, và tạo ra một thứ kỷ luật sản xuất không dựa trên roi vọt, mà là kỷ luật tự giác dựa trên sự hợp tác với nhau về kỹ thuật mà nếu thiếu đi một khâu trong chuỗi công nghệ thì sẽ không biến được các bán thành phẩm thành ra sản phẩm cuối cùng.

Như vậy là một ông Meiji anh minh có thể chết đi, cuộc sống cũng chẳng cần lắm đến ông sau cũng anh minh ngang thế hoặc hơn thế. Chính nền sản xuất công nghiệp sẽ thành kẻ lãnh tụ vô hình dắt dẫn con người.

   

3.

Và thế là bây giờ ta có thể có một định nghĩa cô đúc thế nào là hiện đại hoá. Hiện đại hoá là thành tựu xã hội cả về vật chất và tinh thần thấm đến cuộc sống của từng công dân, cái thành tựu được bảo đảm bằng công cuộc công nghiệp hoá và bằng một tư duy công nghiệp hoá.

Hiện đại hoá như vậy sẽ không phải là bắt chước ai, chẳng “ theo Tây ” mà cũng chẳng “ Âu-Mỹ hoá ” về bề ngoài, mà đó là một nền văn hoá (3) có cái mặt bằng là nền sản xuất công nghiệp hoá. Nếu không tự tay mình làm nên nền văn hoá hiện đại hoá, thì có mô tô cũng chỉ biết đem ra đua xe, có giàn âm thanh cũng chỉ để đem ra “ lắc ”, có tiền tham nhũng ê hề cũng chỉ để đem đi đánh bạc… Chỉ đến trình độ ấy, thì đất nước có thể nhiều của cải vật chất, nhưng giàu mà vẫn không mạnh. Vật chất ấy chỉ như nấm mọc sau một trận mưa, không giống như nền văn hoá của cánh rừng già cả trăm năm nghìn năm sâu rễ bền gốc.

Hiện đại hoá phải là những thành tựu chứa đựng cả hai mặt vật chất và tinh thần – mặt vật chất là những phương tiện giúp con người sống sung sướng hơn, và mặt tinh thần là một phương cách tư duy tương ứng – như thế đã đành. Thành tựu đó lại phải thấm đẫm vào từng người dân, chứ không thể chỉ là “phúc lợi” hạn hẹp cho những người vì lý do nào đó mà chui lọt vào “tầng lớp tinh hoa”. Một cuộc sống muốn được hiện đại hoá triệt để thì cần có các yếu tố tự do, dân chủ, pháp chế hết sức rành mạch, công khai, minh bạch. Ba yếu tố xã hội vừa kể là điều không thể thiếu để cuộc sống công nghiệp hoá được hoạt động trơn tru và nó có hoạt động trơn tru thì mới có cuộc sống hiện đại hoá triệt để.

Nay, nghĩ lại lời dặn dò của cụ cử Nguyễn Hữu Cầu của Đông Kinh Nghĩa thục, ta nhớ đến một lời dặn phải hiện đại hoá dân tộc này, một dân tộc… mạnh về vật chất là chưa đủ, cái nước Việt Nam theo quan niệm của Nguyễn Hữu Cầu còn phải mạnh về trí tuệ: hơn cả những gì đã đạt trong sự nghiệp tinh thần, còn phải thành tựu cả trong phẩm cách như một dấu ấn riêng của mình. Nhưng ta cần nghĩ thêm về giải pháp hiện đại hoá mà vào lúc đó các cụ tiền bối mới mang máng trong đầu chứ chưa thực sự trải nghiệm.


Hà Nội, tháng 5-2007

Phạm Toàn



(1) Báo Le peuple Hà Nội, ngày 4 tháng 8-1946.

(2) Robert Guillain, Japon, troisième Grand, (Nhật Bản, cường quốc thứ ba), Seuil xuất bản, Paris, 1969

(3) Xin tham khảo khái niệm “Văn hoá” của cùng người viết trên Tia sáng số tháng 7-2005, trong đó định nghĩa vắn tắt như sau : Văn hoá là cái khác với tự nhiên. Diễn giải mệnh đề đó như sau : một quả núi để nguyên con người không đụng tới, thì đó là quả núi tự nhiên hoang dã. Nhưng có bàn tay người, thì sẽ có “ văn hoá nương rẫy ” hoặc có khi có cả “ văn hoá sinh thái-du lịch ”… Một con sông Hồng để tự nhiên thì đó chỉ là con sông hoang dã. Nhưng có bàn tay con người chạm vào, thì sẽ có “ văn hoá lúa nước ”, “ văn hoá làng xã ”… vùng đồng bằng sông Hồng.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss